Đáng sợ “vòi bạch tuộc”đa cấp: Tiếp tục tìm nạn nhân của Công ty Liên kết Việt
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an vẫn đang khẩn trương tiến hành điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phân Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên kết Việt) do Lê Xuân Giang làm Chủ tịch HĐQT.
Tính đến thời điểm hiện tại Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an xác định đã có khoảng 60.000 người là bị hại của Công ty Liên kết Việt. Tổng số tiền Lê Xuân Giang và Công ty Liên kết Việt đã thu trên các tài khoản tại các ngân hàng ước tính khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng số tiền dùng để kinh doanh mua bán hàng hóa trị giá là 9,6 tỷ đồng, số tiền còn lại được các đối tượng dùng để chi trả hoa hồng và chiếm đoạt.
Lợi dụng việc được cấp phép để bán hàng đa cấp, Lê Xuân Giang và đồng bọn đã thực hiện các hành vi gian dối. Các đối tượng đã soạn thảo, ký và đóng dấu khống 2 loại hợp đồng, gồm: Hợp đồng hợp tác bán hàng và Hợp đồng phân phối, không đúng với mẫu hợp đồng và nội dung đã đăng ký gửi Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương. Những giấy tờ được “chế biến” này sau đó được Công ty Liên kết Việt chuyển cho các chi nhánh, văn phòng và đại lý tuyên truyền, vận động người dân đến ký hợp đồng làm cộng tác viên bán hàng hoặc người tham gia (nhà phân phối) để thu tiền trái quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp.
Lê Xuân Giang (mặc quân phục giả mạo) và đồng bọn đã làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ rồi tổ chức lễ đón nhận rình rang
Lê Xuân Giang và đồng bọn còn mạo danh Công ty Liên kết Việt trực thuộc Bộ Quốc phòng để quảng cáo thuyết trình nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không đúng thực tế; làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các đối tượng sau đó tổ chức đón nhận Bằng khen rầm rộ để người tham gia và cộng tác viên tin tưởng nộp tiền cho công ty. Ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền quảng cáo nhiều chương trình khuyến mại, trả hoa hồng, tiền thưởng rất cao để người tham gia mua mã hàng, lôi kéo nhiều người thân cùng tham gia nộp tiền để chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an, tại TP Hà Nội, Công ty Liên kết Việt có 4 Văn phòng đại diện và 2 đại lý ký gửi hàng hóa. Cụ thể những Văn phòng đại diện và đại lý ký gửi hàng hóa này có địa chỉ tại: tầng 4, Tòa nhà 29T1 Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; tổ 50 đường La Thành, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây; thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín; xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất; cụm 8 thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ.
Video đang HOT
Để tạo điều kiện cho công tác điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định ủy thác điều tra cho Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội điều tra làm rõ tổng số người bị hại, tổng số tiền bị chiếm đoạt, làm rõ hành vi, thủ đoạn (đồng phạm) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng có liên quan.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra – CATP Hà Nội đang tiến hành tiếp nhận đơn tố cáo từ người bị hại của Công ty Liên kết Việt, đồng thời ghi lời khai của các đối tượng Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Thị Thanh – Trưởng Văn phòng huyện Đông Anh, Nguyễn Văn Nam – Trưởng Văn phòng thị xã Sơn Tây, Bùi Thị Phương Nga – Trưởng Văn phòng huyện Thường Tín, Bùi Văn Bằng – Trưởng Đại lý ký gửi hàng hóa huyện Thạch Thất, Hà Thanh Quế – Trưởng đại lý ký gửi hàng hóa huyện Phúc Thọ và các đối tượng có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – CATP Hà Nội cũng đang thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ làm rõ hành vi, thủ đoạn của các đối tượng có liên quan tại các Văn phòng và Đại lý nêu trên, làm rõ tổng số tiền bị chiếm đoạt, tổng số người bị hại, đồng thời áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tiền và tài sản do phạm tội mà có.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội thông báo: Ai là bị hại trong vụ án lừa đảo đa cấp của Công ty Liên kết Việt, cần liên hệ với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng – CATP Hà Nội theo số điện thoại dưới đây để cung cấp thông tin:
- Đội 4: 04.39396712
- Đội 9: 04.39396433
Theo An ninh Thủ đô
Vụ Liên kết Việt lừa 60.000 người: Tại sao Bộ Công thương không lên tiếng sớm?
Ngày 22/12/2014 Liên kết Việt được cấp phép, tháng 7/2015 Bộ Công Thương đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, xử phạt 570 triệu đồng nhưng tại thời điểm này Bộ Công Thương đã không công khai thông tin xử phạt
Bên lề cuộc họp thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ Công ty Liên kết Việt lừa đảo 60.000 người.
Cuối tháng 12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Lê Xuân Giang trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt).
Thứ trưởng Hải cho biết, công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/2014. Từ ngày 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh) theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Liên Kết Việt ngày 22/12/2014.
Theo Thứ trưởng Hải, 7 tháng kể từ khi cấp Giấy chứng nhận kể trên, Cục Quản lý cạnh tranh đã trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện công ty này có 5 - 6 điểm các nội dung vi phạm pháp luật quy định.
Cụ thể, vi phạm các vấn đề liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm và duy trì nhiều hơn 1 vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định.... Theo đó, Bộ Công Thương và Cục đã xử lý nghiêm khắc và phạt 570 triệu đồng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ. Ảnh: N.Thảo
Thứ trưởng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã trực tiếp chủ động phối hợp Bộ Công an, trực tiếp là C46 tổ chức đoàn kiểm tra, trưởng đoàn là Bộ Công Thương với một số thành viên khác, trực tiếp vào công ty và phát hiện ra vi phạm.
Trong thời gian từ khi hoạt động và xảy ra vụ việc là hơn 1 năm. Tháng 2 vừa rồi theo Bộ Công an đã có lệnh bắt tạm giam các đối tượng này.
"Quay lại việc này cho thấy cần phải làm tốt hơn, mặc dù kinh doanh đa cấp là hợp pháp và cho phép của pháp luật nhưng sự phối hợp của Bộ Công an và các địa phương các cấp, hiện với sự phân cấp tới các chính quyền địa phương, các lực lượng quản lý thị trường, công an, kể cả cơ quan y tế, xác định sản phẩm này có đúng với giới thiệu hay không, thì cần phải làm rõ", Thứ trưởng Hải nói.
Đồng thời, theo Thứ trưởng phải rà soát lại, mặc dù Nghị định mới ban hành, nhưng cần xem còn kẽ hở nào. "Chúng tôi khẳng định Liên kết Việt có hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là tội danh mà C46 đã khởi tố thực hiện theo pháp luật", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương sức lo lắng đến quyền lợi của các người tham gia và không phải con số hơn 1.900 tỷ đồng do Tổng giám đốc nắm giữ số tiền đó mà được chi tiền hoa hồng rất nhiều và ở nhiều cấp. Tuy nhiên, mức độ như thế nào cơ quan điều tra sẽ có kết luận cuối cùng.
"Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan đơn vị chức năng tại các địa phương, phải có vai trò quan trọng. Với số lượng như hiện nay mấy chục nghìn người tham gia, ở nhiều địa phương, tại sao các cơ quan lại không vào cuộc để ngăn ngừa và cảnh báo?", Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Đồng thời cho rằng, ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động đa cấp phải nhìn rõ hoạt động đa cấp từng mặt hàng nhất định, liệu có bị xâm phạm vào quyền lợi của chính mình hay không, có hành vi nào vi phạm thì phải thông báo cho cơ quan chức năng, trên là ở Bộ Công Thương dưới là các cơ quan chính quyền.
Tuy nhiên, ngay sau đó, phóng viên đã hỏi ngược lại Thứ trưởng: "Tại sao báo chí đã vào cuộc nửa năm, giờ Bộ Công Thương mới ra quyết định xử phạt hành chính? Tại sao Bộ không lên tiếng sớm, nếu lên tiếng sớm thì không rơi vào bi kịch?"
Thứ trưởng phản hồi rằng, cần xem lại chính xác là ngày 22/12 mới cấp phép và tháng 7 Bộ Công Thương đã vào cuộc. "Như vậy với một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động mà chúng tôi xử lý như vậy không thể nói là chậm trễ được", Thứ trưởng Hải trả lời.
Thứ hai, theo Thứ trưởng xử phạt 570 triệu các hành vi vi phạm của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật còn việc công ty có hành vi vi phạm Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Bộ Công an xử lý trong vòng chưa đến 1 năm.
Theo Bizlive
Thủ đoạn đánh vào lòng tham 60.000 người của Liên kết Việt "Nói thật, bảo rằng tôi mất tiền vì lòng tham cũng không sai. Liên kết Việt vẽ ra quá nhiều món hời nếu đầu tư", một thương binh mất gần 90 triệu đồng tích cóp dưỡng già buồn bã trải lòng. Chiều 29/2, ông Phạm (71 tuổi, ở Hải Dương) không kiềm chế cơn bức xúc khi nói đến "quả lừa cay đắng"...