Đằng sau việc Mỹ gửi vũ khí ‘có giới hạn’ đến Ukraine
Lựu pháo không có GPS, bệ phóng rocket chỉ giới hạn trong tầm ngắn… là minh chứng cho thấy Mỹ đang gửi cho Ukraine những vũ khí bị hạn chế tính năng.
Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Kharkiv. Ảnh: AP/TTXVN
Kênh DW (Đức) đánh giá Ukraine đã nhận được nhiều cam kết chuyển vũ khí hạng nặng từ các đồng minh quốc tế, từ xe tăng chiến đấu Leopard 2 của Na Uy đến tiêm kích MiG-29 của Slovakia. Vào ngày 20/3, Mỹ tuyên bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, tuy nhiên, xe tăng chiến trường chính M1 Abrams không góp mặt trong nhóm này.
Các quan chức Mỹ cho biết họ đã tìm cách rút ngắn thời gian vận chuyển và dự kiến bàn giao những mẫu cũ hơn vào mùa thu. Trong tháng 1, tờ Politico đưa tin rằng vì quy định xuất khẩu, Mỹ dự định gạch xe tăng Abrams ra khỏi nhóm bọc thép đã được phân loại trước khi gửi đến Ukraine.
Ông Gustav Gressel tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định với DW rằng điều này không bất thường. Ông nói: “Ukraine đang nhận phiên bản xuất khẩu của Abrams, tương đương với mẫu được sử dụng tại Ai Cập, Saudi Arabia và Iraq”. Ông bổ sung rằng mẫu xe thiết giáp này có thể so sánh được với mẫu xe tăng Leopard 2A4 cũ hơn của Đức mà Na Uy và Ba Lan đã chuyển đến cho Ukraine. Ông Gressel nhận định mẫu Abrams cũ “vẫn là xe tăng chiến đấu tốt, nó có camera ảnh nhiệt và súng mạnh mẽ”.
Quy định xuất khẩu là một trong những lý do Mỹ chỉ gửi một số loại vũ khí nhất định cho Ukraine theo phiên bản đã chỉnh sửa. Tuy nhiên, đó không phải lý do duy nhất.
Ông Gressel nói: “Tại Ukraine, họ tự vấn điều gì sẽ xảy ra nếu xe tăng bị bỏ lại ở phía sau rồi rơi vào tay Nga và bị phân tích mổ xẻ”. Mối lo ngại này cũng mở rộng đến cả lựu pháo M777 mà Mỹ đã chuyển cho Ukraine từ tháng 4/2022. Những lựu pháo này đã được chuyển giao không có định vị GPS. Những vũ khí không có GPS nói chung thường ít chính xác hơn.
Video đang HOT
Quân đội Ukraine đã nhanh chóng tìm ra giải pháp và lắp đặt hệ thống riêng của họ, trong đó có phần mềm quân sự GIS Arta phát triển tại nước này để điều phối tấn công bằng pháo.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) có tầm bắn khoảng 80 km thay vì Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) mạnh hơn có tầm bắn 300 km.
Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ đã điều chỉnh những bệ phóng tên lửa trước khi chuyển đi để vô hiệu việc phóng tên lửa tầm xa, ngay cả khi Ukraine có thể mua những tên lửa này trên thị trường toàn cầu. Tờ Wall Street Journal trích một nguồn giấu tin trong chính phủ Mỹ cho biết điều này nhằm giảm rủi ro leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Vào tháng 9/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng tuyên bố rằng tên lửa tầm xa sẽ là “lằn ranh đỏ” biến Mỹ trở thành một bên trong xung đột.
Vào đầu năm 2023, một số nước cam kết cung cấp cho Ukraine tên lửa có tầm bắn 150 km. Ở thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói rằng nước này sẽ không bắn các tên lửa này vào lãnh thổ Nga.
Pháp bình luận về khả năng gửi xe tăng hạng nặng cho Ukraine
Trong cuộc họp báo chung ngày 22/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định cam kết ủng hộ vững chắc đối với Ukraine cho đến chừng nào còn cần.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 22/1 tại điện Elysee ở Paris. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), cả hai nhà lãnh đạo đều cho rằng quyết định cung cấp vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine cần được tất cả "những người bạn" của Kiev cùng chấp thuận.
Khi được hỏi về khả năng gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc tới Kiev, Tổng thống Pháp Macron nói rằng "không có gì bị loại trừ", đồng thời khẳng định ông đã yêu cầu Bộ Quốc phòng làm việc về vấn đề này. Tuy nhiên, ông lưu ý bất kỳ quyết định cuối cùng nào cũng sẽ phải được đưa ra sau cuộc thảo luận tập thể dựa trên một số cân nhắc.
Theo ông Macron, Pháp không muốn động thái này làm suy yếu khả năng phòng thủ của đất nước, đồng thời thận trọng trước nguy cơ leo thang xung đột. Một mối quan tâm khác đó là Paris chỉ cung cấp "viện trợ thực sự và hiệu quả" dưới dạng vũ khí mà lực lượng Ukraine có thể sử dụng trên chiến trường, mà không cần huấn luyện nhiều tháng hoặc hàng năm.
Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Scholz đã né tránh câu hỏi tương tự về việc viện trợ xe tăng Leopard cho Ukraine. Ông nói một cách mơ hồ rằng Đức sẽ tiếp tục hành động tùy theo tình hình cụ thể và phối hợp chặt chẽ với những người bạn và đồng minh quan trọng.
"Đức cũng đang nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi đã không ngừng mở rộng việc cung cấp các loại vũ khí rất hiệu quả có sẵn hiện nay cho Ukraine", Thủ tướng Scholz cho biết.
Tuần trước, tờ Politico đưa tin rằng Paris đang cân nhắc chuyển giao xe tăng Leclerc cho Ukraine, trong nỗ lực thành lập khuôn khổ chung để vượt qua sự phản đối của Đức.
Trước những thông tin cho rằng Berlin không sẵn sàng gửi xe tăng do nước này sản xuất tới Ukraine, trừ phi Mỹ có động thái tương tự, một nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất cung cấp cho Ukraine một chiếc xe tăng Abrams duy nhất.
Với gợi ý này, Đức có thể không có lý do gì để trì hoãn việc gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của mình tới chiến trường Ukraine nữa.
Sau khi Anh xác nhận sẽ gửi 14 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 tới Ukraine vào đầu tháng này, Đức đang đối mặt với hàng loạt sức ép về việc cung cấp Leopard cho Kiev.
Ba Lan cũng tuyên bố sẽ chuyển giao Leopard 2 cho Ukraine, nhưng việc tái xuất số xe tăng này trong kho cần được Đức "bật đèn xanh".
Hôm 22/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ám chỉ rằng Berlin "sẽ không cản đường" nếu Ba Lan thực hiện động thái này. Song bà Baerbock lưu ý rằng Warsaw vẫn chưa liên hệ với Berlin về vấn đề này.
Về phần mình, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cùng ngày cũng cảnh báo "thảm kịch toàn cầu" có thể xảy ra với nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Nếu vũ khí do Mỹ và các quốc gia thành viên NATO cung cấp được sử dụng để tấn công các thành phố dân sự và cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ của Nga, như họ đe dọa sẽ thực hiện, thì Moskva sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn", ông Volodin nói.
Nga trước đó cũng đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài, làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO và bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.
Tổng thống Putin hé lộ lý do không cài dây an toàn khi lái xe ở Mariupol Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận ông không cài dây an toàn khi đích thân lái xe chạy trên đường phố cảng Mariupol ở miền Đông Ukraine, song điều này là có nguyên nhân. Ngày 19/3, sau chuyến thăm bất ngờ bán đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục có một chuyến đi không báo trước tới Mariupol, thành phố cảng...