Đằng sau việc Chu Vĩnh Khang bị xét xử tại Thiên Tân
Ngày 3/4, Trung Quốc công bố nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương sẽ bị đưa ra xét xử tại một tòa án nhân dân ở Thiên Tân.
Có nhà quan sát chính trị Trung Quốc ở Hong Kong cho rằng việc chọn Thiên Tân làm nơi xét xử Chu Vĩnh Khang đã cho thấy khả năng nhân vật này phải đối mặt với cục diện “hung nhiều hơn cát”. Đồng thời, người ta có thể thấy được khả năng Chu Vĩnh Khang “đoái công chuộc tội”, tung ra thông tin cáo giác có sức công phá mạnh hay không từ mức án mà tòa tuyên phạt.
Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) rời Tứ Xuyên đi Bắc Kinh đảm nhận chức vụ mới trong Chính phủ trung ương năm 2002. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong một bài viết đăng trên tờ “Minh báo” của Hong Kong ngày 14/4, nhà quan sát chính trị Trung Quốc Lương Quốc Lương cho biết trong ba tội danh mà Chu Vĩnh Khang bị khởi tố, chỉ có tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất là tử hình, còn tội lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật quốc gia cao nhất cũng chỉ bị phạt tù từ 7-10 năm.
Luật Hình sự của Trung Quốc quy định tham ô hoặc nhận hối lộ từ 100.000 nhân dân tệ trở lên có thể bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, xem xét tình hình hiện nay, phần lớn quan chức tham ô trên 100.000 nhân dân tệ không bị xử tử hình. Vậy Chu Vĩnh Khang sẽ phải chịu khung hình phạt như thế nào?
Nếu lấy vụ án Bạc Hi Lai (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh) làm tham chiếu, trong số ba tội danh, gồm nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực mà Bạc Hi Lai bị cáo buộc, hai tội đầu là đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên, cuối cùng, Bạc Hi Lai chỉ chịu án chung thân vì nhận hối lộ hơn 20 triệu nhân dân tệ và tham ô hơn 5 triệu nhân dân tệ. Dư luận ban đầu dự đoán Bạc Hi Lai chỉ bị tuyên án 15 năm tù giam và việc này đã dẫn đến hệ quả bất ngờ là Bạc Hi Lai đã phản cung trong quá trình xét xử, từ chối nhận tội, cho nên mới bị xử nặng.
Video đang HOT
Theo tác giả, Chu Vĩnh Khang nguyên là Bí thư Chính pháp Trung ương, thuộc thành phần “biết pháp luật mà vẫn phạm tội”. Vì thế, dù Chu Vĩnh Khang nhận tội, cùng lắm cũng chỉ làm “nhạt” đi tình tiết tăng nặng này.
Nhưng nếu không chịu khai báo thêm, Chu Vĩnh Khang sẽ bị coi là không có thái độ tích cực nhận tội, nhất là nếu số tiền nhận hối lộ của Chu Vĩnh Khang lớn hơn Bạc Hi Lai, nhân vật này có thể sẽ bị tuyên án nặng hơn Bạc Hi Lai, bao gồm việc bị tuyên án tử hình. Khả năng nêu trên càng rõ hơn khi Bắc Kinh chọn Thiên Tân làm địa điểm xét xử Chu Vĩnh Khang.
Thiên Tân là thành phố trực thuộc Trung ương và ở đây có tòa án các cấp. Như vậy, việc đưa ra phán quyết tử hình một kẻ tội phạm nào đó hoàn toàn nằm trong phạm vi của Thiên Tân, không phải chuyển tới nơi khác.
Ở điểm này, Thiên Tân khác với Tế Nam, nơi được chọn để xét xử Bạc Hi Lai. Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông và việc ra phán quyết tử hình thuộc thẩm quyền của tòa án cấp cao tỉnh Sơn Đông.
Nói tóm lại, việc giao vụ án Chu Vĩnh Khang cho Thiên Tân xét xử đã ngầm cho thấy Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với cục diện “hung nhiều hơn cát”. Từ đó, tác giả mạnh dạn dự đoán cơ quan kiểm sát Trung Quốc đã áp khung tử hình đối với Chu Vĩnh Khang.
Đây chính là một trong những nguyên nhân Thiên Tân được chọn làm nơi xét xử Chu Vĩnh Khang. Nhưng cuối cùng Chu Vĩnh Khang có bị tuyên án tử hình hay không, then chốt nằm ở thái độ nhận tội của Chu Vĩnh Khang cũng như việc nhân vật này có biểu hiện “đoái công chuộc tội” hay không?
Vì Chu Vĩnh Khang phạm tội cố ý làm lộ bí mật quốc gia, cho nên, tác giả cho rằng vụ án Chu Vĩnh Khang sẽ được xử kín. Trong quá trình xét xử đó, người ta không biết Chu Vĩnh Khang có tung ra thông tin tố giác có sức công phá mạnh hay không, song từ sự phát triển của vụ án và mức án cuối cùng mà Chu Vĩnh Khang phải nhận, người ta có thể dự đoán được phần nào.
Theo TTK/baotintuc.vn
Truyền thông Trung Quốc: Không có chuyện đối xử đặc biệt với Chu Vĩnh Khang
Các công tố viên Trung Quốc cần tới 2 tháng để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, nhưng ông này sẽ không được đối xử đặc biệt dù từng nắm giữ chức vụ cao, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 9/4 đưa tin.
Cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang (Ảnh: ibtimes)
Ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc "sa lưới" trong chiến dịch chống tham nhũng kể từ khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949. Quyết định truy tố ông Chu đã cho thấy cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm chiến đấu với tham nhũng ở các cấp cao nhất.
Hồi tuần trước, các công tố viên đã buộc tội ông Chu nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, cố ý tiết lộ các bí mật nhà nước, mở đường cho một phiên tòa xét xử ông này.
"Dự kiến phải mất 1 hoặc 2 tháng để các công tố viên chuẩn bị", hãng thông tấn chính thức China Daily đưa tin, nhưng không cho biết chi tiết.
Ông Chu sẽ bị xét xét xử tại Thiên Tân, một thành phố lớn ở đông bắc thủ đô Bắc Kinh. Các phiên tòa tham nhũng cấp cao tại Trung Quốc thường được tiến hành tại các thành phố không có liên quan tới bị cáo nhằm đảm bảo tính công bằng.
Truyền thông nhà nước hồi tháng trước cho hay giới chức có thể mở một "phiên tòa công khai" để chứng tỏ sự minh bạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng ông Chu có thể tiết lộ các bí mật nhà nước nên phần đó của phiên tòa nhiều khả năng sẽ bị xử kín.
Giới chức tòa án sẽ xem phiên tòa là "một vụ phạm tội bình thường và sẽ không cho phép ông Chu được hưởng các ngoại lệ", China Dailydẫn lời một quan chức giấu tên tại Tòa án nhân dân tối cao.
Theo tờ báo, ông Chu có thể kháng án lên một tòa án cấp cao hơn tại Thiên Tân nếu ông không đồng tình với phán quyết của Tòa án Nhân dân trung cấp số 1 tại Thiên Tân.
Đoàn công tố có thể do ông Bian Xuewen dẫn đầu. Ông Bian đã tham gia vào vụ xét xử cựu bí thư Thượng Hải Chen Liangyu, người bị kết án 18 năm tù về tội tham nhũng hồi năm 2008.
"Cơ quan kiểm sát Thiên Thân đã được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm vụ xét xử vì giới chức tòa án hàng đầu tại Bắc Kinh muốn một cơ quan kiểm soát cấp tỉnh với các công tố viên nhiều kinh nghiệm và một tòa án có các thiết bị tiên tiến và khả năng thích ứng với truyền thông",China Daily viết.
Phiên tòa của ông Chu cũng sẽ là hình mẫu cho các vụ xét xử tham nhũng khác trong tương lai, tờ báo nói thêm.
Ông Chu từng là một thành viên của Bộ chính trị và giữ chức Bộ trưởng công an cho tới khi nghỉ hưu năm 2012.
An Bình
Theo Dantri
Trung Quốc: Xôn xao tin đồn "Bộ Tứ" muốn lật đổ Tập Cận Bình Trong bốn tháng qua, truyền thông Trung Quốc đang xôn xao về tin đồn xuất hiện một "Bộ Tứ" trong giới chính trị nước này, gồm những nhân vật muốn lật đổ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Vậy sự thật ra sao? Theo The Diplomat, truyền thông Trung Quốc cho rằng "Bộ Tứ" này gồm 4 nhân vật là Chu Vĩnh Khang,...