Đằng sau quyết định kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa
Theo luật sư Ngô Ngọc Thủy, người được gia đình Nghĩa mời tham gia bào chữa cho bị cáo, tại tòa Nghĩa phát biểu không kháng cáo có thể do căng thẳng, bức xúc, suy nghĩ chưa chín chắn.
Bất ngờ có đơn kháng án, Nguyễn Đức Nghĩa, sát thủ vụ án “ xác chết không đầu” đã làm dư luận hết sức ngạc nhiên. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa đã khẳng định sẽ không kháng án, thì nay, Nghĩa lại quay ngoắt 180 độ.
Về mặt pháp lý, Nguyễn Đức Nghĩa có quyền kháng án và mức án cuối cùng của Nghĩa sẽ do tòa án cấp phúc thẩm quyết định. Không ít người ngạc nhiên trước sự thay đổi của Nghĩa.
PV đã trao đổi với 2 vị luật sư bào chữa cho Nghĩa, ghi nhận phản ứng của gia đình nạn nhân, cũng như của gia đình Nguyễn Đức Nghĩa trước quyết định kháng cáo của bị cáo…
Luật sư Ngô Ngọc Thuỷ: “Bị cáo không muốn thì luật sư cũng chẳng thể làm gì được”
Luật sư Ngô Ngọc Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội), người được gia đình Nghĩa mời tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên sơ thẩm cho biết, sau khi tòa kết án, gia đình bị cáo có trao đổi với luật sư và đã động viên con viết đơn kháng cáo. Việc làm đơn sẽ kéo dài thời gian thi hành án và phía gia đình cũng sẽ có cơ hội được thăm nuôi con trong trại nhiều hơn. Ngoài ra, sau phiên phúc thẩm, Nghĩa vẫn còn cơ hội để gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.
LS Thủy
Theo luật sư Thủy, tại tòa Nghĩa phát biểu không kháng cáo có thể do căng thẳng, bức xúc, suy nghĩ chưa chín chắn. Nhưng sau thời gian suy nghĩ lại, Nghĩa đã có đơn kháng cáo. Việc Nghĩa kháng cáo không ràng buộc bởi những lời phát biểu của chính Nghĩa tại toà. Đó là quyền của Nghĩa. Thực tế, nhiều người nhận tội tại tòa nhưng về sau đó vẫn làm đơn kêu oan.
- Ông có bất ngờ khi nhận thông tin bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm?
- Kháng cáo là quyền của bị cáo và quyền đó đã được pháp luật quy định, được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Bị cáo được thực hiện quyền của mình còn toà án công nhận hay không lại là chuyện khác. Đây là quyền chính đáng và không có gì đáng chê trách cả.
- Có thông tin cho rằng nguyên nhân của việc Nghĩa viết đơn kháng cáo là do luật sư “bài binh bố trận”?
- Tôi hoàn toàn không có ý kiến gì, mà chỉ nói với Nghĩa: “Quyền kháng cáo là quyền của cháu và suy nghĩ tội trạng, tính chất sự việc”, việc kháng cáo là việc “cân não” của Nghĩa chứ đâu phải chuyện đùa. Còn nếu tôi – luật sư muốn kháng án mà bị cáo không viết đơn, không ký thì chẳng thể làm gì được.
Sau phiên tòa sơ thẩm, tôi chưa gặp lại Nghĩa, chỉ có gia đình Nghĩa vào thăm nuôi. Sau phát biểu tranh luận của tôi tại tòa, khi phiên tòa kết thúc, tôi không còn vai trò gì nữa. Khi nào được mời bào chữa tiếp, tôi sẽ lại tham gia…
- Trong đơn kháng án, Nguyễn Đức Nghĩa xin được xem xét lại việc bị khép tội giết người với tình tiết tăng nặng do thực hiện tội phạm một cách man rợ. Luật sư có ý kiến gì về lý do mà Nghĩa đưa ra?
- Quan điểm của tôi rất rõ ràng, kết tội Nghĩa “giết người dã man” là không đúng mà đúng bản chất là phi tang dã man. Hành vi đó bóc tách ra hai giai đoạn. Giai đoạn giết và giai đoạn phi tang. Rõ ràng là hành vi giết người thông thường còn từ yếu tố phi tang dã man thì pháp luật phải có quy định cụ thể.
- Nói như vậy là vẫn cần phải làm rõ một số tình tiết, thưa luật sư?
Video đang HOT
- Vụ án này, nếu bị cáo thấy mọi chuyện không vấn đề gì là chuyện khác. Nhưng khi đã nhận tội mà chưa “tâm phục, khẩu phục”, còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ mà cần phải làm rõ thì việc kháng cáo là lẽ đương nhiên. Dù tội là nhận “án chết” nhưng những gì không đúng thì phải được làm rõ. Họ có quyền được nói lên sự thật, sự thật của vấn đề.
- Xin cảm ơn luật sư!
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm: “Có tội hay không phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật”
- Luật sư có biết thông tin bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa xin kháng cáo?
LS Thơm
- Tôi đã nhận được thông báo của tòa. Nghĩa kháng cáo toàn bộ bản án. Điều đó không có gì ngạc nhiên cả. Đó là quyền hợp pháp của bị cáo. Quyền đương nhiên pháp luật đã thừa nhận. Việc kháng cáo của Nghĩa là trong thời hạn luật định. Sau khi xét xử, Nghĩa chịu nhiều tác động từ gia đình, xã hội. Việc Nghĩa kháng cáo cũng là mong muốn của gia đình. Dù còn một hy vọng nhỏ nhoi, bố mẹ Nghĩa cũng luôn mong điều tốt đẹp nhất cho con để có thể làm lại cuộc đời.
- Việc Nghĩa kháng cáo phải chăng là sự kháng cự yếu ớt?
- Nhìn từ góc độ đạo đức xã hội, gia đình, trong quá trình tiếp xúc với Nghĩa, tôi nhìn nhận bị cáo là một người quan tâm, luôn lo lắng cho sức khoẻ của bố mẹ và mọi người trong gia đình. Trong giai đoạn điều tra, Nghĩa có thái độ rất thành khẩn với việc mình đã gây ra. Nghĩa kháng cáo cũng là làm tròn trách nghiệm của người con và trách nhiệm với bản thân. Có tội hay không có tội phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật.
- Nghĩa kháng cáo vì cho rằng mình không giết người man rợ, luật sư nghĩ sao về điều này?
- Man rợ hay không man rợ phải đối chiếu trên quy định của pháp luật và có văn bản hướng dẫn về hành vi như bản án đã xem xét. Nghĩa thuộc tình tiết tăng nặng là giết người man rợồ, không những gây ra cái chết cho nạn nhân Nguyễn Phương Linh mà còn gây hoang mang dư luận xã hội…
Nghĩa kháng cáo với lý do không giết người man rợ là quyền của bị cáo. Còn việc xem xét, luận tội là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Toà án cấp phúc thẩm sẽ xem xét và bác nếu không có cơ sở.
Theo quan điểm của tôi, Nghĩa kháng cáo vì cho rằng có những tình tiết chưa đúng, chứ không phải kêu oan về hành vi phạm tội hay quay ngoắt 180 độ. Bị cáo không đề cập đến bản án nặng hay nhẹ mà là không đồng tình với một số tình tiết ở cấp sơ thẩm (động cơ, mục đích…) chưa đánh giá đúng bản chất.
- Phải chăng sự bất ngờ kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa có sự “cố vấn” của luật sư?
- Nghĩa là người hiểu biết, việc bị cáo kháng cáo là do nội tại ý thức và ý kiến của luật sư cũng chỉ để tham khảo. Sau phiên tòa sơ thẩm, bố Nghĩa đã nói lời mong muốn con kháng cáo. Và sau một thời gian, trong một điều kiện, hoàn cảnh khác, Nghĩa đã thay đổi suy nghĩ và kháng cáo.
- Xin cảm ơn luật sư!
“Gia đình đã động viên Nghĩa kháng cáo” Qua sự giúp đỡ của công an và chính quyền địa phương, PV đã tìm gặp ông Nguyễn Đức Hùng, bố Nghĩa tại tư gia (tổ 7, phường Lãm Hà, quận Kiến An, Hải Phòng). Trao đổi với PV, ông Hùng tâm sự: “Tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa khẳng định không kháng cáo và chấp nhận hình phạt tử hình của HĐXX, nhưng gia đình đã động viên Nghĩa kháng cáo. Tôi đã phân tích cho Nghĩa biết kháng cáo là quyền lợi của bị cáo, phải tận dụng hết các quyền lợi của pháp luật dành cho mình, dù cơ hội rất ít, có thể là 1/1000 cơ hội sống sót, nhưng dù chỉ là 1 tia hy vọng cũng phải tận dụng. Dù rất đau đớn khi con mình phạm tội, nhưng con dại cái mang, dù thế nào Nghĩa cũng là con tôi, có thể Nghĩa không thoát khỏi tội chết nhưng là một người cha, tôi phải làm hết nghĩa vụ của mình, Nghĩa kháng cáo cũng để giảm bớt nỗi đau cho mẹ Nghĩa. Pháp luật rất nghiêm minh, khi khuyên Nghĩa kháng cáo gia đình chỉ mong kéo dài sự sống của Nghĩa, được ngày nào tốt ngày đó. Biết đâu có 1 sự kỳ diệu nào đó sẽ đến (?!) Ngày 11/8 là 100 ngày của cháu Linh, 3 hôm trước đó, tôi có đến thắp hương cho cháu, hy vọng linh hồn cháu có thể được siêu thoát. Tôi mong bố của cháu Linh, ông Nguyễn Văn Ba mở lòng từ bi với Nghĩa, mong pháp luật có sự khoan hồng và cho Nghĩa 1 cơ hội sống, mặc dù tôi biết điều này rất khó, rất mong manh”. Ông Nguyễn Văn Ba (Bố nạn nhân Nguyễn Phương Linh) “Hành vi của Nghĩa là không thể bào chữa được”"Tôi cũng đã nghe tin Nghĩa làm đơn kháng cáo”, tôi rất bất ngờ. Dù sao đó cũng là ý chí của gia đình Nghĩa, tôi tôn trọng mong mỏi đó. Tuy nhiên, tôi vẫn đặt niềm tin vào pháp luật, sự nghiêm minh của công lý. Hành vi của Nghĩa là quá rõ ràng, man rợ không thể nào bào chữa được.
Ông Ba
Tại toà, trước sự chứng kiến của HĐXX, VKS, và cả rất nhiều người dân dự khán, Nghĩa đã nói rằng “dám làm dám chịu” và mọi người đã ghi nhận sự hối lỗi của Nghĩa. Vậy mà, bị cáo đã làm ngược lại điều mình đã nói”.
Ông Ba tâm sự: “Với cương vị là những người làm cha làm mẹ, tôi rất đau xót khi phải chứng kiến sự việc đau lòng đó. Nhưng Nghĩa đã mất hết tính người, giết người một cách man rợồ, không những thế mục đích giết người của Nghĩa chỉ để cướp tài sản. Hành động đó quá nhẫn tâm và không có nhân tính! “.
Ông Ba chùng giọng: “Việc Nghĩa kháng cáo cũng do tác động từ ngoại cảnh, nhằm mục đích kéo dài thời gian, làm tốn công sức của người khác. Bản án đã tuyên, giờ Nghĩa có biện minh gì cũng đã quá muộn. Những chứng cứ, lời khai của Nghĩa trước tòa đã phản ánh rõ bản chất tội ác của Nghĩa rồi”.
“Nói ra điều này tôi cũng rất đau lòng. Chẳng ai muốn đẩy một người vô tội phải chết. Ai làm người ấy chịu. Có kết cục ngày hôm nay là do Nghĩa đã lêu lổng, không chuyên tâm học hành để rèn giũa nên người. Nghĩa là người có học nhưng lại gây ra bi kịch cho nhiều người. Dù sao con gái tôi cũng đã đi xa, nhưng Nghĩa phải trả giá cho sự mất mát, nỗi đau mà gia đình tôi phải gánh chịu…” – ông Ba nói với PV.
Ông thẳng thắn: “Tôi vẫn giữ quan điểm, tội ác phải được pháp luật trừng trị. Với những hành vi mà Nghĩa đã làm, phán quyết của tòa tại phiên tòa sơ thẩm loại trừ Nghĩa ra khỏi xã hội là một phán quyết đúng người, đúng tội”.
Theo ĐS&PL
Chiếc ghế biết nói và 40 giờ phá án
Chỉ sau 40 giờ phát hiện xác chết không đầu ở chung cư G4, sát thủ Nguyễn Đức Nghĩa đã bị bắt gọn
Vụ án xác chết không đầu tại chung cư G4 Trung Yên, Hà Nội đã kết thúc bằng phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/7/2010. Đây là vụ án cùng lúc giữ 2 "kỷ lục": man rợ nhất và khám phá nhanh nhất trong số các vụ trọng án đã xảy ra trong thời gian gần đây tại Hà Nội.
Bài viết dưới đây sẽ đem tới cho bạn đọc những hình dung về cuộc điều tra phá án nhanh kỷ lục này của các đơn vị nghiệp vụ Công an Hà Nội.
1. Trưa ngày 17/5, tại chung cư G4, Trung Yên, Hà Nội, một nhân viên kỹ thuật hốt hoảng chạy từ tầng thượng toà nhà xuống Ban Quản lý chung cư, mặt tái nhợt. Trong sự sợ hãi tột độ, lắp bắp mãi nhân viên này mới nói được nên lời. Trong khu kỹ thuật trên tầng thượng của Toà nhà G4, anh ta đã nhìn thấy một xác chết là nữ giới, không áo, không quần và khủng khiếp hơn là không có cả đầu và ngón tay.
Mọi chuyện thực ra bắt đầu từ trước đó vài ngày khi những người dân sống trong toà nhà bỗng ngửi thấy mùi lạ bao trùm khắp toà nhà. Mùi đó vừa hôi vừa thối y như mùi chuột chết và lạ lùng là càng lên tầng cao thì mùi càng nặng. Ban quản lý thấy chuyện lạ đã yêu cầu nhân viên đi khắp nơi, đặc biệt là các xó xỉnh xem có xác súc vật chết hay không mà mùi hôi thối đến vậy. Anh nhân viên nói trên cũng là một trong số những người được phân công đi làm việc này và khi trèo lên tầng thượng để kiểm tra thì té ngửa vì nhìn thấy một xác chết.
Ngay sau đó, Ban Quản lý chung cư đã gọi điện báo tin cho Công an phường Trung Hoà. Nguồn tin được tiếp tục báo lên Công an TP Hà Nội. Và chỉ chưa đầy nửa tiếng sau thì tất cả lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP, Công an quận Cầu Giấy, Công an phường Trung Hoà đã có mặt. Đại tá Nguyễn Đức Chung (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Thượng tá Nguyễn Văn Quyền (Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự), Thượng tá Đào Thanh Hải (Phó trưởng Phòng, phụ trách Đội điều tra trọng án), Trung tá Trần Ngọc Hà (Đội trưởng Đội điều tra trọng án) rồi Đội trưởng Đội pháp y... tất cả đều có mặt đông đủ tại hiện trường và trực tiếp quan sát, xem xét trong mùi hôi thối nồng nặc và dưới cái nắng hầm hập trên tầng thượng. Dù lúc này, chưa biết thi thể đó là của ai, vì sao lại bị chết nhưng nhìn tử thi thảm thương như vậy, tất cả họ, không ai không thể cầm lòng được...
2. Các công tác khám nghiệm hiện trường được thực hiện ngay sau đó do các bác sĩ pháp y, các giám định viên thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự tiến hành với mục đích nhằm xác định danh tính nạn nhân và thu thập dấu vết. Toàn bộ khu vực phía bên ngoài các căn hộ như chiếu nghỉ, cầu thang của cả mười mấy tầng trong toà nhà đều được xem xét kỹ lưỡng. Các giám định viên đã tìm thấy nhiều vết máu rải rác từ tầng 11 đến tầng thượng. Trong đó tại chiếu nghỉ của tầng 12 có một vệt máu khá lớn.
Từ dấu vết này, cơ quan điều tra bước đầu nhận định, có thể điểm xuất phát của xác chết không đầu này là ở tầng 11 và đường đi của tử thi là từ tầng 11 qua tầng 12 rồi lên tầng thượng.
Nhưng ngay từ thời điểm này khi công tác khám nghiệm hiện trường vẫn còn chưa kết thúc thì Đại tá Nguyễn Đức Chung đã đưa ra một nhận định mà sau này khi tìm ra hung thủ rồi mới thấy đó là một nhận định cực kỳ chính xác, góp phần quan trọng cho cuộc điều tra được kết thúc một cách nhanh chóng. Đó là, theo nhận định của Đại tá Nguyễn Đức Chung thì dù có tìm thấy vết máu ở cầu thang hay chiếu nghỉ thì những điểm này không thể là hiện trường chính của vụ án mà chỉ là hiện trường phụ. Lý lẽ mà Đại tá Chung đưa ra đã thuyết phục được tất cả mọi người, rằng: cả cầu thang lẫn chiếu nghỉ của toà nhà đều là khu vực công cộng. Bởi thế, không có kẻ nào lại dám đưa nạn nhân ra khu vực công cộng, nơi có đông người qua lại để giết và chặt đầu cả. Ngoài ra, sau khi giết, để có thể chặt được đầu và cắt 10 đầu ngón tay của tử thi thì chắc chắn phải mất nhiều thời gian. Vì vậy, hiện trường chính theo Đại tá Chung nhất định phải là bên trong một căn hộ nào đó, cửa đóng then cài, kín đáo.
Cho đến khi công tác khám nghiệm tử thi kết thúc cho thấy nạn nhân đã bị chết bởi một nhát đâm thấu phổi thì cơ quan điều tra lại có thêm một nhận định thứ hai, đó là khi bị đâm, máu nạn nhân sẽ phun lên rất mạnh theo hướng bắn lên tường và trần nhà. Bởi vậy, tại hiện trường chính, chắc chắn sẽ còn dấu vết của máu.
Một kết luận giám định nữa cũng hết sức quan trọng góp phần quyết định hướng điều tra đó là theo kết quả khám nghiệm tử thi thì nạn nhân đã bị chết trước đó từ 12 đến 15 ngày. Có nghĩa là, nạn nhân chết đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Căn cứ vào điều này, cơ quan điều tra đưa ra một nhận định thứ ba, đó là việc giết người nhiều khả năng xảy ra ở trong các căn hộ mà chủ hộ sống độc thân hoặc cả nhà đi nghỉ lễ vắng, nhờ người quen biết trông hộ.
Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên xử ngày 14/7/2010
3. Từ 3 nhận định này, hướng điều tra được đưa ra thống nhất như sau: Thứ nhất, hiện trường chính của vụ án có thể là bên trong các căn hộ từ tầng 9 đến tầng 12 của toà nhà. Thứ hai, đó là căn hộ vắng người.Thứ ba là tại hiện trường chính chắc chắn sẽ còn vết máu.
Thế là ngay trong buổi tối 17-5, hàng trăm điều tra viên, trinh sát hình sự được huy động từ nhiều lực lượng của Công an TP Hà Nội đã được tung vào cuộc, chia làm nhiều tổ để tiến hành rà soát tất cả các căn hộ trong toà nhà theo hướng điều tra kể trên. Công an phường Trung Hoà cũng nhanh chóng lên được danh sách những hộ gia đình vắng mặt trong dịp lễ 30/4, 1/5. Thông tin về những người thường xuyên đến chơi và ngủ lại tại các căn họ trong chung cư cũng đồng thời được thu thập. Các điều tra viên khi đi cùng với Công an phường thu thập thông tin tại các hộ gia đình ở chung cư G4 còn có thêm một nhiệm vụ tối quan trọng, đó là bí mật quan sát xem có thấy dấu vết gì lạ trên tường hoặc trên trần nhà, thậm chí cả sàn nhà hay không.
Cũng may là các hộ gia đình ở chung cư này đều hợp tác tốt với cơ quan điều tra. Không có bất kỳ một gia đình nào tỏ ra khó chịu về sự "săm soi", hỏi han tỉ mẩn của các điều tra viên. Những cư dân ở chung cư G4 sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cơ quan điều tra làm việc. Một hộ gia đình còn nhường hẳn căn hộ của mình để anh em Công an làm chỗ nghỉ chân. Ngoài ra, họ còn nấu mì miễn phí phục vụ anh em, mua bánh, mua nước, hoa quả đem đến cho anh em lót dạ.
Kết quả của cuộc rà soát là những thông thông tin rất quan trọng tại căn hộ 1001 thuộc tầng 11. Đây là căn hộ của cô Hoàng Thị Yến, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội. Cô này gia đình ở Quảng Ninh, lên Hà Nội học, được bố mẹ mua cho căn hộ này. Sống cùng cô là bà nội, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Trong thời gian nghỉ lễ 30/4, 1/5, hai bà cháu Yến về quê chơi và giao chìa khoá nhà cho người yêu là Nghĩa đến trông nhà hộ. Nghĩa từng là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội, yêu Yến đã lâu và thường xuyên lui tới căn hộ này chơi, một số người ở trong chung cư G4 cũng biết mặt Nghĩa. Nghĩa cao to, người ngoại tỉnh và đeo kính cận rất dày. Tuy nhiên, theo thông tin mà cơ quan điều tra thu thập được thì đó là một chàng trai có nhân thân tốt, khá điển trai và rất lễ phép chứ không phải là đối tượng hình sự.
Cho đến sáng 18/5 thì danh tính nạn nhân đã được làm rõ. Tử thi là Nguyễn Phương Linh, người Hà Nội, mới tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ.
Rà soát các quan hệ của Linh, các trinh sát gặp khá nhiều khó khăn vì Linh là một cô gái khá xinh xắn, lại học giỏi nên có rất nhiều bạn. Ngoài bạn bè ngoài đời, cô còn có nhiều người quen trên mạng Internet qua trò chơi game online. Cuối cùng, sàng lọc qua rất nhiều mối quan hệ của Linh, các điều tra viên đặc biệt chú ý đến một người mà Linh từng yêu. Đó là Nguyễn Đức Nghĩa, một người bạn quê ở Hải Phòng, học cùng lớp với Linh tại trường Đại học Ngoại thương. Hai người tuy đã chia tay nhau nhưng thỉnh thoảng vẫn điện thoại, nhắn tin cho nhau. Nhân vật Nghĩa này theo mô tả của các nguồn tin mà cơ quan điều tra đã tiếp cận được thì có nhiều điểm trùng với Nghĩa, người yêu của Yến ở phòng 1101. Đó là cùng là người ngoại tỉnh, cùng học Đại học Ngoại thương, cùng có dáng người cao to và cùng đeo kính cận rất dày.
Tiếp tục thu thập thông tin, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở để kết luận, anh chàng Nguyễn Đức Nghĩa, người yêu cũ của người bị hại chính là người yêu của Yến. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, khi hai bà cháu Yến trở lại Hà Nội thì anh chàng Nguyễn Đức Nghĩa này không thấy xuất hiện tại căn hộ 1101 nữa.
Hướng điều tra bắt đầu mở ra. Manh mối về hung thủ bắt đầu hé lộ. Những thông tin về Nghĩa cũng bắt đầu được thu thập sâu hơn, dày lên. Thì ra, Nghĩa quê ở Hải Phòng, cha mẹ vẫn còn ở đó, còn hai chị em Nghĩa thì ở Hà Nội. Tuy nhiên, chị gái Nghĩa đã lấy chồng nên Nghĩa không ở cùng chị mà ở tại nhà một người họ hàng. Nghĩa vốn là một học sinh giỏi của Trường THPT Ngô Quyền danh tiếng tại Hải Phòng và đã đỗ Đại học Ngoại thương với số điểm khá cao. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, do không tiếp tục phấn đấu nên trong khi các bạn học cùng lớp, cùng khoá đã tốt nghiệp ra trường có công ăn việc làm ổn định thì Nghĩa vẫn chưa nhận bằng tốt nghiệp vì còn nợ khá nhiều môn thi.
Tại cơ quan điều tra, khi được mời tới, Hoàng Thị Yến (chủ căn hộ 1101) cũng khai về Nghĩa như vậy. Cô cũng thừa nhận việc có nhờ Nghĩa đến trông nhà trong dịp cô về quê nghỉ lễ và từ sau hôm đó không thấy Nghĩa đến chơi nữa. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra hỏi rằng, có phát hiện thấy gì bất thường trong căn hộ của mình không và bếp nhà cô có bị mất con dao cũ nào không thì Yến nhất mực bảo không.
Nhưng thực tế không phải vậy. Bằng con mắt nghiệp vụ, khi đi cùng các đồng chí Công an phường Trung Hoà vào hỏi thông tin về chuyện có vắng nhà hay không trong dịp nghỉ lễ, tại căn hộ của nhà Yến, các điều tra viên đã quan sát thấy nhiều vết máu mờ trên tường. Chưa hết, các điều tra viên cũng chú ý đến một mảng tường được sơn lại. Dù người cầm chổi tỏ ra rất khéo léo nhưng mảng tường sơn mới vẫn bị lộ. Cũng bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên còn phát hiện được rằng, trong bếp nhà cô Yến đã có ít nhất là một con dao được thay mới. Đặc biệt, dưới chiếc ghế ngồi, khi bật lên thì không cần phải dùng đến máy móc giám định mà chỉ cần bằng mắt thường cũng nhìn thấy rõ ràng nhiều dấu vết máu.
Nút thắt điều tra đến đây đã được mở. Các điều tra viên như trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng một nhiệm vụ mới lại đặt ra, nặng nề không kém gì cuộc điều tra ban đầu. Đó là bằng mọi giá phải truy lùng được Nguyễn Đức Nghĩa để tóm cổ y trong thời gian ngắn nhất.
Dựng lại hành trình của Nghĩa từ khi gây án, các điều tra viên được biết, sau khi giết Linh, Nghĩa đã ra Quảng Ninh đón hai bà cháu Yến trở lại Hà Nội. Sau đó, Nghĩa có quay về Hải Phòng với gia đình rồi lại đi. Tất cả những mối quan hệ của Nghĩa cũng đã được dựng lại và tại những điểm nghi ngờ Nghĩa có thể lẩn trốn cũng đã được đặt biệt chú ý. Một mũi trinh sát được lệnh đi Hải Phòng ngay trong chiều tối 18/5. Một mũi khác đi Thái Bình. Một mũi nữa đi Thái Nguyên. Còn một mũi thì rà soát tại Hà Nội. Nhưng tại Hải Phòng, khéo léo kiểm tra, mũi trinh sát tại đây khẳng định Nghĩa không có mặt ở nhà. Tại Thái Nguyên, mũi trinh sát do Trung tá Đào Anh Tuấn, Đội trưởng Đội bắt truy nã và Trung tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội điều tra trọng án chỉ huy đã nắm được một thông tin quý giá. Đó là Nghĩa đang lẩn trốn ở địa bàn này và 2 điểm mà có thể Nghĩa lui tới, đó là ký túc xá một trường đại học ở Thái Nguyên (nơi bạn Nghĩa đang theo học) và nhà của một người họ hàng.
Được sự phối hợp nhiệt tình của Công an tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, cho đến 21h thì đã có đầy đủ cơ sở để khẳng định Nghĩa không có mặt ở ký túc xá mà chỉ có thể lẩn trốn ở nhà người anh họ Nghĩa. Các trinh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên cùng mũi truy bắt của Công an Hà Nội lên phương án chốt chặn quanh nhà đề phòng trường hợp Nghĩa liều mạng thoát thân hoặc chống trả lực lượng truy bắt. Nhưng không, khi mũi trinh sát có mặt tại tầng 3 của ngôi nhà này thì Nghĩa vẫn đang ung dung nằm đọc truyện. Nhìn thấy khá nhiều Công an xuất hiện, Nghĩa dường như đã hiểu ra mọi chuyện. 2h sáng, mũi trinh sát đã dẫn giải Nghĩa về tới Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội an toàn. Vụ án được khám phá chỉ trong vòng chưa đầy 40 giờ. Đây quả là một kỷ lục đáng tự hào của Công an TP Hà Nội.
Theo Cảnh sát toàn cầu