Đằng sau nụ cười của một tử tù thoát chết
Đến trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) vào những ngày sục sôi chuẩn bị cho công tác ân xá, đi đâu cũng nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Vân, kẻ may mắn thoát án tử hình trong đường dây vận chuyển 1.500 bánh hêrôin từ nước ngoài về Việt Nam.
Có lẽ cũng chính vì quá sung sướng với đặc ân lớn lao ấy mà lúc nào hắn cũng cười, cũng vui vẻ yêu đời. Mọi người bảo hắn là người đàn ông cười nhiều nhất trại.
Phạm nhân Nguyễn Văn Vân
Phạm nhân cười nhiều nhất trại
Tháng 3/2004, Công an TP Hà Nội phối hợp với công an các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, C17 Bộ Công an và Công an Quảng Tây (Trung Quốc), triệt phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia do 2 đối tượng Nguyễn Thị Thơm (Hà Nội) và Nguyễn Lương Dân (Bắc Giang) cầm đầu. Đây là một đường dây ma túy lớn, có tổ chức hết sức chặt chẽ, tinh vi. Chúng sử dụng bộ đàm, vũ khí nóng, ngoài ra trong những tình huống sát sườn, chúng còn dùng đến trang phục và xe gắn đèn ưu tiên của cảnh sát để thị uy, chống lại. Trung bình, mỗi chuyến hàng chúng vận chuyển từ 5-30 bánh hêrôin, có thời điểm vận chuyển cả 7 ngày trong tuần, có ngày 2 chuyến.
Video đang HOT
Cơ quan điều tra đã xác định, đường dây ma túy này có hơn 100 đối tượng tham gia, chúng đã buôn bán, vận chuyển 1.479 bánh và 12,39 cây hêrôin từ năm 2002 đến tháng 3/2004. Khi đường dây này bị triệt phá, đã có 22 người bị truy tố và xét xử vào năm 2007. Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, có 11 án tử hình, 8 tù chung thân, 2 người bị 20 năm tù và 15 tháng tù. Nguyễn Văn Vân, chân rết khá quan trọng của đường dây này ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), là một trong hai người may mắn thoát được án dựa cột, hiện đang thụ án chung thân trong trại giam.
Đang tâm sự rất thoải mái với nụ cười thường trực trên môi thì giọng Nguyễn Văn Vân chùng lại khi kể đến đoạn ngày mình nhận án. Dẫu biết chắc với tội trạng vận chuyển 53 bánh (tương đương 8 cây heroin), cái chết đã kề đến cổ, nhưng khi Tòa tuyên án tử, hắn vẫn không tránh khỏi cảm xúc hoang mang tuột độ, miệng cứng lại không thốt ra được lời nào và ngất xỉu tại tòa.
Lá đơn kháng án gửi đi với những nét chữ run run, bởi hắn biết, hi vọng sống là rất đỗi mong manh. Hắn đã đứng lặng trong hơn một tiếng đồng hồ khi nhận được kết quả phiên tòa phúc thẩm đã bác đơn. Hắn lúc ấy như người chết đứng, nhìn sự sống hiện hữu đó mà không thể nào nắm bắt được.
Tuy nhiên, trong lúc chờ thi hành án, hắn đã mạnh bạo viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước và như một điều kỳ diệu đã xảy ra, đơn của hắn đã được chấp nhận. Hắn như được tái sinh lần hai. Thỉnh thoảng trong phân xưởng chế tác gỗ mỹ nghệ, mọi người vẫn thường được nghe tiếng hát khe khẽ, yêu đời của hắn. Thậm chí, trong lúc trò chuyện với tôi, ngoài hắn còn có một phạm nhân nữ ngồi cạnh, hắn cũng không thôi bông đùa với phạm nhân này. Một cán bộ quản giáo phân trại K2 cho biết, hiếm hoi lắm ở trại mới có một phạm nhân yêu đời như thế.
Nguyễn Văn Vân sinh năm 1974 ở làng Đanh, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Gia đình làm nông, lại đông con, hoàn cảnh khó khăn vất vả nên bố mẹ hắn bỏ quê lên mưu sinh ở cửa khẩu Tân Thanh, với hi vọng đổi đời. Tại đây, Nguyễn Văn Vân đã tự chọn cho mình nghề bốc vác tự do, suốt ngày bám khu vực cửa khẩu cũng có khối việc để làm.
Công việc tuy mệt nhọc nhưng bù lại, gia đình hắn đã thoát khỏi cảnh ăn bữa trưa lo bữa tối. Cuộc sống càng ngọt ngào hơn khi trong những ngày chạy lăng xăng, hắn đã được một người con gái có cửa hàng kinh doanh to nhất nhì Văn Lãng đem lòng yêu mến, rồi nguyện nâng khăn sửa túi cho hắn. Một đám cưới hạnh phúc đã được tổ chức, hai đứa con ra đời sau đó không lâu là tất cả những gì hắn mơ ước.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi một cách an phận như thế có lẽ sẽ không có gì để nói, cũng không có dịp để hắn có cuộc nói chuyện và trải lòng mình với tôi trong trại giam ngày hôm nay. Công việc buôn bán trên đất cửa khẩu nổi tiếng phức tạp này đã đưa hắn đến với những mối quan hệ mới. Lóa mắt trước thu nhập dồi dào của một người quen, hắn đã ngoan ngoãn nhận lời mời tham gia làm chân rết cho một đường dây vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam.
Là “thổ địa” của vùng đất biên giới, hắn không quá khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển. Thực ra, thời điểm Nguyễn Văn Vân chính thức làm đại lý ma túy ở cửa khẩu Tân Thanh (2004), đường dây do Nguyễn Thị Thơm đã lọt vào tầm ngắm của công an và Công an Hà Nội đã lập ra chuyên án đấu tranh. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn hắn đã kịp vận chuyển trên 52 bánh qua biên giới.
Nụ cười không trọn vẹn
Nguyễn Văn Vân nhớ lại, ngày bị bắt cả đại gia đình hắn vô cùng ngỡ ngàng. Vợ và mẹ hắn cứ cam đoan với cơ quan chức năng là do nhầm lẫn, nhưng rồi nhìn thấy hắn lẳng lặng, lầm lũi bước đi, họ đã hiểu ra được vấn đề. Quá đau xót, mẹ và vợ hắn ốm liệt giường.
Một góc trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An)
Nguyễn Văn Vân kể: Là điểm dừng chân khá tin cậy trong đường dây do Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Lương Dân cầm đầu nhưng chưa một lần hắn được gặp mặt các đại ca của mình, có chăng chỉ là sự chỉ đạo qua điện thoại hoặc nghe theo lệnh của đàn em trung gian. Lần gặp duy nhất đó là tại phiên tòa xét xử tội trạng các bị cáo.
Nguyên nhân đường dây này bị phá xuất phát từ việc Công an thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) bắt giữ chị gái của Thơm là Nguyễn Thị Nga vào tháng 12/2004, khi thị đang vận chuyển 15 bánh hêrôin từ cửa khẩu Tân Thanh về Trung Quốc. Sau thời gian theo dõi, ngày 23/6/2006, Cơ quan điều tra đã bắt giữ tên cầm đầu đường dây là Nguyễn Thị Thơm (1979) ở Hà Tây (cũ). Tóm gọn mạng lưới buôn bán vận chuyển ma túy trái phép xuyên quốc gia. Sau đó không lâu, kẻ cầm đầu và đàn em của thị đã phải nhận những hình phạt thích đáng.
Nhắc đến đồng bọn và án dựa cột, bất giác nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ của Nguyễn Văn Vân tắt ngấm, dường như hắn vẫn còn chưa tin mình đã được sống hoàn toàn. Nguyễn Văn Vân hồi tưởng lại, thực ra từ khi bập vào ma túy, chuyến đầu tiên vận chuyển qua biên giới trót lọt hắn đã rất sợ. Nhưng “đâm lao rồi nên phải theo lao” không thể quay đầu lại, một phần vì hám tiền, thứ nữa là sự đe dọa từ những gã giang hồ máu mặt trong đường dây mà hắn tham gia. Những ngày đầu mới bị bắt, sống với tâm trạng chờ chết. Nhưng điều hắn khổ tâm nhất thời điểm đó là, ngay sau khi phát hiện ra chồng buôn ma túy, vợ hắn đã để 2 đứa con cho bà nội nuôi, bỏ đi biệt tích xứ người, nghe đâu đã lấy chồng bên đó.
Bỗng dưng có người gợi chuyện gia đình, hắn bỗng rơi nước mắt hiếm hoi. Hắn bảo thương mẹ già và các con lắm, ngày tòa xử, để có tiền nộp phạt, mẹ hắn phải lọ mọ về quê để bán đất. Mẹ đã già rồi, như ngọn đèn trước gió, không biết rồi mai này các con của hắn sẽ ra sao khi bà nội già yếu. Nghĩ về các con, nhưng không thấy Nguyễn Văn Vân đả động gì đến vợ. Tôi động viên chắc vợ hắn chỉ giận chồng chứ sẽ không nỡ bỏ con, một ngày nào đó chị ta sẽ nghĩ lại và đón chúng về để chăm sóc. Nghe vậy, hắn lại ngoác cái miệng ra cười, nụ cười vô tư như chưa hề có một tý ty vướng bận về lỗi lầm nhân thế.
Dù được giảm xuống án chung thân, nghĩa là vẫn phải chôn vùi quãng đời còn lại sau song sắt-đó cũng là cái giá Nguyễn Văn Vân phải trả cho hành động nông nổi của mình. Nhưng nỗi đau mà người thân đang phải gánh chịu, liệu hắn và những kẻ đã và đang bập vào ma túy, có thấu hiểu cho chăng?
Theo Nguoiduatin