Đằng sau những mũi dao phẫu thuật tạo hình làm thay đổi số phận người bệnh
Với bác sĩ phẫu thuật tạo hình, trên từng mũi dao, đường chỉ luôn có một “sức nặng” đặc biệt. Bởi đặt lên đó không chỉ là nhiệm vụ làm đẹp, mà còn là sứ mệnh để thay đổi cuộc đời của một con người.
Ảnh minh họa
Nhiều năm trong lĩnh vực Phẫu thuật tạo hình, với TS.BS Phạm Thị Việt Dung – Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, “làm đẹp” đôi khi không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ, mà còn mang nhiều ý nghĩa rất nhân văn. Mũi dao phẫu thuật có thể làm thay đổi cuộc đời nhiều người bệnh.
Với nhiều con người không may mắc các khiếm khuyết về ngoại hình ngay từ khi sinh ra hay do một biến cố nào đó, việc được có lại một cơ thể như người bình thường lại thực sự là một giấc mơ.
Phẫu thuật tạo hình: Lĩnh vực y khoa “trẻ tuổi”
Khi nhắc đến phẫu thuật tạo hình, nhiều người nghĩ rằng, nó chỉ gói gọn trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp. Bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn về những gì mà chuyên ngành của mình có thể làm được?
Phẫu thuật tạo hình là một chuyên ngành rất mới. Ở Việt Nam, bộ môn Phẫu thuật tạo hình chỉ mới được đào tạo trong gần 30 năm trở lại đây. Trong khi đó, các chuyên ngành khác như nội, ngoại, sản, nhi đã có bề dày hàng trăm năm lịch sử.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung – Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Có thể hiểu ngành phẫu thuật tạo hình là khôi phục, tạo hình lại những điểm khuyết, hỏng của bộ phận trên cơ thể, gây ra bởi dị tật bẩm sinh, chấn thương hoặc do các phẫu thuật trước để lại.
Dựa trên cơ sở các kỹ thuật cơ bản đó, người ta có thể ứng dụng để làm đẹp. Vì vậy, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là một lĩnh vực nhỏ của phẫu thuật tạo hình.
Như bác sĩ chia sẻ, phẫu thuật tạo hình còn rất mới. Vậy việc lựa chọn theo đuổi chuyên ngành này phải chăng xuất phát từ một lý do đặc biệt nào đó?
Tôi nghĩ đó là một cơ duyên. Vào năm cuối đại học, bố của tôi không may bị tai nạn. Trong khoảng thời gian chăm sóc ông ở bệnh viện, tôi có bắt chuyện với các bác sĩ nội trú để học hỏi thêm kinh nghiệm từ “tiền bối”. Cũng qua những cuộc trò chuyện này, tôi mới tình cờ biết được chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình.
BS Dung trong một ca phẫu thuật tạo hình
Sau đó, bố tôi xuất viện, nhưng di chứng chấn thương sọ não khiến ông bị liệt phải nằm một chỗ. Lâu ngày, trên chân tay, vùng cùng cụt của ông xuất hiện các mảng loét. Gia đình tôi đưa ông đến nhiều bệnh viện để xử lý tổn thương này nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu.
Mong muốn được chữa lành những vết thương trên người bố lúc đó có lẽ chính là động lực lớn nhất, để tôi đưa ra quyết định đi sâu vào chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình.
Vào nghề với một bệnh nhân đặc biệt
Video đang HOT
Nói như vậy có nghĩa một trong những bệnh nhân mà bác sĩ đã điều trị chính là bố của mình?
Đúng vậy! Thậm chí, ông còn là bệnh nhân đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp khóa học đầu tiên trong chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình.
BS Dung cho biết, bệnh nhân đầu tiên lại chính là bố của mình
Vừa là ca điều trị đầu tiên, mà bệnh nhân còn là bố của mình, quả thực, lúc bắt đầu tôi cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng. May mắn là sau đó mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Các mảng hoại tử được cắt bỏ, làm sạch đã làm tiền đề để vết thương hồi phục. Khoảng 2-3 tháng sau, ông dần liền thương và thể trạng cũng tốt hơn.
Ca bệnh đặc biệt lúc vào nghề này có ảnh hưởng thế nào đến chặng đường tiếp theo của bác sĩ?
Thành công của ca bệnh đầu tiên cho tôi thêm sự tự tin và động lực cho những bước đi tiếp theo.
Cảm giác khi thực hiện thủ thuật cho bố luôn theo tôi mỗi lúc tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân. Cảm giác đấy giúp tôi gắn kết với bệnh nhân tốt hơn, đồng cảm với bệnh nhân hơn.
Sức nặng trên từng mũi dao, đường chỉ
Mỗi ca mổ là sứ mệnh thay đổi cuộc đời của một con người, dù ít hay nhiều. Trách nhiệm này có “sức nặng” như thế nào đối với một bác sĩ phẫu thuật tạo hình như chị?
Đó là một áp lực rất lớn. Do đó, với mỗi bệnh nhân, ngay từ khi tiếp xúc, chúng tôi đã phải lên phương án làm sao để đạt được kết quả tốt nhất. Trong mỗi thao tác, từ phẫu thuật cho đến chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân, chúng tôi phải rất cẩn trọng. Bởi vì, chỉ cần một chút thay đổi, một chút không không cẩn thận của mình đã có thể làm thay đổi kết quả.
Tôi vẫn thường dặn học viên rằng, đối với phẫu thuật tạo hình, một mũi khâu không hài lòng thì cũng phải tháo ra để khâu lại, đó là trách nhiệm của người làm nghề.
Cô gái trẻ mất đi đôi chân nhưng giành lại cả cuộc đời
Vậy trong hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “làm đẹp cho đời”, đâu là ca mổ “thay đổi số phận” để lại cho chị nhiều cảm xúc và ấn tượng nhất?
Mỗi một ca phẫu thuật lại là một câu chuyện, cũng là một nguồn cảm hứng trong công việc của tôi. Tuy nhiên, có những ca bệnh mà chắc là cả đời tôi cũng không quên được.
Tôi còn nhớ đó là một buổi sáng đầu tuần tháng 2 năm nay. Một cô gái được đưa vào Bệnh viện ngay lập tức nhận được sự chú ý của các y, bác sĩ, khi sở hữu cái chân trái khổng lồ.
Câu chuyện của bệnh nhân lại càng khiến chúng tôi kinh ngạc hơn. Cô tên là B.T.T.H, sống tại Ninh Bình. Mặc dù chỉ mới 25 tuổi nhưng đã nhiều năm liền, cái chân khổng lồ trói chặt H. trên giường.
Người nhà cho biết, chân của H. đã có dấu hiệu bất thường từ khi cô bé còn học mẫu giáo và ngày một lớn dần lên. Gia đình đã đưa H. đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều không có kết quả.
Qua thăm khám, chúng tôi xác định H. bị đa u xơ thần kinh dẫn đến phì đại chân trái. Toàn bộ khối u là một ổ hoại tử và nhiều vị trí có máu đọng. Xương đùi của H. cũng vì sức nặng của khối u mà gãy làm nhiều đoạn.
Cô gái trẻ B.T.T.H có khối u xơ khổng lồ ở chân
Thời điểm này, tổng trọng lượng cơ thể của H. là 76 kg thì riêng phần chân phì đại đã nặng đến 42 kg. Máu được dồn xuống để nuôi khối u nên cơ thể cô cũng trong tình trạng suy kiệt.
Quả thực, rất khó khăn để chúng tôi đi đến quyết định phẫu thuật cắt bỏ chân trái kèm theo khối u để “giải phóng” cho bệnh nhân. Bởi đây là khối u rất lớn, phức tạp và bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ vì mất máu.
Trước khi phẫu thuật, chúng tôi đã phải liên tục họp hội chẩn liên chuyên khoa, để thống nhất phương án có thể đảm bảo an toàn nhất cho bệnh nhân.
Với những ca khó như thế này, luôn cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Không chỉ phẫu thuật tạo hình mà còn cả gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình, bác sĩ mạch máu và chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
“Tối hôm đó, kết thúc ca mổ về đến nhà, tôi cũng không dám tắt điện thoại”, BS Dung chia sẻ
Ngày 19/2, ca mổ đặc biệt này chính thức bắt đầu. 6 tiếng phẫu thuật cũng là 6 tiếng cân não của toàn bộ ê-kíp. Điều may mắn là vì chuẩn bị kỹ càng, nên tiến trình mổ diễn ra đúng như kịch bản được xây dựng từ trước.
Đến khi bệnh nhân được đóng múi da cuối cùng thì chúng tôi cảm giác như người mình trút bỏ được phần nào gánh nặng. Tuy nhiên, thử thách vẫn còn trước mắt, bởi quá trình hậu phẫu tiềm ẩn nhiều rủi ro như chảy máu, hoại tử dưới da.
Tối hôm đó, kết thúc ca mổ về đến nhà, tôi cũng không dám tắt điện thoại. Cứ 30 phút, 1 tiếng lại phải mở máy ra xem có tin nhắn hay cuộc gọi từ Bệnh viện hay không.
Sau đó vài ngày, bệnh nhân có diễn biến hơi xấu, khi có tình trạng hoại tử vùng mông trái, tụ máu thắt lưng trái. Đây cũng là điều chúng tôi đã lường trước một phần. Nhiệm vụ lúc này là tiếp tục thực hiện mổ lấy khối máu tụ,cắt bỏ vùng hoại tử để xử lý tổn thương.
Phải đến tuần thứ 6 sau ca phẫu thuật, chúng tôi mới nắm chắc được mình đã thành công.
Tôi vẫn còn lưu giữ mãi hình ảnh người mẹ rơm rớm nước mắt khoe với bác sĩ rằng, con gái mình giờ đã có thể đi lại bằng nạng. Mỗi buổi sáng, H. háo hức dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà.
Thay đổi số phận không phải cứ là thứ gì đó thật lớn lao, mà đôi khi chỉ đơn giản là việc được tự bước đi bằng chân của mình, ngay cả khi nó đã không còn lành lặn.
Xấu tự nhiên hơn đẹp nhân tạo?
Làm đẹp bằng dao kéo nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Không ít người vẫn giữ quan điểm “Xấu tự nhiên còn hơn đẹp nhân tạo”. Từ góc nhìn của người trong cuộc, bác sĩ suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Cần nhấn mạnh rằng, dù là một bác sĩ phẫu thuật tạo hình, nhưng tôi rất phản đối việc nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, bởi nó có thể biến bạn thành một “ma-nơ-canh sống”, đây là một thực trạng có thật và thậm chí là không hề hiếm gặp.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, làm đẹp là một trong những nhu cầu thiết yếu trong xã hội ngày nay, đặc biệt là với phụ nữ. Đẹp hơn giúp con người ta tự tin hơn trong giao tiếp, có được nhiều cơ hội trong cuộc sống và công việc hơn, cuộc sống hôn nhân thêm trọn vẹn hơn.
Nếu biết tiết chế, làm đẹp bằng dao kéo đem lại những giá trị không thể phủ nhận và thậm chí còn rất nhân văn.
Hãy thử một lần lắng nghe tâm sự của những bệnh nhân ung thư vú không dám soi mình trước gương, khi “niềm kiêu hãnh” đã không còn nguyên vẹn; hay của một người phụ nữ bị phì đại tuyến vú sau sinh luôn sống trong sự tự ti, lo sợ ánh mắt kinh ngạc của mọi người. Qua đó, bạn sẽ hiểu việc được trở nên đẹp hơn có ý nghĩa lớn như thế nào.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!
Tạo hình ngực cho bệnh nhân ung thư vú bằng da và mỡ vùng bụng
Các bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ tuyến vú bị ung thư, đồng thời lấy vạt da và mỡ vùng bụng đưa lên ngực để tạo hình vòng một cho bệnh nhân.
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa tái tạo vùng ngực cho nữ bệnh nhân (42 tuổi) bị ung thư vú ngay sau khi cắt bỏ tế bào ác tính.
Trước đó, bệnh nhân phát hiện có bất thường ở vùng ngực nên đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám. Sau khi sinh thiết, bác sĩ chẩn đoán khối u của người phụ nữ này ác tính. Các bác sĩ khoa Ung bướu và Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ công nghệ cao đã phối hợp mổ cho bệnh nhân này.
Ngực của bệnh nhân sau khi được tạo hình. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Việt Dung cho biết trong ca mổ, phẫu thuật viên đã cắt bỏ toàn bộ tuyến vú bị ung thư, đồng thời lấy vạt da, mỡ vùng bụng đưa lên ngực, nối lại mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu và tạo hình vú cho bệnh nhân.
Do vừa cắt bỏ khối u, các tổ chức lành còn tươi mới, mạch máu được bảo vệ tối đa, việc tạo hình nối vạt nuôi sẽ dễ dàng. Sau mổ, bệnh nhân cần nằm viện khoảng 7-10 ngày.
Đây là bước tiến mới trong điều trị ung thư, tái tạo những cơ quan, bộ phận đã bị cắt bỏ nhằm cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
"Nếu không thực hiện kỹ thuật này, vết sẹo sau phẫu thuật cắt khối u của bệnh nhân sẽ co kéo và xơ hóa. Khi trải qua hóa trị, xạ trị, tổ chức sẹo co kéo, dính xương, phần da thành ngực xung quanh sẽ bị thâm nhiễm, teo. Không chỉ vậy, bệnh nhân sẽ mất một bên ngực và có vết sẹo chéo gây thiếu thẩm mỹ", bác sĩ Dung nói.
Ngoài sử dụng vạt da mỡ ở bụng dưới, bác sĩ còn có thể chuyển da cơ lưng rộng thay thế vú bị cắt. Vật liệu ngoại lai được vào cơ thể để tạo hình cho bệnh nhân ung có thể bị ảnh hưởng xấu bởi tia xạ. Tạo hình vú bằng vạt da và mỡ thành bụng dưới giúp che phủ được phần khuyết, có khối mỡ đầy đặn, có mạch nuôi.
Ngực tạo hình bằng vạt da và mỡ này sẽ chịu được tia xạ, hoá chất vì nó cũng là một phần của cơ thể.
Tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ là 17/100.000 người, thường gặp trên tuổi 40. Việc phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm có thể giúp điều trị triệt để. Hiện nay, chúng ta có nhiều biện pháp để phát hiện sớm ung thư vú là tự khám, kiểm tra định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Cụ ông bị rò bạch huyết vùng bẹn Bệnh nhân nam, 86 tuổi, bị nhiễm trùng vết mổ dẫn đến chảy dịch không màu ở vùng bẹn. Ảnh minh họa Trước đó ông được bệnh viện tuyến dưới mổ đặt stent can thiệp phình động mạch chủ bụng, dịch chảy từ vết mổ ở bẹn. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ngày 27/9, dịch chảy...