Đằng sau những câu nói gây tiếng vang của Táo Xã hội
Trong vai Táo Xã hội, Chí Trung được khán giả nhớ đến với những phát ngôn như “Nước trong thì không có cá, người tốt quá không ai chơi”, “Cô Đẩu vỏ iPhone, phần mềm Android”…
Chí Trung đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Zing.vn về những câu nói nổi tiếng của Táo Xã hội trong chương trình Táo quân 2016, hiện vẫn gây xôn xao dư luận.
Khó có phiên bản Chí Trung
- Cảm xúc của anh thế nào sau khi Táo quân 2016 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, đặc biệt, nhân vật Táo Xã hội khiến người xem thích thú với những phát ngôn ấn tượng?
- Thực sự tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi được mọi người yêu mến. Công lớn nhất thuộc về đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Những câu nói hay đó đã được anh ghi lại sau nhiều buổi học chính trị hoặc vô tình đọc được trên các trang báo. Công thứ hai vẫn là của đạo diễn vì chọn đúng tôi để nói những lời đó. Tôi nổi tiếng thâm mà! (cười).
Tôi quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội rất nhiều. Những câu như thế thuộc sở trường nên tôi nhả chữ thành công và mọi người thấy thích thú!
Mọi người nghe có thể thấy đơn giản và liền vần, nhưng cách nhấn nhá và ngữ điệu cũng là cả một nghệ thuật. 38 năm công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ đã tạo cho tôi phong cách, “xì-tai” đó. Tôi có nhiều học trò ở Nhà hát nhưng để tìm một phiên bản Chí Trung thì hơi khó vì nó là “đặc sản” riêng của tôi.
NSƯT Chí Trung trên sân khấu Táo quân 2016. Ảnh: VFC
- Từng thành công với vai Táo Giao thông trong nhiều năm, cá nhân anh đánh giá ra sao về Táo Xã hội lần này?
- Ngay đêm Giao thừa, tôi chia sẻ trên Facebook “Táo năm nay thế nào hả các bạn?” và ngay lập tức nhận được 100 nghìn like cùng nhiều bình luận khen. Lúc đó tôi mới cảm thấy nó tốt và thở phào nhẹ nhõm.
Có một câu chuyện rất thật mà tôi muốn kể cho các bạn nghe. Còn nhớ trước đó một năm, khi Táo quân năm 2015 bị chê nhạt, mồng 1 đi chùa, tôi phải bịt khẩu trang. Năm nay khán giả thích, tôi ra đường không cần dùng khẩu trang nữa (cười lớn).
Nhưng để nói thành công, thực sự tôi không bằng lòng với chính mình, có lẽ tôi luôn khắt khe với bản thân. Hồi Táo Giao thông thành công, tôi vẫn nói không phải nhờ duyên và tài năng. Đó là vì người dân bức xúc và tôi giúp họ nói lên nỗi lòng. Gần đây, giao thông tốt lên, ít chất liệu nên tôi không nhận vai này nữa. Giống như mọi người thường nói khi nào cuộc sống tốt lên thì Táo quân không còn đất diễn.
Nhắc đến sự duyên trong hài chỉ có Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng – mở miệng là thấy duyên rồi! Tôi là người ít hài nhất trong dàn Táo.
- Như vậy, theo anh, vai diễn ở Táo quân 2016 được yêu mến cũng bởi người dân bức xúc với các vấn đề xã hội?
Video đang HOT
- Hàng ngày, tôi đọc báo rất nhiều và quan tâm cả những vấn đề quốc tế. Có lẽ chính điều đó giúp tôi cân bằng khi đóng Táo Xã hội. Tôi thấy hay nhất ở Táo quân vừa rồi là vòng quay tham nhũng. Còn lại phần vào chầu của tôi cũng ít chất liệu, ít đất diễn.
Xin tiết lộ với khán giả là tôi trực tiếp viết lại lời văn kịch bản thành thơ để tạo sự “hổ lốn” trong suy nghĩ của Táo Xã hội. Chúng tôi ai cũng lo cho vai của mình nhưng không “giày vò” đạo diễn. Bởi năm nào cũng vậy, ê-kíp luôn dồn sức cho một người có thể kéo tất cả đoàn tàu chạy băng băng. Năm nay là Tự Long. Và cuối đoàn tàu luôn là ông Táo béo ì ạch Chí Trung.
Ranh giới giữa thanh – tục trong nghệ thuật hài rất mong manh
- Có thể nói sự bức xúc của dư luận với tệ nạn tham nhũng là một trong những yếu tố giúp Táo quân 2016 thành công. Vở kịch “ Quan thanh tra”, do anh làm đạo diễn mới đây, có phải cũng xuất phát từ nỗi bức xúc, day dứt đó?
- Sau khi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận thấy đất nước mình rất đẹp với rừng vàng biển bạc, nhưng du lịch vẫn không phát triển bằng các quốc gia khác. Dường như mọi người chỉ quan tâm lợi ích cá nhân, mà quên đi mối lợi chung cho đất nước. Từ “nỗi đau” đấy, tôi quyết định làm vở Quan thanh tra.
Thực tế tôi lên ý tưởng Việt hóa vở kịch kinh điển của Nikolai Gogol từ tháng 6 năm ngoái và nghiền ngẫm trong nhiều tháng.
Kịch bản Quan thanh tra khi dịch ra tiếng Việt dài 115 trang. Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả, tôi phải gọt giũa xuống còn khoảng 61 trang. Lượng thời gian diễn cũng cắt hơn một nửa so với kịch bản văn học.
Nghệ sĩ Vân Dung và diễn viên trẻ Chí Huy đảm nhận những vai chính trong vở Quan thanh tra. Ảnh: NVCC
- Nghệ thuật kịch vốn kén khán giả, hơn nữa lại là kịch kinh điển. Anh giải bài toán khó đó như thế nào để có thể cân bằng doanh thu với công sức và kinh phí bỏ ra?
- Vở Quan thanh tra được viết từ gần 200 năm trước nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện nay. Tôi nhìn thấy tác phẩm có thể truyền tải được nhiều bức xúc của dư luận, nhất là với vấn nạn tham nhũng.
Tôi đã biến vở kịch kinh điển khô khan ngày xưa thành hài kịch, có thể khiến khán giả cười từ đầu đến cuối. Trên sân khấu, toàn bộ quan lại nước Nga thời Sa Hoàng bị biến thành thành lũ chuột, chuyên đục khoét. Khi bật đèn lên, vẫn là những con người thật với quần áo đẹp, nhưng khi tắt đèn họ biến thành lũ chuột.
- Với một vở cổ điển như vậy, yêu cầu dành cho các diễn viên chắc hẳn rất khắt khe, thưa anh?
- Kịch kinh điển không thể ngẫu hứng như kịch đời cười được, không thuộc lời thì không diễn được. Trong lúc tập, sơ duyệt cũng như tổng duyệt, tôi kèm từng hơi thở, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm của diễn viên. Họ chỉ được phép thả cái thanh xuân, hồn diễn vào nhân vật.
Hài rất mong manh giữa thanh và tục. Nếu bạn sa đà vào tiếng cười tục, bạn có thể nhận được vài lời khen nông cạn, nhưng lại bị cả xã hội chê cười. Với vai trò đạo diễn, tôi luôn khắt khe với diễn viên. Ngay cả một chiếc lông ngỗng rơi trên sân khấu, tôi cũng phải tính toán nhặt thế nào cho phù hợp.
Quá sớm để nói mình thanh cao, mình giỏi hay mình thành công, nhưng tôi khẳng định những mong muốn, khổ luyện, trăn trở với nghề là có thật. Tôi nghĩ câu trả lời khách quan nhất sẽ là phản hồi của khán giả sau khi đến rạp xem vở kịch, công diễn vào ngày 27/2 này.
Theo Zing
Chí Trung: 'Là Phó Giám đốc, lương tôi chỉ có 7 triệu đồng'
Táo Giao Thông chia sẻ rất thẳng thắn về cuộc sống bên người vợ hiền Ngọc Huyền và sợi tơ đã gắn kết hai người suốt 30 năm.
Người viết gặp NSƯT Chí Trung khi anh đang bận rộn chuẩn bị cho buổi tổng duyệt vở Quan thanh tra. Chàng Romeo năm nào vẫn giữ nguyên tác phong nhanh nhẹn, nếu không có "bụng bia" của một người đàn ông trung niên, anh chẳng khác mấy cậu trai trẻ nhảy hip-hop.
Hoãn show diễn kỷ niệm 30 năm ngày cưới
Cuối năm, việc nhiều, tôi cũng bận đủ thứ. Sáng thì ở nhà hát lo tập Quan thanh tra, chiều tới đài chuẩn bị Táo Quân. Tối lại về nhà hát để diễn. Đêm muộn thì lại tụ tập cùng anh em ê-kíp Táo Quân... Thế là bữa cơm gia đình hàng tối cũng mỗi người một cách, và show diễn kỷ niệm 30 ngày cưới cũng đành hoãn lại.
Kịch bản của Tơ trời mong manh đã nằm trên bàn làm việc của tôi rồi. Nhưng anh em diễn viên bận đi lưu diễn châu Âu, Nhật Bản... tới sát Tết mới về. Từ 28 tới mùng 7 Tết, mình cũng phải dành thời gian cho họ quây quần, chuẩn bị tết nhất cùng gia đình. Thế nên chưa thể tập chuẩn bị cho live show lúc này.
NSƯT Chí Trung quyết định tạm hoãn show diễn kỷ niệm 30 năm ngày cưới NSƯT Ngọc Huyền. Một trong những lý do của việc hoãn show là kịch bản vẫn chưa thực sự hoàn thiện, đúng với ý tưởng của anh. Ảnh: VTC
Hơn nữa, mẹ tôi đang nằm viện. Tôi thấy vô duyên lắm nếu mẹ bệnh nằm đó mà mình lại làm live show. Chỉ là tạm hoãn chứ không phải hủy show. Tôi vẫn còn cả năm 2016 để chuẩn bị cho chương trình đặc biệt này.
Thật ra khi làm Tơ trời mong manh, tôi không có ý định tự tôn vinh bản thân hay vợ con, gia đình. Tôi chỉ muốn chia sẻ với khán giả những trăn trở của mình khi tham gia một ngành nghề không ai cần trong thời buổi hiện nay. Trong cái ngành đó, có một đôi vợ chồng đã nắm tay nhau mấy chục năm cùng bay lên trời bằng sợi tơ mong manh là tình yêu nghệ thuật. Tình yêu đôi lứa chỉ là phụ thôi, là hành trang mang theo thôi. Đường đi của chúng tôi chính là đường dây nghệ thuật của nhà hát này trong suốt 30 năm qua.
Tâm hồn tôi vẫn là Romeo
Sáng nay, tôi vừa "thò mặt" vào bệnh viện thăm mẹ đã bị vợ mắng cho một trận vì ăn mặc như thế này đấy. Áo này là Huyền (NSƯT Ngọc Huyền - PV) mua cho tôi trong một chuyến đi du lịch ở Indonesia. Trong mắt vợ, tôi luôn là kẻ luộm thuộm, ăn mặc không có thẩm mỹ. Mà đúng thế thật, Huyền mua cho tôi nhiều quần áo lắm nhưng tôi cứ nhằm cái ở trên mà "phi". Sáng nay cũng vậy. "Phi" cái ở trong xong rồi cũng thấy... sao sao nên lại lôi thêm cái này mặc vào. Vừa vào tới viện thì vợ đã thốt lên: "Anh bị điên hay sao mà mặc như thế này?". Tôi vẫn bảo vợ, con người ta chỉ tốt được một thứ thôi, quần áo chỉ để che một số thứ cơ bản còn không cần thiết phải cầu kỳ (cười).
Nhiều người hay hỏi tôi về Romeo ngày xưa và tôi hôm nay. Về tâm hồn, tôi vẫn là Romeo, vẫn trẻ và đẹp trai thì... nhất trong chuồng lợn. Mấy cậu trai trẻ 20, 21 tuổi, tâm hồn chưa chắc đã trẻ bằng tôi đâu. Nhìn thấy một cái đẹp, ví như bông hoa đẹp, bức tranh đẹp và đôi khi là cô gái đẹp, tôi chắc chắn mình phản ứng nhanh hơn các cậu đó (cười).
Nhìn tôi mặc áo in hình ly bia, đừng vội nghĩ tôi ham nhậu. Tôi nhiều bệnh lắm, nào là tiểu đường rồi tim mạch... nên không được uống. Nhưng lúc nào "điên lên", tôi uống cũng chẳng thua ai đâu. Bạn bè say hết rồi, nằm bẹp cả rồi, tôi là luôn là thằng rửa bát, dọn dẹp tất cả đấy.
Các con của NSƯT Chí Trung - Ngọc Huyền đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Ảnh: TL
Đẹp trai nhất... chuồng lợn
"Con tôi bây giờ mỗi đứa một nhà. Cậu con trai ở ngay Giảng Võ, chiều vẫn về ăn cơm với bố mẹ như một sự ban ơn" (cười). Nó bảo "Con không về, bố mẹ tha hồ mà buồn". Tôi cũng gạ gẫm con suốt, có đổi điện thoại không, xe máy có hỏng, có muốn đổi không... Nhưng mà hỏi vậy cũng để cho oai thôi chứ các con kiếm nhiều tiền hơn hai vợ chồng già chúng tôi. Lương tôi chỉ có 7 triệu đồng còn vợ thì được 5 triệu. Các con đi thử việc cũng đã chục triệu rồi". Chí Trung
Vợ tôi thường để tôi làm tất cả những gì tôi muốn. Cô ấy biết sẽ không ngăn được tôi khi tôi đã quyết làm. Tôi tuổi Tân Sửu, trai mùng một. Cô ấy lại là gái hôm rằm của tuổi Nhâm Dần. Chúng tôi yêu rồi lấy nhau và sống với nhau ngần ấy năm, bắt đầu từ tình yêu rồi tình dục và bây giờ là tình nghĩa nhưng luôn tôn trọng khoảng trời của nhau. Cô ấy bảo: "Em chẳng ngăn anh được ngoại tình, chỉ là anh có muốn đi hay không thôi".
Nói thế rồi Huyền cứ lẳng lặng làm tốt chuyện gia đình, chịu khó chăm chút cho chồng con từng ly từng tý. Ai cũng biết đường dẫn đến trái tim người đàn ông là thông qua dạ dày và cô ấy cứ cho tôi ăn tốt, uống tốt thì tôi còn muốn đi đâu ngoài nhà mình? Thế nên mới bảo đẹp trai nhất trong chuồng lợn là thế.
Tôi là kẻ đa tình đấy, chứ không phải người chung thủy đâu. Tôi thấy mình là người xấu nhưng Huyền thì rất chung thủy, cô ấy rất yêu tôi. Hai người chung thủy chưa chắc đã ở với nhau lâu vì còn phụ thuộc vào tính cách, số phận và cả sự may rủi...
Từ gã buôn đồ cổ tới kẻ yếm thế với cuộc đời
Nhiều người bảo tôi là người sưu tầm hay chơi rồi nghiên cứu đồ cổ. Nhưng không phải vậy, tôi chỉ là kẻ bị đẩy vào con đường đó mà thôi. Tôi từng làm đủ thứ nghề như buôn xe, bán xăm lốp... nhưng vẫn "đói", vẫn không đủ tiền mua sữa cho con. Lúc đó, tôi theo bạn bè "đi xứ" khắp nơi, thu mua những món đồ cũ người ta khai quật được khi rồi về bán lại cho những người chơi cổ vật thực thụ. Trong quá trình mua bán đấy, những đồ tốt bán đi lấy tiền nuôi các con, còn một đống đồ cũ ở nhà và thế là thành nhà sưu tầm.
Có rất nhiều đồ cổ trong nhà nhưng Chí Trung không bao giờ nhận mình là người sưu tầm cổ vật. Ảnh: TL
Tôi vẫn nhớ hết từng món đồ được mua ở đâu, giá trị tiền như thế nào. Có những món tôi chỉ mua 100 ngàn, nếu gặp đúng người cần, cái giá bán phải là 10 ngàn đô. Nhưng câu hỏi là "who, when, how" (cười). Thực trạng của mấy anh đồ cổ như tôi là cái bát này có thể rất giá trị nhưng mang ra chợ bảo đổi lấy mớ rau có khi còn bị mắng cho. Tôi không phải nhà sưu tập, không thuộc tuýp nửa đêm ngồi lén vợ bật đèn ngắm nghía từng món đồ. Tôi nhìn đâu cũng ra tiền nhưng chỉ là tiền mơ mà thôi.
Vui có, buồn có, tôi từng dùng cái nghề mua đồ cổ để "lòe" vợ con. Chuyện là như thế này, đôi khi bạn bè tới chơi, tôi lại dặn này, ông giả vờ đòi mua cái này cái kia với giá thật cao cho tôi. Thế là bà xã thì đứng ngay đầu cầu thang, mình và thằng bạn cứ kì kèo ngàn tám, hai ngàn cho một cái bát. Rồi ông ấy về cùng câu nói với lại: "Để tao về thu xếp tiền sang lấy nhé". Thế là bữa cơm trưa hôm đó ngon hơn hẳn. Và chúng tôi cũng luân phiên tới nhà nhau "diễn" như thế để ai cũng có vị thế trong mắt vợ con. Nhưng lừa được một hai lần rồi bà nào cũng biết vị hết nên chẳng lòe được đâu.
Người ta có thể gọi tôi là người của công chúng, bạn có thể gọi tôi là diễn viên Chí Trung nhưng tôi thấy mình là kẻ yếm thế với cuộc đời. Nếu có kiếp sau, tôi là một con sâu đo bé xíu còn hơn làm diễn viên mặc dù tôi đã có những thành công (cười buồn).
Theo Zing
Vân Dung nói về việc Táo quân có màn trao nhầm vương miện Vân Dung đã có phần chia sẻ về những thông tin về quá trình tập luyện và "tin đồn" quanh nội dung chương trình Táo quân 2016. Hẹn gặp nghệ sĩ Vân Dung vào thời điểm này rất khó vì chị bận rộn cả ngày - nào là tập kịch, đi diễn, rồi tập Táo quân. Cuộc trò chuyện này cũng diễn ra...