Đằng sau cơn bão bê bối bủa vây nữ chính trị gia Nhật
Do quan điểm bảo thủ của xã hội, nữ chính trị gia Nhật Bản thường ít được thông cảm khi mắc sai lầm.
Lãnh đạo đảng đối lập Nhật Bản Renho Murata từ chức vào cuối tháng trước. Ảnh: Xinhua
Hai nữ chính trị gia Renho Murata và Tomomi Inada cuối tháng 7 nhận ra rằng xã hội Nhật Bản áp đặt với họ những tiêu chuẩn cao hơn so với các quan chức nam.
Ngày 27/7 bà Renho Murata từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ (đảng đối lập lớn nhất Nhật) vì đảng này có kết quả kém trong cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố Tokyo hồi đầu tháng 7. Bà giữ chức lãnh đạo đảng này từ tháng 9 năm ngoái.
Ngày hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, 58 tuổi, từ chức vì bê bối xử lý tài liệu quân đội. Trước khi lùm lùm xảy ra, bà Inada được cho là ứng viên tiềm năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Bà cũng liên quan đến bê bối xoay quanh khoản trợ cấp của chính phủ cho một trường theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada. Ảnh: Reuters.
Inada được thay thế bởi một chính trị gia nam là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera. Vị trí của bà Renho tại đảng Dân chủ nhiều khả năng cũng sẽ được thay thế bằng một người đàn ông, vì có rất ít phụ nữ sẵn sàng đảm nhận các vai trò chính trị hàng đầu ở Nhật, theo SCMP.
Video đang HOT
“Mặc dù có một số thay đổi về nhận thức, Nhật vẫn là đất nước bảo thủ và truyền thống, đàn ông cho rằng vai trò chính của phụ nữ là lo liệu việc nhà và chăm con”, Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo, nhận xét.
“Cách suy nghĩ sẽ vẫn tiếp tục vì Nhật Bản phải đối mặt với khủng hoảng dân số già. Mọi người sẽ nghĩ phụ nữ phải có trách nhiệm chăm sóc cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình hoặc chăm con”, ông nói thêm.
Ít nhất một đồng nghiệp của bà Inada trong đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) cũng có cách suy nghĩ đó. Tháng 12/2014, Phó Thủ tướng Taro Aso nói rằng cuộc khủng hoảng dân số chủ yếu là do lỗi của những người phụ nữ “từ chối sinh con”.
Ông Aso từng nhiều lần gây tranh cãi về phát ngôn của mình. Ông bị chỉ trích là đã xúc phạm người cao tuổi, giáo viên, người mắc bệnh hiểm nghèo hay người Do Thái. Dù vậy, ông chưa bao giờ phải chịu áp lực từ chức vì những phát ngôn của mình.
“Trong xã hội Nhật Bản, đàn ông thường che đậy cho nhau và điều đó chắc cũng đúng trong chính trường. Nhưng khi phụ nữ bước vào một chính trường hoàn toàn bị thống trị bởi nam giới, họ không có các nữ chính trị gia giàu kinh nghiệm khác để xin lời khuyên”, Watanabe nói.
“Hãy nhìn vào cách truyền thông đưa tin về nữ chính trị gia, họ hay bị công kích vì họ là thiểu số. Nữ chính trị gia ít khi được thông cảm khi mắc sai lầm. Họ cũng dễ trở thành đề tài giật gân hơn. Điều đó có nghĩa là họ không được phép mắc lỗi”.
Năm 2001, Makiko Tanaka, con gái của cựu thủ tướng Kakuei Tanaka, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng dưới thời chính quyền Junichiro Koizumi. Bà là phụ nữ Nhật đầu tiên giữ chức vụ này. Cũng được nhận định có tiềm năng trở thành thủ tướng tương lai nhưng Tanaka đã từ chức một năm sau vì bị cáo buộc chiếm đoạt lương của cấp dưới. Tòa án sau đó xác định bà vô tội. Một thập niên sau, bà giữ chức bộ trưởng giáo dục nhưng tham vọng cho vị trí cao nhất đất nước đã bị dập tắt.
Yuko Obuchi là con gái của cựu thủ tướng Keizo Obuchi, người đột tử khi đang giữ chức vào tháng 4/2000. Cùng năm này, bà Yuko được bầu vào hạ viện và sau đó giữ chức Bộ trưởng Xã hội và Bình đẳng giới năm 2008. Tháng 9/2014, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Tuy nhiên, vừa giữ vị trí một tháng bà đã phải từ chức vì bị cáo buộc sử dụng quỹ chiến dịch không thích hợp.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Yuko Obuchi. Ảnh: AFP.
“Nhìn chung có hai kiểu phụ nữ trong chính trường Nhật Bản. Có những người, chẳng hạn như Inada và Obuchi, “thừa kế” vị trí từ một nam chính trị gia hoặc được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi một người đàn ông. Kiểu còn lại, chẳng hạn như Renho, thẳng thắn và quyết tâm làm việc theo cách riêng để theo đuổi mục tiêu”, Watanabe nhận xét.
Watanabe đánh giá nữ thị trưởng Tokyo Yuriko Koike là một cái tên đáng chú ý.
“Tôi đã gặp Yuriko Koike vài năm trước và bà ấy ngay lập tức gây ấn tượng với tôi, bà ấy là người cứng rắn”, Watanabe nói.
“Bà ấy là nữ chính trị gia tiên phong mới nhất của Nhật Bản và có cơ hội tuyệt vời để tạo ra thay đổi tích cực”, ông nói thêm.
Phương Vũ
Theo VNE
Nữ chính trị gia Nhật xin lỗi vì qua lại với người có vợ
Cựu ngôi sao nhạc pop được bầu làm nghị sĩ Imai xin lỗi sau khi bị lộ ảnh nắm tay với một chính trị gia đã có vợ.
Nữ chính trị gia Imai. Ảnh: Kyodo.
Xuất hiện tại trụ sở đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở Tokyo hôm 27/7, Eriko Imai, 33 tuổi, giải thích việc tuần san Shukan Shincho đăng ảnh cô và Ken Hashimoto, chính trị gia 37 tuổi, nắm tay nhau trên tàu cao tốc, theo SCMP.
"Tôi hối tiếc vì đã gây xáo trộn và phản bội niềm tin của những người đã ủng hộ tôi", Imai nói. Cô từng là thành viên của nhóm nhạc Speed trước khi hát solo. Cô là mẹ đơn thân có một con trai khiếm thính 12 tuổi.
Tuần san Shukan Shincho đưa tin Imai và Hashimoto nhiều lần du lịch qua đêm nhưng đều kê khai là đi công tác. Theo Japan Times, Imai viết trên blog rằng Hashimoto, một thành viên của đảng LDP ở Kobe, đã ngỏ lời hẹn hò với bà gần đây và thừa nhận đã bí mật quan hệ với ông này.
"Tin tức này về cơ bản đúng", Hashimoto thừa nhận. Ông cho biết đang xem xét lại bản thân vì đã hành động thiếu thận trọng. Tuy nhiên, ông hy vọng công chúng chấp nhận chuyện tình của họ vì hôn nhân của ông đã trục trặc 4 - 5 năm nay.
"Tôi lo ngại khi các báo đưa tin mối quan hệ của chúng tôi là ngoại tình", ông nói.
Theo Kyodo News, Hashimoto có thể đã lén giúp đỡ Imai trong chiến dịch vận động năm ngoái, bằng cách dùng quỹ công để xuất bản một cuốn sách nhỏ có cuộc phỏng vấn hai người. Quỹ này dùng cho các nghiên cứu chính trị, không được phép sử dụng trong các hoạt động tranh cử.
Đây là một trong số nhiều vụ bê bối gần đây của đảng cầm quyền LDP, trong đó có việc Bộ trưởng Quốc phòng Inada Tomomi từ chức vì che giấu các tài liệu quân đội.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Thủ tướng Nhật thay một loạt bộ trưởng Thủ tướng Nhật quyết định tái bổ nhiệm nhiều cựu bộ trưởng, thay vì lựa chọn những gương mặt mới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) cùng những thành viên nội các mới. Ảnh: Reuters. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lựa chọn nhiều gương mặt cũ trong lần thay đổi bộ trưởng hôm 3/8, giữa lúc ông đang phải đối...