Đằng sau bức ảnh em bé khuyết tật hôn cha nghèo giữa phố Hà Nội
Đằng sau bức ảnh em bé khuyết tật hôn cha nghèo giữa phố Hà Nội gây xúc động mạnh, ít ai biết được rằng, gần 30 năm qua người cha cực khổ ấy phải sống trong khổ đau, trắng đêm chăm con bệnh tật.
Mới đây, ống kính máy ảnh của một người đàn ông ngồi ven đường đã vô tình bắt được khoảnh khắcem bé 12 tuổi nhưng bé tẹo đang hôn lên môi cha trong lúc ăn kem trên đường phố Hà Nội. Bức hình quá đỗi xúc động đã khiến biết bao người nhận ra cuộc sống này còn nhiều lắm những tình yêu thương…
Hình ảnh xúc động của cha con ông Ngọc lan truyền trên mạng xã hội gây xúc động mạnh – (Ảnh: Phạm Tuấn Anh)
Hai bố con vui vẻ ăn kem – (Ảnh: Phạm Tuấn Anh).
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đứa con lọt thỏm trong bộ áo quần quá cỡ đang vòng tay qua vai và hôn lên môi cha. Trên tay người cha đang cầm một que kem và trông ông rất hạnh phúc. Bức hình được đăng lên kèm theo những dòng chia sẻ khá xúc động, trong đó có đoạn: “Ông bố lững thững dắt con đi với đôi dép tổ ong ngả màu vàng, trên tay cầm que kem vừa bóc. Còn em thì như đang bơi trong chiếc áo rộng tới 3-4 lần so với cơ thể bé nhỏ của mình, chiếc đầu loắt choắt tí xíu nổi bật… ăn xong 2 bố con lại lững thững dắt nhau đi tìm xe bus. Hỏi ra thì mới biết đó là kì nghỉ hè mà bố dành cho em!”.
Được biết bức ảnh này đã được chụp vào khoảng tháng 6 vừa qua, thế nhưng mới đây tác giả tấm hình mới đăng lên mạng xã hội để chia sẻ với mọi người khoảnh khắc hạnh phúc của hai cha con. Anh Tuấn Anh – người chụp tấm ảnh xúc động này, kể rằng đã bắt được khoảnh khắc này trong lúc đang ngồi nghỉ trong quán nước ven hồ Thiền Quang và vô tình thấy hai bố con họ đi qua. Lúc đó, anh cũng không dám nói chuyện nhiều vì mình chỉ là người lạ.
Hình ảnh giản dị của cha con ông Ngọc khi lên Hà Nội lấy thuốc.
Thấy người lạ, ban đầu bé Yến tỏ ra sợ hãi nhưng sau đó đã liên tục vẫy tay chào.
Bức hình này đã “đốn tim” nhiều cư dân mạng. Đa phần mọi người đều cảm thấy rất xúc động trước khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa và nhân văn đó của hai cha con.
Và rồi tình cờ chúng tôi gặp hai cha con trong bức ảnh từng lay động nhiều trái tim đang lững thững đi trên vườn hoa Hàng Đậu (Ba Đình, Hà Nội). Qua trò chuyện được biết, người cha khổ cực là Tạ Văn Ngọc (51 tuổi, quê ở đội 5, xã Khánh Dư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Bé gái bị khuyết tật là Tạ Thị Yến (12 tuổi, con út ông Ngọc).
Đôi mắt hiền từ, ông liên tục dỗ dành đứa con gái nhỏ của mình. Sau một hồi làm quen, ông Ngọc mới trải lòng về cuộc sống đầy cơ cực của gia đình. Ông cho biết, bé Yến mắc chứng bệnh bại não từ khi mới lọt lòng.
Video đang HOT
Ông Ngọc cho biết, Yến nghịch ngợm, không chịu ngồi yên một chỗ suốt bao năm qua.
Giây phút bé Yến ôm chặt lấy bố dù trong tiềm thức em không biết gì.
“Tôi lập gia đình gần 30 năm qua, vợ chồng sinh được 4 người con nhưng 2 anh chị đầu của Yến đều đã mất vì mắc chứng bệnh bại não như cháu. Cứ đến năm 15 tuổi là các cháu bị lão hóa, chân tay, đầu cháu teo lại rồi khô như cành củi, bỏ vợ chồng tôi mà đi. Trước Yến có một anh trai lành lặn khôi ngô đang đi nghĩa vụ quân sự ở Cam Ranh (Khánh Hòa)”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc cho biết, hôm nay hai cha con ông bắt xe từ quê lên Hà Nội để lấy thuốc về cho con gái uống, chiều hai cha con lại bắt xe khách về, cứ đều đặn mỗi tháng 2 lần như thế. Thuốc của Yến được lấy ở một cơ sở thuốc nam gần khu vực Bốt Hàng Đậu và được phát miễn phí.
Mỗi tháng 2 lần, hai bố con ông lại từ quê bắt xe lên Hà Nội.
Đi đâu ông cũng đưa con đi và không dám rời con gái nửa bước.
Nói về bức ảnh hai cha con lan truyền trên mạng xã hội lay động nhiều trái tim, ông Ngọc cho biết, ông hoàn toàn không biết chuyện, chỉ nghe mọi người thấy hình ảnh của mình kể lại.
“Hôm đó hai cha con tôi lên Hà Nội lấy thuốc chắc ai đó chụp được hình ảnh chứ hai bố con cũng không biết gì. Không ngờ bức ảnh được mọi người chia sẻ nhiều như thế”, ông Ngọc nói.
Nói rồi ông Ngọc vội ôm con gái vào lòng dỗ dành, bé Yến từ khi sinh ra không biết nói, sống như người vô thức khiến ông Ngọc và vợ vô cùng khổ tâm.
“Cháu nghịch như con sóc, không chịu ngồi yên một chỗ, nhiều lúc rất nghịch ngợm, phá phách, đồ đạc trong nhà vợ chồng tôi phải để tránh đi không cháu đập vỡ hết. Vì không kiểm soát được bản thân nên mọi sinh hoạt, ăn uống của cháu vợ chồng tôi phải thay nhau trông nom, thương con đứt ruột nhưng không biết làm thế nào được”, người cha khổ cực tâm sự.
Gần 30 năm qua, ông Ngọc chưa một ngày được trọn giấc vì chăm lo cho các con.
Chỉ mong sao con khỏe mạnh là điều ông hạnh phúc nhất.
30 năm qua, ông Ngọc chưa một ngày được trọn giấc vì chăm lo cho 3 con bị chứng bệnh bại não, giờ đến bé Yến đêm nào cũng thức. “Cháu không biết nói, nhưng thấy ai cũng vẫy tay chào. Cháu nghịch ngợm nên nhiều người thấy cháu tỏ ra sợ hãi. Lúc nào tôi cũng phải kè kè bên con không dám rời nửa bước, thương nó lắm”, ông Ngọc nhìn con rồi ngân ngấn nước mắt.
Nói xong hai cha con vẫy tay tạm biệt rồi vội ra bến xe buýt bắt xe về quê lạc lẫn vào dòng người trên phố, ông cho biết, ông chỉ mong con cái khỏe mạnh cuộc sống giản đơn khốn khó tới đâu vợ chồng ông cũng đều sẽ vượt qua. Cuộc sống hiện tại của gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, ngày ngày ông Ngọc đi làm thêm nghề thợ xây để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho gia đình.
Chia tay hai cha con tâm hồn chúng tôi như trĩu nặng, hình ảnh người cha nghèo cầm que kem cho con ăn rồi như trong tiềm thức đứa con tàn tật hôn lên môi cha cười thật vô tư, hình ảnh giản dị nhưng tình cảm người cha dành cho con thật đẹp biết bao.
Theo Trí thức trẻ
Gặp lại "cậu bé đi học bằng tay"
Đôi tay của em Lương Văn Mậu không còn phải "gánh" cả cơ thể như trước đây vì đã có xe lăn. Con đường đến trường của em đã bớt gập ghềnh hơn rất nhiều khi xung quanh em có thầy cô, bạn bè và cả những người không quen biết luôn yêu thương và giúp đỡ.
Trong chuyến công tác huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi đã gặp lại em Lương Văn Mậu - nhân vật trong bài viết "Thương lắm cậu bé đi học bằng tay" đăng tải trên báo Dân trí cách đây tròn 5 năm. Hiện Mậu đang là học sinh lớp 11C, Trường THPT Tương Dương 1.
Em Lương Văn Mậu khi đang học lớp 5. (Ảnh: Trọng Hưng)
Mậu sinh ra đã bị teo hai chân không thể đi lại được. Để di chuyển, cậu bé phải dùng đôi tay theo kiểu trồng cây chuối. Sinh ra ở bản xốp Mạt (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) - nơi đã từng là điểm nóng về tình trạng mua bán trái phép chất ma túy. Bố mẹ Mậu bị cơn lốc ma túy cuốn đi rồi đưa nhau vào tù. Mậu và người anh trai về ở với ông bà ngoại cùng mấy đứa em con cô (cũng đi tù vì ma túy).
Hai ông bà già và một đàn trẻ lít nhít, cơm không đủ ăn. Đối với những đứa trẻ bình thường, điều đó cũng rất khó để vượt qua huống hồ là một đứa trẻ tật nguyền như em. Vượt qua số phận, vượt qua nghịch cảnh, Mậu vẫn khao khát đến trường chỉ có điều cách đi học của em không giống những người khác. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của Mậu và sự giúp đỡ của người bạn Lô Lương Chôm, Mậu đã hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến.
Lương Văn Mậu giờ đã là cậu học sinh lớp 11.
Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng Lương Văn Mậu vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp vào Trường THPT Tương Dương 1 và đủ điểm đậu. "Lương Văn Mậu có trong danh sách trúng tuyển của trường nhưng đợi mãi không thấy em đến nhập học. Sau đó chúng tôi mới biết em là học sinh khuyết tật vì trong hồ sơ tuyển sinh của em không thể hiện điều đó. Trường đã cử giáo viên về tận nhà vận động em tới trường", thầy Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Đôi mắt Mậu buồn rầu: "Bố em bị kết án 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, thời điểm đó mới bị bắt. Mẹ thì đi tù chưa về. Bà ngoại già yếu (70 tuổi) không nuôi được em ăn học nên bắt em nghỉ ở nhà. Sau các thầy vào động viên, anh trai cũng động viên, lại được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, của Hội Khuyến học huyện nên em mới có thể tiếp tục tới trường". Bố thụ án, mẹ ra tù, ngựa quen đường cũ lại dính vào ma túy. Cách đây 2 tháng, mẹ của Mậu mới bị bắt lại. Lần này chẳng biết đến lúc nào về.
Mậu được đánh giá là chăm, ngoan nhưng do hoàn cảnh gia đình cũng như mặc cảm bản thân nên sức học của em không còn tốt như trước.
Mậu xuống trường nhập học sau các bạn đến hơn 1 tháng. Ban giám hiệu nhà trường phân công dạy bù cho em, rồi thuê một căn phòng ngay sát cổng trường để em tiện đi học, bố trí người đưa đón Mậu đến lớp hằng ngày. Vì Mậu nhập học muộn trong khi các hồ sơ đề nghị cấp chế độ cho học sinh trong trường đã được phê duyệt nên nhà trường phải linh động, tìm các nguồn khác để hỗ trợ gạo, tiền để em có thể tiếp tục đi học. Ngoài ra Mậu cũng được miễn phí hoàn toàn các khoản đóng góp. Sang năm học này, em được hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh tàn tật nên cũng bớt vất vả.
Giờ Mậu không phải đi bằng tay nữa. Sau khi báo Dân trí đăng tải về hoàn cảnh của em, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp ủng hộ Mậu và bà ngoại, mua xe lăn để em tiện đi lại. Hơn nữa, trừ đôi chân ra thì cơ thể em cũng phát triển hơn, đôi tay không đủ khỏe để "gánh" cả thân mình như trước. Nhà trường cũng bố trí lớp học ở tầng 1 để thuận lợi cho việc di chuyển của Mậu.
Thương em Mậu, các thầy cô giáo luôn động viên, giúp đỡ để em có thể theo kịp với bạn bè.
Sáng Mậu đến lớp, trưa về tự nấu nướng, giặt giũ. Mậu ở chung với 3 bạn khác trong một căn phòng nhỏ, đồ đạc cũng không có gì nhiều. Giá sách của em chỉ là chiếc ghế cũ, bàn học cũng không có. Mỗi khi học, Mậu cúi rạp xuống giường. "Sách vở được các thầy cô giáo mua cho, vở em còn thiếu một ít nên em viết 2 môn vào một vở. Em chỉ ước sau này có một cái nghề để có thể sống nuôi bản thân mình. Bố mẹ đã như thế thì em phải học, để sống khác đi, chị ạ", Mậu tâm sự.
"Nhà trường luôn hỗ trợ tối đa cho em nhưng riêng việc học thì em phải cố gắng nỗ lực chứ không thể trông chờ vào việc không học cũng có thể có thành tích cao được. So với các bạn cùng lớp thì sức học của Mậu cũng chỉ ở mức trung bình. Với điều kiện thực tế của em thì tôi nghĩ ngành Công nghệ thông tin sẽ phù hợp hơn nên Ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên bộ môn Tin học đặc biệt quan tâm và hỗ trợ em trong môn học này", thầy Tuấn cho biết thêm.
Giường ngủ cũng chính là bàn học của Mậu.
Con đường đến trường của cậu bé đi học bằng tay ngày trước đã bớt gian nan hơn rất nhiều bởi xung quanh em luôn có những tấm lòng yêu thương và sẻ chia. Nhưng cuộc đời em thì chính em phải quyết định. Tôi nhớ mãi đôi mắt buồn thăm thẳm nhưng đầy quyết tâm của Mậu: "Em phải cố gắng thật nhiều để sống khác bố mẹ".
Hoàng Lam
Theo Dantri
Những biển hiệu hoài cổ trăm tuổi trên phố Hà Nội Khu vực phố cổ Hà Nội hiện nay vẫn tồn tại những biển hiệu cửa hàng, cửa hiệu ra đời từ Pháp thuộc hay thời bao cấp. Hiện nay, chỉ còn rất ít cửa hiệu gắn biển hiệu cũ còn kinh doanh, phần lớn đã từ lâu không còn hoạt động.Đa phần những biển hiệu từ thời Pháp thuộc được đắp nổi bằng...