Đằng sau bản án buôn người của cô gái 9x xinh đẹp
Trong suốt quá trình phiên toà diễn ra, chỉ thấy cô ta cúi đầu, thi thoảng mới ngẩng mặt lên trả lời chất vấn của HĐXX.
Nữ bị cáo Lương và các đồng phạm khác tại phiên toà
Nếu vị cán bộ công an làm công tác dẫn giải bị cáo ra trước vành móng ngựa không nói, có lẽ chúng tôi cũng không thể nghĩ rằng, cô gái có khuôn mặt đẹp và nước da trắng ngần kia lại là một kẻ buôn người với những thủ đoạn lạnh lùng và tàn nhẫn.
Tuổi thơ cơ cực
Trước khi phiên toà xét xử vụ án buôn người này diễn ra, chúng tôi cũng đã có dịp được biết thông tin về vụ án do các điều tra viên của phòng PC45 công an tỉnh Lai Châu cung cấp. Chúng tôi cũng tự đặt câu hỏi, vì sao một cô gái 9X xinh đẹp, trẻ trung, lại sớm lập gia đình và rồi nhanh chóng sa chân vào con đường tội lỗi đến như thế…
Bị cáo nữ duy nhất trong vụ án buôn người này tên là Hoàng Thị Lương sinh năm 1991 trú tại xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Từ nhỏ, Lương đã nổi bật vì sự xinh tươi, nhí nhảnh. Mặc dù sinh ra ở một huyện nghèo, thuộc một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Lương đã sớm biết trải nghiệm những cuộc ăn chơi nơi phố thị.
Trong sinh hoạt, Lương hay đề nghị mọi người gọi Lương là… Phương. Chính vì việc có hai tên, nên trong quá trình điều tra xác minh, cơ quan công an phải mất nhiều thời gian nhằm xác định quá trình phạm tội của Lương.
Một điều tra viên thuộc PC45 -công an tỉnh Lai Châu cho biết: “Gia đình Lương rất nghèo, bố mẹ đều làm ruộng. Trong quá tình điều tra, chúng tôi cũng thấy cám cảnh cho hoàn cảnh của cô ta. Ở điều kiện như thế, nếu có chí thú làm ăn chưa chắc đã thoát khỏi đói nghèo, chứ đừng nói là ăn chơi đua đòi”.
Tuy nhiên, tuổi thơ cơ cực không ngăn nổi sức sống mãnh liệt của cô gái bước vào tuổi xuân thì, Lương nhanh chóng có bạn trai và rồi cũng nhanh chóng lên xe hoa về nhà chồng. Không lâu sau khi lấy chồng, Lương sinh con. Song điều trái khoáy là cũng bắt đầu từ đây, cuộc sống của Lương đi theo một ngã rẽ khác…
Tự biến mình thành gái bán dâm
Sau khi lập gia đình, có con, đáng ra theo lẽ thông thường thì Lương phải chịu thương, chịu khó hơn, đằng này Lương lại làm điều ngược lại. Thậm chí, chính con của mình, Lương cũng không mấy quan tâm.
Video đang HOT
Trong quá trình thiết lập các mối quan hệ ngoài xã hội, Lương quen biết với đối tượng có tên Nguyễn Văn Thông là người ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Thông có mối quan hệ và người quen ở Trung Quốc, nên tìm cách lôi kéo những người khác sang làm gái bán dâm. Khi Lương gặp Thông, nghe Thông nói về “công ăn, việc làm” như thế, Lương lại… vui vẻ đồng ý sang Trung Quốc làm gái bán dâm và hưởng “lương hàng tháng” là 15 triệu đồng.
Bên cạnh việc “rủ” được Lương, Thông còn “mời” được 2 cô gái khác là Nguyễn Thị Nhung, và Trần Thị Hiền (thông qua Lương) cùng sang Trung Quốc làm gái bán dâm. Vào khoảng tháng 6/2011, tất cả nhóm này tìm cách sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Sau khi Lương, Nhung, Hiền được đưa sang Trung Quốc làm gái bán dâm, thì phát sinh tình huống là Thông và “đối tác” của Thông chưa bố trí ngay được “công việc” cho 3 người này. Song ngay sau đó, có một “mối” khác đến nhận “hàng” để “giao việc” cho các cô. Chính vì điều này, nên thời gian ở đất khách, quê người đã nảy sinh trong đầu Lương một âm mưu nham hiểm.
Trong quá trình làm gái bán dâm bên kia biên giới, Lương đã tìm hiểu quy luật đi lại, cách thức giao dịch và những thủ đoạn nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.
Sau khoảng 2 tháng “làm ăn” xứ người, thấy cảnh đời ở đâu cũng giống nhau, chỉ là những kẻ hám của lạ tìm đến với những cuộc vui nhớp nháp, nhanh đến hồi tàn tạ, nên Lương tìm cách trở về Việt Nam. Sau khi về Việt Nam, người mà Lương tìm đến chính là… Thông để đòi “công” với y.
Mẹ đã đi tù con ở với ai?
Khi Lương tìm đến nhà Thông, thay vì lấy được tiền, Thông và Lương đã “ngồi lại với nhau”, bàn mưu tìm cách lừa thêm các cô gái nhẹ dạ cả tin khác bán sang Trung Quốc lấy tiền tiêu xài. Để chuẩn bị cho âm mưu của mình, Lương nhanh chóng về quê như một người đi làm ăn xa trở về nhà với vẻ ngoài đàng hoàng, bắt mắt, luôn tìm cách kết thân với các cô gái trẻ và rủ đi làm ăn xa.
Song dường như có linh tính mách bảo, các cô gái này đều từ chối đề nghị của Lương. Tuy nhiên, trong quá trình tìm “mồi”, Lương đã tiếp cận và kết thân được với chị Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1994 trú tại thị trấn Tân Uyên, Lai Châu.
Tuy nhiên, khi Lương tìm cách đưa chị Yến bán sang Trung Quốc tại khu vực bản Phiệt, tỉnh Lào Cai, thì bị lực lượng Biên phòng thuộc Đồn biên phòng Lào Cai phát hiện và bắt lại. Lúc này chị Yến mới hoảng hồn khi biết rằng, mình đã bị Lương đưa vào tròng. Sau quá trình chuyển hồ sơ vụ án từ biên phòng Lào Cai về công an tỉnh Lai Châu để điều tra vụ án theo thẩm quyền, quá trình phạm tội của Lương và các bị cáo khác đã được làm sáng tỏ.
Phiên toà xét xử Lương và các bị cáo rất vắng, chỉ có lác đác vài người tranh thủ đến nhìn mặt người thân. Trong quá trình thẩm vấn, vị thẩm phán chủ tọa phiên toà đã chất vấn Lương: “Tại sao cũng là một người phụ nữ, lại từng thấu hiểu thế nào là kiếp bán thân ở xứ người, mà khi trở về lại tìm cách đẩy người khác vào hoàn cảnh ê chề đó?”.
Lương chỉ cúi đầu nói lí nhí: “Bị cáo đã biết tội của mình rồi”… Trong suốt quá trình phiên toà diễn ra, riêng Lương không loanh quanh chối tội như các bị cáo khác mà chỉ xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để sớm được ra tù về chăm sóc cho đưa con nhỏ dại.
Lời sám hối thương con thơ dại của người đàn bà mang tội buôn người cũng khiến cho những người tham dự phiên toà lặng đi, dù đã muộn. Trong số các bị cáo đứng trước vành móng ngựa cũng chỉ mình Lương không có người thân đến dự phiên toà.
Phiên toà kết thúc, các bị cáo lặng lẽ lê bước chân ra chiếc xe thùng đang nổ máy đợi sẵn, thẳng hướng về phía trại giam. Đúng lúc này trời đổ mưa, bất giác có một người đi bên cạnh chúng tôi nói vu vơ: “Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đã đi tù con ở với ai…”.
(Tên gái bán dâm là nạn nhân đã được đổi)
Theo xahoi
Cả "binh đoàn" đàn ông bị lừa bán sang TQ: Lời kể người trong cuộc
Vợ chồng Triệu Văn Sơn đã "giăng bẫy" dân bản với cái mác tuyển lao động, thậm chí dùng gái bản để giữ những lao động này, sau đó đưa sang Trung Quốc...
Những nạn nhân là đàn ông trong một vụ bán người qua biên giới
"Từ lâu, nhắc đến chuyện buôn người, người ta chỉ nghĩ đến nạn nhân là những người phụ nữ ngây thơ, vì cả tin mà mắc bẫy, còn hung thủ ắt phải là những gã đàn ông xảo quyệt hay những mụ tú bà độc ác. Nhưng giờ đây, chuyện đã đổi khác, đàn ông, nhất là những trai tráng khỏe mạnh cũng có thể trở thành miếng mồi béo bở cho các tú bà tuổi mới trăng rằm.
Việc phụ nữ bị đàn ông lừa tình đã nghe, thấy nhiều, nhưng nói đến phụ nữ lừa lại đàn ông để đi bán thì hiếm gặp. Hầu như, những người đàn ông bị lừa bán sang Trung Quốc đều phục vụ cho công việc khổ ải mà chính người Trung Quốc không làm được" - trung tá Sơn bộc bạch.
Trong chuyến hành trình mệt nhoài trên những cung đường ướt sũng bởi cơn mưa rừng dai dẳng, chúng tôi đã may mắn gặp được ông Phùng Ngọc Thuyết, đội phó Đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang.
Ông Thuyết đã kể cho chúng tôi nghe về một vụ án được đánh giá là điển hình nhất về bọn tội phạm buôn người ở vùng cao. Ông Thuyết nhớ lại, khoảng đầu tháng 5/2011, cả huyện Mèo Vạc (Hà Giang) xôn xao vì thông tin tuyển dụng lao động của vợ chồng Triệu Văn Sơn (SN 1978, dân tộc Tày, tạm trú tại Lũng Làn, Sơn Vĩ, Mèo Vạc) để sang Trung Quốc làm việc với mức lương hậu hĩnh.
Ngay sau khi thông tin được đưa ra, hàng trăm người dân kéo đến dự tuyển. Tuy nhiên, qua quá trình sàng lọc, 33 người khỏe mạnh nhất được Sơn lựa chọn (27 nam và 6 nữ).
Ngày 11/5/2011, 33 người được tuyển chọn đã tập hợp đông đủ tại một địa điểm chờ Sơn mang xe qua đón. Đúng hẹn, chiều tối cùng ngày, Sơn đã điều xe đưa toàn bộ số người trên lên khu vực mốc 499 rồi đi bộ sang Trung Quốc.
Vì sợ biên phòng phát hiện, trên đường đi, Sơn và đồng bọn yêu cầu tất cả phải tắt đèn pin và giữ trật tự đến tuyệt đối. Sau một giờ đi bộ sâu vào nước bạn, tất cả được chỉ định lên một chiếc ô tô chờ sẵn rồi chạy vào tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Chưa dừng lại, nhóm người lại được Sơn và đồng bọn yêu cầu sang xe khác cho cuộc hành trình hơn 2 ngày đêm sau đó. Càng đi, đoàn người càng cảm thấy lo lắng về tính mờ ám với công việc nơi "đất khách quê người".
Gặng hỏi thì Sơn trả lời quanh co, ấp úng. Nghi ngờ Sơn và đồng bọn lừa đảo, cả đoàn người đã dùng áp lực bắt dừng xe đòi quay về Việt Nam. Biết kế hoạch bất thành, Sơn yêu cầu mọi người phải tự bỏ tiền ra để Sơn lo chi phí đi về nhưng không ai mang theo tiền cả.
Bị sức ép, Sơn đành một mình trở về Việt Nam gom tiền từ người nhà nạn nhân để sang đưa họ về. Khi Sơn quay lại, 33 người Việt Nam đã bị tạm giữ tại trụ sở Công an Trung Quốc. Hoảng sợ, Sơn chạy thục mạng về nước và lờ đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Sau khi an vị tại quê nhà, Triệu Văn Sơn cứ ngỡ mình sẽ vô can với số phận của 33 người lao động. Thế nhưng, ngay sau khi được Công an Trung Quốc trao trả về địa phương, toàn bộ đoàn người bị lừa đã làm đơn tố cáo Sơn với các cơ quan chức năng.
Nhận được đơn tố giác của công dân, Đồn biên phòng 159 đã phối hợp với Đội đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang) đến tận địa phương các bị hại đứng đơn tố giác để xác minh. Kết quả ban đầu xác định việc tố giác của công dân là đúng sự thật. Ngay lập tức Triệu Văn Sơn được triệu tập để tiến hành điều tra làm rõ.
Trước chứng cứ quá rõ ràng, Triệu Văn Sơn phải cúi đầu nhận tội. Qua lời khai của đối tượng, chủ mưu trong vụ án lại là một người Trung Quốc. Theo đó, Sơn có chơi thân với Sẻ Văn Chúng (người cùng xã).
Trong một lần tâm sự, Chúng khoe với Sơn là đã nhận lời một người Trung Quốc có tên Hồ Pin gom người lao động Việt Nam mang sang Trung Quốc làm thuê, nhưng thực chất là để bán với mức trả công tìm người là 500.000 đồng/người.
Thấy món hời trước mắt, Sơn đồng ý và xung phong làm đầu mối tuyển hàng. Sau nhiều lần qua lại nhà nhau, Sơn, Chúng và Pin đã bàn bạc và thống nhất một phương án buôn người được đánh giá là hết sức quy mô và tinh vi từ trước đến nay.
Tuy nhiên, toàn bộ kế hoạch của bọn chúng đã hoàn toàn thất bại vì sức mạnh của đám đông nạn nhân và một phần cũng vì những mâu thuẫn trong nội bộ về tiền nong không được sòng phẳng. Căn cứ vào lời khai của các đối tượng và kết quả điều tra xác minh, Đồn biên phòng 159 đã ra quyết định khởi tố vụ án "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài", ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng và bàn giao vụ án cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang.
Chốt lại vụ án này, theo ông Phùng Ngọc Thuyết, thì với pháp luật hiện hành, chỉ có thể xử lý các đối tượng này với tội danh "Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài" mà thôi. Bản chất là mua bán người, nhưng chiếu theo điều 119, Bộ luật Hình sự về tội mua bán người thì chưa đủ yếu tố vì không có hành vi giao dịch mua bán mà chỉ mang tính chất giới thiệu việc làm hưởng phần trăm.
Đáng nói, lạm dụng lỗ hổng của pháp luật, tội phạm trong hoạt động buôn bán người dạng này đang ngày một hoạt động mạnh hơn, gây nhiều bất ổn trong cuộc sống người dân vùng cao và làm đau đầu các nhà thực thi pháp luật.
Theo xahoi
Cuộc đấu súng sinh tử với "sói rừng" Tây Bắc Từ năm 2000 - 2005, tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xảy ra một cuộc đấu trí, truy lùng cam go giữa cơ quan công an với một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Niềm vui của quân và dân sau khi đánh án thắng lợi Hắn tên Phàn A Gát - người dân tộc Dao, từng gieo bao đau thương,...