Dâng sao giải hạn: Nhiều tiền có giải được hạn?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Trụ trì Chùa Quán Sứ cho rằng, Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn, chỉ có luật nhân quả.
Dâng sao giải hạn là lễ cầu an
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Trụ trì Chùa Quán Sứ – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, lễ dâng sao giải hạn không bắt nguồn từ đạo Phật. Đây là tục lệ trong dân gian, do ảnh hưởng từ “Tam giáo đồng nguyên” gồm Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.
Theo quan niệm, có 9 ngôi sao chiếu bản mệnh con người, cụ thể, có 5 vì sao xấu gồm sao La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán. Các sao tốt như Thuỷ Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức.
Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người, tùy theo tuổi sẽ có sao chiếu tương ứng tốt hay xấu. Nếu bị sao xấu chiếu mệnh xấu phải cúng sao giải hạn, nếu sao tốt sẽ cầu cho an bình.
Theo hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, quan niệm này đã ảnh hưởng đến người dân Việt Nam và trở thành nhu cầu tâm linh. Do vậy, dịp rằm tháng Giêng, mọi người thường đến chùa làm lễ giải hạn.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì Chùa Quán Sứ – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nếu không gặp sao xấu, nhưng người dân vẫn quan niệm “lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng” cho nên thường đến chùa làm lễ cầu an, mong gia đình yên lanh, làm ăn phát đạt.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN cũng cho rằng, đạo Phật có quan niệm về luật nhân – quả. Theo lời Phật dạy, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa, tất cả do luật nhân quả – “gieo nhân nào thì gặp quả đó”.
Video đang HOT
Có thể tự cúng giải hạn tại nhà
Hiện nay, mỗi dịp đầu năm, người dân lại kéo đến các chùa chiền, phủ… cúng sao giải hạn. Tại Hà Nội, có những ngôi chùa đông người đến người dân đứng tràn ra ngoài đường làm lễ. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và… giá cả khác nhau. Có nơi vài trăm nghìn đồng/gia đình, có nơi tiền triệu. Thậm chí báo chí những ngày qua đưa tin, có gia đình mời “thầy ngoại” về nhà làm lễ, chi phí hàng tỷ đồng.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, dịp đầu năm, chùa Quán Sứ thường tổ chức Lễ cầu bình an tại chùa. Chi phí cho tất cả các thành viên trong một gia đình (không kể ít nhiều) khoảng “vài ba trăm nghìn”.
Tuy nhiên, hòa thượng cho rằng, quan niệm càng chi nhiều tiền càng giải được nhiều hạn là sai lầm.
Hòa thượng nói: “Nếu quan niệm vậy, người giàu sống lâu, có nhiều sức khỏe, còn người nghèo thì ngược lại à?. Nhiều hay ít đều như nhau, một triệu cũng như một trăm. Quan trọng ở cái tâm của con người và luật nhân quả”.
Tham khảo bảng tính sao hạn năm Giáp Ngọ
Cụ thể, Hòa thượng lý giải, nếu làm nhiều việc tốt sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Làm lễ giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cũng cho biết, người dân có thể làm lễ tại nhà, hoặc đến chùa. Nếu làm tại nhà, chỉ cần chuẩn bị lễ đơn giản gồm hương, hoa quả và 9 ngọn nến.
Theo Dương Tùng (Khampha.vn)
Cúng sao giải hạn: Sao phải tự lừa mình?
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, cúng giải hạn đầu năm chỉ là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên.
Phật không dạy dâng sao giải hạn
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn. Đạo Phật chỉ có luật nhân quả, nếu ai làm điều thiện thì được ban phúc, ai làm điều ác sẽ gặp tai họa.
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, dâng sao giải hạn xuất xứ từ Đạo giáo của Trung Quốc. Theo quan niệm, có 9 vì sao chiếu bản mệnh con người. Trong đó có những vì sao "hung tinh" như sao La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán. Các sao tốt như Thuỷ Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức. Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Theo chu kỳ 9 năm, sẽ trở lại sao ban đầu.
Tập tục này được truyền sang Việt Nam và ăn sâu vào quan niệm của người dân, trở thành một tập tục lâu đời. Người Việt tin rằng, nếu bị sao xấu chiếu mệnh, người ta phải cúng sao giải hạn để được an lành. Tuy không phải là tập tục của Phật giáo nhưng ngày nay, cúng sao giải hạn hầu hết là diễn ra ở các chùa.
Bảng tính sao hạn năm Quý Tỵ (phatgiao.org.vn)
Vị Trưởng ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội cho rằng, tai họa hay hạnh phúc đều do con người tạo ra. Trên đời này không có ngôi sao nào chiếu vào con người ta mà mang phúc hay mang họa đến cho người ấy. Ví dụ một người tham gia giao thông, không quan sát, phóng nhanh vượt ẩu... sẽ bị tai nạn. Ngược lại, đi xe có văn hóa, từ tốn, quan sát cẩn thận... sẽ luôn an toàn. Không có ngôi sao xấu hay sao hung chiếu vào khiến con người ta bị tai nạn giao thông.
"Tôi thường khuyên phật tử hãy trực tiếp cầu cho mình. Cầu cho mình là ý thức đến sự an toàn cho mình trong cuộc sống, và cuộc sống mình sẽ bình an. Chính mình làm bình an cho bản thân là quan trọng nhất ", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Ngoài ra, một hệ lụy từ việc cúng giải hạn hiện nay là việc mời thầy, sắm sửa tiền vàng, lễ vật tốn kém. Đây cũng là quan niệm sai lệch của người trần. Bởi thần thánh là những bậc vĩ nhân, không thể đem cái phàm phu của con người đối xử với các bậc vĩ nhân. Bậc vĩ nhân không thể tham tiền, vàng, lễ vật giống như người phàm phu. Chỉ cần cái tâm hướng thiện, lòng thành kính Phật là đủ.
Mang tiền mua sự bình an
Hiện nay, mỗi dịp lễ tết, các chùa lại đông nghịt người đến cúng sao giải hạn. Hỏi về lý do đi cúng sao giải hạn, anh Nguyễn Công Thu (Mê Linh, Hà Nôi) chia sẻ: "Năm ngoái gia đình tôi làm lễ dâng sao giải hạn rất cẩn thận. Thậm chí, vợ tôi còn đi "xem" và mời nhiều thầy về làm lễ. Thầy nào làm lễ xong cũng phán gia đình tôi yên tâm, "mọi sự" đã được các thầy "giải" hết. Ấy vậy mà năm ngoái, nhà tôi vẫn gặp đại hạn mất người thân".
Hàng nghìn người đứng cầu, đường làm lễ giải hạn
Dừng một lát, anh Thu nói tiếp: "Năm nay, cũng không tin vào cúng sao cúng hạn nữa, mùng 8 tết, gia đình tôi cũng không đi cúng sao như mọi năm. Trớ trêu, cũng ngày hôm đó, cháu nhà tôi mới 5 tháng tuổi bị ngã từ trên tay chị nó xuống đất. Cậu em trai tôi bị giữ xe máy vì đi sai luật. Thế là mọi tội lỗi đổ lên đầu tôi, không chịu làm lễ giải hạn cho cả nhà. Thôi đành mời thầy làm lễ, mặc dù không còn tin, nhưng coi như mình mua sự bình an".
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng cho rằng, cúng giải hạn đầu năm chỉ là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên, mong ước đầu năm. Ở chùa, các thầy chỉ là người trợ giúp, còn cầu bình an, tự răn mình cẩn trọng, an toàn... người dân phải tự ý thức lấy.
"Điều ngược đời là xã hội ngày nay càng phát triển, những hoạt động mê tín cũng tăng theo. Xã hội càng văn minh, con người ngày càng lạc hậu. Ngày càng có nhiều người mất tiền của, thời gian, công sức... vào những điều phi lý, không thực tế. Trước đây không có hiện tượng lễ bái tốn kém, phô trương như bây giờ", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.
Dịp đầu năm, các chùa có đông người đến làm lễ giải hạn, có những nơi người dân đứng tràn ra ngoài đường. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, nếu đứng ở cầu, ở đường để cầu nguyện được thì sao không đứng ở nhà mà cầu. Phật tại tâm, tâm thanh tịnh ở đâu có Phật ở đó. Mong rằng các vị trụ trì chùa phải ý thức về việc này. Giải thích cho người dân hiểu về việc lễ dâng sao giải hạn và làm sao cho đúng.
Theo vị Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người có sao xấu thường ý thức mình có hạn, luôn cẩn thận trong mọi việc, người đó tai qua nạn khỏi. Người sao tốt ra đường phóng bạt mạng, nói năng lung tung, làm càn... tai họa sẽ đến.
Theo 24h
Xem bói đầu năm: Giật mình thon thót Sau Tết Nguyên đán, hàng ngàn người dân ở miền Trung kéo nhau đi xem bói. Do nhẹ dạ, cả tin, không ít người "hiến" cả tình lẫn tiền nuôi béo các thầy bói. Nghe đồn "cô" Sáu Tưởng (ngụ thôn Tam Hòa, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc - Quảng Nam) ngoài việc biết trước số phận con người còn có thể...