Dâng sao giải hạn biến tướng: Làm “xấu” một nghi lễ đẹp
Như thường lệ, cứ đầu năm là người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn lại đổ đến các chùa để đăng ký cầu an, giải hạn với mong muốn cầu bình an, và xóa tan vận rủi nếu chẳng may có sao xấu chiếu mạng.
Mong ước điều tốt đẹp, bình an là chính đáng. Tuy nhiên việc đổ xô đến những ngôi chùa nổi tiếng, chi ra mấy trăm nghìn đồng để nhà chùa làm lễ, chen chúc nhau tham dự và nghĩ rằng nhờ vậy thần linh sẽ che chở cho mình, dường như người dân và nhiều cơ sở thờ tự đang làm xấu đi nghi lễ này.
Chen chúc đăng kýdâng sao giải hạn
Có mặt tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vào ngày 26-2, tức ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, mặc dù đã sát thời điểm làm lễ dâng sao giải hạn, nhưng trong sân chùa vẫn đông nghịt người đứng ngồi, đối chiếu bảng sao, ghi ghi chép chép để đăng ký cầu an, giải hạn. Để tiện cho người dân đến đăng ký, Ban quản lý chùa Phúc Khánh đã dán các bảng tính sao cho năm Ất Mùi trên các cột trong khuôn viên chùa, và bố trí nhiều bàn phục vụ việc đăng ký của phật tử. Người dân đến đăng ký dâng sao giải hạn chỉ cần ghi cụ thể tên tuổi của người cần giải hạn vào tờ hướng dẫn nhà chùa đã bày sẵn trên bàn, sau đó nộp phí 100 nghìn đồng/người đối với lễ giải hạn và 80 nghìn đồng/người đối với lễ cầu an.
Bà Ngô Thị Hòa (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa ghi đầy đủ tên tuổi các thành viên trong gia đình, vừa đối chiếu xem năm nay sao gì chiếu mạng các thành viên. Bà Hòa chia sẻ: “Nói chung là có thờ có thiêng, có kiêng có lành, mình cứ làm cho nó yên tâm. Năm nào tôi cũng đăng ký cho cả gia đình, ai bị sao xấu chiếu mệnh thì làm lễ dâng sao giải hạn, ai không thì làm lễ cầu an. Năm nay vợ chồng tôi cùng tuổi Mậu Thìn, chồng La Hầu, vợ Kế Đô, nên càng phải làm cẩn thận. Ra chùa làm thì đơn giản hơn, chỉ nộp tiền là chùa làm giúp, chứ làm ở nhà thì mình không biết nghi lễ thế nào, làm sai chả bõ thần linh trách phạt”. Còn chị Vi Thị Hoa ở đường Giải Phóng thì cho biết năm nay nhà mình không ai bị sao xấu chiếu mệnh nhưng chị vẫn ra chùa làm lễ cầu an cho cả gia đình. Đó là một thói quen mà năm nào gia đình chị cũng làm.
Tương tự, tại các chùa lớn khác, người dân cũng tấp nập đăng ký dâng sao. Chi phí lễ cầu an trung bình khoảng 200-500 nghìn đồng/gia đình, thậm chí có nơi giá thành lên đến 1 triệu đồng. Dù vậy, chi phí dâng sao cầu an, giải hạn ở các chùa vẫn là rẻ nhất. Nhiều gia đình cầu kỳ còn mời sư thầy đến lập đàn giải hạn tại nhà, chi phí từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Một số gia đình lại tìm đến các điện thờ của các ông đồng, bà cốt để nhờ làm lễ, chi phí tuy thấp hơn nhưng cũng dao động từ vài triệu đến cả chục triệu đồng cho một gia đình.
Theo lịch các khóa lễ đầu năm của chùa Phúc Khánh, các lễ giải sao hạn La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô được tổ chức lần lượt vào các ngày mùng 8, 15, 18 và lễ cầu an vào ngày 14 tháng Giêng. Tại chùa Quán Sứ và nhiều chùa khác, từ nay đến hết tháng Giêng cũng sẽ tiến hành các buổi lễ dâng sao giải hạn và cầu an cho các phật tử. Số người có nhu cầu dâng sao giải hạn đông đến nỗi có những ngôi chùa mỗi khóa lễ cầu an, giải hạn, khuôn viên chùa không đủ chỗ cho phật tử ngồi, người dân phải đứng tràn hết ra lề đường, lòng đường, ngồi cả lên lan can cầu để được tham dự buổi lễ dâng sao, nhà chùa phải bắc cả loa sang bên kia đường để những người đứng ngoài có thể nghe được nhà chùa hành lễ.
Đừng làm xấu một nghi lễ đẹp
Video đang HOT
Thật ra, tập quán dâng sao giải hạn xuất phát từ Trung Quốc và được các pháp sư phái Mật Tông thu nạp và soạn ra “Nhương tinh” để đưa dẫn người vào đạo. Theo quan niệm của người Á Đông, căn cứ vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Người ta cho rằng năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn. Nặng nhất là “nam La hầu, nữ Kế đô”. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón. Để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm (tốt nhất là hàng tháng) tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình.
Ngày nay, cuộc sống ngày càng có nhiều bất an xảy đến, khiến nhiều người không còn tin vào bản thân mình, họ nghĩ rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó tác động đến cuộc sống, đến những vận hạn của mình, vì vậy để an ủi mình, ngày càng nhiều người tìm đến những khóa lễ giải hạn, cầu bình an. Điều đáng nói là không ít người đã thái quá nghi lễ này, sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Thậm chí nhiều người nghèo khó không có điều kiện cũng vay mượn, bán cả tài sản để làm lễ. Cộng với tác động của kinh tế thị trường, những nghi lễ này đã trở thành một loại hình dịch vụ ở nhiều cơ sở thờ tự.
Tiến sĩ Lê Tâm Đắc, Trưởng phòng nghiên cứu Phật giáo, Viện nghiên cứu Tôn giáo cũng khẳng định dâng sao giải hạn không phải là một nghi lễ của Phật giáo. Kinh sách của Phật giáo không đề cập đến việc ngôi sao chiếu mạng vào con người mà nhờ đó được hưởng phúc lợi hay mang tai họa. Trong kinh sách Phật giáo cũng không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho Phật tử. Bởi vì, đối với Phật giáo, không có ngày xấu, không có ngày tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt. Theo kinh điển Phật giáo, tất cả phúc lộc hay tai hoạ, thành công hay thất bại mà con người có được hay gặp phải đều do nhân quả của chính người ấy làm nên chứ không phải do ai ban phát cho. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, hình thức tín ngưỡng này, bên cạnh sự tồn tại một cách độc lập trong dân chúng, thì gần như ngay lập tức đã được Phật giáo Việt Nam (Mật Tông và Tịnh Độ Tông) tiếp nhận và sử dụng như một trong những phương tiện để hoá độ chúng sinh.
Như vậy, việc dâng sao giải hạn trong Phật giáo đã diễn ra hàng nghìn năm, đó cũng là điều bình thường. Tuy nhiên trước đây các chùa làm là để giúp người mong cầu, tin tưởng vào những điều tốt đẹp, người dân chỉ cần một chút lễ đèn nhang cho nhà chùa. Còn ngày nay, tại một số nơi đặt nặng vấn đề chi phí, vì vậy không phải ai cũng có điều kiện làm lễ cầu an, giải hạn tại chùa. Thậm chí một số nơi còn coi đó là phương tiện để có thêm thu nhập cho nhà chùa, dẫn đến những nhìn nhận không tốt về nghi lễ này.
Vận hạn là do mình tạo nên
Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cũng cho rằng nghi lễ dâng sao giải hạn không có nguồn gốc từ Phật giáo mà nó xuất phát từ Lão giáo. Tuy nhiên trong lịch sử phát triển, Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo hòa vào nhau (tam giáo đồng nguyên) nên các nghi lễ này đã được thực hiện trong các nhà chùa. Đó là điều không sai, vì các nhà chùa tiến hành các nghi lễ này trước hết là để thỏa mãn nhu cầu xã hội, an ủi chúng sinh.
Về việc một số chùa thu kinh phí làm lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng không nên nhìn nhận sự việc một cách tiêu cực: Thực ra bản thân các chùa không phải nghĩ đến việc kinh tế, mà thực hiện nghi lễ này đáp ứng nhu cầu chúng sinh. Nhưng vì làm lễ thì phải sắm lễ, vì vậy nhà chùa cũng cần thu những khoản phí nhất định. Tuy nhiên, khi tiến hành nghi lễ, trách nhiệm của các sư là không phủ nhận nhưng phải giảng giải cho phật tử biết bản chất sự việc, rằng không phải có ngôi sao nào tạo nên vận hạn con người, nhân quả là do chính mình tạo nên, vì vậy khi đến cửa chùa quan trọng là thành tâm. Dù người ta có dâng sao giải hạn, có đi chùa cầu cúng mà khi tham gia giao thông không tuân thủ luật, rồi làm những điều xấu thì cũng không có thần thánh nào cứu được. Dâng sao giải hạn hay cầu bình an mà ngồi ra cả đường, ngồi lên cả lan can cầu thì đó đã là điều bất an rồi. Vì vậy không phải cứ kéo đến chùa linh thiêng làm là tốt, quan trọng là do sự thành tâm của con người. “Tôi tin là khi các nhà chùa giải thích thì dần dần chúng sinh sẽ hiểu, cũng như việc đốt hương hay rải tiền lẻ tràn lan, những năm trước rất bức xúc nhưng những năm gần đây, người dân đã thay đổi rất nhiều” – Thượng tọa Thích ĐứcThiện nói.
Theo Trâm Anh
An ninh Thủ đô
Phiến quân IS tung video đập phá cổ vật tại Iraq
Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm qua 26/2 đăng tải một đoạn phim quay cảnh các phiến quân cầm búa tạ phá hủy những cổ vật vô giá tại một bảo tàng ở thành phố Mosul, miền bắc Iraq.
Những tên phiến quân đẩy một tượng cổ ra khỏi chân đế. (Ảnh chụp từ video)
Theo AFP, đoạn phim do IS đăng tải hôm qua 26/2 trên các mạng xã hội cho thấy hình ảnh các chiến binh của nhóm dùng búa tạ, máy khoan để phá hủy các bức tượng cùng các bộ sưu tập của bảo tàng thành phố Mosul, phía bắc Iraq. Chúng còn đốt sách, các bản thảo cổ và thánh kinh được lưu giữ trong bảo tàng.
Trong số các vật bị phá hủy, có các tạo tác có niên đại vài ngàn năm tuổi, từ khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên, thuộc thời kỳ Assyrian và Hellenistic.
Một phiến quân IS đứng trước máy quay lên án người Assyria và Akkadia là những kẻ vô thần, chúng ngụy biện ra các lý do để đập phá các cổ vật trong bảo tàng.
Hãng tin AP dẫn lời kẻ cực đoan nói: "Nhà tiên tri (Mohammed) yêu cầu chúng ta loại bỏ tất cả các bức tượng này, giống như những gì như các môn đồ của người từng làm khi họ chinh phục các quốc gia trước đây".
Theo AFP, một số nhà khảo cổ học cùng các học giả so sánh sự kiện này với lúc phiến quân Taliban phá hủy các tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan, hồi năm 2001.
Tiến sỹ Samuel Hardy, một nhà khảo cổ học và tội phạm học, nhận định: "Những gì trong video hôm 26/2 cho thấy nhóm Hồi giáo cực đoan IS sẵn sàng phá hủy những thứ chúng không thể vận chuyển hay mang bán".
Ngay sau khi đoạn phim xuất hiện, Tổ chức UNESCO đã kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp để bàn việc bảo vệ các di sản văn hóa của Iraq.
Trong một thông báo, bà Irina Bokova, lãnh đạo của UNESCO tuyên bố : "Vụ tấn công này còn hơn là một thảm kịch văn hóa, nó là một vấn đề an ninh bởi gây nên mầm mống của chủ nghĩa bè phái, bạo lực cực đoan và xung đột tại Iraq".
Một số hình ảnh phiến quân IS đập phá cổ vật trong đoạn video. (Ảnh: article.wn)
Trong khi đó, AFP dẫn lời ông Thomas Campbell, giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York, Mỹ, lên án đây là "hành động huỷ hoại nghiêm trọng tại một trong những bảo tàng quan trọng nhất ở Trung Đông".
Sau một đợt tấn công vào tháng 6/2014, nhóm IS đã giành được quyền kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Chúng phá hủy nhiều khu vực di tích, bao gồm các đền thờ Hồi giáo dòng Sunni, thậm chí còn bán các cổ vật trên thị trường chợ đen để kiếm tiền cho hoạt động tội ác của tổ chức.
IS mới đây còn làm nổ tung một nhà thờ Hồi giáo, cướp hơn 2.000 quyển sách ở Thư viện Mosul và đốt phá hàng trăm cuốn sách về văn hóa, khoa học ở thư viện Đại học thành phố này.
Thoa Phạm
Tổng hợp
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng đề nghị Bộ CA cùng giải quyết ùn tắc tại HN, TP.HCM Tại buổi họp Ban thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia chiều 4/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị Bộ Công an phối hợp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Tại buổi họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc...