Đắng lòng rau sắng chùa Hương
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, lượng khách về trẩy hội chùa Hương năm nay giảm mạnh, vì thế đặc sản rau sắng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cũng bị “vạ lây”, mất giá tới một nửa.
Theo những người dân vùng “Nam thiên đệ nhất động”, rau sắng có quanh năm. Tuy nhiên, chính vụ của rau sẽ bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch (trùng với thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương). Đây cũng là thời điểm mà món rau đặc sản của núi rừng Hương Sơn đạt được độ ngon, ngọt mà mềm mại nhất trong năm. Rau sắng ở chùa Hương được người dân phân làm hai loại, một loại rau sắng do người dân trồng, chăm sóc và một loại tự nhiên trong rừng. Loại rau được săn lùng ở trong rừng thường đắt đỏ hơn loại rau trồng.
Người dân xã Hương Sơn bán rau sắng tại bến Đục. Ảnh: Phương Nga
Bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Đục Khuê, xã Hương Sơn là một trong những người “săn” rau sắng rừng chuyên nghiệp chia sẻ, để “săn” được rau sắng rừng, người dân phải mất rất nhiều công sức. Một buổi đi hái rau rừng thường bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc khi đã sang chiều. Đây cũng là khoảng thời gian khách vãn cảnh chùa Hương bắt đầu ra về và là lúc bán được nhiều rau sắng nhất. “Ngày may mắn thì được vài ba cân rau nhưng cũng có những ngày 2 vợ chồng tôi chỉ kiếm được vài ba lạng” – bà Lý bộc bạch.
Cũng bởi vậy mà rau sắng chùa Hương thường rất đắt, có thời điểm rau được giá cả triệu đồng/kg. Còn giá trung bình thường dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Ấy vậy mà, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã khiến món đặc sản nức tiếng của chùa Hương đã giảm giá một nửa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn Nguyễn Văn Bắc cho biết: Rau sắng là loại cây có giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã Hương Sơn có trên 70ha rau sắng, trong đó có khoảng 40ha rau tự nhiên mọc trên các dãy núi và hơn 30ha rau do người dân trồng.
Việc tiêu thụ rau sắng ở chùa Hương khá thuận lợi, vì hàng năm chùa Hương đón khoảng 1,5 triệu du khách về trẩy hội và tìm mua rau sắng về làm quà. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội chùa Hương năm 2020 đã giảm tới 70% lượng khách, ảnh hưởng mạnh tới việc tiêu thụ và giá của rau sắng. Đặc biệt, sau khi có quyết định đóng cửa các khu du lịch để phòng chống dịch Covid-19, giá rau sắng đã giảm một nửa. Hiện chỉ dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Theo ông Bắc, để phát triển rau sắng thành một loại cây trồng hàng hóa, chính quyền địa phương đã mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình chăm sóc, thu hái, bảo quản cho người dân. Đặc biệt, năm 2018, xã Hương Sơn đã hoàn thiện thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau sắng chùa Hương”.
Sản phẩm rau sắng chùa Hương đã có tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch, địa chỉ, chất lượng. Hội Nông dân xã đã xây dựng 4 quầy hàng trong khu vực lễ hội để quảng bá và bán rau sắng cho khách hàng.
Theo Kinhtedothi
Những món đặc sản tinh túy của núi rừng Bắc Kạn
Đến với Bắc Kạn, ngoài việc ngao du khám phá danh lam thắng cảnh, quý khách còn được thưởng thức những sản vật rất đặc trưng của núi rừng nơi đây.
Theo VietQ
Những đặc sản không thể bỏ qua ở Bắc Kạn Tôm chua và cá nướng Ba Bể, miến dong Na Rì, chuối hột rừng, thịt lợn gác bếp, bánh pẻng phạ, rau sắng có thể nói là những món ngon riêng có của vùng núi Bắc Kạn. 1. Tôm chua Ba Bể Ở Ba Bể, người dân thường ăn tôm chua với thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm đĩa khế chua,...