Đắng lòng cha già nuôi con tâm thần bị hiếp có thai
Ngày ngày chúng vẫn đi làm thuê kiếm tiền phụ bớt gánh nặng cho người cha già yếu của mình. Rồi bỗng dưng một ngày ập đến…
Ông Dục bên đứa cháu ngoại chưa đầy 2 tuổi và đứa con gái tâm thần
Đứa cháu ấy là kết quả sau một (hoặc những) lần đứa con gái ngu ngơ của ông bị kẻ xấu giở trò đồi bại. Đau lòng hơn, ông không thể biết kẻ đó là ai mà đi “bắt đền” cho con, cho cháu.
Gia cảnh trớ trêu
Chúng tôi tìm được nhà ông Trần Hữu Dục (SN 1945, ở thôn Diên Trường, Thị trấn Thuận An, TT Huế), người đàn ông đang mang tấn bi kịch nuôi hai con ngây dại và đứa cháu ngoại ngoài “kế hoạch”.
Khi bước vào nhà, ông Dục đang lúi húi chuẩn bị nấu cơm. Ông Dục có thân hình khô đét, gầy guộc, đen nhẻm.
Lão nông hom hem kể về “lịch làm việc” của mình: sau một ngày đi bắt ốc về nhà, ông lại tất bật chuẩn bị cơm nước cho hai đứa con thần kinh không ổn định và cháu ngoại gần 2 tuổi. Ông cười đau đớn: “Nói cơm nước vậy thôi, chứ cả ngày chúng nó mới được ăn một gói mỳ tôm chú ạ!”.
Nếu có người “sướng từ trong trứng nước”, thì ông Dục lại khổ từ thuở còn thơ. Cha mất sớm, nên từ thuở lên 9 lên 10, ông Dục đã phải trôi dạt đất khách quê người để mưu sinh, kiếm ăn qua ngày. Lo miếng ăn cho bản thân mình đã khó trăm đường, ông vẫn phải chắt chiu từng đồng gửi về cho mẹ nuôi hai đứa em nhỏ ở quê nhà. Chật vật với từng miếng cơm manh áo, với từng bữa đói, bữa no, nên mãi đến năm 41 tuổi ông mới nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Ông nhớ lại: “Tôi xa quê vào Sài Gòn khi còn bé lắm, lúc đó mẹ tôi mới sinh em gái xong, chưa làm được gì nên gia đình thường đói ăn. Mẹ tôi đành gửi tôi vào ở nhà một người quen ở Sài Gòn, nhưng chừng 1 năm, vì không chịu nỗi sự hà khắc của người bà con nên tôi bỏ đi lang thang làm thuê, làm mướn cho người ta. Đến năm 41 tuổi, tôi mới về nhà và cưới vợ”.
Video đang HOT
Vợ của ông Dục cũng vì nghèo khó nên quá lứa nhỡ thì như ông. Chính sự cô đơn trên đất khách đã mang hai người đến gần nhau và cùng nhau kết nghĩa trăm năm. Sau 2 năm sống với nhau mà không cưới bởi quá nghèo, họ trở về quê ở cùng người mẹ già cô quạnh.
Hai vợ chồng sống êm ấm, hạnh phúc với nhau chừng 4 năm, sau một cơn bạo bệnh, người vợ đã bỏ ông, bỏ lại người mẹ già và hai mụn con thơ dại ra đi. Vợ mất, thế là gánh nặng gia đình đổ hết xuống đôi vai ông, bòn rút của ông tất cả sức lực còn lại. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền bắt buộc ông phải làm việc cật lực, từ phụ hồ, cuốc đất đến bốc vác để có tiền nuôi người mẹ già và hai đứa con thơ mới biết đi chập chững.
“Dù tôi đã cố gắng đi làm thuê từ sáng sớm đến đêm khuya mới về nhưng cái đói vẫn không buông tha. Gia đình tôi nhiều khi cả ngày chỉ ăn ốc và rau muống dại để cầm cố mỗi khi bão lũ đến, còn cả tháng chỉ biết mùi cơm được đôi lần thôi. Hai đứa con của tôi vì thế nên thường đau ốm. Những lúc thấy chúng nó khóc vì đói, tôi đứt từng khúc ruột, nhưng vì sức cùng lực kiệt nên tôi cũng đành bất lực”, ông Dục nói.
Hai con bỗng mắc bệnh giữa tuổi xuân thì
Ông Dục nhớ lại, tuy sinh ra trong lúc khó khăn, thiếu thốn nhưng hai đứa con của ông chóng lớn như ai. Hai đứa con ông vô cùng hiếu thảo, biết thương cha, kính bà. Ngày ngày chúng vẫn đi làm thuê kiếm tiền phụ bớt gánh nặng cho người cha già yếu của mình. Rồi bỗng dưng một ngày ập đến…
Đó là một ngày đầu tháng 10 năm 2010, bi kịch giáng xuống gia đình ông. Hai đứa con đang tuổi xuân thì của ông bỗng dưng nổi…điên. Đứa con trai đầu, Trần Hữu Tùng (SN 1984) sau một hôm đi làm thuê về tự nhiên thành lẩn thẩn, đêm quên ngủ ngày quên ăn, chỉ khóc lóc chửi bới lung tung và thường hay bỏ đi lang thang giữa đêm khuya. Thương con bệnh tật, ông chạy vạy mượn tiền hàng xóm để đưa Tùng đi Bệnh viện Tâm thần Huế chữa trị. Nửa tháng trôi qua, bệnh vẫn “sừng sững” trong khi đó số tiền nhỏ nhoi vay mượn được đã bay vèo. Ông đành đắng lòng đưa Tùng về nhà để trông nom, săn sóc.
“Nối gót” anh trai còn ngây dại, cô em gái Trần Thị Điệp (SN 1986) cũng bất thường kêu gào, xé quần áo rồi chạy lang thang ngoài đường. Có ngày Điệp đi không về nhà, ông Dục phải cuống cuồng tìm con gái trong đêm tối mù mịt. Hình ảnh người cha già gầy còm bước thấp bước cao, ngã lên, trượt xuống trong đêm đã quá quen thuộc nhưng vẫn khiến người dân nơi đây đắng lòng thương xót.
Đã hơn hai tháng nay, mặc trời lạnh, mặc mưa lũ về, ông vẫn phải cắn răng trầm mình dưới dòng nước buốt giá để mò cua bắt ốc. Sức già kiệt quệ, ông Dục cứ ho liên miên nên không làm lụng được gì nhiều. Việc làm thuê càng khó hơn, vì chẳng ai dại bỏ tiền thuê một thân già ốm yếu làm lụng cho mình trong khi trai tráng, thanh niên ở thôn rất nhiều. Thế nên mọi chi tiêu ăn uống trong gia đình ông chủ yếu trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con lối xóm, trông chờ vào 540 ngàn đồng trợ cấp bệnh tật của hai đứa con ông.
Ấy vậy mà cứ ba, bốn bữa, Tùng và Điệp lại trở bệnh một lần. Đứa thì xé rách áo quần, kêu gào, khóc lóc thảm thiết. Đứa rượt đuổi đòi đánh ông. Những lúc con trở bệnh, ông chỉ biết khóa cửa nhà thật chặt rồi lủi thủi trốn sau vách, đứng nhìn chúng qua khe cửa sổ mà những giọt nước mắt xót xa cứ lăn dài trên đôi má xương xẩu. Tiếng la hét, quát tháo của hai đứa trong căn nhà ọp ẹp cứ vọng ra làm lòng ông đau như ngàn dao cứa.
Khi chúng tôi đến thăm, Tùng đã biệt tích một tuần nay, ông Dục đi tìm khắp thôn xóm nhưng chẳng biết Tùng đi đâu. Nhìn thấy cảnh tượng trên ai mà chẳng chạnh lòng thương xót cho hoàn cảnh tội nghiệp, cho cái số phận trớ trêu của gia đình ông.
Con gái tâm thần bị lạm dụng, chẳng biết ai mà “bắt đền”
Nhưng họa cứ nối họa, ông già gần đất xa trời vẫn phải chịu thêm một cú giáng mạnh tới không tưởng nữa. Ấy là chuyện con gái ông bỗng có thai. Hay tin, ông nằm liệt giường, ốm li bì trong suốt một tuần liền.
Ông Dục đau đớn nhớ lại: “Biết nó có thai trong khi bị bệnh tâm thần, tôi choáng váng quá. Cứ nghĩ mãi cái chuyện làm sao nó lại có thai mà đau đớn”.
Khi bà con lối xóm biết tin Điệp có thai, có người độc mồm độc miệng bảo ông ăn ở không có đức nên mới bị trời quả báo đến thế, có người lại khuyên ông đem Điệp lên bệnh viện để phá thai. Nhưng ông gạt đi tất cả, ông vẫn quyết giữ giọt máu của con, đứa cháu tội nghiệp từ trong trứng nước của mình. Cũng vì thế, có người lại bảo ông Dục đã dở hơi, đã phát điên theo hai đứa con của mình rồi.
Sau chín tháng mười ngày, Điệp sinh ra đứa con kháu khỉnh. Hỏi ông Dục về cha của đứa trẻ, ông lắc đầu buồn bã nói: “Nào có biết ai là cha của đứa bé này chi mô. Tôi suốt ngày ra đồng ra bãi bắt cua bắt ốc về kiếm gạo ăn, ở nhà chẳng có ai trông chừng con gái nữa. Nó cứ mỗi lần lên cơn lại xé quần xé áo đi lang thang mà chốn này lại đông người qua lại, nên mới bị thế kia”.
“Điệp sinh con mà không biết cho con bú. Thân già như tôi đành phải thay nó làm nghĩa vụ của một người mẹ”, ông Dục chua chát kể.
Thương con, yêu cháu vô bờ, nhưng ông Dục lại thêm “tơi tả” vì thực tế cơm áo gạo tiền: thêm người là thêm miệng ăn, thêm cái chi tiêu.
Ở cái tuổi thất thập, ông Dục không còn đủ sức làm lụng công việc đồng áng nặng nhọc nữa. Sức cũng chỉ như đèn dầu trước gió, chẳng biết tắt lúc nào. Dẫu vậy, ngày ngày, ông vẫn lân la tới các chợ để nhận làm những việc vặt vãnh kiếm chục ngàn lẻ về nuôi con cháu.
“Nhưng mà, tôi còn sống ngày nào, còn cơm bưng nước rót cho hai đứa được. Chỉ sợ tôi già quá, tôi chết đi, ai lo cho tụi nó đây?”, ông chua chát bảo, và trên khuôn mặt gầy guộc của ông lã chã hai hàng nước mắt.
Theo Xahoi
Giáo viên dùng điện thoại giả giọng Giám đốc Sở GD&ĐT lừa đảo
Với chiếc điện thoại có chức năng chuyển giọng nam trẻ thành trung niên, Phan Văn Tuấn (SN 1979, trú tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, giáo viên môn Cờ vua Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Huế) đã giả giọng giám đốc Sở GD&ĐT để lừa đảo.
Tuấn đã nhiều lần lừa đảo, lợi dụng chức năng điện thoại Q-Mobile để giả giọng của TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế hứa giúp chạy việc cho một số nạn nhân. Chiếc điện thoại có chế độ chuyển đổi giọng nam thành nữ, nữ thành nam, giọng già thành giọng trẻ, riêng Tuấn đã chuyển giọng nam trẻ của mình thành giọng nam trung để giả giọng thầy Hùng.
Cụ thể, vào tháng 8/2012, Tuấn đã làm quen với chị Nguyễn Thị N. (vừa tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Huế, trú xã Hương Toàn, Thị xã Hương Trà), hứa xin việc cho chị N. vào dạy ở Trường Tiểu học Hương Vinh với giá 25 triệu đồng.
Tuấn đã nhận hồ sơ của chị N và 2 triệu đồng. Sau đó, Tuấn nhiều lần gọi điện thoại tự xưng là thầy Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế và dùng một số điện thoại khác xưng là cô giáo dạy ở Trường Tiểu học Hương Vinh gọi và nhắn tin vào máy chị N nội dung: "Thầy Tuấn đã xin việc được cho N., yêu cầu N. gửi tiền cho Tuấn để lo việc".
Tin tưởng đã được xin việc thành công, chị N đã nhiều lần chuyển tiền cho Tuấn với tổng số tiền 70,7 triệu đồng. Đến ngày 15/6/2013, chị N. biết mình bị lừa đảo, đã làm đơn báo công an.
Tên Tuấn đã bị công an tỉnh TT-Huế bắt khẩn cấp, khởi tố vụ án
Tuấn đã dùng cách tương tự này để lừa những người khác. Từ ngày 2/8/2012-1/3/2013, Tuấn đã lừa ông Huỳnh Đoàn (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) để "giúp" con ông Đoàn vào dạy ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Huế với số tiền là 44,5 triệu đồng.
Sau khi nghe được "Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế" do Tuấn giả giọng qua điện thoại, ông Đoàn đã tin tưởng chuyển cho Tuấn đủ số tiền trên. Sau thời gian, đến ngày 15/10/2013, biết bị lừa nên ông Đoàn đã làm đơn tố giác Tuấn.
Được biết, Tuấn đã có vợ và 3 con. Tổng số tiền mà Tuấn chiếm đoạt của hai nạn nhân trên là 115.200.000 đồng đều đã dùng hết vào tiêu xài cá nhân. Hiện Công an tỉnh TT-Huế đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp cùng khám xét nơi cư trú đối với tên Tuấn về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đại Dương
Theo Dantri
Dùng xe giường nằm chất lượng cao chở "chui" thịt, nội tạng Sáng 5/12, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ Công an TT-Huế đã bắt giữ 1 xe khách giường nằm đang chở 850kg thịt và nội tạng động vật không rõ nguồn gốc qua huyện Phú Lộc trong lúc thực hiện tuần tra kiểm soát tuyến QL1A. Theo Công an TT-Huế, khi đang tiến hành tuần tra, kiểm soát tại Km 876...