Đắng lòng cảnh người đàn bà “hai lần đò” mang tội giết chồng
Trải qua bao nhiêu cay đắng, cuối cùng Vân đúc kết rằng: “Số phận em không được suôn sẻ như những người con gái khác…”
Cuộc hôn nhân với người chồng đầu không hạnh phúc, chắp nối với người đàn ông thứ hai với mong muốn cuộc sống sẽ thay đổi nhưng người phụ nữ này không ngờ lại có kết cụ bi thảm hơn. “Đoạn kết” của cuộc sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” là cái chết bi thảm của người đàn ông do chính chị gây ra. Thế nhưng cuộc đời của thị cũng là những chuỗi ngày dài trong bi kịch mà nghe qua cũng không khỏi xót xa cõi lòng.
Chuỗi đời buồn và chuyến sang sông lần hai định mệnh
“Chị Ba ơi, em biết lỗi của em rồi, hãy tha cho em lần này!”, khi bị công an giải đi, Hoàng Thị Vân (SN 1974, ngụ tại TP Hà Nội) vừa van lơn, vừa khóc với người chị chồng đang đứng gần đó. Khi tiếp xúc với chúng tôi, thị tâm sự cả cuộc đời thị, từ nhỏ đến giờ đã là một chuỗi đắng cay nhưng giờ thì chính thị không thể tha thứ cho mình, trước những gì mà chính mình gây ra.
Ảnh minh họa
Vân kể, chị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bởi không đủ cái ăn, cái mặc nên Vân bị cha mẹ đem cho một gia đình khác làm con nuôi. Đó cũng chính là lý do khiến phần “lý lịch trích ngang” của Vân có phần lộn xộn, lý lịch lúc thì tên cha mẹ nuôi, lúc thì tên cha mẹ ruột.
Video đang HOT
Nói đến đoạn đời tuổi thơ, Vân cho rằng, cực thì có cực nhưng không đau đớn, tủi nhục và bi kịch chỉ bắt đầu khi Vân lao vào đời mưu sinh, qua hai lần đò và cuối cùng là như ngày hôm nay. Trải qua bao nhiêu cay đắng, cuối cùng Vân đúc kết rằng: “Số phận em không được suôn sẻ như những người con gái khác. Đời em là chuỗi ngày buồn”.
Trong cuộc hôn nhân chóng vánh với người chồng đầu tiên, Vân đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Ngày chia tay với chồng Vân còn chưa kịp làm giấy khai sinh cho đứa con trai mà mình dứt ruột đẻ ra…Để chồng nuôi con, Vân vào TP. HCM tha phương cầu thực. Giờ thằng bé được bố làm giấy khai sinh rồi mà Vân cũng không biết mình có được đứng tên trong phần “họ tên mẹ” trong giấy khai sinh của con hay không bởi chồng Vân đã có vợ khác.
Trong thời gian làm công nhân ở TP. HCM, Vân quen biết anh Lê Văn Nghĩa (ngụ tại huyện Hóc Môn). Tháng 10/2009, anh Nghĩa đưa Vân về nhà sống chung như vợ chồng tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Sống cảnh “già nhân ngãi non vợ chồng” thì chuyện mâu thuẫn xảy ra là điều tất yếu không thể tránh khỏi.
Đến giờ Vân vẫn nhớ như in ngày định mện ấy, ngày 22/8/2010. Sáng đó, vì vẫn còn dư âm giận chồng sau vụ cãi cọ đêm trước nên Vân lấy xe gắn máy đến nhà bạn chơi. Thức dậy không thấy vợ đâu, chờ đến chiều vẫn không thấy vợ về nên anh Nghĩa lấy xe đi ra ngoài. Không ngờ, anh Nghĩa vừa đi được một lúc thì Vân về tới. Không thấy chồng ở nhà, cửa ngoài bị khóa nên Vân leo cổng rào để vào nhà. Lúc này anh Nghĩa vừa về tới thấy vậy nên tức giận chửi mắng Vân về chuyện bỏ nhà đi chơi cả ngày. Vào đến nhà, Nghĩa dùng tay tát vào mặt vợ, sau đó đập vỡ bát đĩa trong nhà, quăng quần áo của vợ ra khỏi nhà cho hả giận. Thấy đồ đạc trong nhà bị đập phá, vân tiếc của chạy xuống bếp cãi nhau theo kiểu “ăn thua” với chồng. Tại đây Vân lấy một con dao trên tủ cầm đe dọa chồng. Đang say máu, thấy vậy anh Nghĩa liền nắm tóc Vân kéo vào phòng ngủ và dùng tay đánh nhiều cái vào đầu, vào người vợ. Bị đánh đau nên Vân tức giận dùng con dao đang cầm trên tay đâm luôn vào người chồng, khiến anh Nghĩa gục xuống ngay tại chỗ. Lúc này, Vân như choàng tỉnh, vội nhờ hàng xóm đưa chồng đi cấp cứu còn mình thay quần áo dính máu đến bệnh viện sau. Khi Vân vừa đến bệnh viện thì bị công an bắt.
Người thấp, khuôn mặt cũng không có điểm gì nối bật, duy có nước da là trắng, trông Vân có vẻ hiền lành, dễ lấy thiện cảm từ người đối diện…Nhưng mấy ai ngờ, người đàn bà này đang đối diện với bản án giết người, mà là giết chồng mình. Vân ngồi thu lu, đôi mắt như biết nói, buồn bã đến lạ kỳ mà ai nhìn vào đó cũng thấy ở chị cái khổ sở, cay đắng của một đời người.
Mái ấm gia đình chỉ là giấc mơ xa xỉ
Vân đã từng tâm sự như thế với chúng tôi. Vì Vân thừa biết rằng với tội giết người như thế thì ngày về của Vân thật xa xăm, nếu có ngày đó thì Vân cũng đã bạc phơ mái đầu, còn hiện giờ mỗi ngày đêm, mỗi khoảnh khắc Vân đang đối diện với bản án lương tâm của chính mình.
Tôi hỏi về cuộc sống trng chuyến sang sông lần hai, Vân kể, Vân mới chỉ sống với anh Nghĩa khoảng 9 – 10 tháng thì xảy ra án mạng. Rồi Vân nói, lúc đó Vân đi làm công nhận kiếm tiền lo chi tiêu trong nhà, còn anh Nghĩa thì làm giày nhưng cũng bữa đực, bữa cái nên tiền mà người chồng hờ kiếm được cũng chỉ để cho người đàn ông này chi tiêu. Cảnh khó khăn khiến cho hai vợ chồng thường xuyên gây gổ, lời qua tiếng lại. Rồi Vân vừa kể, vừa thút thít khóc rằng, nhiều lần Vân bị chống đánh đập nhưng cũng nhẹ, duy chỉ lần định mệnh ấy thì Vân bị hành hung điên cuồng.
Nói đến đoạn ngày xảy ra vụ án, Vân khóc như mưa. Vân kể: “Về, anh Nghĩa la mắng nói tôi sao đi chơi cả ngày rồi quăng hết quần áo của tôi ra ngoài. Tôi có nói là đi công chuyện nhưng anh Nghĩa vẫn đánh. Ban đầu, tôi chịu đựng không nói gì nhưng anh Nghĩa cứ đánh, không buông tha cho tôi.”. Rồi chính khi bị đánh lần thứ hai, bị chồng nắm tóc kéo vào giường, nằm đè lên người đánh đấm, tát liên tục vào mặt thì Vân đã phản ứng. Khi tâm sự với tôi và khi khai báo tại cơ quan công an, Vân khẳng định, con dao đó lúc đầu Vân cầm với ý định dọa đê làm cho chồng… hạ hỏa, không đập phá tài sản trong nhà. Nhưng vì bị đánh đau quá nên Vân mới dùng con dao đó đâm và gây nên vụ giết người.
Được biết khi bắt giữ Vân, cơ quan công an đã kiểm tra, phát hiện trên chân tay, cơ thể của người đàn bà này có nhiều dấu vết bầm tím. Riêng tay phải của Vân bị trật khớp, mà chính Vân xác nhận là hai tháng sau mới khỏi. Khi tôi hỏi Vân có thể chọn giải pháp khác để giải quyết bạo lực gia đình như nhờ hội phụ nữ phường can thiệp, hoặc có thể đợi sự việc qua đi rồi nhỏ nhẹ với chồng? Nhưng đáp lại câu hỏi của tôi chỉ là những tiếng khóc nấc nghẹn ngào.
Vân tâm sự, từ ngày gây án đến nay, Vân chỉ mong đến ngày ra tòa để được trút hết nỗi niềm, để tòa án phán quyết tội lỗi của mình. Hơn một năm bị tạm giam, Vân nói rằng không thể nào ngủ được. Có những đêm thức trắng nhớ về những ngày tháng tự do. Hồi đó, Vân cứ nghĩ sao số phận mình hẩm hiu đến thế, Vân từng ao ước có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với những đứa con ngoan. Nhưng với Vân, có lẽ điều đó thật xa xỉ. Giờ đây Vân chỉ ước một điều là “tự do” dù Vân biết điều đó thật xa vời. Vân nhớ đến con trai, đứa con mà có lúc vì mưu sinh, Vân gần như đã quên bẵng nó. Bây giờ, không biết nó sống thế nào, có được bố nó, mẹ kế nó thương yêu không? Nghĩ đến những điều đó, Vân bỗng thấy thương con đến lạ, Vân ước ao được gặp mặt con, được hôn lên mặt, đôi tay bé nhỏ của con…Nhưng Vân nói, sợ nhất là những đêm nằm không ngủ được mà chỉ thấy Nghĩa người đầy máu nhìn mình như oán trách. Anh ta chỉ nhìn Vân, Vân nói, Vân đã sợ hãi và khấn xin chồng tha thứ hàng ngàn lần nhưng anh ta không nói gì. Vân tự hứa với lòng, ngày ra tù sẽ đến thắp hương cho anh…Những lời của Vân có vẻ thành thật, ăn năn, sám hối thật sự.
Thế nhưng cái mong ước đơn giản nhất của Vân cũng khó khăn, đó là mong được ra tòa sớm để số phận được định đoạt nhưng phiên tòa xử Vân mới đây lại bị hoãn. Lý do quá đơn giản, vì phần lý lịch của Vân chưa được cơ quan điều tra xác minh, làm rõ, bởi sự không thống nhất trong lý lịch cha mẹ nuôi, cha mẹ ruột…
Khi tiếp xúc với gia đình nạn nhân, bà L.T.L (chị ruột của bị hại Lê Văn Nghĩa) kể, Vân là người vợ thứ hai của Nghĩa. Vợ đầu của Nghĩa sống chung mười mấy năm mà không có con. Thèm nghe được tiếng khóc trẻ con nên sau khi quen Vân, Nghĩa li dị vợ rồi đưa Vân về nhà sống chung như vợ chồng. Dù vợ chồng Nghĩa ở riêng nhưng bà nghe hàng xóm nói vợ chồng em trai bà thường xuyên cãi cọ với nhau…Bà xác nhận với tôi rằng, ngày vụ án xảy ra, bà nhận được điện thoại của Vân thông báo gọn lỏn: “Anh Nghĩa bị trúng gió, cấm khẩu không nói được”. Ngay sau đó, bà cùng người thân chạy đến bệnh viện thì Vân mới thông báo Nghĩa đã chết.
Khi tôi hỏi chuyện, bà L liên tục bức xúc. Đó là vì sao khi đâm anh Nghĩa xong, Vân không trực tiếp đưa chồng đi cấp cứu mà còn ở nhà dọn dẹp bát đĩa bị vỡ, thay quần áo…có phải Vân muốn xóa đi hiện trường vụ án? Hàng xóm của Vân còn kể rằng, lúc anh Nghĩa bị thương Vân từ chối đưa đi bệnh viện và nói: “Ai đưa ổng đi bệnh viện thì đưa, tôi không đi, ngày mai tôi phải đi làm”.
Rồi bản án của Vân sẽ bị định đoạt. Có lẽ dù sau này, Vân bị xét xử bao nhiêu năm tù đi nữa thì cũng không bằng bản án lương tâm mà Vân đang phải trả giá, gặm nhấm từng ngày, từng giờ trong nhà giam lạnh lẽo. Nghĩ mà đúng như lời Vân tâm sự, số phận người đàn bà này sao buồn đến lạ kỳ.
Theo Giáo Dục VN
Khẩu chiến nảy lửa, "vợ tạm" ra tay sát hại "chồng hờ"
Thấy vợ cầm dao, N. tức tối lao tới túm tóc, đè lên người đàn bà rồi xuống đòn. Vùng vẫy thoát ra không được, Vân rút dao đâm chồng hai nhát làm anh N. gục xuống. Thấy vậy, Vân kéo chồng ngồi dựa lưng vào tường, sau đó gọi hai người hàng xóm đưa đi cấp cứu, còn mình ở nhà dọn dẹp bát đĩa vỡ, trút bỏ cái áo vương đầy máu, rửa sạch dao rồi đi vào bệnh viện nhưng anh N. đã chết.
"Chồng hờ, vợ tạm"
Trước vành móng ngựa, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "giết người" diễn ra tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vào một ngày cuối tháng 9, là một người đàn bà thấp bé, mái tóc đen tuyền vừa chấm ngang vai. Đó là bị cáo Hoàng Thị Vân.
Ngoài tên gọi Hoàng Thị Vân (sinh năm 1974) thì trong một số giấy tờ khác Vân lại có tên là Hoàng Thị Vân Anh (sinh năm 1975), có giấy tờ bị cáo khai tên cha mẹ là tên cha mẹ nuôi, có giấy tờ lại khai tên cha mẹ là tên cha mẹ đẻ của mình, có nơi xác nhận Vân chưa có gia đình nhưng có nơi lại xác nhận Vân chính là Vân Anh, đã có gia đình và một con nhỏ... Sự phức tạp về nhân thân ấy như phần nào thể hiện được cuộc đời người đàn bà này, trong đó có cái gia đình theo kiểu "chồng hờ, vợ tạm" giữa Vân và anh L.V.N.
Trước khi đến với N., Vân từng có một đời chồng, gọi là chồng nhưng cũng chẳng có nổi một tờ đăng ký kết hôn. Sau khi có một con chung, Vân và người chồng cũ chia tay đường ai nấy đi, đứa con nhỏ Vân giao lại cho chồng cũ nuôi rồi bước vào một cuộc sống mới.
Người chồng cũ của Vân rồi cũng có gia đình mới, còn Vân quen anh N., người đàn ông hơn mười năm có vợ nhưng chưa thể có một mụn con. Nghĩ rằng Vân là người có thể cho mình một gia đình đúng nghĩa, tháng 10/2009, anh N. chấp nhận lời đề nghị chia tay vợ cũ để theo Vân ra sống chung tại phòng trọ mặc sự phản đối của gia đình.
Thời gian đầm ấm chẳng được là bao, hàng ngày anh N. sống bằng nghề sửa chữa giày da còn Vân làm công nhân may cho một công ty tại khu công nghiệp. Ngoài thời gian làm, Vân vẫn thường đi chơi và có nhiều mối quan hệ bạn bè khác nên chẳng mảy may vun vén cho cái "tổ ấm" mới của mình, Vân cũng chẳng sinh con như ý muốn của người đàn ông đang khát khao làm bố, từ đó anh N. nghi ngờ Vân có quan hệ với người đàn ông khác.
Vào một buổi sáng cuối tháng 8/2010, sau trận cãi vã với chồng, Vân lẳng lặng lên xe lao tới nhà một người bạn chơi. Trời gần tối, khi Vân từ nhà bạn về, thấy anh N. không có nhà, cửa ngoài dãy trọ cũng đóng nên Vân bỏ xe lại, trèo cổng vào trong.
Đúng lúc ấy, anh N. bắt gặp vợ, thấy nóng mắt nên anh đã lao vào tát thẳng mặt vợ rồi chửi bới, khiến cái phòng trọ, "tổ ấm" của đôi vợ chồng hờ loảng xoảng những tiếng đập phá đồ đạc trong nhà. N. chửi vợ vì cái tội dám bỏ đi theo...trai khiến Vân uất ức lao vào khẩu chiến với chồng rồi rút luôn con dao trên kệ bát hăm dọa.
Thấy vợ cầm dao, N. tức tối lao tới túm tóc, đè lên người đàn bà rồi xuống đòn. Vùng vẫy thoát ra không được, Vân rút dao đâm chồng hai nhát làm anh N. gục xuống. Thấy vậy, Vân kéo chồng ngồi dựa lưng vào tường, sau đó gọi hai người hàng xóm đưa đi cấp cứu, còn mình ở nhà dọn dẹp bát đĩa vỡ, trút bỏ cái áo vương đầy máu, rửa sạch dao rồi đi vào bệnh viện nhưng anh N. đã chết. Ngay sau đó Vân bị bắt. Theo kết quả điều tra, anh N. cũng một phần có lỗi nên Vân bị truy tố theo khoản 2 điều 93 Bộ luật Hình sự về tội "giết người" với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.
Vụn vỡ gia đình
"Bị cáo khai không đúng sự thật. Tôi yêu cầu bị cáo khai đúng sự thật!", khi Vân mới dứt lời, chị gái nạn nhân N. nhìn thẳng em dâu lên tiếng. Ngước cặp mắt ngân ngấn nước, bà cho biết mình là chị gái N. nên bà thấu hiểu cuộc sống gia đình của em trai, chuyện mâu thuẫn vợ chồng Vân là có thật nhưng sau khi gây án Vân không đưa chồng vào bệnh viện mà để hàng xóm làm điều đó.
Hoàng Thị Vân
Theo người chị gái, Vân còn bình thản dọn dẹp các mảnh vỡ trong nhà, thay áo, rửa dao rồi còn bảo "ai đưa vào viện thì đưa còn tao không đưa"...vậy mà giờ bị cáo nói vậy. Người chết đã chết nhưng lòng bà cảm thấy vô cùng bức xúc. Phải chăng Vân cố ý giết N. chứ không đơn giản chỉ là hành vi chống trả do lỗi của em trai bà? Trước những lời giãi bày của phía nạn nhân, Vân chỉ biết cúi đầu im lặng.
"Bị cáo thấy anh ấy đập đồ, túm tóc đánh bị cáo nên bị cáo nói đừng đập nhưng anh ấy cứ đập, cứ đánh. Bị cáo cầm dao không định đâm chồng nhưng anh ấy đánh nhiều quá, bị cáo quơ nhưng không may đâm vào anh ấy dẫn đến tử vong". "Bị cáo chỉ quơ sao lại bị truy tố tội giết người? Bị cáo cầm dao hướng mũi dao lên trên thì làm sao chỉ quơ mà gây thủng phổi nạn nhân?" - "Giờ bị cáo chẳng biết nói gì nữa. Chồng bị cáo đánh bị cáo, đè lên bị cáo nên bị cáo cầm dao quơ trên lưng không may trúng.
Có sao bị cáo nói vậy thôi, trong nhà chỉ có hai vợ chồng nên chẳng có ai làm chứng...", Vân mếu máo phân trần trước câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát. Sau khi thẩm vấn, Hội đồng xét xử tạm nghỉ để hội ý, Vân ngoảnh mặt nhìn xuống khán phòng trước khi theo chân đồng chí công an vào phòng lưu phạm. Đáp lại cặp mắt đang kiếm tìm người thân chỉ có những ánh nhìn dửng dưng, lạ lẫm. Hành vi của anh N. đương nhiên có lỗi nhưng việc một người đàn bà cầm dao dọa chồng cũng khó lòng tìm được sự đồng cảm của người dự khán.
Trong lúc Tòa hội ý, những mẩu chuyện xung quanh cuộc đời nữ bị cáo râm ran khắp hành lang phòng xử. Cháu nạn nhân N. cho biết, chuyện vợ chồng Vân mâu thuẫn, những trận xô xát giữa họ không còn lạ lẫm với gia đình và những người hàng xóm.
Cô gái cho biết, trước khi xảy ra vụ án ít ngày, cậu của mình buồn bã, khổ sở đến gặp cô nhờ cháu làm "thám tử" theo dõi hành tung của vợ. N. còn cung cấp số điện thoại của một người đàn ông khác để cháu gái giả làm bạn của Vân gọi điện hỏi thăm mối quan hệ giữa hai người. Đó cũng là lý do khiến cuộc sống của họ luôn căng thẳng, khiến N. sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, còn Vân cũng chẳng coi chồng ra gì.
Đến dự phiên tòa xét xử Vân còn có anh em người vợ trước của N., họ hiểu vì muốn có con nên N. chấp nhận làm vụn vỡ cái gia đình bé nhỏ, bỏ theo Vân, khát khao làm bố quá lớn nên họ có thể cảm thông, không trách móc, tiếc một điều N. chọn nhầm người để rồi phải trả giá, chưa được làm cha như mong ước bấy lâu anh đã chết dưới tay người đàn bà già nhân ngãi non vợ chồng.
Gần nửa tiếng trôi qua, Vân ngồi tựa lưng vào bức tường màu xanh rêu trong phòng lưu phạm với nét mặt vô hồn khác hẳn với vẻ nôn nao, nóng lòng của người nhà bị hại đang nhốn nháo ngoài hành lang phòng xử. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa để điều tra rõ thêm về lý lịch xuất thân của bị cáo cũng như một số tình tiết liên quan. Khi Vân được dẫn giải ra xe về trại, chị gái nạn nhân N. cũng lếch thếch chạy theo.
"Chị Ba ơi! Hãy thương em lần cuối" - "Mày cứ khai thật đi rồi tao tha thứ!", dưới cái nắng nhàn nhạt, họ chẳng kịp nói nhiều, Vân và chị ruột N. chỉ kịp nhìn nhau thốt lên như thế. Pháp luật phải được thực thi, tội ác phải trừng phạt, dù kết thúc thế nào Vân cũng phải trả giá bởi một bản án tù đằng đẵng và đây cũng là một bi kịch có thật về những gia đình được tạo ra như theo kiểu ăn xổi ở thì chứ không phải là kết quả tất yếu của tình yêu và khát khao hạnh phúc.
Theo Phunutoday