Đắng lòng cảnh mẹ góa, con côi!
Ba bà cháu trong căn nhà trống trải
“Mỗi khi trời mưa, bà cháu tôi lại phải thức để hứng nước mưa, vì ngay cả chỗ kê giường cũng bị dột”, bà Hào ngậm ngùi: “phận tôi đã già, chỉ thương hai đứa nhỏ, liệu rồi mẹ góa con côi có nuôi nổi các cháu?
Ba bà cháu…
Đã hơn một năm trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Hào (SN 1942) – mẹ nạn nhân Đặng Trung Trịnh (SN 1978, trú tại xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) vẫn chưa nguôi ngoai trước cái chết oan ức của người con trai út. Bà nghẹn ngào cho biết, từ ngày anh Trịnh được CA xã Tiên Động mời đến “làm việc” rồi không trở về, chỉ có ba bà cháu côi cút sống với nhau.
Chị Vũ Thị Phương (SN 1985), vợ anh Trịnh đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hải Dương chỉ thứ bảy, chủ nhật được nghỉ mới về. Nhà lương công nhân mỗi tháng chưa nổi hai triệu đồng, chi trả tiền nhà, tiền ăn, còn lại vài trăm, chị Phương tích cóp về cho ba bà cháu nuôi nhau nhưng chẳng thấm vào đâu khi hai đứa nhỏ của anh Trịnh đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Sau khi anh Trịnh mất, bà Hào phải đảm đương tất cả. Đã ở cái tuổi thất thập, vừa làm mấy sào ruộng, một mình chăm sóc hai cháu nhỏ, ngày bốn lần, bà đưa đón cả hai đứa đi học bằng xe đạp rồi lại về tranh thủ việc đồng áng. Căn nhà nhỏ nằm phía cuối làng trống trải, một cái rương gỗ trên để di ảnh của anh Trịnh, ngay cả hai chiếc cửa sổ cũng đã mục đang chực rơi xuống, hở toang hoác một mảng…
“Mỗi khi trời mưa, bà cháu tôi lại phải thức để hứng nước mưa, vì ngay cả chỗ kê giường cũng bị dột”, bà Hào ngậm ngùi: “phận tôi đã già, chỉ thương hai đứa nhỏ, liệu rồi mẹ góa con côi có nuôi nổi các cháu? Khó khăn là thế, nhưng khi xin chế độ của hộ nghèo, gia đình tôi vẫn không được xét vì chưa đủ “tiêu chuẩn”…
“Biết thế này…”
Điều khiến gia đình chị Phương đau lòng và bức xúc hơn cả vẫn là trong khi cả làng, cả xã ai cũng xót thương anh Trịnh, thì cho đến tận bây giờ, những người gây ra cái chết oan ức cho chồng chị vẫn chưa hề thắp cho anh Trịnh nén nhang hay một lời thăm hỏi, chia sẻ! Có thể, họ “sợ”, nhưng không thể biện minh cho hành động của họ. Sau hàng tá đơn gửi đi, công an huyện Tứ Kỳ đã đồng ý trưng cầu giám định lại.
Video đang HOT
Anh Đặng Trung Thịnh: “Biết thế này, tôi báo cáo làm gì cho khổ?”
Kết luận giám định của Viện pháp y quốc gia đã minh chứng sự thật là anh Trịnh không chết vì “xuất huyết mạch mạc treo ruột, chảy máu ổ bụng do xơ gan” như kết luận của Phòng Giám định pháp y tỉnh Hải Dương, mà chết vì “chảy máu ổ bụng do chấn thương”. Nhưng tất cả, kết luận giám định mới vẫn chưa làm “thay đổi” nhất là khi CQĐT vẫn nhận định đây là vụ án “Bắt giữ người trái pháp luật”.
Chúng tôi đã tìm gặp anh Đặng Trung Thịnh – người đã “báo cáo” với CA xã Tiên Động, là nguồn cơn về cái chết đau lòng trên. Anh Thịnh và anh Trịnh vốn là anh em họ, và xưa nay vẫn chơi với nhau. Hôm ấy (ngày 28-11-2009), anh Thịnh đóng gạch rồi phơi.
Do say rượu, anh Trịnh đã dẫm vỡ mấy viên gạch. Bực mình, anh Thịnh đã báo cáo CA xã Tiên Động với ý định nhờ CA “nhắc nhở, “dọa” cho chú ấy sợ mà bớt rượu chè, chứ tôi không có thù hằn gì với chú ấy!”.
“Tôi đâu biết sự việc lại ra nông nỗi này. Tôi không thể ngờ vì một chuyện việc nhỏ như thế mà gây họa cho chú ấy. Biết thế này, tôi báo cáo làm gì cho khổ?“, anh Thịnh giãi bãy. “Tôi báo cáo buổi sáng thì trưa họ đến bắt đưa chú ấy đi mà tôi không biết. Cuối buổi chiều, mọi người đồn ầm lên là chú ấy bị đánh chết, tôi mới hốt hoảng”… Có lẽ, cái chết của anh Trịnh sẽ ám ảnh người nông dân này đến hết cuộc đời…”!
Công an: “Sẽ làm đến nơi, đến chốn”
Ngày 30-6-2010, CA huyện Tứ Kỳ đã khởi tố vụ án “Bắt, giữ người trái pháp luật” và khởi tố bị can với ba công an viên xã Tiên Động. Do yêu cầu của gia đình nạn nhân, bức xúc của dư luận và tính chất phức tạp của sự việc, ngày 25-10-2010, CA tỉnh Hải Dương đã rút vụ án lên để trực tiếp điều tra. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Thủ trưởng CSĐT CA tỉnh Hải Dương cho biết, trước tình huống có hai bản kết luận giám định nhưng lại trái ngược nhau, CQĐT đã rất thận trọng, điều tra kỹ càng để xác định bản kết luận nào khách quan hơn và “chưa thể nói gì ở thời điểm này”.
Do đó, ông Cao Ngọc Lan – Phó Giám đốc CA tỉnh Hải Dương cho hay, CQĐT tỉnh Hải Dương đã tính đến phương án trưng cầu giám định lần thứ ba, để có “trọng tài” phân giải kết luận giám định nào chính xác, khách quan nhằmxử lý đến nơi, đến chốn đúng người, đúng tội!
Theo Pháp luật Xã hội
Bi kịch: Con chết oan vì bố mẹ bất hòa
Bố mẹ cãi nhau, con nhảy lầu
Đũa bát trong chạn có lúc còn xô, là vợ chồng mấy ai tránh được phút giây bất hòa, giận dỗi. Thế nhưng, nếu như đối với bố mẹ, đó chỉ là những xáo trộn nhỏ về tâm lý, tình cảm, thì với những đứa trẻ - cầu nối tình cảm giữa hai người - lại là những cú sốc thực sự. Và, trong không ít trường hợp, con cái đã phải dùng chính sinh mệnh của mình để... "đón nhận" cú sốc này.
Thà chết chứ không thể chọn bố hoặc mẹ
Không hiểu rằng khi biết con mình đã chọn cái chết để không phải chọn về ở với bố hay với mẹ, bố của em Nguyễn Tiến Đạt (15 tuổi, học sinh lớp 9A6 trường THCS Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) có ân hận không, nhưng rõ ràng trong nguyên nhân đã đẩy em Đạt đến hành động trèo lên lan can để nhảy xuống chính là từ câu nói của người cha này.
Khoảng 9h ngày 13/11/2010, trong giờ học, em Nguyễn Tiến Đạt xin ra ngoài hiên lầu 2 rồi bất ngờ trèo lan can tự tử. Em đã được các thầy cô và bạn đưa đi cấp cứu và rất may khi nhảy, Đạt được hệ thống dây loa của trường chạy qua lan can cản bớt tốc độ rơi nên tránh được tử vong.
Việc Đạt tự tử đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều bạn bè và thầy cô vì em vốn là một học sinh ngoan và học giỏi. Chỉ đến khi cha mẹ em hay tin và hớt hải chạy vào viện thì mọi người mới biết nguyên nhân đã đẩy cậu bé 15 tuổi đến hành động nông nổi này.
Đó là vì cha mẹ thường xuyên cãi nhau và thậm chí, cha Đạt đã bắt em phải chọn ở với bố hoặc mẹ nên em bị ức chế tinh thần, nghĩ quẩn tìm đến cái chết. Tỉnh dậy trên giường bệnh, em chỉ khóc và nói một câu tuy ngắn ngủi nhưng cũng rất đau lòng "Con thà chết chứ không thể chọn bố mẹ".
Không may mắn như Đạt, một nam sinh khác kém em một tuổi đã phải lấy chính mạng sống ngắn ngủi của mình ra để "vượt qua" cú sốc tâm lý từ những cuộc cãi nhau của cha mẹ.
Chiều tối 5/12, khi mẹ em Phạm Xuân Quyền (học sinh lớp 8, ở Quảng Phong, Quảng Trạch, Quảng Bình) vào phòng gọi con trai ra ăn cơm thì phát hiện thấy cậu bé đã thắt cổ ở cửa sổ bằng chiếc khăn quàng đỏ.
Nguyên do gần đây bố mẹ Quyền thường xuyên có mâu thuẫn, xảy ra cãi vã và Quyền đã nhiều lần nghe thấy.
Giận cá, "chém"... con
Đau đớn hơn, có những đứa trẻ, dù chưa đủ lớn để tự hại mình nhưng cuối cùng các em vẫn phải chết hay chịu thương tật suốt đời vì chính bàn tay của cha mẹ, những đấng sinh thành.
Giá như hôm ấy bé Nguyễn Văn Lâm đừng quá khiếp hãi trước cuộc đánh chửi nhau của bố mẹ thì có lẽ em đã không chịu vết nứt trên sọ dài 7 cm và chấn thương sọ não. Nhưng em mới chỉ 1 tuổi. Còn bố mẹ em là Nguyễn Văn Phương và Lê Thị Thúy (ở thị trấn Tân Hưng, Tân Hưng, Long An) chẳng ai nhường ai.
Khi cơn giận lên đến đỉnh điểm, người bố đã bất ngờ túm lấy Lâm, xốc ngược lên rồi quật mạnh em xuống đường.
Kém may hơn bé Lâm, một em bé mới 2 tháng tuổi ở khu phố 12, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương đã chết bởi bố em trút cơn giận mẹ em không đồng ý đưa con về thăm quê nội với lý do em còn quá nhỏ, đường sá xa xôi.
Thay vì động viên vợ hay nhất trí với phương án đợi con cứng cáp thêm chút nữa, Nguyễn Kim Long - người bố mất nhân tính đã thẳng tay ném đứa con của mình xuống nền nhà. Do bị chấn thương sọ não nặng nên đứa bé 2 tháng tuổi không qua khỏi.
Hãy nghe tiếng con mình
Cuộc thi viết thư "Bố mẹ ơi con muốn nói" do Công ty Sách Thái Hà tổ chức từ tháng 6/2008 đến tháng 9/2009 dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên đã cho thấy một kết quả rất bất ngờ khi hơn 1/3 trong số hơn 2.000 bài viết đã nói đến tình trạng bất hòa giữa cha mẹ trong gia đình.
Điều này cho thấy những cuộc cãi vã thường nhật của bố mẹ đã gây ấn tượng đến thế nào với con cái. Theo một kết quả điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cách đây gần 3 năm về các vấn đề xung đột trong gia đình, thì khi trẻ em chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã nhau, 85,4% các em luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 20% sợ hãi, 8,5% không hiểu được bố mẹ và 4,2% không tôn trọng bố mẹ. Thậm chí có 5,5% có mong muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng chứng kiến cảnh này hàng ngày.
Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh không biết việc mình đang làm có ảnh hướng lớn đến tâm lý cũng như nhận thức của con mình. Thậm chí nhiều trẻ do phải chứng kiến quá lâu đã dẫn đến sang chấn tâm lý. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, ngay từ khi biết nói, trẻ đã cảm nhận được mọi thứ xung quanh và việc bố mẹ cãi nhau để lại ấn tượng không tốt trong lòng chúng. Nếu việc đó diễn ra thường xuyên, bé sẽ rơi vào trạng thái khép kín, bướng bỉnh, ngấm ngầm chống đối.
Nếu mâu thuẫn giữa cha mẹ có liên quan đến trẻ, bé sẽ mang mặc cảm tội lỗi, cho rằng mình là nguyên nhân gây ra sự bất hòa giữa cha mẹ. Lâu dần, như giọt nước tràn ly, hành động này của bố mẹ sẽ hình thành trong trẻ sự phản kháng.
Rất nhiều bức thư tham gia cuộc thi "Bố mẹ ơi con muốn nói" thường bắt đầu bằng: "Con muốn nói chuyện này từ lâu nhưng chưa dám" hay "Hôm nay con lấy hết cam đảm để nói ra điều này...". Điều đó chứng tỏ trong nhiều gia đình, các em chưa được cha mẹ lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ hoặc tạo cơ hội cho các em giãi bày.
Theo Pháp Luật VN
Bị bắt oan vì trùng họ tên Ông Võ Văn Hùng Đã 10 ngày được thả về nhà nhưng ông Võ Văn Hùng (ngụ ấp 3, nay là ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Hùng nói: "Tôi bị công an còng tay bắt đi, cả xóm ai cũng nhìn thấy. Khi trở về nhà tôi thấy mình oan ức mà...