Đắng lòng 2 “nữ quái” tuổi teen đi cướp để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ
Hoàn cảnh éo le, cuộc sống xô đẩy nên 2 “nữ quái” 9X đã đi cướp giật để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Nhìn 2 khuôn mặt non trẻ phải đối diện án phạt của pháp luật, nhiều người vừa giận vừa thương.
Vừa qua, TAND quận 8, TP.HCM mở phiên tòa xét xử đối với 2 bị cáo Trần Thị Ngọc Phượng (17 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) và Nguyễn Thị Ngọc Thúy (15 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) về tội “Cướp giật tài sản”.
Giúp mẹ bằng “nghề” cướp
Trưa ngày 23.3.2012, em Đ.X.D. đang đạp xe trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) thì bất ngờ bị một xe máy ép sát. Người ngồi sau ngang nhiên giật mạnh chiếc cặp xách khiến em D. loạng choạng rồi rồ ga phóng đi trong sự hốt hoảng của em học sinh tội nghiệp. Chứng kiến sự việc, nhiều người dân đã truy đuổi và vây bắt được 2 đối tượng cướp giật này. Đây không phải là lần đầu tiên 2 “nữ quái” gây án. Chúng đã nhiều lần ra tay cướp giật điện thoại, xe đạp, cặp xách của các em học sinh.
Video đang HOT
2 bị cáo bị dẫn giải ra tòa.
Tại cơ quan điều tra, Trần Thị Ngọc Phượng và Nguyễn Thị Ngọc Thúy vô tư kể lại những phi vụ “làm ăn” thành công của mình. Số tiền mang lại từ “nghề” cướp giật cho cả 2, tính đến thời điểm bị bắt, là 530.000 đồng. Cả Phượng và Thúy đều có hoàn cảnh gia đình bất hạnh, từ nhỏ đã thiếu hụt tình cảm của người cha, còn mẹ thì bệnh tật. Kinh tế thiếu trước hụt sau, mẹ con côi cút sống đời lay lắt đã khiến Phượng và Thuý không có được sự hồn nhiên như các bạn đồng trang lứa. Cảnh ngộ tương đồng đã khiến cả hai trở nên thân thiết, “sống chết có nhau”.
Hoàn cảnh Phượng đặc biệt khó khăn, người cha vô trách nhiệm bỏ mẹ con Phượng đi đã rất lâu, mặc kệ người vợ bệnh lao và đứa con nhỏ tự xoay xở cuộc sống. Hoàn cảnh của Thúy cũng chẳng tốt hơn Phượng là mấy. Có cha mẹ nhưng Thúy cũng sớm phải chịu cảnh tan đàn, xẻ nghé.
Nhớ cha, Thúy nhiều lần trốn mẹ đến gặp, nhưng không nhận được những cử chỉ yêu thương, những câu hỏi vỗ về để bù đắp cho sai lầm của người lớn mà ngược lại là sự bạo hành, đánh đập. “Nó đến, ổng đánh đuổi đi, nó tủi về nhà kể lại tôi mới biết” – chị M. (mẹ của Thúy) kể lại trong nước mắt. Chị M. một mình làm công việc đóng giày nuôi con nên sự quan tâm dành cho Thúy cũng thiếu hụt dần.
Thúy và Phượng nhìn thấy mẹ đau ốm không có tiền thuốc thang, công việc ngày càng bấp bênh nên tính đường giúp mẹ. Nào ngờ, chúng lại chọn “nghề” cướp giật để kiếm tiền. Sự thiếu hiểu biết đã khiến cả hai đi lầm đường, lạc lối.
Những giọt nước mắt đơn thân
Tiếng chuông vang lên báo đến giờ xử án, 2 thiếu nữ với gương mặt lo âu cùng nhau bước vào. Thúy và Phượng đều có vẻ ngoài rất nam tính, tóc cắt ngắn lên sát gáy. Cả căn phòng bỗng nhiên nặng trĩu những suy nghĩ, những sự hối hận của cả bị cáo lẫn đấng sinh thành. Còn HĐXX cũng trăn trở để phán quyết sao cho các bị cáo phải tâm phục, khẩu phục, nhận thấy được sai lầm mà làm lại cuộc đời.
Trong suốt quá trình xét xử, cả hai bị cáo liên tục gục đầu xuống vành móng ngựa khóc nức nở: “Do nhà bị cáo nghèo, thương mẹ không có tiền mua thuốc uống nên bị cáo mới có hành vi nông nổi” và “thấy mẹ vất vả quá nên nghĩ cách kiếm tiền sai trái…”. Các bị cáo chỉ biết khóc khi đã nhận ra được những việc làm tội lỗi của mình.
Hai người mẹ cũng chỉ biết nhìn con mà khóc. Mẹ của Phượng thổn thức: “Lỗi là do tôi tất cả, công việc tất bật từ sáng đến tối ai thuê gì tôi cũng làm, chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền để con bằng bạn bằng bè, không để con thiếu ăn mà tội nó, vì nó sớm không cha nên thiệt thòi mọi mặt”.
Khi được HĐXX cho phép được nói với tư cách là người giám hộ, mẹ của Phượng vừa nói, vừa khóc: “Con tôi phạm tội như thế một phần do lỗi của tôi và tôi phải có trách nhiệm. Giờ đây, tôi chỉ mong pháp luật cho cháu được hưởng lượng khoan hồng để cháu có thể làm lại cuộc đời…”. Thấy vậy, mẹ của Thúy cũng rấm rức khóc, tự trách mình vì miếng cơm manh áo mà thiếu sự quan tâm khiến con cái lạc lối, sa vào luật pháp.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo rất nguy hiểm. Nhưng do các bị cáo phạm tội khi còn quá nhỏ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn nên giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Giảm từ 6 năm 6 tháng tù xuống còn 4 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Trần Thị Ngọc Phượng về các tội “Cướp tài sản” và “Cướp giật tài sản”. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy được giảm từ 2 năm 6 tháng tù xuống còn 1 năm 10 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam) về tội “Cướp giật tài sản”. Bị cáo Thúy được trả tự do ngay tại tòa.
Kết thúc phiên xét xử, vị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở: “Phiên tòa mở ra không chỉ để xét xử tội danh của các bị cáo. Đây còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ phải biết cách dạy dỗ và quan tâm đúng cách tới con mình, đừng để chúng đi vào còn đường phạm pháp và có kết cục như ngày hôm nay”.
Theo 24h
Nữ quái 9X lập nhóm cướp giật
Trong tháng 3-2012, CAQ8 nhận hàng loạt thông tin về các vụ cướp giật cặp sách của học sinh cấp 2, 3 tại một số trường trong quận. Theo trình báo, đối tượng gây án là nữ, tuổi đời rất trẻ nhưng mặt mũi, tóc tai nhìn bặm trợn không khác gì những tay "anh chị" cộm cám.
Trần Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Thúy
BẮT QUẢ TANG
11 giờ ngày 23-3, Trần Thị Ngọc Phượng (SN 1996, ngụ P5Q8) dùng xe máy BS: 53Y3-8525 chở Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1998, tạm trú P4Q8) đến trước số 2858 Phạm Thế Hiển, P7Q8 thấy em Đào Xuân D. (SN 1996) trên đường đi học về. Phượng và Thúy ép sát giật chiếc cặp bên trong có máy tính Casio. Trong lúc ra tay, chúng bị CAP7 phát hiện bắt quả tang.
Tại CQĐT hai đối tượng khai nhận ngay trong sáng 22-3 đã cướp giật cặp sách của em Nguyễn Thị Thu H. (SN 1996, ngụ P7Q8) trong đó có một máy tính Casio, một ĐTDĐ và 10 ngàn đồng. Đối tượng của "nữ tặc" nhí này là những học sinh đi học một mình. Sau khi lục tìm tài sản (chỉ là máy tính hoặc ĐTDĐ) chúng bán cho những người bán đồ cũ ở lề đường Bình Đăng, P6Q8 kiếm vài ba chục ngàn để tiêu xài. Đồng bọn của Thúy, Phượng còn có Nguyễn Thư Quỳnh (SN 1996, ngụ P7Q8) và Ngô Nguyễn Liên Hoa (SN 1997, tạm trú P6Q8). Chỉ trong khoảng hơn một tháng (từ giữa tháng 2-2012) nhóm cướp giật này đã gây ra 15 vụ trên địa bàn Q8.
Được biết, có ba đối tượng trong nhóm cướp giật 9X trên sống trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly hôn, kinh tế khó khăn. Các đối tượng này đều bỏ học sớm, lập nhóm cướp giật, kiếm tiền thuê khách sạn sống với nhau thành từng đôi và quan hệ đồng tính. Hiện CAQ8 đang mở rộng điều tra, các nạn nhân của bốn đối tượng trên xin báo cho Đội CSĐTTP về TTXH CAQ8 (số 993 Phạm Thế Hiển, P5Q8, điện thoại số: 08.38506705).
TỘI PHẠM HÌNH SỰ ĐANG TRẺ HÓA
Những năm qua, Q8 có nhiều bước phát triển về nhiều mặt. Bên cạnh đó, tình hình trật tự xã hội vẫn còn những phức tạp. Tệ nạn cờ bạc, ma túy..., vẫn len lỏi trong nhiều khu vực dân cư có trình độ dân trí thấp. Bà Đổng Thị Kim Vui - Bí thư Quận ủy Q8 - cho biết: Một điều đáng báo động hiện nay là các đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, chiếm 55% số đối tượng phạm tội. Năm 2011, tổng số vụ vi phạm luật pháp do thanh thiếu niên (từ 16 đến dưới 30 tuổi) gây ra trên địa bàn là 166 vụ, chiếm 86% số vụ phạm pháp hình sự. Các đối tượng này " có mặt" trong tất cả các vụ án từ giết người, cướp tài sản, trộm cắp, chống người thi hành công vụ. Trong đó, án trộm cắp nhiều nhất, có 51 đối tượng thực hiện 108 vụ chiếm trên 65%. Đặc biệt, có 18 đối tượng chưa thành niên gây ra 14 vụ. Đáng buồn là con số này tăng lên từng năm.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ phạm tội như gia đình thiếu quan tâ
m chăm sóc do cha mẹ ly hôn; cha mẹ nghèo bỏ bê con cái hoặc quá nuông chiều, không biết cách quản lý; không trang bị kỹ năng sống khiến các em dễ sa ngã; trẻ bỏ học sớm; nghiện game, phim ảnh bạo lực... Để ngăn chặn và kéo giảm tình trạng trẻ hóa tội phạm hình sự, bà Vui cho biết, yếu tố giáo dục là quan trọng nhất. Trong gia đình, cha mẹ phải gương mẫu, sống hòa thuận, quan tâm chăm sóc con cái và phải nâng cao hiểu biết về luật pháp. Nhà trường cần tăng cường rèn luyện đạo đức cho học sinh, mỗi giáo viên dành ít phút nói với các em về những vấn đề ứng xử, lễ độ. Xã hội và các cơ quan, đoàn thể phải tạo thêm các sân chơi cho thanh thiếu niên, tích cực bài trừ tệ nạn xã hội. Đặc biệt, các địa phương nên có hướng giúp thanh thiếu niên bỏ học có điều kiện đi học tiếp để trang bị kiến thức xã hội, pháp luật, giúp các em tránh khỏi cạm bẫy.
Theo CATP
Vượt đèn đỏ đánh CSGT, 3 người lãnh án Mặc tín hiệu đèn đỏ, hai thanh niên rồ ga phóng vụt qua. Khi CSGT yêu cầu dừng xe, họ không chấp hành hiệu lệnh mà còn ngang nhiên tấn công, giật cầu vai, lăng mạ cảnh sát. Ngày 15/3, TAND quận 8 (TP.HCM) đã xét xử và tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Quốc Bảo (33 tuổi), Nguyễn Ngọc Hiếu (44 tuổi,...