Đáng lo nước thải đổ ra bãi biển!
Sau mưa lớn, nước thải đen kịt ồ ạt đổ ra biển Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang gây phản cảm trong mắt du khách, đe dọa đến danh tiếng ngành du lịch
Ngày 9-5, các lực lượng chức năng TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tập trung khắc phục tình trạng nước thải đổ trực tiếp ra vịnh Nha Trang, bốc mùi hôi thối sau cơn mưa lớn kéo dài 2 giờ vào chiều 8-5.
1 năm, 200 sự cố
Những bãi biển dọc đường Phạm Văn Đồng (gần danh thắng Hòn Chồng), đường Đặng Tất, đường Trần Phú (gần sân bóng Thanh Niên), khu vực dân cư Hà Ra (phường Vĩnh Phước), nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, cơ sở kinh doanh đấu nối trực tiếp vào cống chảy tràn, xả thẳng ra biển.
Hệ thống thoát nước bị quá tải, nước thải tràn ra biển Đà Nẵng hôm 8-5 Ảnh: VĨNH QUYÊN
Ông Nguyễn Văn Ninh, một du khách từ TP HCM, thấy cảnh nước đục đổ cuồn cuộn ra sát danh thắng Hòn Chồng mà bức xúc. Trong khi đó, sống lâu năm ở phường Vĩnh Phước, ông Trần Anh Tuấn nhiều lần chứng kiến biển này bị đục ngầu, hôi thối sau mưa. Người dân không dám tắm biển thường xuyên vì sợ ảnh hưởng sức khỏe.
Trong cơn mưa chiều 8-5, bãi biển được mệnh danh “đẹp nhất hành tinh” là Đà Nẵng cũng hứng chịu những đợt nước thải đen ngòm, hôi thối đổ ra từ các cửa xả. Ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, người dân và du khách chứng kiến cảnh này đều lo ngại cho môi trường biển. Tình trạng này xảy ra liên tục trong thời gian gần đây nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, từ tháng 4-2018 đến nay, chính quyền TP đã xử lý 200 sự cố nước thải tràn ra biển, gây ô nhiễm nặng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại đảo ngọc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Một du khách Hàn Quốc vừa đăng lên mạng đoạn clip quay cảnh dòng nước đen sì đổ ra biển sau một trận mưa lớn ở đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Nữ du khách này cho biết sẽ kết thúc kỳ nghỉ sớm vì ngán ô nhiễm. Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, lý giải do huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải tồn đọng lâu ngày khi gặp mưa lớn bất ngờ nên đã đổ ra biển.
Video đang HOT
Lãnh đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải TP Đà Nẵng giải thích sự cố nước thải đổ ra biển do hệ thống thoát nước bị quá tải. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, thừa nhận hệ thống thoát nước ở TP này chủ yếu là thoát nước chung. Khu vực phía Đông (ven biển Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà) có 4 lưu vực thoát. Đáng lưu ý, lưu vực Ngũ Hành Sơn có 3 trạm với 10 máy bơm, hoạt động 100%, không có cơ chế luân phiên. Qua theo dõi tình trạng bơm từ tháng 1 đến tháng 3-2019, lưu lượng trung bình 23.761 m3/ngày – đêm là quá công suất xử lý của trạm.
Theo ông Hùng, hệ thống thu gom và xử lý nước thải hiện nay không đáp ứng với tốc độ phát triển du lịch, dịch vụ ở khu vực Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, còn bất cập trong áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt cho cơ sở khi xả thải vào hệ thống, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể và chính sách khuyến khích tái sử dụng nước thải.
Lãnh đạo Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết trong tháng 3, sở này đã kiểm tra về hồ sơ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khu vực ven biển 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Kết quả cho thấy 16/34 cơ sở không có giấy phép hoặc văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước, 16/34 cơ sở không có lắp đặt bể tách mỡ và 16/34 cơ sở không có giấy phép thoát nước mưa…
Về xây dựng, lực lượng phát hiện 16 cơ sở không có giấy phép; 34 cơ sở không có giấy phép đấu nối và phần lớn nhà hàng có giấy phép xây dựng là nhà ở, biệt thự. Ước tính, tổng lượng nước sử dụng và lượng nước thải phát sinh từ nhóm kiểm tra là 20.668 m3/tháng.
Trước mắt, Sở TN-MT đã đề xuất UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng cùng Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải hướng dẫn thủ tục đấu nối nước thải, đấu nối tạm thời cho các dự án đang thi công trên tuyến đường từ 10 m trở lên; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình các đơn vị triển khai xây dựng đấu nối vào hệ thống.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm vùng biển, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, khẳng định đang yêu cầu tăng thêm các máy bơm để hạn chế nước thải ra biển; đồng thời nạo vét các cống thoát, tránh tình trạng tồn lưu các chất thải. Về lâu dài, từ nguồn vốn vay, TP Nha Trang sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải để cải thiện vệ sinh môi trường.
Ông Lê Tiến Vĩnh, Trưởng Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Nha Trang, cho biết từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư các dự án cải thiện vệ sinh môi trường ở khu vực Nam sông Cái. Các hộ dân sẽ bơm nước thải về nhà máy xử lý, về cơ bản đã giải quyết được ô nhiễm từ nước thải ở khu vực trung tâm. “Hiện nay, khu vực phía Bắc sông Cái muốn khắc phục tình trạng ô nhiễm này phải chờ triển giai đoạn 2 dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang. Tuy nhiên, giai đoạn này có tổng mức đầu tư trên 70 triệu USD nên phải đợi nguồn vốn từ Chính phủ” – ông Vĩnh nói.
Ngày 9-5, Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT thông tin tới các cơ quan báo chí cho biết vừa qua, một số báo điện tử đăng bài viết về công tác quản lý, giám sát chất thải đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), trong đó có nhiều thông tin không đúng bản chất sự việc, gây hoang mang dư luận.
Tổng cục Môi trường cho biết từ tháng 7-2016 đến nay, Bộ TN-MT đã thành lập Tổ giám sát liên ngành để kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của FHS, hoạt động theo cơ chế thường xuyên, liên tục, định kỳ và đột xuất. Kết quả giám sát cho thấy tính đến cuối tháng 5-2017, FHS đã khắc phục xong các tồn tại, hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải để bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Hiện các dòng nước thải sinh hoạt, sinh hóa và công nghiệp đã được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam ở các trạm xử lý nước thải cục bộ của FHS, sau khi qua hệ thống hồ sinh học tiếp tục được xử lý, cải thiện tốt hơn trước khi xả ra biển, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Các loại chất thải rắn phát sinh được FHS quản lý theo đúng quy định pháp luật…
B.T.C
KỲ NAM – VĨNH QUYÊN – BÍCH VÂN – HOÀNG TUẤN
Theo Nguoilaodong
'Rò rỉ' chất thải của Fomosa có nồng độ pH vượt ngưỡng nguy hại
Hàng nghìn tấn chất thải có nồng độ pH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn của Bộ TN-MT của Formosa được chuyển từ Hà Tĩnh ra Thái Nguyên theo dạng hàng hóa để tái chế.
Cần rà soát lại việc quản lý chất thải từ Formosa . ẢNH NGUYỄN DŨNG
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã chặn đứng kịp thời việc tái chế, tái sử dụng hàng nghìn tấn gang xỉ có giá trị pH vượt ngưỡng nguy hại, theo quy chuẩn của Bộ TN-MT, của Công ty TNNH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) tại địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên, cho biết đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc tái chế, tái sử dụng phế liệu gang xỉ có nguồn gốc từ (Formosa) tại địa bàn. Sau khi có kết quả, Sở này đã có văn gửi Sở TN-MT Hà Tĩnh.
Theo nội dung văn bản, Formosa chuyển giao gang xỉ cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (Công ty MHD) để tiếp tục chuyển giao cho 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm: Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Nhà máy thép máy thép Trường Sơn - Công ty TNHH Minh Bạch, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy, Công ty CP Cơ khí Gang thép, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên, và hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất.
Sở TN-MT Thái Nguyên đã ra soát, kiểm tra các cơ sở nêu trên. Kết quả cho thấy, có 2/6 cơ sở là Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái và Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy có hợp đồng thu mua gang xỉ từ Công ty MHD để chế biến, với tổng khối lượng hơn 20.000 tấn. Trong đó, Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái đã hợp đồng mua gang xỉ với Công ty MHD với khối lượng là 15.000 tấn, đã nhận chuyển nhượng gần 9.000 tấn; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy đã hợp đồng mua hơn 11.000 tấn, đã nhận chuyển giao đủ hơn 11.000 tấn gang xỉ này.
Có 2/6 cơ sở là hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Kiên mua gang xỉ từ Công ty MHD, nhưng thông qua đơn vị trung gian khác; có 2/6 cơ sở là Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty CP Cơ khí Gang thép có hợp đồng mua gang xỉ từ Công ty MHD, nhưng chưa nhận chuyển giao gang xỉ.
Theo Sở TN-MT Thái Nguyên, có 3/6 cơ sở nêu trên không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ là Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Công ty TNHH Minh Bạch và Công ty CP Cơ khí Gang thép. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, Sở TN-MT Thái Nguyên sẽ tiếp tục xem xét hướng dẫn, xử lý.
Sở này cũng đề nghị Sở TN-MT Hà Tĩnh báo cáo Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT có hướng yêu cầu Công ty MHD dừng chuyển giao gang xỉ cho Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái, Công ty TNHH Minh Bạch, do các công ty này chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường, hoạt động nghiền tuyển gang xỉ theo quy định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giao gang xỉ Formosa cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy...
Đáng chú ý, tiếp sau đó, Sở TN-MT Thái Nguyên lại có thêm văn bản gửi Sở TN-MT Hà Tĩnh cho biết đã lấy mẫu gang xỉ tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trường Huy, mẫu bùn thải sau tuyển tại Công ty CP Công nghiệp Bắc Thái để phân định danh tính chất thải nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT.
"Kết quả phân tích mẫu gang xỉ, mẫu bùn thải sau tuyển tại 2 cơ sở nêu trên cho thấy giá trị PH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT", văn bản do Phó giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang, ký nêu rõ.
Cực kỳ nguy hiểm!
Theo tìm hiểu của phóng viên, xuất phát của việc Công ty MHD có thể chuyển giao gang xỉ cho các đơn vị khác tại Thái Nguyên là từ sự đồng ý bằng văn bản của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT.
Cụ thể, cuối tháng 9.2018, Tổng cục Môi trường có văn bản (do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ký, gửi báo cáo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, lưu văn phòng) trả lời Công ty MHD về việc thu gom, vận chuyển và tái chế phế liệu gang xỉ phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, khẳng định "phế liệu gang xỉ được phân loại, lựa chọn làm nguyên liệu làm sản xuất gang thép được coi là sản phẩm hàng hóa và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa".
Cũng theo văn bản này, Công ty MHD được thu gom, vận chuyển với khối lượng 70.000 gang xỉ tấn/năm và chuyển giao cho cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất gang thép.
Một số chuyên gia nhìn nhận, theo kết quả đo, phân tích mẫu gang xỉ do Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, thuộc Sở TN-MT Thái Nguyên thực hiện, thì gang xỉ do Công ty MHD chuyển giao có giá trị PH vượt ngưỡng nguy hại theo quy chuẩn, như vậy được coi là chất thải nguy hại. Việc chất thải này của Formosa lọt được ra ngoài, theo dạng hàng hóa, có thể mua bán, chuyển nhượng như vậy là cực kỳ nguy hiểm.
Trong việc này, cần xem xét lại văn bản của Tổng cục Môi trường ký. Bên cạnh đó, cần ra soát lại việc hợp chuẩn hợp quy chất thải từ Formosa, kiểm soát chặt chẽ hơn nhà máy này, để tránh nguy cơ thảm họa môi trường.
Trong ngày 9.5, phóng viên nhiều lần liên hệ với ông lãnh đạo Bộ TN-MT đề nghị được cung thông tin về việc "rò rỉ" chất thải có nồng độ pH vượt ngưỡng chất thải nguy hại của Formosa, nhưng không có phản hồi. Đồng thời, phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhưng đều không có phản hồi thông tin.
Theo Thanhnien
Bắt quả tang Hapaco Đông Bắc xả thải độc hại ra sông Mã Khoảng 5 giờ sáng qua (3/4), sau nhiều ngày khảo sát, Đoàn Thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang Công ty sản xuất bột giấy Hapaco Đông Bắc (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đang xả nước thải ra Suối Sia (chảy vào sông Mã) qua đường ống ngầm. Nước thải được đánh giá là rất độc hại....