“Đáng lẽ người phải chết là chúng em!”
“Nếu hôm đó chúng em không bơi ra giữa sông để chơi thì anh Nam đã không phải chết như vậy. Chúng em cảm thấy có tội với anh Nam và bố mẹ anh Nam nhiều lắm”. Em Nguyễn Công Lương – một học sinh được Nam cứu sống buồn rầu nói.
Bàn thờ với di ảnh cậu thanh niên 18 tuổi quên mình vì làm việc nghĩa luôn ấm áp khói nhang.
PV Dân trí trở lại với xóm nghèo của xã Trung Sơn (Đô Lương, Nghệ An) giữa cái nắng xứ Nghệ cháy bỏng rát. Mặc dù sự việc thương tâm đã xảy ra gần nửa tháng nhưng dường như những lời khen ngợi về tấm lòng quả cảm, quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam đi đâu trong xóm làng luôn được mọi người nhắc đến. Trong những câu chuyện thường ngày, cái tên Nam – người anh hùng trẻ tuổi quên mình cứu các em nhỏ đuối nước vẫn được truyền tai như khắp trong làng ngoài xóm với sự biết ơn và cảm phục. Nam mất đi khiến mọi người cảm động không thể cầm nổi nước mắt.
“Đoạn sông mà Nam cứu mấy đứa nhỏ đó sâu lắm, có lúc nước lên phải sâu đến hơn 4 mét, thế mà Nam vẫn dũng cảm bơi ra cứu sống các em. Nhưng tiếc là Nam lại không thể cứu được mình vì lúc đó đã quá đuối sức. Nếu lúc đó có người lớn ở đấy thì có lẽ không xảy ra chuyện đáng thương như vậy. Tôi thương mà cũng cảm phục tấm lòng của cháu Nam lắm” – chỉ vào khúc sông, một người dân đi làm đồng gần đó tâm sự.
Các học sinh được Nam cứu luôn tự dằn vặt, tự trách bản thân, vì mình mà anh Nam phải chết.
Từ hôm con mất đến giờ, bố mẹ, bà nội Nam cũng như anh em họ hàng đã khóc cạn nước mắt. Rất đông bà con, hàng xóm láng giềng đã đến để thắp nén tâm hương, chia buồn với gia đình. Là con trai thứ 2 trong gia đình có 3 chị em, Nam luôn chăm ngoan, học giỏi, là niềm hi vọng lớn của cả gia đình. Chị gái đầu của Nam vừa tốt ngành y và đang chờ xin việc, còn em trai út đang học lớp 9. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn khi cả gia đình 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng.
Nhìn di ảnh con trai của trên bàn thờ nghi ngút khói hương, anh Nguyễn Văn Điều nói trong nước mắt: “Thương con lắm các chú ạ. Giá như hôm đó có người lớn ở đấy thì đã không xảy ra cơ sự này rồi. Mẹ nó từ hôm ấy đến giờ không chịu ăn ngủ gì hết, cứ nằm trên giường rồi lại vật vã khóc. Lúc nào mệt quá lại thiếp đi, có lúc nửa đêm cũng thức dậy khóc lóc. Thương con quá, đêm nằm nghĩ nước mắt tôi lại ứa ra. Mới 18 tuổi đầu, nhà nghèo nên cháu phải chịu khổ, chưa được phút giây sung sướng thì con đã phải ra đi”.
Anh Điều nói đoạn rồi cúi gục gương mặt khắc khổ xuống cạnh bàn thờ con. Nước mắt anh đã không còn. Anh cố giấu đi những buồn tủi của số phận mình nhưng càng cố giấu, anh lại càng dày vò trong tột cùng của nỗi đau mất con trước ngày Nam chuẩn bị cho một kỳ thi đại học với bao hứa hẹn, ước mơ mà cậu đã ấp ủ bấy lâu nay. Mọi thứ với cậu đã trở nên dang dở.
Đoạn sông mà Nam đã dũng cảm, quên mình để cứu 5 em nhỏ bị đuối nước.
Nằm bệt trên chiếc giường đã hơn 12 ngày qua, giờ đây tiếng khóc của chị Thanh (mẹ Nam) gần như đã khản đặc. Những giọt nước mắt của chị làm không khí thêm nặng nề, buồn thảm. Khóc không ra tiếng, giọng chị đục tựa như dòng sông Lam vào ngày Nam tử nạn. Giữa những tiếng nấc nghẹn, chị Thanh lại thốt gọi con: “Nam ơi! Sao con lại bỏ cha mẹ, chị em, anh em mà đi hả Nam. Con có biết không, con gầy lắm, thân con đã tiều tụy nhiều vì những đêm thức trắng học bài. Mẹ đã cố gắng hết tất cả để chăm sóc con, để mong con được thi vào đại học cho bằng bạn bằng bè. Thế mà giờ đây con đã lìa xa cha mẹ và mọi người thật rồi…”.
Video đang HOT
Hành động dũng cảm, quên bản thân mình để cứu người của Nam nhiều người xúc động. Còn với những em nhỏ đã được Nam cứu sống, tất cả đều cảm thấy có lỗi và tự trách bản thân khi vì mình mà Nam đã phải chết thương tâm.
“Hôm đó trời nóng nên bọn em ra sông để tắm. Bơi được một đoạn thì gặp nước sâu, vì em mới biết bơi nên bị đuối. Em sợ quá cứ quàng tay chân đập mạnh xuống nước để cố bơi vào nhưng không được. Càng bơi em càng chìm xuống nước. Em tưởng mình đã chết nhưng trong chốc lát thấy có bóng đen dưới nước lặn từ sau lại rồi đẩy em vào bờ em mới biết mình được cứu sống. Không ngờ anh Nam lại chết vì cứu chúng em”. Nhớ lại giây phút được Nam cứu sống, em Nguyễn Công Linh (15 tuổi) vẫn chưa hết hoang mang và ăn năn vì mình mà Nam đã phải chết.
Em Nguyễn Ngọc Điệp, người đứng trên bờ kêu cứu giúp 5 em nhỏ, bùi ngùi kể lại hôm xảy ra sự việc thương tâm.
Em Nguyễn Ngọc Điệp, người đã đứng trên bờ kêu cứu giúp 5 em nhỏ đuối nước, vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Lúc đó, có 5 bạn nhảy xuống sông để tắm rồi bơi ra giữa sông để chơi. Được một đoạn em thấy cả mấy đứa cứ vùng vẫy dưới nước, em hét lên: Cứu! cứu! Có người chết đuối. Thế là anh Nam đang đi bắt chim gần đó chạy đến. Không ngần ngại, anh ấy lao xuống sông để cứu mấy đứa. Cứu được các bạn em nhưng anh Nam đuối sức nên bị nước nhấn chìm. Em thương anh Nam lắm”.
Cảm thấy ăn năn, có lỗi với Nam – người đã cứu sống mình trong lúc cận kề nguy hiểm nhất, các em nhỏ học sinh luôn dằn vặt và tự trách bản thân mình. “Đáng lẽ chúng em phải chết chứ không phải là anh Nam, nhưng anh Nam lại cứu chúng em để rồi anh ấy phải chết. Từ hôm đó đến giờ, cứ mỗi lần đi ngủ là em lại nghĩ về anh Nam mà không tài nào chợp mắt được. Thương anh ấy quá. Chúng em có lỗi với anh, với bố mẹ của anh Nam lắm. Nhiều đêm nằm ngủ chúng em còn nằm mơ thấy anh Nam, rồi mơ về hôm chúng em được anh Nam cứu nữa. Ơn cứu mạng của anh Nam, suốt đời chúng em sẽ luôn ghi nhớ”. Em Trần Quốc Mạnh (15 tuổi), một em nhỏ khác được Nam cứu sống bùi ngùi tâm sự.
Em Nguyễn Hữu Đô: “Đáng lẽ người phải chết là chúng em!”
Vẫn chưa hết hoảng sợ mỗi khi nhớ lại giây phút cận kề với cái chết, Nguyễn Công Mạnh run run kể lại: “Lúc em bơi ra được một đoạn sông nước sâu quá và bị đuối. Em đang chới với thì nhìn thấy anh Nam đang cứu các bạn khác. Lúc đó, em hoảng lắm nhưng cũng cố gắng hết sức bơi cho nổi người để chờ anh ấy giúp. Một lát sau ở dưới nước có một người lấy tay đỡ em ngoi lên và đẩy em vào bờ. Đẩy em lên được bờ rồi, anh Nam lại tiếp tục nhảy xuống và cứu mấy bạn khác nữa. Lên bờ em sợ run, hoảng quá nằm xuống thở mà không biết đi gọi người để giúp đỡ. Đưa được 4 đứa lên, anh Nam thấy vẫn còn bạn Đô đang chới với ngoài xa. Lúc đó, nhìn mặt anh Nam trông anh ấy rất mệt nhưng vẫn nhảy xuống dòng sông sâu bơi ra để cứu Đô. Vào gần đến bờ thì anh Nam bị đuối rồi chìm luôn. Thấy anh bị chìm mà chúng em không biết làm gì để giúp anh cả”.
Là người được Nam cứu sống cuối cùng, em Nguyễn Hữu Đô (13 tuổi) vẫn còn lo sợ và tự trách bản thân khi mình mà anh Nam đã phải chết. “Lúc đó em bơi ra xa để chơi. Ra được nửa sông, nước chảy mạnh hơn nên em không bơi được nữa. Em quay lại để cố bơi vào nhưng cũng không được. Lúc đó em tưởng em đã chết rồi. Một lúc sau anh Nam bơi ra đẩy em vào bờ. Khi gần đến bờ anh Nam mệt quá không thể đẩy em được nữa và anh ấy dùng chân đạp em một cái mạnh để cho em vào nhưng chính cái đạp ấy khiến anh Nam bị bật ngược trở ra sông và bị nước cuốn mà chẳng ai cứu được anh ấy nữa. Đáng lẽ người phải chết là chúng em”. Đô vừa kể vừa mếu máo khóc khi nghĩ đến người đã quên bản thân để cứu mình.
“Cũng vì em mà anh Nam phải chết. Nếu lúc đó chúng em không nghịch ngợm bơi ra xa bờ thì đã không có chuyện gì xảy ra với anh ấy rồi. Được anh Nam cứu sống, nhưng anh Nam lại phải chết vì em, em thấy thương anh lắm, em như nợ anh một mạng sống rồi. Suốt đời này em luôn ghi nhớ ơn cứu mạng của anh Nam” – Đô vừa lau nước mắt vừa nói thêm.
Tuy Nam đã mất khi quên bản thân mình để cứu 5 em nhỏ trong dòng nước xiết, nhưng với tất cả mọi người, Nam vẫn sống trong tim và tâm hồn của họ. Cái tên Nam – người anh hùng tuổi trẻ sẽ được nhắc đến trong tự hào và vinh quang.
Từ ngày Nam ra đi, chị Thanh luôn nằm bệt trên giường, đêm nằm ngủ thường hay hét toán lên gọi tên con trong vô vọng.
Theo Dantri
Đề nghị truy tặng liệt sĩ cho em Nguyễn Văn Nam
Đó là phát biểu mới nhất của lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong chuyến thăm, chia buồn cùng gia đình em Nguyễn Văn Nam sáng ngày 4/5.
Sáng nay (4/5), ông Thái Văn Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cùng Sở GD&ĐT Nghệ An, các ban ngành liên quan đã tới nhà em Nguyễn Văn Nam - người đã dũng cảm lao xuống dòng sông Lam cứu các em nhỏ thoát khỏi thủy thần - chia buồn, động viên gia đình.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Hằng đã trao Bằng khen cùng 20 triệu đồng cho gia đình em Nguyễn Văn Nam.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Hằng đã chia sẻ mất mát to lớn của gia đình, đồng thời biểu dương hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã quên mình cứu các em nhỏ bị nạn và mong muốn gia đình nén đau thương để ổn định cuộc sống. Ông Thái Văn Hằng cũng đã trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, xã Trung Sơn, về việc làm hồ sơ để truy tặng ở cấp cao hơn như công nhận liệt sĩ cho em Nam.
"Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi yêu cầu UBND huyện Đô Lương, xã Trung Sơn hoàn chỉnh hồ đầy đủ, yêu cầu phía trường Đô Lương 1 cũng như gia đình lập hồ sơ thống nhất để truy tặng danh hiệu cho em Nguyễn Văn Nam ở bậc cao hơn, xứng đáng hơn. Đồng thời, yêu cầu Sở GD&ĐT, Đoàn thanh niên, tỉnh đoàn phát động phong trào noi gương, học tập đức hy sinh của em Nguyễn Văn Nam. Bên cạnh đó, cũng giao cho xã Trung Sơn lo ổn định cuộc sống gia đình em Nam trong lúc tang gia bối rồi này", ông Thái Văn Hằng cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các Sở, ban ngành cùng nhân dân khắp nơi về thắp hương chia buồn cùng gia đình em Nguyễn Văn Nam.
Ông Thái Văn Hằng trao Bằng khen cho gia đình em Nam
Được biết, Nam có một người chị gái tên Nguyễn Thị Phương vừa học xong trung cấp Y nhưng chưa xin được việc làm. Ông Thái Văn Hằng yêu cầu UBND huyện Đô Lương tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất giúp Phương có việc làm. Đó cũng là cách để bù đắp cho gia đình Nam trước sự mất mát quá lớn lao.
Cùng thời gian trên, Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Bắc miền trung đã đến thắp hương và tặng quà gia đình em Nguyễn Văn Nam; Công ty bảo hiểm PIJICO trao số tiền bảo hiểm thân thể 10 triệu đồng.
Nỗi đau người ở lại.
Chiều ngày 4/5, được sự uỷ quyền của Chủ tịch nước, ông Lương Hồng Quang - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước đã có mặt tại gia đình em Nguyễn Văn Nam (ở xóm 3 xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) để trao thư khen và quà của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới gia đình em Nam.
Ông Lương Hồng Quang - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng đọc thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Ảnh: H.K).
Tại buổi trao thư khen và quà của Chủ tịch nước, ông Lương Hồng Quang đã chia sẻ mất mát to lớn của gia đình, đồng thời biểu dương hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam đã quên mình cứu các em nhỏ bị nạn và mong muốn gia đình nén đau thương để ổn định cuộc sống.
Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Lương Hồng Quang trao thư khen của chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới bố em Nguyễn Văn Nam (Ảnh: H.K).
Trong bức thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự xúc động và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình em Nam, đồng thời nhấn mạnh sự hi sinh của em Nam là tấm gương để thanh thiếu niên trong cả nước học tập noi theo.
Bức thư viết: "Tôi vô cùng xúc động trước hành động dũng cảm quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Em là tấm gương sáng cho thanh thiếu niên cả nước học tập. Với sự tiếc thương sâu sắc, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình em Nguyễn Văn Nam, mong bố mẹ, người thân của em hãy vượt qua mất mát đau thương này và mãi mãi tự hào về Em - người con giàu lòng nhân ái, xả thân cứu người".
Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Lương Hồng Quang trao quà Chủ tịch nước tới gia đình em Nam (Ảnh: H.K).
Theo Dantri
Tình yêu cuộc sống từ tấm gương Nguyễn Văn Nam... Tấm gương dũng cảm hy sinh thân mình cứu người của Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12C7, quê xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bao người dân. Soi mình qua tấm gương Nguyễn Văn Nam, ta như cảm nhận rõ hơn nhiều ý nghĩa cuộc sống. Góc học tập của Nam Khi chiếc lá...