Đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội: Người mượn vi phạm, chủ xe cũng phải chịu phạt
Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, chủ xe mặc dù không phải là người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm giao thông nhưng cũng là người phải chịu trách nhiệm về hành vi này.
Người mượn vi phạm, chủ xe cũng phải chịu phạt
Trả lời PV VTC News về đề xuất đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội, TS Khương Kim Tạo, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, để triển khai được đề xuất này, các cơ quan chức năng cần phối hợp và thống nhất được phương thức phạt nguội bởi vấn đề phạt nguội ở Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều vướng mắc.
Theo TS Khương Kim Tạo, một trong những vướng mắc lớn mà đến nay cơ quan chức năng chưa thống nhất được trong xử lý vi phạm theo hình thức phạt nguội đó là chưa xác định được rõ ràng phạt người lái hay phạt chủ xe.
“Khi phạt nguội, chúng ta chỉ có thể phạt chủ xe chứ không thể phạt lái xe bởi khi theo dõi qua camera sẽ không thể biết ai là người lái chiếc xe đó. Việc xử phạt chỉ có thể căn cứ vào biển số xe để xác định chủ sở hữu chiếc xe”, TS Tạo nêu ý kiến.
Theo TS Khương Kim Tạo, một trong những vướng mắc lớn mà đến nay cơ quan chức năng chưa thống nhất được trong xử lý vi phạm theo hình thức phạt nguội đó là chưa xác định được rõ ràng phạt người lái hay phạt chủ xe.
TS Khương Kim Tạo cũng cho rằng, chủ xe mặc dù không phải là người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm giao thông nhưng cũng là người phải chịu trách nhiệm về hành vi này bởi khi cho mượn hay cho thuê xe, chủ xe phải có tín nhiệm nhất định với người thuê hoặc mượn. Nếu chủ xe không tín nhiệm hay không chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm của người lái thì tốt nhất không nên cho mượn hay thuê xe. Quy định cần phải rõ ràng và cụ thể như vậy mới có thể quản lý và thực hiện phạt nguội.
Chủ xe mặc dù không phải là người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm giao thông nhưng cũng là người phải chịu trách nhiệm về hành vi này.TS Khương Kim Tạo
Ngoài ra, theo TS Khương Kim Tạo, để thực hiện việc phạt nguội thông qua tài khoản ngân hàng, cơ quan chức năng cần thay đổi quy định về sang tên đổi chủ phương tiện giao thông.
Video đang HOT
“Ở các nước phát triển, người bán xe sau khi hoàn thành thủ tục phải đem hồ sơ giấy tờ xe nộp lại cho cơ quan đã đăng ký ban đầu. Lúc này, người mua lại phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những lỗi do chiếc xe đó gây ra, bất kể ai lái, người mang tên chiếc xe đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay quy định là trong vòng một tháng phải làm thủ tục sang tên đổi chủ. Vậy trong một tháng đó, ai là người chịu trách nhiệm? Chúng ta phải sửa lại quy định này”, TS Khương Kim Tạo nêu ý kiến.
Cũng theo TS Tạo, ở một số nước, việc sang tên đổi chủ phương tiện giao thông được quy định chung cho một mức phí không lớn. Do đó, người dân rất tự giác đến nơi đăng ký sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện. Còn ở Việt Nam, hiện vẫn áp dụng mức tính phần trăm thuế dựa trên giá trị phương tiện, việc này khiến người dân ngại sang tên đổi chủ vì chi phí tốn kém. Đây sẽ là một khó khăn trong việc phát hiện người vi phạm giao thông để xử lý phạt nguội đúng người, đúng tội.
Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, nếu các cơ quan chức năng thống nhất và giải quyết được những tồn tại đó, việc phạt nguội đương nhiên sẽ có hiệu quả tốt và rất khách quan. Đồng thời, việc theo dõi vi phạm giao thông qua camera sẽ giảm bớt nhân lực của ngành CSGT. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng có liên quan cần ngồi lại với nhau để cùng bàn về những cách giải quyết sao cho trọn vẹn và hiệu quả.
Ngoài việc đề xuất người đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội, ông Khương Kim Tạo cũng cho rằng cơ quan chức năng nên có quy định bắt buộc người khi đăng ký ô tô phải đăng ký số điện thoại để có thể liên lạc khi cần thiết.
“Khi phát hiện chiếc xe vi phạm, căn cứ vào biển số, cơ quan chức năng sẽ truy ra được người chủ xe và sẽ nhắn tin hoặc gọi điện theo số điện thoại đã đăng ký, nội dung thông báo về lỗi vi phạm cũng như mức phạt là bao nhiêu. Nhiều nước trên thế giới họ đều có quy định này”, TS Tạo chia sẻ.
Phù hợp và văn minh
Cũng về vấn đề này, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Chủ trương này thực ra có từ lâu rồi nhưng chưa có cơ chế phối hợp thực sự tốt giữa các cơ quan chức năng nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cục CSGT của Bộ Công an được giao làm việc với các bên liên quan cần phải chủ động trong việc này.”
Ông Nguyễn Trọng Thái khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và cần sớm được áp dụng.Về những vướng mắc trong khâu thực hiện, ông Thái cho biết: “Muốn tháo gỡ những vướng mắc này, các cơ quan chức năng cần có sự liên kết. Cụ thể, ngân hàng phải có quy định về mở tài khoản, tài khoản được mở phải có tiền trong đó; việc xử phạt của CSGT cũng cần phải có một văn bản chung thống nhất giữa các bên để thực hiện”.
“Trước kia, trong các cuộc họp về ATGT, nội dung này từng được vào nhưng việc triển khai phối hợp với một số cơ quan gặp vướng mắc nên chưa hiện thực hóa được. Tuy nhiên, chủ trương này là hoàn toàn phù hợp, bởi nó sẽ tạo thuận tiện cho việc xử lý vi phạm đối với những người vi phạm luật ATGT. Nếu thực hiện được, biện pháp này sẽ có một số ưu điểm là nhanh, thuận tiện, hạn chế được những tiêu cực phát sinh”, ông Thái nhận xét.
Cũng liên quan vấn đề trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, dù vẫn còn những khó khăn nhưng đề xuất đăng ký ô tô phải có tài khoản để phạt nguội thể hiện sự văn minh trong xử phạt.
“Tiền nằm trong túi dân, chỉ có những cán bộ viên chức nhà nước hay làm công ăn lương thì mới có tài khoản ngân hàng, chứ những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, rất ít người có tài khoản. Do đó, những người vi phạm ở nông thôn, miền núi không có tài khoản, khi họ vi phạm sẽ phạt thế nào? Đây là một trong những vấn đề khó khăn cần giải quyết.
Tuy nhiên, việc xử phạt theo hình thức này, nếu làm được sẽ rất văn minh và được mọi người ủng hộ. Tôi cũng ủng hộ về cách làm này. Tuy nhiên, chỉ mình lực lượng CSGT thì khó có thể thực hiện được. Do đó, đây là vấn đề cần sự chung tay của các ngành, đặc biệt ngành ngân hàng cần có sự tham gia và quản lý thống nhất”, Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.
LƯU THỦY
Theo VTC
Camera sẽ thay CSGT bắt lỗi vi phạm
Tới đây TP.HCM sẽ áp dụng rộng rãi việc xử phạt qua camera, hạn chế việc CSGT đứng ngoài đường xử lý người vi phạm như lâu nay.
Ngày 12-10, trả lời Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết: Thời gian tới đây (từ cuối năm 2017 trở đi), việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh (còn gọi là "phạt nguội") sẽ là biện pháp trọng tâm, căn cơ của CSGT trong việc xử phạt vi phạm giao thông.
Tránh đối đầu trực tiếp giữa CSGT và người vi phạm
Theo đó, Phòng PC67 sẽ nâng cấp và hoàn thiện trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông thành hệ thống quản lý, xử lý hình ảnh vi phạm giao thông. Cụ thể là sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn TP, nâng số camera lên hàng trăm máy. Camera sẽ tập trung tại các giao lộ phức tạp, vừa phục vụ việc giám sát tình hình, vừa ghi hình, xử phạt, trích xuất hình ảnh vi phạm.
"Việc này sẽ tạo cho người dân ý thức chấp hành pháp luật, vì khi tham gia giao thông, biết khu vực nào có camera giám sát thì người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi. Đồng thời, hệ thống camera với tính chính xác sẽ xác lập chuẩn hành vi vi phạm, tránh sự đối đầu trực tiếp giữa CSGT với người dân" - Trung tá Huỳnh Trung Phong nói.
Ngoài ra, tại các tuyến cửa ô, các địa bàn giáp ranh như Bình Chánh - Long An, Tây Ninh - Củ Chi, hệ thống camera cũng sẽ được thiết lập nhằm cảnh báo người dân ở các địa phương khác khi di chuyển vào địa bàn TP.HCM lưu ý để tránh vi phạm.
CSGT đang trích xuất hinh ảnh vi phạm tại Trung tam đen tin hiệu giao thong TP. Ảnh: LÊ THOA
Thông tin chính thức về danh sách "phạt nguội"
Cùng ngày, Trung tá Huỳnh Trung Phong đã có thông tin chính thức về việc TP.HCM công bố danh sách các xe vi phạm đã bị camera của lực lượng CSGT ghi hình lại. Trong đó nhiều xe vi phạm hàng chục lần nhưng chưa đóng phạt.
Trung tá Phong khẳng định danh sách đăng tải trên cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM chỉ là thông báo cho người dân biết rằng biển số xe này vào thời gian đó đã vi phạm với lỗi cụ thể. Danh sách này chưa xác định được ai là người vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm sẽ dành cho ai, vì có nhiều trường hợp chủ xe cho mượn, cho thuê xe, xe của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải,...
Theo đó, thông qua hệ thống camera xử phạt, sau khi đã ba lần gửi thông báo vi phạm về cho chủ phương tiện mà chủ xe không đến phối hợp thì sẽ đưa thông tin, dữ liệu này lên cổng thông tin điện tử Công an TP.
"Sẽ có trường hợp lập biên bản đối với người chủ xe trong trường hợp chủ xe cũng là người điều khiển xe vi phạm lúc đó. Còn các trường hợp khác chủ xe chỉ phối hợp để tìm người vi phạm" - ông Phong nhấn mạnh.
"Vì sao thông báo vi phạm không đến tay chủ xe khiến họ phát hoảng khi thấy tên của mình xuất hiện trong danh sách công bố trên cổng thông tin điện tử Công an TP?". Trả lời câu hỏi này, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho hay có thể người chủ không tiến hành sang tên nên không xác định được chủ xe cũ; một số chuyển nhà đi nơi khác, đi nước ngoài, công tác thì thư báo không đến được.
Cá biệt có trường hợp chủ xe nhận được thông báo của cơ quan chức năng nhưng không thực hiện công tác phối hợp.
Trước đó, trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho biết PC67 đã có đề án lắp đặt camera trên toàn TP và đang trình UBND TP đưa ra HĐND TP phê duyệt.
Nói thêm về đề án này, ông Phong cho biết đây sẽ là lộ trình dài, chia làm ba giai đoạn, thực hiện từ thời điểm này đến năm 2020; trước mắt sẽ thí điểm ở khu vực trung tâm TP. Đơn cử là các tuyến Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Pasteur với hơn 500 chốt gắn camera.
Theo Lê Thoa
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Mắc 3 lỗi, dân mà kiện thì CSGT khó đỡ! Trong việc xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát (phạt nguội), nếu thế giới từ lâu đã thực hiện khá suôn sẻ thì ở Việt Nam vẫn còn nhiều trớ trêu về lý lẫn tình. Đó là dù người thuê, mượn trực tiếp phạm lỗi nhưng nhiều chủ xe đã "cắn răng" đóng phạt. Lắm khi thông tin...