Đăng ký khai sinh phải có chữ ký của cha mẹ: Quy định đã có “độ mở”
Nhằm tránh những rắc rối sau này và tranh chấp về quyền nhân thân, Bộ Tư pháp đã ban hành biểu mẫu tờ khai đối với quy trình đăng ký khai sinh, trong đó bắt buộc phải có chữ ký của cả cha lẫn mẹ. Tuy nhiên, quy định này sau 3 tháng triển khai đã nảy sinh một số bất cập.
Việc đăng ký khai sinh phải có chữ ký của cha, mẹ gây nên những phiền phức nhất định
Người dân thêm thủ tục
Anh Lê Tiến Thạch (trú ở xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh vừa sinh con thứ 2. Do hộ khẩu của vợ anh vẫn ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông nên anh vừa phải về quê ngoại đăng ký khai sinh cho con. Không như lần đăng ký khai sinh cho đứa con lớn trước đây, lần này anh được cán bộ ở bộ phận “một cửa” phát cho tờ khai, đồng thời yêu cầu về lấy chữ ký của cả mẹ đứa bé. “Cũng may là vợ tôi đang ở nhà ngoại, ngay gần UBND phường nên dễ dàng lấy được chữ ký và kịp trở lại làm giấy khai sinh cho cháu. Ngay chiều cùng ngày, tôi cũng đã nhận được giấy khai sinh của con” – anh Thạch vui mừng. Tuy vậy, anh Thạch vẫn tỏ ra băn khoăn không hiểu vì sao lại có sự thay đổi đó.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu – Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông khẳng định, bắt đầu từ ngày 10-7, Thông tư 05/2012/TT-BTP của Bộ Tư pháp (gọi tắt là Thông tư 05) có hiệu lực thi hành nên công tác đăng ký khai sinh có sự thay đổi nhất định. Cụ thể, ở cuối tờ khai, ngoài chữ ký, tên tuổi của người đi khai sinh thì cả cha và mẹ người được khai sinh cùng phải ký tên vào mới đủ các yếu tố để đăng ký khai sinh. Theo bà Nguyễn Thị Thu, đây là nội dung mới so với hoạt động đăng ký khai sinh trước đây. Với quy trình khai sinh cũ thì cha, mẹ hoặc người đi khai sinh cho trẻ chỉ cần mang giấy chứng sinh, giấy đăng ký kết hôn hoặc hộ khẩu đến và ký tên vào sổ theo dõi ở phường là xong. Cũng theo bà Thu, từ khi Thông tư 05 có hiệu lực đến nay, phường Nguyễn Trãi đã cấp giấy khai sinh cho hàng trăm trường hợp và tất cả đều được thực hiện nghiêm theo quy định mới, không có trường hợp ngoại lệ. Việc cả cha lẫn mẹ cùng ký tên vào tờ khai sẽ tránh được những sai sót, rắc rối liên quan đến đứa trẻ sau này, hạn chế việc phải đính chính các thông tin và tránh các tranh chấp về quyền nhân thân.
Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Thu Giang – cán bộ Tư pháp, hộ tịch của phường Nguyễn Trãi, Hà Đông vẫn không khỏi lúng túng. Bởi theo bà Giang, đối với trường hợp cha hoặc mẹ người được khai sinh đang ở nước ngoài hoặc lý do đặc biệt mà không thể thực hiện việc ký tên vào tờ khai thì chưa biết sẽ phải xử trí như thế nào. Vị cán bộ phường này cho biết, áp dụng quy trình khai sinh hiện nay, người dân buộc phải thêm “công đoạn” hành chính là đến phường xin tờ khai, rồi mang về điền các thông tin và cha, mẹ cùng ký tên vào. Còn nếu không muốn thêm “công đoạn” đó thì bắt buộc cả cha và mẹ cùng phải đến làm giấy khai sinh cho con. Để ngăn ngừa việc giả mạo chữ ký của cha hoặc mẹ người được khai sinh, cán bộ tư pháp phường còn phải “tỉ mẩn” đối chiếu “bút tích” trong các giấy tờ liên quan. Nếu trường hợp cha hoặc mẹ người được khai sinh vắng mặt tại địa phương, hướng giải quyết là khi đó phường sẽ yêu cầu người đi khai sinh xin xác nhận sự vắng mặt của cha, mẹ đứa trẻ từ tổ dân phố.
Chỉ mang tính nguyên tắc
Trái với quy trình ở phường Nguyễn Trãi, UBND phường Đức Giang, quận Long Biên lại có cách làm khác. Bà Nguyễn Thị Trang – cán bộ Tư pháp phường này khẳng định, ngoài chữ ký của người đến phường đăng ký khai sinh thì chỉ cần cha hoặc mẹ đứa trẻ ký tên vào tờ khai là đủ.
Video đang HOT
Theo lý giải của bà Trang, thực tế rất nhiều trường hợp mẹ đứa trẻ không thể đến phường làm khai sinh cho con được vì đang “ở cữ”, bố thì đi công tác xa, đang ở nước ngoài hoặc đang phải chấp hành án. Vì thế, ông, bà của đứa trẻ thường là những người phải làm việc đó. Nếu phường bắt buộc họ phải có đủ chữ ký của cả cha lẫn mẹ đứa bé thì sẽ rất khó thực hiện. Trong khi đó, quyền khai sinh của công dân vẫn phải được bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Bà Trang cho rằng ngoài chữ ký của người đi khai sinh thì chỉ nên quy định có thêm chữ ký của cha hoặc mẹ đứa trẻ là đủ. Vì nó vừa bảo đảm độ chính xác, thống nhất về tên, tuổi, nhân thân của người được khai sinh, lại vừa tránh được phiền hà, đi lại của người dân.
Trước những băn khoăn của người dân và lúng túng của cán bộ tư pháp ở cơ sở, ông Nguyễn Công Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, về nguyên tắc tờ khai đăng ký khai sinh phải có cả chữ ký của cả cha và mẹ nhằm đảm bảo họ đã thống nhất về các nội dung khai sinh như: tên, họ (theo họ bố hoặc mẹ) của con việc chọn quốc tịch cho con (theo quốc tịch của bố hoặc mẹ).
Riêng đối với trường hợp cha, mẹ vì lý do khách quan không thể trực tiếp ký vào tờ khai thì chỉ cần một người ký tên, nhưng người ký phải cam đoan là đã trao đổi và thống nhất về những nội dung khai sinh. Ông Khanh cho biết thêm, hướng dẫn khai sinh cũng đã có “độ mở”. Đó là cha, mẹ có thể ký trước vào tờ khai, không cần chứng thực chữ ký, rồi nhờ người khác đi khai sinh hộ. Người đi khai sinh tự chịu trách nhiệm về tính xác thực chữ ký của cha, mẹ đứa trẻ. Và trường hợp này, bắt buộc người đi khai sinh phải ký tên vào tờ khai.
Theo ANTD
Cược hạnh phúc lấy... đôla
Chuyện kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động tưởng chừng như chỉ là vấn đề giấy tờ, thế nhưng có những đứa trẻ không thể khai sinh vì mẹ chúng đang là vợ của người đàn ông ngoại quốc.
Kết hôn giả, ly hôn thật
Chị Bùi Thị Hằng (thôn Đồng Thịnh, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) làm thủ tục ly hôn, rồi kết hôn với người chồng Đài Loan để đi xuất khẩu lao động. Có lẽ, chị Hằng thuộc số ít người may mắn đi xuất khẩu rồi trở về như lời hứa ban đầu của môi giới. Trớ trêu thay, khi chị trở về gia đình sống với chồng nhưng "không phải chồng", vì 2 người đã ly hôn, muốn kết hôn lại cũng rất khó vì muốn đăng ký kết hôn lại phải tìm thấy "tung tích" chồng giả Đài Loan để ly hôn.
Cuộc sống đoàn tụ vợ chồng vui vẻ là thế, ấy vậy mà chỉ một lần vợ chồng cãi vã, anh chị tuyên bố bỏ nhau. Người thân nội ngoại lúc đó mới ngỡ ngàng, làm vợ chồng với nhau mấy chục năm trời, nay nói bỏ nhau là bỏ được ngay. Theo chị Bùi Thị Nắm - chị ruột của chị Hằng, có lẽ đây là vụ ly hôn nhanh nhất mà tôi được biết, vợ chồng bỏ nhau mà thủ tục đã làm từ 3 năm trước.
Người dân xã Tam Dị thường nhắc đến trường hợp của chị Nguyễn Thị Phương với sự thương cảm cho thân phận người phụ nữ. Chị Phương ly hôn chồng để kết hôn giả một người Hàn Quốc nhằm thuận tiện cho việc xuất khẩu lao động. Số tiền 16.000 USD lấy chồng giả phải đi vay mượn mà có. Sang Hàn Quốc, số tiền làm được chị gửi về cho chồng trả nợ dần, thế nhưng sau 1 năm, hạn cư trú đã hết, người chồng Hàn Quốc cũng đã cao chạy xa bay. Không thể gia hạn cư trú, chị Phương bị bắt và trục xuất về nước. Lúc này, chị Phương mới ngộ ra mình thiệt thòi, người chồng chị đang sống hiện tại ở quê nhà lúc này chỉ là "tình nhân". Cuộc sống ở quê nhà bộn bề, nợ nần chưa trả hết, mỗi lần cãi vã chị lại bị gia đình nhà "tình nhân" đem trả chị về nhà bố mẹ đẻ với lý do: "Đã ly hôn rồi nên nó không còn là con dâu nhà này nữa".
Đó là những trường hợp trở về rồi bỏ nhau, chị Bùi Thị Nắm cho biết, xã Tam Dị này còn có nhiều trường hợp "một đi không trở lại". Đồng ý cho vợ ly hôn để lấy người chồng ngoại quốc nhằm thuận lợi cho việc xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Xuân Hà (thôn Đồng Thịnh) chẳng thể ngờ rằng có ngày vợ anh tuyên bố không trở về nữa. Anh Hà đau xót ôm đứa con nhỏ vào lòng, anh không bao giờ ngờ được vợ anh bị những cám dỗ xứ người lôi kéo. Bỏ lại chồng con, chị Lan ở lại Đài Loan sống với tình duyên mới. Ông Nguyễn Văn Nguyệt - bác ruột anh Hà chia sẻ: "Nhà cao cửa rộng mà làm gì khi chồng mất vợ, không nuôi con mình, đi nuôi con người. Cháu bé thiệt thòi nhất, bố nó có thể đi thêm bước nữa, nhưng cháu bé dù sao cũng chỉ có một mẹ duy nhất".
Gia đình ông Nguyễn Hữu Nguyệt và cô con dâu (ở giữa) từng kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động
Theo ông Nguyễn Ngọc Lục, chủ tịch xã Tam Dị trong xã có gần 200 phụ nữ lấy chồng ngoại quốc với mục đích xuất khẩu lao động. Khi trở về nước, sống cùng chồng thật nhưng thủ tục ly hôn đã làm từ trước đó, nay chỉ cần vợ chồng bất đồng, giận nhau là lập tức đường ai nấy đi. Xã Tam Dị có khoảng 40 cặp vợ chồng đã ly hôn hoặc trong tình trạng cơm không lành, canh không ngọt. Hạnh phúc gia đình chưa bao giờ mỏng manh, dễ vỡ đến như vậy.
Những đứa trẻ "ngoài xã hội"
Ở xã Tam Dị hiện nay có không ít những đứa trẻ ra đời nhưng không thể làm giấy khai sinh vì mẹ đã đăng ký kết hôn với người ngoại quốc. Chị Lưu Thị Xuân (thôn Tân Mùi) đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc nhưng sau đó ở nhà lấy chồng là người cùng thôn. Tuy nhiên hai người không thế đăng ký kết hôn vì trên giấy tờ, chị đã có chồng. Nay đứa con của anh chị đã hơn 3 tuổi nhưng vẫn chưa thể làm giấy khai sinh cho cháu.
Ông Nguyễn Ngọc Lục, Chủ tịch UBND xã Tam Dị giải thích, hiện tại chị Xuân đang có hôn nhân hợp pháp với người Hàn Quốc. Theo quy định của pháp luật, đứa con chị Xuân mang họ của người cha Hàn Quốc. Giấy khai sinh cho cháu chỉ làm được khi chị Xuân có đơn ly hôn với người chồng Hàn Quốc hoặc làm đơn cam đoan đứa con mình sinh ra là con ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ. Tuy nhiên, ông Lục cho biết, tất nhiên bố đẻ của đứa bé không đồng ý và chúng tôi cũng chỉ biết hướng dẫn làm thủ tục lên cấp trên.
Cháu Gia Linh hơn 3 tuổi nhưng vẫn chưa thể làm giấy khai sinh vì mẹ kết hôn giả với người Hàn Quốc
Éo le hơn là trường hợp của cháu Gia Linh, cháu nội của ông Nguyễn Hữu Nguyệt được sinh ra tại Hàn Quốc và đưa về Việt Nam sống cùng ông bà. Đến nay đã hơn 3 năm mà ông Nguyệt chưa làm được làm giấy khai sinh cho cháu. Mẹ cháu Gia Linh - chị Nguyễn Thị Thêu xuất khẩu lao động Hàn Quốc bằng con đường kết hôn giả, người chồng Hàn Quốc chị cũng chỉ gặp một lần duy nhất sau đó không còn liên lạc. Sang nước bạn, năm 2009, chị Thêu gặp và kết hôn với anh Nguyễn Hữu Nhật. Gọi là kết hôn nhưng anh chị chỉ làm đám cưới vì chị Thêu đã đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc. Một năm sau, chị Thêu sinh cháu Gia Linh, nhưng lúc này chị đã hết hạn visa, không đăng ký khai sinh cho cháu để có thể về nước nên nhờ một người bạn thân là lao động hợp pháp làm khai sinh giúp.
Theo cán bộ tư pháp xã Tam Di, để làm khai sinh cho cháu Gia Linh, chị Thêu phải ly hôn với người chồng Hàn Quốc. Sau đó gia đình làm thủ tục nhận cha, mẹ, con thì trẻ mới được đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, việc liên hệ với người chồng Hàn Quốc là không thể vì người này đã cầm tiền rồi "biến mất" ngay khi chị Thêu sang Hàn Quốc. Muốn làm thủ tục ly hôn vắng mặt người chồng, chị Thêu phải đưa ra giấy đăng ký kết hôn. Nhưng lúc làm thủ tục là do "cò" môi giới lao động làm trọn gói, chị Thêu chỉ biết ký vào tờ giấy theo yêu cầu của "cò", chứ đâu có biết giấy tờ nào.
Hầu hết các phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc trong xã Tam Dị đều chung hoàn cảnh tương tự như chị Thêu, kết hôn với người nước ngoài mà không biết mặt chồng, không biết đến giấy tờ tùy thân và hệ lụy là không làm được khai sinh cho con. Ông Nguyễn Hữu Nguyệt buồn rầu: "Điều gia đình tôi lo lắng nhất lúc này là không làm được giấy khai sinh cho cháu Gia Linh. Trong khi chỉ 2 năm nữa cháu phải vào lớp 1, không biết có trường nào nhận cháu học không. Gia đình tôi hàng ngày lo lắng cháu tôi thất học mất. Hơn nữa, giấy khai sinh cũng ảnh hưởng đến quyền lợi suốt đời một con người, vậy mà cháu tôi vì sai lầm của bố mẹ mà đang chịu hậu quả nặng nề".
Chúng tôi lại tìm đến UBND xã, ngay cả ông chủ tịch Nguyễn Ngọc Lục cũng không thể biết được đến khi nào những đứa trẻ này mới làm được giấy khai sinh...
Theo 24h
Hai mẹ con "người rừng" đi giám định ADN Theo tin mới nhất từ Cơ quan Giám định pháp y - Bộ Công an, kết quả giám định cho thấy độ tuổi bé Tiên từ 14-16 tháng. Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên sẽ căn cứ vào kết quả này để làm giấy khai sinh cho bé. Mẹ con bé Tiên tại Cơ quan Giám định pháp y Bộ Công...