Dâng đời những giọt máu quý
Dù sống ở những xã vùng xa, nhưng nhiều người Tây Nguyên cũng sẵn sàng đi hiến máu. Có người đã hiến đến vài chục lần vẫn mong muốn tiếp tục chia sẻ giọt máu quý của mình cho người, cho đời…
Sinh viên trường Đại học Tây Nguyên hiến máu tại Chủ nhật Đỏ 2019
Những lá cờ đầu
53 tuổi, thầy Nguyễn Viết Linh – Hiệu trưởng trường THCS 719 (xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã có 24 lần hiến máu. Năm 2008 khi đang là giáo viên dạy Toán, kiêm Bí thư đoàn trường, thầy Linh đã hăng hái tham gia hiến máu. Thời điểm đó phong trào hiến máu nhân đạo chưa lan tỏa mạnh mẽ như bây giờ, song thầy vẫn tiên phong mỗi khi huyện nhà phát động.
Từ kinh nghiệm, hiểu biết bản thân, thầy Linh đảm nhận luôn vai trò Chi hội Chữ thập đỏ của trường, vận động cán bộ, nhân viên cùng tham gia. Mỗi đợt hiến, trường THCS 719 luôn vượt chỉ tiêu giao từ 200 % trở lên. Năm 2009, thầy Linh sang làm hiệu trưởng trường THCS Ea Kly. Vẫn tinh thần phất cao ngọn cờ đầu, thầy truyền lửa, nối thêm nhiều “toa tàu” gương mẫu. Thầy Linh được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2011, Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích hiến máu tình nguyện vào năm 2018.
Thầy Linh luôn cất giữ cẩn thận những tờ Giấy chứng nhận sau những đợt hiến máu. Đây là kỷ niệm, và là “chứng từ” để thầy vận động nhiều người cùng hiến máu. Năm 2017, thầy Linh quay về trường cũ công tác. Dù đã U53, thầy vẫn dẻo dai, là chân chạy Việt dã số 1 ở xã Ea Kly. Hôm nay (5/1), thầy đạp xe 20 cây số từ nhà xuống trung tâm huyện tham gia chương trình Chủ nhật Đỏ 2020 lần đầu tổ chức tại Krông Pắc.
Chị Bế Thị Huế – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng đã có 21 lần hiến máu nhân đạo. Chị kể: Những năm 2000, nguồn máu hiến rất khan hiếm, các anh em trong hội phải quyết liệt đi đầu đồng thời nghĩ ra cách tôn vinh, khen thưởng kịp thời những cá nhân hiến máu từ 3 lần trở lên để lan tỏa phong trào đến từng người. Năm 2012 Hội dùng mạng xã hội để tiếp cận người hiến máu và kiên trì thực hiện, đến nay đến số lượng người tham gia tăng lên rõ rệt. Từ vài chục người chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức sống gần trung tâm huyện, nay lượng người hiến lên đến hàng nghìn đến từ khắp thôn làng vùng sâu vùng xa. Từ đơn vị không đạt chỉ tiêu hiến máu, nay huyện Krông Năng đã trở thành một trong những huyện vượt chỉ tiêu được giao.
Video đang HOT
Ngoài hiến máu phong trào, chị Huế còn tích cực hiến máu cấp cứu. Năm 2017, nhận tin bệnh viện đa khoa huyện Krông Năng cần máu cứu cho cụ bà bị bệnh nặng, chị Huế liền chạy đến giúp. Giữa tháng 5/2019, chị Huế đón xe dịch vụ đi hàng trăm cây số lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên hiến máu cứu bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Chị Huế cũng bật mí cách vận động hiến máu hiệu quả nhất là người đứng đầu cơ quan phải gương mẫu, phối hợp các hội, đoàn thể khác để phong trào hiến máu được lan tỏa sâu rộng.
Thanh niên Êđê huyện Krông Năng đăng ký hiến máu
Trong veo tấm lòng nhân đạo
Dù đã lên chức bà nội, bà Lâm Thị Tiến (người Tày) Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Toh (huyện Krông Năng) vẫn nhiệt huyết với phong trào hiến máu. Trong 5 lần hiến máu, bà Tiến nhớ nhất lần đầu tiên vào mùa mưa 2012. Khi ấy, bà cùng 12 chị em phụ nữ đội mưa, băng qua con đường lầy lội hơn chục cây số đến trung tâm huyện. Hiến xong, chị em lại quay xe chạy về vì sợ chồng mắng. Phụ nữ ở đây đa số người Tày, bà Tiến muốn vận động hiến máu hay làm gì cũng phải báo với các ông chồng. Chồng gật đầu thì chị em mới dám đi. Do người dân có thói quen ở rẫy, bà Tiến phải linh động, kết hợp các buổi sinh hoạt chi hội, họp chợ… để tuyên truyền vận động. Trong gia đình, ngoài bà Tiến, 3 người con của bà đều nhiệt tình hiến máu, nhất là cô gái út hiện đang là giáo viên dạy tiểu học ở Bình Dương.
Là nông dân chất phát, anh Ai Duy Poong (người Bru Vân Kiều, buôn Jăt A, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) đã có 11 lần cho máu. Năm 2009, Ai Duy Poong cùng mấy anh bạn trong buôn đạp xe hơn 8 cây số ra trung tâm huyện hiến máu. Từ đó trở đi, năm nào anh cũng đi hiến một lần. Anh cho hay: Người dân trong buôn từng gặp nạn đi bệnh viện, bị thiếu máu được người khác giúp đỡ. Giờ anh cho máu lại vừa giúp người mà mình cũng được kiểm tra sức khỏe miễn phí. Mỗi sáng sớm đi uống cà phê, anh Ai Duy Poong tự nguyện làm tuyên truyền viên hiến máu. Theo kiểu mưa dầm thấm lâu, anh đã vận động được nhiều anh em trong buôn tham gia Chủ nhật Đỏ 2020 tổ chức ngày 19/1 sắp tới.
Là đơn vị đăng ký chỉ tiêu 900 đơn vị máu cho sự kiện Chủ nhật Đỏ 2020 tại điểm trường Đại học Tây Nguyên, CLB hiến máu nhân đạo của trường đã lên kế hoạch tuyên truyền ngay từ đầu tháng 12. Đến nay mọi công tác chuẩn bị, vận động sinh viên hiến máu của CLB đã phổ biến rộng khắp từ việc đăng tin bài trên trang CLB, trang hội sinh viên trường, đầu mối các khoa, phòng treo băng rôn tuyên truyền Chủ nhật Đỏ 2020. Từ 3/1/2020 trở đi là giai đoạn “nước rút”, CLB đã lên phương án đến từng lớp học vận động từng sinh viên tham gia hiến máu. Bạn Thái Thùy Linh (sinh viên khoa Y đa khoa khóa 2015-2021), chủ nhiệm CLB hiến máu nhân đạo Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Năm nay, lịch tổ chức Chủ nhật Đỏ không trùng với lịch thi học kỳ nên số lượng sinh viên tham gia hiến máu sẽ tăng lên; hơn nữa trong năm trường cũng có đợt hiến nào ngoại trừ số lượng hiến máu khẩn cấp tại bệnh viện. CLB hy vọng lượng máu thu về cho chương trình Chủ nhật Đỏ sẽ đạt chỉ tiêu đề ra.
Bác sĩ Trần Thị Kim Hồng, Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, phó Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu Đắk Lắk bày tỏ vui mừng vì năm nay đơn vị tổ chức Chủ nhật Đỏ tạo điều kiện lấy máu thành 3 đợt, dự kiến thu về 2.500 đơn vị máu để đáp ứng được nhu cầu điều trị trước-trong và sau Tết Nguyên đán.
HUỲNH THỦY
Theo Tiền phong
"Môn Toán thành nỗi khiếp đảm với trẻ"
Đó là chia sẻ của GS Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên SGK Toán 1 tại tọa đàm Giới thiệu bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 (bộ "Cánh Diều") theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trao đổi tại hội thảo, GS Thái cho rằng, sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng.
"Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được" - GS Đỗ Đức Thái đánh giá.
Ông ví dụ, trẻ con 6 tuổi, đọc, viết chưa được, các cô phải xúc ăn cho nhưng phải xây dựng tập số tự nhiên bằng cả 2 tiên đề. Một loại là xây dựng thông qua lý thuyết tập hợp trên cơ sở đếm 1 con bò, 1 con gà, 1 con mèo ra con số 1; 2 bông hoa, 2 cốc nước thì ra con số 2. Đồng thời có hệ tiên đề đằng sau đó là số liền trước, số liền sau.
SGK "Cánh diều" chính thức được ra mắt
"Bây giờ tôi đố giáo viên dạy toán cấp I có thể trả lời đúng hết. Thế mà trẻ con của chúng ta điềm nhiên phải học như thế. Học hình học trẻ con phải học biểu tượng cụ thể sờ nắm được, quan sát được rồi mới tới các khái niệm trừu tượng nhưng học sinh của chúng ta học ngay đường thẳng. Có ai giao cho học sinh đường thẳng để cầm?
Vì quá nặng, môn Toán trở thành nỗi khiếp đảm của nhiều trẻ. "Có thể nói, chương trình Toán hiện hành đã bóp chết giáo dục Toán phổ thông từ trong trứng", GS Thái nói.
Tham gia biên soạn chương trình, là tổng chủ biên một cuốn SGK Toán mới, GS Thái luôn lưu ý thành viên ban soạn thảo phải thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT là thực sự giảm tải và giảm tải một cách hợp lý, "làm sao để mỗi giờ học Toán là một giờ vui chứ không phải là một giờ hãi hùng".
Được biết, Bộ SGK "Cánh Diều" là kết quả hợp tác giữa Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam. Đây là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên.
"Cánh Diều" là bộ sách duy nhất hiện nay có đầy đủ SGK dành cho tất cả các môn học (Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mĩ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dụcbắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1) của lớp 1 theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ SGK "Cánh Diều" được biên soạn, xuất bản trên quan điểm thống nhất, xuyên suốt: "Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống". Tư tưởng cốt lõi đó của bộ sách được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất theo các yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chỉ tính riêng bộ SGK của lớp 1 - "Cánh Diều" - đã quy tụ được 6/8 chuyên gia là Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chủ biên Chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 làm Tổng Chủ biên, Chủ biên SGK lớp 1, đồng thời có nhiều tác giả Chương trình môn học và các tác giả khác có uy tín, kinh nghiệm tham gia biên soạn.
Điều này có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng biên soạn SGK vì bản thân mỗi tác giả đều đã thấm nhuần nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới và hiện thực hóa, cụ thể hóa những yêu cầu cần đạt của Chương trình trong từng bài học trong SGK lớp 1.
Theo infonet
Hoài bão của thạc sĩ trẻ nơi vùng khó Trở về sau chuyến dạo chơi ở vùng cao Tây Bắc, cô gái người Hà thành quyết tâm quay lại vùng đất này với tâm thế mới: Dạy chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số. Xa nhà, xa bạn bè, người thân, những đêm trăng sáng cô chỉ biết lên đỉnh ngọn đồi cao trông trăng rồi ôm mặt khóc. Đó là...