Đắng đời cào hến đêm giá rét
Tôi sẽ không bao giờ quên cái lạnh thấu xương tủy khi cùng họ vài giờ đi cào hến. Sáng hôm sau, nhìn những con hến mà xưa nay mình không hề để ý, tôi đã bật khóc…
Dầm rét mưu sinh
2 giờ sáng. Rét như dao cứa vào da thịt. Ngoài trời mưa rả rích, gió rít từng cơn khiến hai mái nhà bằng tôn lụp xụp của gia đình ông Minh ở Cồn Hến (phường Vĩ Dạ, TP Huế) phát ra những thanh âm xào xạc. Cha con ông Minh run rẩy chui ra khỏi tấm chăn mỏng, bước xuống khỏi chiếc giường oải mục đi chuẩn bị đồ nghề.
Tôi lập cập theo những bước chân xiêu xó của cha con ông, ra chỗ chiếc thuyền đã neo sẵn bên bờ sông Hương. Gió rít mạnh hơn, rét như gặm nhấm vào từng đốt xương, thớ thịt, tê buốt.
Chiếc thuyền (dân cào hến gọi là “tròng”) nổ máy, theo vệt sáng mờ đục của chiếc đèn pin băng qua những làn mưa lạnh xuôi về hạ lưu sông Hương. Hơn 30 phút sau, thuyền đến ngã ba Sình, thuộc địa phận xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.
Lúc này, trên sông đã có hàng trăm thuyền hành nghề cào hến, đua nhau quần đảo quanh sông. Ông Minh vung đôi tay gầy guộc buông chiếc vợt cào hến xuống nước, Tuấn – con ông Minh điều khiển sợi dây nối vào dây ga và bánh lái để điều khiển hướng đi của thuyền.
Tiếng máy nổ bành bạch, tiếng nước sông vỗ vào thuyền oàm oạp, tiếng gió lạnh rít liên hồi. Dưới ánh đèn pin, khuôn mặt, tay chân cha con ông Minh tím tái, những cặp môi nứt nẻ, rỉ máu.
“Rét chi lạ! Mới làm mà toàn thân đã tê buốt, tay chân cứng đờ rồi”- ông Minh nói, tiếng lẫn vào tiếng sóng và tiếng máy nổ. Nói đoạn, ông run run cầm chai nước mắm đặc quánh uống cái ực rồi chuyền cho con trai.
Khoảng 15 phút sau, ông Minh rướn hết sức kéo chiếc vợt nặng trịch lên mặt nước. Ông gồng mình nâng và đẩy chiếc vợt lên xuống nước mấy lần rồi đưa lên thuyền đổ vào chiếc rổ lớn. “Mỗi lần như ri thu được khoảng 3kg hến, trong khi sức lực bỏ ra không kể xiết”- ông Minh nói, hai hàm răng gõ vào nhau liên hồi vì rét.
Miếng cơm buốt lòng
Video đang HOT
Thuyền cào hến trên sông Hương.
Bóng đêm vẫn dày đặc, gió lạnh vẫn rít. Những ánh đèn pin của hàng trăm thuyền làm nghề cào hến chỉ là những vệt sáng nhỏ nhoi, yếu ớt bởi mưa xuống mỗi lúc một dày. Tuy vậy, ai cũng dồn hết sức bình sinh để cào được nhiều hến, bởi cuộc sống của gia đình họ phụ thuộc vào cái đêm đông mưu sinh này.
25 tuổi đầu nhưng Tuấn đã có thâm niên 15 năm theo bố làm nghề cào hến trên sông Hương. Chừng ấy thời gian gắn bó với cái nghề gia truyền của gia đình, Tuấn đã nếm trải đủ cái cay cực của nghề.
“Nghề ni được coi là nghề cực nhất trong các nghề trên sông nước, nhưng chừ còn đỡ khổ hơn mấy năm trước. Trước đây, do phương tiện quá thô sơ nên bất kể mùa hè hay mùa đông, người làm nghề đều phải đầm mình dưới sông mới bắt được hến”- Tuấn vừa kể, vừa giật giật dây ga điều khiển thuyền.
Đêm đông rong ruổi theo những người cào hến trên sông Hương, tôi được những “phân cào” (những người cào hến) kể nhiều câu chuyện buốt lòng. Mấy hôm trước, cũng chính tại khúc sông được coi là một trong những “vựa hến” của xứ Huế này, hai cha con ông Mãi ở khu tái định cư Phú Mậu đã bị lật thuyền khiến người chìm xuống nước.
Khi được những “phân cào” xung quanh vớt lên thuyền thì cả hai đã chết lâm sàng vì cóng. Họ phải tận lực hô hấp hồi lâu mới cứu được. Nguyên nhân khiến cha con ông Mãi gặp nạn là do lòng sông Hương đoạn này không còn bằng phẳng như trước. Nạn cát tặc lộng hành đã khiến lòng sông nham nhở những hố sụt chết người.
Vợt cào hến bị vướng vào các hố sụt khiến thuyền bị lật. “Số “tròng” bị lật vì các hố sụt nhiều lắm rồi. Nguy hiểm nhưng vẫn phải liều để có cái đắp đổi qua ngày”- một “phân cào” có dáng nhỏ choắt góp lời.
“Phân cào” này bảo, đã có hàng nghìn người làm nghề cào hến, nhất là những người lớn tuổi phải bỏ nghề do thân thể trở nên tàn phế vì các bệnh xương khớp. Nhưng cha giải nghệ thì con tiếp tục bám nghề, rồi đến cháu nối nghiệp. Cứ thế, nghề cào hến chưa bao giờ mai một ở xứ Huế.
Hến ngọt, đời đắng
5 giờ sáng. Trời vẫn rét buốt không kém gì đêm khuya. Các bến sông Hương ở khu vực Cồn Hến và khu vực Đập Đá (TP. Huế) tấp nập thuyền chở hến về bán. Hến được chở về đây không chỉ được khai thác từ khu vực sông Hương đoạn ngã ba Sình, mà còn từ khu vực phường An Hòa và hàng trăm nơi khác của các sông suối, phá Tam Giang.
Thấy tôi chụp ảnh, anh em anh Hòa đang cào hến cạnh đó tấp thuyền đến cạnh, run run nói: “Vắt sức làm đến sáng, khi chở hến về cho vợ bán thì tay chân đã cứng như khúc gỗ, trùm chăn nằm mà người cứ giật giật như bị uốn ván”.
Chiếc xe tải nhỏ phanh kít bên Đập Đá. Một phụ nữ phốp pháp choàng áo dạ màu đen, mặt dày son phấn bước xuống hất hàm: “Đủ hàng chưa, bốc lên luôn”.
Bà cụ tóc bạc đang dầm đôi chân trần dưới nước lạnh buốt sàng hến bên sông, luống cuống: “Đủ rồi, 20 bao đã đóng sẵn cho chị”. Hai thanh niên đang ngồi run cầm cập bên những bao hến đóng sẵn đứng dậy xiêu xó lần lượt mang những bì hến nặng trịch chất lên xe tải.
Nhận tiền từ người phụ nữ phốp pháp, sau khi nhẩm tính, bà cụ quay lại nói với hai thanh niên: “Chừng ni vẫn chưa đủ trả nợ tiền mua gạo!”.
Từ tờ mờ sáng, hàng trăm lò chế biến hến ở Cồn Hến bắt đầu nổi lửa luộc hến kịp cung cấp cho các cơ sở cơm, bún hến để bán cho khách. Bên những nồi hến nghi ngút khói, thực khách hít hà thưởng thức hương vị đậm đà, tanh ngọt của món ăn bình dân mà cũng là đặc sản của xứ Huế này.
Còn tôi, chỉ một đêm “bước chân” xuống cuộc đời người cào hến, khi bưng bát cơm hến, tôi đã lặng thầm nhỏ nước mắt.
Theo Dân Việt
Học sinh kinh doanh nhờ ... trời rét
Mùa đông giá lạnh đã khiến ở một trường học tại Nam Định, những học sinh lớp 11 này sinh ý tưởng kinh doanh nhờ "đan khăn len".
Những ngày rét buốt thế này khiến ai cũng phải phát sợ vì sự khắc nghiệt của thời tiết và mong cho nó qua đi cho nhanh. Nhưng có những học sinh phổ thông đã khéo nắm bắt cơ hội do thời tiết mang lại để kinh doanh khăn len. Đặc biệt, ẩn sâu trong hành động kinh doanh đó của họ có một mục đích rất trong sáng, tốt đẹp.
Mỗi mùa đông về ta lại thấy một hình ảnh quen thuộc ở các trường học, các ký túc. Ấy là những nữ sinh ngồi đâu cũng kè kè một que đan và một cuộn len để đan khăn, đan mũ tặng người thân, bạn bè...Trong cái rét căm căm của năm nay, trong khi nhiều người cảm tưởng cóng lại vì lạnh thì ở một trường học ở Nam Định, những học sinh lớp 11 lại sục sôi trong một kế hoạch kinh doanh nhờ khăn len.
Chúng tớ đã gặp ở trường trung học phổ thông Nguyễn Bính (Vụ Bản, Nam Định), nữ sinh của cả một lớp góp tiền để mua len về đan. Những giờ ra chơi ngắn ngủi hay những khi bất ngờ được nghỉ một tiết học, thay vì nô đùa, nói chuyện ồn ào, từng bạn nhẹ nhàng và lặng lẽ khêu từng que đan để dệt nên từng chiếc khăn len chống rét.
Giá rét khiến cho ý tưởng nảy mầm.
Trong mùa giá rét, cây cối ít khi nảy mầm. Nhưng những mầm ý tưởng thì lúc nào cũng có sẵn trong đầu các thanh niên trẻ tuổi. Theo lời của Trần Thị Thu Huyền, học sinh lớp 11A1, trường Nguyễn Bính thì từ đầu mùa đông họ đã đan khăn len để tặng thày cô trong dịp 20-11 hoặc từng bạn đan khăn len tặng người thân, bạn bè nhưng chỉ là lẻ tẻ tự phát. Chỉ đến khi những trận rét đậm rét hại bắt đầu hoành hành thì đan khăn len mới thành một phong trào được cả lớp ủng hộ. Cũng chẳng biết là do ai khởi xướng đầu tiên nữa. Chỉ biết ý tưởng đã được hưởng ứng rất nhiệt tình.
Nói về việc làm của mình, Huyền hào hứng cho biết: "Mình thấy việc đan len này rất hay, giữa những giờ ra chơi hay khi ở nhà rảnh rỗi có thể làm. Con gái bọn mình thích học đan khăn mà cũng nên biết việc đó. Ngồi đan từng mũi từng mũi, mình rèn luyện được cho mình tính kiên nhẫn mà lại có thêm thu nhập để có tiền tiêu không phải xin bố mẹ".
Kinh doanh bằng việc giản dị...
Nhiều người sẽ nghĩ học sinh đi học thì chỉ lo học chứ sao đan lát với kinh doanh. Bỏ qua mọi lời dị nghị của mọi người, nhóm bạn của Huyền vẫn quyết tâm với ý tưởng. Ban đầu số tiền của tất cả các thành viên góp lại cũng chỉ đủ để mua hơn ba chục cuộn len nhưng rồi "ý tưởng kinh doanh" của những nữ sinh này đã chứng tỏ được tính khả thi của nó. Bạn bè trong lớp rồi lớp khác đều đặt ủng hộ nhiệt tình bằng những đơn hàng liên tục.
Một thành viên trong nhóm đan khăn kể: " Lúc đầu bọn mình gom góp tất cả tiền cũng chỉ đủ mua có 34 cuộn len. Ban đầu bọn mình còn sợ là ế hàng nữa cơ. Không ngờ sản phẩm của bọn mình lại được chào đón như vậy. Mới chỉ một thời gian ngắn nhưng bọn mìnhh đã bán được hơn 20 khăn len. Thích nhất là cô giáo chủ nhiệm không những không cấm mà còn đặt hàng một chiếc để ủng hộ...".
Theo tìm hiểu của chúng tớ, một chiếc khăn len do các nữ sinh lớp 11A1 trường Nguyễn Bính đan có giá giao động từ 30 đến 60.000đ. So với giá khăn len ở ngoài các cửa hàng bán thì đây là một mức giá khá mềm, nhất là lại đang trong những ngày giá lạnh thế này. Đặc biệt, các sản phẩm khăn len này còn có một lợi thế cạnh tranh khác là nó là sản phẩm "cây nhà lá vườn". Trong từng sản phẩm ấy, mỗi mũi đan còn gửi gắm những mơ ước và hy vọng của các nữ sinh trung học trong độ tuổi hồn nhiên nhất.
... và còn hơn thế.
Hỏi những người "nghệ nhân" trẻ tuổi này về nguyên nhân dẫn đến ý tưởng này, các bạn kể: " Ý tưởng của bọn tớ có được là nhờ cô giáo dạy văn của bọn tớ thường hay khuyến khích chúng tớ kết hợp làm việc gì đó với việc học. Vậy là nhân dịp thời tiết rét đậm, bọn tớ quyết tâm kinh doanh khăn len. Tớ hy vọng là công việc có tiến triển tốt. Bọn tớ cũng dự định sẽ đan khăn từ bây giờ để sang năm là cuối cấp sẽ bán cho các bạn làm đồ lưu niệm. Nếu ý tưởng này thành công, bọn tớ sẽ có một nguồn thu nhập khá để đi ôn thi đại học, đỡ được chút ít cho bố mẹ..".
Cuộc gặp gỡ với những nữ sinh lớp 11A1 trường Nguyễn Bính đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Quan trọng hơn, nằm trong ý tưởng kiếm tiền để phụ giúp gia đình rất đáng khen ngợi có thể còn là sự chắp nối cho khát vọng kinh doanh trong thời gian không xa.
Theo Tamnhin
Bi hài chuyện sinh viên chống rét Thấy cậu bạn trong lớp đi phía trước, Tuấn Anh từ sau lao vào ôm chồm cho bớt rét. Giọng nữ la toáng lên, Tuấn Anh hoảng hồn vì hóa ra cậu nhầm với cô gái nào đó với... người bạn của mình. Những nhầm lẫn chỉ có trong... giá rét Tuấn Anh rối rít phân bua: "Xin lỗi, mình tưởng thằng bạn...