Đảng Dân chủ lo ngại niềm tin bị ‘xói mòn’ bởi chiến dịch gây quỹ của bà Harris
Ngày 30/11, dù cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đã kết thúc, nhưng các email gây quỹ từ chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris vẫn tiếp tục được gửi đi với nội dung khẩn thiết, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ.
Bà Kamala Harris phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử
ở Savannah GA, Mỹ. Ảnh: AA/TTXVN
Tuy nhiên, việc này đang gây lo ngại trong nội bộ Đảng Dân chủ về khả năng ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà tài trợ cũng như hình ảnh của đảng.
Các thông điệp gây quỹ từ chiến dịch bà Harris được gửi đi với tần suất hai đến ba lần mỗi ngày, nhấn mạnh sự cấp bách của việc đạt mục tiêu tài chính. Một email viết: “Ngay cả một khoản quyên góp 50 USD cũng đủ để giúp chúng tôi trong cuộc chiến này”. Tuy nhiên, chiến dịch của bà Harris hiện đang đối mặt với khoản nợ khoảng 20 triệu USD. Dù vậy, các email không đề cập đến khoản nợ mà tập trung vào việc hỗ trợ kiểm phiếu lại và xử lý các thách thức pháp lý.
Người phát ngôn của chiến dịch bà Harris đã bác bỏ thông tin về khoản nợ chưa thanh toán vào ngày bầu cử, đồng thời khẳng định không có kế hoạch đưa khoản nợ này vào báo cáo gửi Ủy ban Bầu cử Liên bang vào tháng 12. Dù vậy, cách thức gây quỹ với giọng điệu khẩn thiết đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, khi các đảng viên Dân chủ bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể làm suy yếu mối quan hệ với các nhà tài trợ trực tuyến, vốn được xem là nguồn lực then chốt trong các chiến dịch tranh cử của đảng.
Chỉ trong vài tháng, bà Harris đã xây dựng một hệ thống gây quỹ hiệu quả, thu hút hơn 1,4 tỷ USD từ hàng triệu nhà tài trợ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc tiếp tục kêu gọi đóng góp từ những người đã hỗ trợ khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững và hiệu quả của chiến lược này.
Để biện minh, một thành viên chiến dịch của bà Harris giải thích rằng các khoản quyên góp này là cần thiết để chi trả cho các chi phí đóng cửa chiến dịch như lương nhân viên, đóng cửa văn phòng và xử lý các báo cáo tài chính cuối cùng. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch về cách sử dụng nguồn quỹ này đang làm dấy lên những nghi ngại từ các thành viên trong Đảng Dân chủ.
Ông James Zogby – thành viên của Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) đã kêu gọi thành lập một ủy ban giám sát tài chính nhằm tăng cường tính minh bạch trong chi tiêu của đảng. Ông nhấn mạnh rằng sự thiếu rõ ràng về dòng tiền có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của đảng trong dài hạn. Theo ông, đây là thời điểm quan trọng để Đảng Dân chủ xem xét lại cách gây quỹ và quản lý tài chính.
Trong khi đó, các chiến dịch tranh cử khác như của ông Donald Trump hay ông Robert F. Kennedy Jr. cũng tiếp tục gây quỹ sau bầu cử, nhưng với mục tiêu khác biệt. Ông Trump tập trung vào việc bán hàng hóa và tổ chức sự kiện, trong khi ông Kennedy Jr. thẳng thắn thừa nhận cần sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ để xử lý khoản nợ còn lại.
Tình trạng nợ sau bầu cử không phải là điều hiếm gặp. Trước đây, bà Hillary Clinton từng mất 5 năm để trả hết khoản nợ 25 triệu USD từ chiến dịch tranh cử năm 2008, trong khi ông Barack Obama cũng phải mất 6 năm để giải quyết khoản nợ 6,8 triệu USD từ năm 2012. Tuy nhiên, với quy mô và tốc độ gây quỹ của bà Harris, vấn đề này đang thu hút sự chú ý đặc biệt.
Video đang HOT
Với đảng Dân chủ, thách thức không chỉ nằm ở việc giải quyết các khoản nợ của chiến dịch bà Harris mà còn ở việc bảo vệ và củng cố niềm tin từ các nhà tài trợ cũng như đảng viên. Việc liên tục gây quỹ với giọng điệu khẩn cấp có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự ủng hộ lâu dài. Trong bối cảnh đảng Dân chủ đang nỗ lực duy trì vị thế và lòng tin của cử tri, cách xử lý vấn đề này sẽ trở thành phép thử quan trọng cho chiến lược và năng lực lãnh đạo của đảng trong giai đoạn tới.
Gây quỹ kỷ lục, tại sao chiến dịch tranh cử của bà Harris vẫn nợ 20 triệu USD?
Sau khi bà Kamala Harris trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, quỹ chiến dịch tranh cử của bà đã huy động được một số tiền lớn.
Nhưng khi kết thúc bầu cử, quỹ của bà lại nợ tới 20 triệu USD.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân Chủ, phát biểu tại Washington, D.C., ngày 6/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh Al Jazeera ngày 14/11, đó là một chiến dịch gây quỹ phá kỷ lục: Phó Tổng thống Kamala Harris đã huy động được hơn 1 tỷ USD trong chưa đầy bốn tháng khi bà nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào tháng 7.
Giờ đây, sau thất bại trước ông Donald Trump vào ngày 5/11, có nguy cơ nổ ra một cuộc tranh cãi về tài chính của bà Harris, khi một quan chức của Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) tuyên bố rằng chiến dịch của bà Harris đang nợ 20 triệu USD.
Theo Open Secrets, tổ chức phi lợi nhuận về minh bạch, quỹ vận động của bà Harris với hơn 1 tỷ USD đã vượt xa con số khoảng 382 triệu USD mà đội ngũ của ông Trump thu về trong cùng khoảng thời gian.
Vậy tại sao chiến dịch của bà Kamala Harris từ nguồn ngân quỹ dồi dào lại rơi vào cảnh nợ nần?
Tăng nhanh, tụt mạnh
Ngay sau khi ông Biden rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống sau một cuộc tranh luận thất bại với ông Trump, đảng Dân chủ đã tập hợp xung quanh bà Harris và chiến dịch của bà.
Chỉ trong tuần đầu tiên, chiến dịch của bà đã nhanh chóng huy động được 200 triệu USD - chiếm 20% trong tổng số 1 tỷ USD. Tiền vẫn tiếp tục chảy vào, nhưng cũng đồng thời được tiêu nhiều.
Vào ngày 16/10, khi chiến dịch của bà Harris nộp báo cáo trước bầu cử cho Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), ngân quỹ vẫn còn hơn 180.000 USD. Nhưng đầu tuần này, bà Lindy Li, thành viên của ủy ban tài chính DNC, cho biết chiến dịch của bà Harris hiện đang nợ 20 triệu USD.
Chiến dịch của bà Harris đã chi tiêu vào đâu?
Theo dữ liệu từ Adimpact, một công ty cung cấp các giải pháp và dữ liệu về quảng cáo, phần lớn chi tiêu của chiến dịch là cho quảng cáo, khoảng 654 triệu USD.
Tuy nhiên, các báo cáo của FEC cho thấy chiến dịch của bà Harris cũng chi 20 triệu USD (con số gần bằng số nợ nói trên) cho các buổi hòa nhạc và sự xuất hiện của người nổi tiếng trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử. Một số ngôi sao như Jon Bon Jovi, Christina Aguilera, Katy Perry, Megan Thee Stallion và Lady Gaga đã biểu diễn tại các cuộc vận động ở các bang chiến trường vào đêm trước ngày bầu cử.
Một số chuyên gia cho rằng đây có thể không phải là khoản đầu tư khôn ngoan. Ông Louis Perron, một chiến lược gia chính trị, bình luận: "Ủng hộ từ người nổi tiếng thường bị đánh giá quá cao. Chỉ vì bạn thích âm nhạc của ai đó không có nghĩa là người đó có ảnh hưởng chính trị đối với bạn. Hơn nữa, cử tri trẻ nổi tiếng là khó đoán định khi bỏ phiếu".
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Washington ngày 29/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Hồ sơ của FEC cũng cho thấy chiến dịch của bà Harris đã trả 1 triệu USD cho công ty sản xuất của Oprah Winfrey. Bà Oprah đã phủ nhận thông tin bà nhận được khoản tiền nào.
Theo người phát ngôn của Harpo Productions, công ty của bà Oprah, chiến dịch của bà Harris đã chi trả chi phí sản xuất sự kiện "Unite for America", một sự kiện trực tiếp diễn ra ngày 19/9 tại ngoại ô Detroit, Michigan. Bà Oprah Winfrey không nhận bất kỳ khoản phí cá nhân nào từ chiến dịch, cũng như không nhận phí từ Harpo.
Tuy nhiên, theo bà Li tại DNC lại nói: "Bà Oprah có thể không nhận tiền cá nhân, nhưng công ty của bà nhận được. Tôi nghĩ đây là vấn đề về ngữ nghĩa. Bà vẫn được trả tiền".
Bà Oprah đã phỏng vấn ứng viên Harris vào tháng 9 và xuất hiện tại cuộc vận động cuối cùng với ứng viên đảng Dân chủ ở Philadelphia một ngày trước ngày bầu cử.
Ngoài ra, còn có công ty Village Marketing Agency đã nhận 3,9 triệu USD tiền dịch vụ và là một trong những công ty nhận được khoản thanh toán lớn. Nhiệm vụ chính của công ty này là huy động hàng nghìn người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để ủng hộ bà Harris, nhằm tăng cường sức hút của bà đối với cử tri trẻ.
Chiến dịch của ông Trump chi tiêu ra sao?
Mặc dù chiến dịch của ông Trump huy động được 382 triệu USD trong thời gian bà Harris huy động được hơn 1 tỷ USD, nhưng các nhóm bên ngoài như các siêu ủy ban hành động chính trị (PAC) đã đóng góp khoảng 711 triệu USD. Các nhóm bên ngoài cũng đóng góp hơn 600 triệu USD cho bà Harris. Tính cả số đó, ngân sách chiến dịch của bà lên đến hơn 1,6 tỷ USD.
PAC America, một siêu PAC do ông Elon Musk, một người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump, thành lập, đã đóng góp 130 triệu USD. Siêu PAC này tập trung vào các hoạt động tiếp cận cử tri, bao gồm việc đi từng nhà vận động. Những hoạt động này thường do chính chiến dịch và đảng chính trị thực hiện, nhưng siêu PAC này là lực lượng chính đằng sau số lượng cử tri đi bầu cho ông Trump tăng.
Dù huy động nhiều tiền nhưng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 không phải là cuộc bầu cử đắt đỏ nhất trong lịch sử quốc gia này. Theo Open Secrets, cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2020 giữa ông Joe Biden và ông Trump đã tiêu tốn 7,7 tỷ USD. Cuộc bầu cử năm nay có tổng chi tiêu là 5,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, những khoản chi khổng lồ này lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia nhỏ và dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm gia tăng số lượng siêu PAC, tầm quan trọng ngày càng tăng của chiến lược tiếp thị số và những nỗ lực gây quỹ phá kỷ lục của mỗi đảng chính trị.
Một phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao cũng đóng vai trò then chốt. Năm 2010, vụ kiện giữa Citizens United và FEC đã làm thay đổi nhiều điều. Tổ chức phi lợi nhuận bảo thủ Citizens United đã phản đối các quy định tài chính chiến dịch sau khi FEC ngăn cản họ quảng bá và phát sóng một bộ phim chỉ trích ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton trước cuộc bầu cử năm 2008. Citizens United đã thắng kiện.
Phán quyết này đã xóa bỏ các hạn chế đối với các tập đoàn và nghiệp đoàn trong việc sử dụng quỹ của mình cho các khoản chi tiêu độc lập và truyền thông bầu cử. Kết quả là, các nhóm lợi ích đặc biệt có thể phân bổ không giới hạn số tiền cho các chiến dịch chính trị, miễn là họ không phối hợp với các hoạt động chính thức của chiến dịch. Tác động sâu rộng của phán quyết này đã thay đổi cơ bản cục diện chi tiêu chính trị trong các cuộc bầu cử.
Số lượng nữ Thống đốc bang tại Mỹ đạt mốc cao kỷ lục Với việc bà Kelly Ayotte sẽ đảm nhiệm chức vụ Thống đốc bang New Hampshire vào năm sau, nước Mỹ đã thiết lập nên kỷ lục mới với 13 phụ nữ giữ cương vị cao nhất của bang, xô đổ kỷ lục với 12 phụ nữ mới được thiết lập năm 2023. Bà Kelly Ayotte trong chiến dịch tranh cử Thống đốc bang...