Đảng Cộng hòa quyết tâm bảo vệ ông Trump
Trước những đòn tấn công dồn dập từ phía đảng Dân chủ, phe Cộng hòa vạch ra những chiến lược hợp lý nhằm bảo vệ Tổng thống Donald Trump.
Theo hãng tin Reuters, Chủ tịch hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 14-11 nhận định rằng Tổng thống Donald Trump đã thừa nhận hối lộ trong vụ bê bối Ukraine, trọng tâm của cuộc điều tra luận tội ông.
“Hành vi hối lộ thể hiện ở việc cấp hoặc từ chối viện trợ quân sự để đổi lại một tuyên bố công khai về một cuộc điều tra giả mạo liên quan đến cuộc bầu cử. Đó là hối lộ”, bà Pelosi phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên điều trần công khai đầu tiên của cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.
Một nhân vật trung tâm khác, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine Marie Yovanovitch sẽ ra làm chứng trong ngày 15-11 trong phiên điều trần công khai thứ hai của cuộc điều tra.
Cuộc “thử lửa” trong đảng Cộng hòa
Theo tờ USA Today, từ khi cuộc điện đàm gây tranh cãi với Tổng thống Ukraine Zelensky được tiết lộ, Tổng thống Trump đã tiến hành gặp trực tiếp 120 hạ nghị sĩ và 42 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa. Các chuyên gia nhận định nỗ lực này có thể giúp tổng thống Mỹ vừa tăng cường sự thống nhất nội bộ, vừa tiếp thêm hy vọng cho đảng Cộng hòa trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ đang trải qua giai đoạn cực kỳ nhạy cảm.
Mặc dù luận tội vẫn là chủ đề chính trong các cuộc trao đổi này, Tổng thống Trump cũng trao đổi về nhiều vấn đề khác nhau như thỏa thuận thương mại Canada – Mexico hay việc thông qua các quy định kê đơn thuốc mới. Thông qua những vấn đề này, ông Trump nhiều khả năng đang kỳ vọng các nghị sĩ trong đảng lên tiếng công khai rằng: Đảng Dân chủ đang quá ám ảnh với việc luận tội mà lơ là phục vụ đất nước.
USA Today nhận định bên cạnh đối phó với đảng Dân chủ, duy trì được sự thống nhất và sự ủng hộ của các thành viên trong đảng Cộng hòa cũng là mục tiêu quan trọng không kém của ông Trump.
“Thứ giá trị nhất của ông Trump là thời gian của ông ấy. Nếu ông ấy có thể dành thời gian cho các nghị sĩ, điều đó sẽ động viên họ đưa ra những phản ứng của mình. Đó là một công cụ gây ảnh hưởng tuyệt vời của bất kỳ tổng thống nào khi rơi vào khủng hoảng” – tờ này cho biết.
Video đang HOT
Lãnh đạo phe thiểu số Kevin McCarthy cùng các đảng viên Cộng hòa khác trong một phiên làm việc ở hạ viện. Ảnh: THE NEW YORKER
Hiện tại chỉ có một vài nghị sĩ đảng Cộng hòa công khai lên tiếng về việc luận tội Tổng thống Trump. Trong cuộc họp nội các ngày 21-10 trước đó, Tổng thống Trump đã yêu cầu các thành viên trong đảng cần “cứng rắn hơn và đấu tranh” bảo vệ ông.
“Các chính khách Cộng hòa đã thiết lập hàng rào bảo vệ tổng thống bằng nhiều thủ thuật khác nhau mà không cần trực tiếp tấn công đến các cáo buộc chống ông Trump. Họ gọi đây (cuộc điều tra luận tội của hạ viện) là một cuộc điều tra đầy định kiến, bới lông tìm vết” – chuyên gia về luật hiến pháp tại ĐH Pennsylvania, bà Claire Finkelstein, nhận định.
Chuyên gia Finkelstein giải thích chiến thuật hiện tại của đảng Cộng hòa về cơ bản là đặt cược vào những lập luận “đao to búa lớn” nhằm che mờ tính nghiêm trọng của các cáo buộc đang được đưa ra. Tuy nhiên, bà Finkelstein cảnh báo các thủ thuật gây nhiễu tương tự có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn do toàn bộ các phiên điều trần đều được phát công khai.
Theo thống kê ngày 14-11 của hãng tin Bloomberg, ít nhất 13 triệu người dân Mỹ đã theo dõi trực tiếp phiên điều trần hôm 13-11. Trong khi đó, kết quả thăm dò mới đây do hãng tin Reuters thực hiện chỉ ra 75% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ việc luận tội ông Trump, 79% cử tri đảng Cộng hòa phản đối.
Gió đổi chiều, Tổng thống Trump có cơ hội chiến thắng?
Đáng chú ý, chuyên gia bình luận chính trị Scott Jennings của tờ The Los Angeles Times hôm 14-11 nhận định không có chi tiết nào trong buổi điều trần mới đây có thể làm thay đổi đáng kể cuộc điều tra ông Trump.
“Những người nung nấu mong muốn luận tội kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống vẫn giữ nguyên ý kiến, trong khi những người ủng hộ ông chủ Nhà Trắng sẽ không thay đổi quan điểm. Nói cách khác, đây là một ngày thất bại của đảng Dân chủ” – ông Jennings chia sẻ.
Theo chuyên gia này, phần lớn các lời khai mà quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor cùng Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent cung cấp đều là những thông tin nghe được từ nhiều quan chức khác nhau, chứng tỏ họ không có liên hệ trực tiếp với cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Volodymyr Zelensky.
Ông Jennings cho rằng những loại bằng chứng gián tiếp này khó có thể thuyết phục được người dân Mỹ rằng ông Trump đã đi quá giới hạn của một tổng thống. Quyền Đại sứ Taylor cũng nói rằng ông không đứng về bên nào trong cuộc tranh luận này nhưng chuyên gia Jennings nhận định phe Dân chủ rõ ràng đặt nhiều kỳ vọng rằng dư luận sẽ xem vị đại sứ là nhân chứng chủ chốt của cuộc điều tra.
Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky cũng từng tuyên bố ông không cảm thấy bị gây áp lực trong cuộc điện đàm với ông Trump hôm 25-7. Khi hạ nghị sĩ Cộng hòa John Ratcliffe đề cập đến phát biểu này, ông Taylor cho biết ông “không có lý do gì để nghi ngờ ông Zelensky”. Nghị sĩ Ratcliffe cũng tiếp tục “ghi điểm” giúp ông Trump bằng cách hỏi cả hai nhân chứng rằng họ đã bao giờ báo cáo bất kỳ sai phạm nào trong cuộc điện đàm Trump – Zelensky hay chưa và cả hai đều phủ định điều này.
Nghị sĩ Elise Stefanik, một thành viên khác của đảng Cộng hòa tham gia phiên điều trần hôm 13-11, cũng bảo vệ tổng thống bằng cách đề cập tới chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Ukraine.
Bà Stefanik lập luận rằng công ty năng lượng Burisma – nơi con trai của cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden từng là thành viên trong hội đồng quản trị, đã có tiền lệ tham nhũng nên việc ông Trump muốn điều tra công ty này và vai trò của cha con Biden là đúng. Bà còn lưu ý Washington hồi năm 2014 từng cam kết sẽ cố gắng chuyển lại cho Kiev hàng chục tỉ USD tài sản tham nhũng được cho là của Mykola Zlochevsky, người sáng lập Burisma. Yêu cầu điều tra ông Zlochevsky cũng từng được cựu tổng thống Barack Obama đưa ra.
Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton lên tiếng về vụ điều tra luận tội ông Trump
Trong cuộc phỏng vấn của đài CNN ngày 14-11, cựu tổng thống Bill Clinton – người từng dính vào cuộc điều tra luận tội của hạ viện Mỹ (thời điểm đó do đảng Cộng hòa kiểm soát) vào năm 1998, khuyên Tổng thống Donald Trump nên giao cho cấp dưới lo chuyện luận tội để tập trung vào chương trình nghị sự của mình.
“Thông điệp của tôi là ông được thuê vào đây để làm việc mà!… Ông không thể quay lại những ngày đã trôi qua. Mỗi ngày mới là một cơ hội để làm nên điều gì đó tốt đẹp. (Nếu là tôi) Tôi giao cho các luật sư và nhân viên xử lý cuộc điều tra luận tội. Trong lúc đó, tôi sẽ làm việc để phục vụ người dân Mỹ” – ông Clinton nhấn mạnh.
VĨ CƯỜNG
Theo PLO
Chủ tịch Hạ viện Mỹ muốn phối hợp cùng EU gây áp lực Trung Quốc
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi mới đây nói rằng phe Dân chủ sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn Tổng thống Donald Trump bằng cách hợp lực với Liên minh châu Âu (EU) để gây thêm sức ép với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói chuyện với các phóng viên hôm 1.11 - Ảnh: Bloomberg
Phát biểu với các phóng viên của tờ Bloomberg hôm 1.11, bà Pelosi khẳng định Tổng thống Donald Trump đã đúng khi xác định chính sách thương mại cứng rắn của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Mỹ.
Tuy nhiên, theo bà Pelosi, cách tiếp cận của ông Trump không hiệu quả vì đã làm xáo trộn vị thế của Mỹ khi đẩy nước này vào một cuộc xung đột thương mại với Liên minh châu Âu (EU), trong khi đang có thương chiến với Trung Quốc.
"Tổng thống đã làm gì? Đẩy EU ra xa bằng cách áp thuế lên họ. Vì vậy, bây giờ họ đối đầu với chúng ta", bà Pelosi nói và nhấn mạnh Washington cần có nhiều "chiến lược" hơn, ngoài việc xem thuế quan là vũ khí chính trong chính sách thương mại, Mỹ cần hợp lực với các đồng minh như EU, hay những nước chia sẻ chung lợi ích với Mỹ cũng như sự lo ngại về Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ cho rằng Washington "cần phải hành động toàn diện hơn để Trung Quốc hiểu rằng họ không thể tiếp tục làm những điều như vậy".
Bình luận của bà Pelosi được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang nỗ lực trong việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc vẫn đang đặt ra nhiều hoài nghi về việc ký kết một thỏa thuận thương mại dài hạn toàn diện với Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Trump đang thực hiện cách tiếp cận chủ yếu là đơn phương để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc thương chiến. Mỹ đã áp thuế đối với 360 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải thực thi những cải cách về kinh tế để đảm bảo thương mại công bằng.
Tuy nhiên, cho đến nay, chiến lược này của Mỹ mới chỉ đạt được một số thành công nhất định. Trong khi thuế quan đã buộc nhiều công ty phải suy nghĩ về việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chính quyền của ông Trump dường như vẫn chưa chứng kiến được sự thay đổi toàn diện trong các hoạt động thương mại của Trung Quốc mà họ đã kỳ vọng.
Ngoài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, năm ngoái, ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm từ EU và đe dọa sẽ đánh thuế vào ô tô nhập khẩu của châu Âu với mức thuế lên tới 25%, vì cho rằng chúng là rủi ro an ninh quốc gia. Mỹ sau đó cũng áp đặt thuế quan đối với 7,5 tỉ USD hàng hóa của EU, từ máy bay đến rượu mạnh. Về phần mình, EU cam kết sẽ đáp trả bằng thuế quan của riêng mình, động thái có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa.
Hoàng Vũ (theo Bloomberg)
Theo motthegioi
Đối phó Tổng thống Trump chưa xong, Trung Quốc nhận 'tin dữ' từ đảng Dân chủ Mỹ Chủ tịch Hạ viện Mỹ khẳng định đảng Dân chủ sẽ liên minh với EU, cứng rắn hơn với Trung Quốc so với Tổng thống Trump. Trong buổi phỏng vấn với phóng viên của Bloomberg hôm 1/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thừa nhận Tổng thống Trump đúng khi xác định chính sách thương mại hung hăng của Trung Quốc. Nhưng...