Đảng Cộng hòa liệu có thể truất quyền tranh cử của Donald Trump?
Đảng Cộng hòa khó có thể khiến ông Trump dừng bước vì điều lệ đảng không quy định việc truất quyền tranh cử và thời gian đã quá gấp rút.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Khi bê bối khoe khoang việc sàm sỡ phụ nữ của ông Trump nổi lên, nhiều thành viên quan trọng của đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự phẫn nộ và quay lưng lại với tỷ phú. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu đảng Cộng hòa có thể truất quyền ứng cử của ông Trump hay không.
Thực tế, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) có Điều số 9 quy định về việc thế chỗ trống nếu “ứng viên tranh cử tổng thống qua đời, rút lui, hoặc các trường hợp khác”, theo BBC.
Nếu ông Trump tự nguyện rút lui khỏi cuộc đua và Điều số 9 được kích hoạt, RNC có thể triệu tập lại đại hội 2.472 đại biểu để bỏ phiếu một lần nữa, hoặc hội đồng của RNC, với 168 thành viên đại diện cho tất cả các bang và vùng lãnh thổ, sẽ lựa chọn người thay thế.
Tuy nhiên, ông Trump đã khẳng định ông không có ý định rời khỏi cuộc đua. “Tôi sẽ không bao giờ rút lui”, ông nhấn mạnh hôm 8/10.
Dù vậy, những người phản đối ông Trump có thể tìm cách khai thác sự mơ hồ trong ngôn từ. Điều 9 chưa bao giờ từng được sử dụng, vì vậy giới hạn của nó chưa bao giờ được thử nghiệm. Lần cuối cùng một ứng viên rời cuộc đua vào Nhà Trắng muộn là năm 1972, khi ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Thomas Eagleton buộc phải rút lui sau khi căn bệnh trầm cảm của ông bị công khai.
Cụm từ “trường hợp khác” trong quy định vốn được hiểu là ứng viên tổng thống có thể rơi vào tình trạng hôn mê, đột quỵ hoặc mắc các bệnh khác khiến họ tuy còn sống nhưng không thể tự đưa ra dấu hiệu xin rút lui.
Một số người đang đề nghị áp dụng cách giải thích rộng hơn, cho rằng “các trường hợp khác” cần bao gồm cả hành vi phạm tội, tội phản quốc hay thậm chí là “hành động không phù hợp với nguyên tắc đảng”, theo nhà bình luận Thomas Balch.
Tuy nhiên, theo BBC, ông Trump có thể kiện nếu đảng Cộng hòa sử dụng “các trường hợp khác” chống lại ông. Thậm chí ngay cả khi ông Trump phạm tội, việc đó cũng không thể truất quyền tranh cử tổng thống của ông (Hiến pháp Mỹ không có quy định cấm về vấn đề này). Ông còn có thể ân xá cho chính mình sau khi đắc cử.
Đảng Cộng hòa cũng đã hết thời gian điều chỉnh quy định. Tuy Điều 9 có thể được sửa đổi nếu phần lớn Ủy ban Thường vụ của RNC và 3/4 số lượng thành viên RNC nhất trí, phải mất 30 ngày sự thay đổi đó mới có hiệu lực.
Video đang HOT
Ngoài ra, hàng chục nghìn đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu sớm, nhiều người trong số họ ở các bang chủ chốt như Florida và North Carolina.
Nhiều bang cũng đặt ra thời hạn đề tên ứng viên trên lá phiếu và thời hạn đó đã trôi qua. Bất cứ ai muốn bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Cộng hòa có thể sẽ chỉ có lựa chọn duy nhất là ông Trump.
Phương Vũ
Theo VNE
Bảo bối trở lại Nhà Trắng của Hillary Clinton
Quãng thời gian làm đệ nhất phu nhân Mỹ mang đến cho bà Clinton những kinh nghiệm quý báu để điều hành đất nước nếu đắc cử tổng thống.
Bà Hillary Clinton gặp gỡ các học sinh thuộc một trường công lập ở New York vào năm 1993. Ảnh: AP
Cuối năm 1992, tổng thống Mỹ Bill Clinton đề nghị doanh nhân Arkansas Mack McLarty làm chánh văn phòng Nhà Trắng. Khi ấy, McLarty âm thầm đến hỏi xin kinh nghiệm chuẩn bị cho nhiệm vụ mới từ James A. Baker III, người từng nắm giữ vị trí tương tự dưới hai đời tổng thống đảng Cộng hòa.
"Mack, ông hãy cứ thế thực hiện mọi công việc thôi", Baker đáp. Hầu hết những người từng làm việc tại Nhà Trắng đều đồng tình với Baker. Cách tập dượt duy nhất và hiệu quả nhất để phục vụ cho Phòng Bầu dục là lao vào công việc, theo Atlantic.
Hillary Clinton đã sống tại Nhà Trắng 8 năm với tư cách đệ nhất phu nhân. Điều đó có nghĩa bà là ứng viên có nhiều trải nghiệm hơn cả với những gì thường xuyên diễn ra tại phủ tổng thống.
Thực tế, những kinh nghiệm quý báu mà Clinton có suốt gần một thập kỷ tại Nhà Trắng đã được thể hiện rõ nét ở cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà với ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump tối 26/9, từ cách bà đưa ra các quyết sách, cách bà chuẩn bị cho cuộc đối đầu cho đến tinh thần chiến đấu quyết liệt, sẵn sàng công kích dồn dập khi đối thủ lộ sơ hở .
"Bao nhiêu người bạn biết có tài hùng biện như thế?", Susan Thomases, nhà hoạt động chính trị ở New York, ca ngợi khả năng tranh luận trước đám đông của cựu ngoại trưởng Mỹ.
Mickey Kantor, người từng điều hành chiến dịch tranh cử năm 1992 của tổng thống Bill Clinton, chồng bà, đưa ra nhận xét tương tự: "Từng câu, từng đoạn văn đều chặt chẽ, không bao giờ cần đến ghi chú. Một tài năng xuất chúng".
Bà Hillary Clinton bên chồng mình, tổng thống Mỹ Bill Clinton, trong lễ diễu hành nhậm chức của ông vào năm 1993. Ảnh: Courtesy of the William J. Clinton Presidential Library
Theo cây bút Russell Riley từ Atlantic, dường như sự kiên quyết trong hành động của Clinton cũng trải qua tôi rèn từ những năm tháng bà làm đệ nhất phu nhân. Bà được nhìn nhận như một người đầy tính kỷ luật và luôn sẵn sàng xử lý mọi khủng hoảng.
"Tôi nghĩ sự nghiệp của Bill Clinton thành công một phần nhờ Hillary. Bà ấy là người quyết đoán, luôn đảm bảo mọi thứ trôi chảy", Alice Rivlin, cựu giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, bình luận.
"Tôi nhớ ít nhất một lần, tại Little Rock, bà Clinton nói đơn giản rằng 'Chúng ta phải quyết định ở ngay đây và để công việc tiến triển'. Ngài tổng thống lúc bấy giờ kiểu như 'Ồ, cũng được thôi'. Nhưng rõ ràng... bà Clinton có kỷ luật hơn chồng trong việc ra quyết định", Rivlin cho hay.
Riley đánh giá tính hiệu quả trong công việc của Hillary Clinton bắt nguồn từ sự tự tin khi bà đưa ra kết luận trước bất kỳ vấn đề nào, ngay cả trong hoàn cảnh thiếu thông tin toàn vẹn.
"Ông Clinton lúc nào cũng cần người hỗ trợ, cẩn thận lấy ý kiến từ người khác, thu thập càng nhiều ý tưởng càng tốt và rồi xác nhận chúng... Bà Clinton thì ngược lại", Kantor nói. "Bà ấy cần tự suy nghĩ... Clinton cho rằng bạn sẽ chỉ khiến tâm trí mình rối loạn khi nghe người khác bảo bạn nên làm gì".
Đối với những người từng làm việc với Clinton, các đòn công kích khiến đối thủ phải lúng túng mà bà tung ra trong cuộc tranh luận tổng thống cuối tháng trước không khiến họ ngạc nhiên.
Theo cựu cố vấn Nhà Trắng Bernard Nussbaum, bà Clinton là một phụ nữ cứng rắn, hay nói đúng hơn là cứng rắn về mặt lý trí". Nussbaum ví von Bill Clinton "có khả năng nhận một cú đấm và đi tiếp, nhưng điều ông ấy không thể làm là tung đòn đáp trả". Trong khi đó, bà Clinton làm tốt việc này.
Dù nổi tiếng là thẳng thắn đến nỗi đôi lúc khiến người khác mếch lòng, cựu ngoại trưởng Mỹ khi cần vẫn có thể cư xử mềm mỏng. Thậm chí cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Alan Simpson cũng phải bày tỏ ngưỡng mộ trước kỹ năng giao tiếp của bà Clinton.
"Hillary không bao giờ quay mặt đi khi nói chuyện với ai đó. Cách bà ấy nói chuyện vô cùng lôi cuốn", ông Simpson nhận xét. "Bà ấy không bao giờ hướng sự chú ý khỏi người đang nói phía đối diện. Đấy là một món quà. Bạn cần nó trong chính trị".
Thất bại định hình phong cách
Hillary Clinton trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ tháng 9/1993. Ảnh: Reuters
Trong quãng thời gian ở Nhà Trắng, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ khó lòng tránh khỏi vấp ngã, nhưng chính những thất bại trong quá khứ đã góp phần tạo nên một ứng viên tổng thống Hillary Clinton như hiện nay. Thất bại của kế hoạch tham vọng về cải cách y tế mà bà Clinton phụ trách cách đây hơn hai thập kỷ là một cú sảy chân như thế.
Năm 1993, được sự ủng hộ của chồng, bà Clinton lãnh đạo một nhóm hành động đưa ra bản đề xuất về bảo hiểm y tế phổ thông cho tất cả người dân Mỹ. Kế hoạch của bà yêu cầu tất cả công dân Mỹ và người nước ngoài thường trú phải tham gia vào một chương trình y tế và cấm họ rời bỏ chương trình cho đến khi có kế hoạch khác. Bà đề nghị thành lập "liên minh khu vực" để người dân mua bảo hiểm qua đó.
Những người ủng hộ kế hoạch cho rằng cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm trong liên minh này sẽ khiến giảm chi phí y tế. Song các ý kiến phản đối lại nói đây là một ý tưởng điên rồ. Họ chỉ trích kế hoạch là quá quan liêu và hạn chế lựa chọn của bệnh nhân.
Cuối cùng, năm 1994, kế hoạch của bà Hillary chết yểu, thậm chí còn không nhận được đủ số phiếu sàn tại hạ viện và thượng viện, mặc dù đảng Dân chủ chiếm đa số ở cả lưỡng viện.
Nhưng nhiều người từng tham gia vào dự án trên nhận xét thất bại lúc bấy giờ đã định hình cách tiếp cận sau này của bà đối với chính trị và quản trị. Bà dần kết tinh một chiến lược thận trọng hơn. Trong cuộc đua vào thượng viện Mỹ năm 1999, bà tuyên bố: "Tôi bây giờ chỉ thực hiện những bước đi nhỏ".
"Bà Clinton là người đầu tiên thừa nhận phạm sai lầm, bà đã rút ra những bài học quan trọng từ đó và áp dụng nó trong tất cả cuộc đấu về sau", Brian Fallon, thư ký báo chí cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Clinton, quả quyết.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Người New York uống bia, dõi theo Trump - Clinton tranh luận Giữa một quán bar náo nhiệt, nhiều người dân New York dõi theo cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ, cùng bàn luận, khen chê. Người đàn ông ngồi uống bia và theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ. Ảnh: AP Quán bar Professor Thom's ở khu...