Đang bỏ trốn, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bồi thường 103 tỉ ra sao?
Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn, đến nay chưa bắt được, vậy bản án 30 năm tù cùng trách nhiệm bồi thường 103 tỉ đồng của bà này sẽ thi hành như thế nào?
TAND cấp cao tại Hà Nội vừa đưa ra phán quyết phúc thẩm đối với vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế ( Công ty AIC).
Ngoài 30 năm tù giam cho 2 tội đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, còn phải bồi thường 103 tỉ đồng trong tổng số 152 tỉ đồng – là thiệt hại do vụ án gây ra.
Vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Khi nào luật sư được kháng cáo thay thân chủ?
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn nhưng vẫn bị tuyên phạt 30 năm tù và buộc bồi thường 103 tỉ đồng. Ảnh AIC
Tiếp tục truy bắt để thi hành án
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định đã bỏ trốn ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, bị phát lệnh truy nã, đến nay chưa có kết quả. Vậy, bản án đối với người này, cả về phần hình sự và dân sự, sẽ được thi hành như thế nào, liệu có khả thi?
Từng trả lời Thanh Niên, ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, cho biết do nhóm Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn và việc truy bắt chưa có kết quả, sau khi bản án có hiệu lực, việc truy bắt với những người này vẫn tiếp tục. Khi họ bị án bị bắt hoặc ra đầu thú sẽ phải chấp hành ngay bản án đã tuyên.
Phân tích thêm, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nói bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày nếu không có kháng cáo và 30 ngày không có kháng nghị, kể từ thời điểm tuyên án. Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên án.
Trong trường hợp bản án có hiệu lực và xác định được bà Nhàn đang ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam có thể đề nghị dẫn độ bị án về nước, nếu giữa hai quốc gia đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp. Nếu biết vị trí của bà Nhàn nhưng hai bên chưa ký hiệp định, việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự sẽ được thực hiện theo nguyên tắc có đi, có lại.
Đối chiếu vụ án AIC, TAND cấp cao tại Hà Nội cho hay, sau khi xét xử vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo bị truy nã, tòa sơ thẩm đã thực hiện việc niêm yết bản án, nhưng hết thời hạn kháng cáo vẫn không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.
Việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, đến nay chưa có kết quả cũng đã thể hiện việc các bị cáo tự từ bỏ quyền của bị can, bị cáo, trong đó có quyền kháng cáo.
Do đó, bản án sơ thẩm đối với nhóm bị cáo này (bà Nhàn bị tuyên 30 năm tù – PV) thuộc trường hợp không có kháng cáo, không bị kháng nghị; có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bác kháng cáo của Công ty AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải bồi thường 103 tỉ
Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm đối với các bị cáo trong “đại án” AIC. Ảnh PHÚC BÌNH
Liệu có thu hồi được 103 tỉ về ngân sách?
Số tiền bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải bồi thường rất lớn, người này lại đang bỏ trốn, vậy bản án về phần dân sự như đã nêu liệu có thi hành được?
Theo luật sư Trần Thị Tĩnh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, một trong những biện pháp tố tụng để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án đối với người bị buộc tội là kê biên tài sản. Đây cũng là phương án tối ưu ngăn chặn nguy cơ chuyển dịch, tẩu tán tài sản.
Mặc dù bà Nhàn bỏ trốn nhưng quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã kịp thời phong tỏa, kê biên nhiều tài sản liên quan đến cựu Chủ tịch Công ty AIC. Những tài sản này sẽ được xử lý theo quy định nhằm thi hành nghĩa vụ bồi thường.
“Việc bà Nhàn đang bỏ trốn sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thi hành phần án dân sự. Vấn đề nếu có, đó là số tài sản bị kê biên có đủ để bồi thường 103 tỉ đồng hay không”, luật sư Tĩnh nhận định.
Bản án sơ thẩm cho thấy, ngoài hình phạt đối với các bị cáo, TAND TP.Hà Nội còn quyết định tiếp tục kê biên hàng loạt tài sản có giá trị liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Có thể kể đến như: 6 căn hộ chung cư thuộc dự án Pacific Place (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều thuộc quyền sở hữu và quản lý của bà Nhàn; một biệt thự rộng 453 m 2 tại Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) đứng tên sở hữu của bà Nhàn; một biệt thự khác rộng 357 m 2 tại Q.Hoàn Kiếm thuộc sở hữu của bà Nhàn nhưng do người thân đứng tên thay.
Ngoài ra, tòa án còn đề nghị Viện KSND tối cao tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý về số tiền 107 tỉ đồng tại 4 tài khoản ngân hàng của Công ty AIC đang bị phong tỏa, cùng với đó là 2 khu đất rộng hơn 4.000 m 2 tại Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội), thuộc sở hữu của Công ty CP bất động sản AIC.
Với khối tài sản liên quan đến bà Nhàn đang bị kê biên như vừa nêu, luật sư Tĩnh nhận định việc thi hành phần án bồi thường 103 tỉ đồng của cựu Chủ tịch Công ty AIC là có cơ sở và khả thi.
“Đưa vụ án ra xét xử dù bị cáo bỏ trốn thể hiện sự nghiêm minh trong công tác xử lý sai phạm. Đặc biệt, việc phong tỏa hàng loạt tài sản có giá trị của người bị buộc tội trong vụ án cũng cho thấy sự kịp thời của cơ quan tố tụng, hướng đến mục tiêu thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước”, luật sư Tĩnh nêu quan điểm.
Tháng 4.2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam trong vụ án sai phạm về đấu thầu tại Đồng Nai.
Tháng 5.2022, xác định cựu Chủ tịch Công ty AIC bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Tháng 1.2023, TAND TP.Hà Nội xét xử vắng mặt bà Nhàn, tuyên phạt bị cáo 30 năm tù về 2 tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Sau phiên sơ thẩm, cựu Chủ tịch Công ty AIC được luật sư nộp đơn kháng cáo thay.
Tháng 5.2023, tại phiên phúc thẩm, HĐXX không chấp nhận việc này, vì xác định bà Nhàn không thuộc đối tượng có quyền được người bào chữa kháng cáo thay.
Ngoài vụ án ở Đồng Nai, bà Nhàn còn bị khởi tố, điều tra trong 2 vụ khác cũng về vi phạm quy định đấu thầu, xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh) và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.
Chưa có thông tin bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thay đổi quốc tịch
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết hiện chưa nhận được bất kỳ thông tin nào do địa phương chuyển lên, liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Chưa có thông tin bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thay đổi quốc tịch
Chiều 19.4, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, báo chí đặt câu hỏi về vấn đề quốc tịch của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ quốc tế ( Công ty AIC).
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, đến thời điểm hiện tại, cục này chưa nhận được bất kỳ thông tin nào do địa phương chuyển lên, liên quan đến vấn đề quốc tịch của bà Nhàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC. Ảnh AIC
Tháng 4.2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an tống đạt lệnh bắt tạm giam đối với bà Nhàn trong vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, do bà này đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.
Giai đoạn ban hành kết luận điều tra và cáo trạng, cả Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND tối cao đều ra thông báo kêu gọi bà Nhàn cùng những người khác ra đầu thú, nhưng không có kết quả.
Tháng 1.2023, dù vắng mặt, TAND TP.Hà Nội vẫn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Nhàn 30 năm tù về 2 tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Theo cáo buộc, bà Nhàn giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Bị cáo thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, chỉ đạo cấp dưới tại công ty dùng nhiều thủ đoạn gian lận để trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng.
Đặc biệt, bà Nhàn còn cùng nhân viên nhiều lần đưa hối lộ tổng cộng 43,8 tỉ đồng cho các bị cáo Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Ngoài vụ án tại Đồng Nai, hiện bà Nhàn còn đang bị khởi tố, điều tra trong vụ án vi phạm đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh.
8 bị cáo bỏ trốn trong vụ án AIC nhận hình phạt nào? Sau nửa ngày tuyên án, trưa 4/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với 8 bị cáo đang bỏ trốn, bị truy nã và xét xử vắng mặt trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là Công ty AIC) và những đơn vị liên quan....