Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh
Ngay từ khi ra đời, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo Nhân dân chống ách áp bức, thống trị của thực dân, phong kiến. Khi thời cơ thuận lợi đến, các cấp bộ đảng đã lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Nhật, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Một góc TP Thanh Hóa hôm nay. Ảnh: Minh Hiếu
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ địa và hậu phương kháng chiến; cung cấp hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm cho các chiến trường. Trong chín năm trường kỳ kháng chiến, toàn tỉnh đã huy động hơn 1 triệu dân công, đóng góp 20 triệu ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đắp đường, làm cầu phục vụ các chiến dịch và chiến trường. Bổ sung cho bộ đội chủ lực 2 tiểu đoàn, 34 đại đội, 6 trung đội bộ đội địa phương và 500 chiến sĩ du kích. Gần 57 nghìn thanh niên tham gia bộ đội, 15 nghìn thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc. Bên cạnh đó, địa bàn Thanh Hóa là căn cứ, chỗ dựa vững chắc đối với Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ kháng chiến Lào, cũng như các cơ quan Trung ương, Khu III, Khu IV; các đại đoàn quân chủ lực Việt Nam, các đơn vị Pa thet Lào, các đơn vị bộ đội tình nguyện giúp bạn Lào và hàng chục vạn đồng bào tản cư…; hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, giúp bạn giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai dân tộc Việt – Lào.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu anh dũng cùng Nhân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong cuộc đọ sức quyết liệt với quân thù, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã chiến đấu 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay (trong đó có 3 chiếc B52), bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 57 tàu chiến (trong đó có 52 khu trục hạm thuộc hạm đội 7) của giặc Mỹ. Thế trận chiến tranh Nhân dân trên địa bàn Thanh Hóa đã lập nên những chiến công vẻ vang. Hàm Rồng trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nghệ thuật quân sự.
Đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt và tỉnh Quảng Nam kết nghĩa tình cảm thiêng liêng, cao quý. Các phong trào thi đua diễn ra liên tục, sôi nổi và rộng khắp trong toàn tỉnh như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Phát huy truyền thống của quê hương, hàng nghìn gia đình cả ba thế hệ cùng chung chiến hào đánh giặc. Hàng vạn gia đình có từ 3 đến 5 con tòng quân nhập ngũ; 250 ngàn thanh niên ưu tú và hàng vạn cán bộ, đảng viên, thanh niên đã tham gia bộ đội và thanh niên xung phong. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc, Thanh Hóa đã huy động đến mức cao nhất, nhiều nhất nhân tài, vật lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đối với cách mạng Lào, phát huy tình hữu nghị, đoàn kết trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Thanh Hóa là căn cứ, là chỗ dựa vững chắc của cách mạng Lào. Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã giúp tỉnh Hủa Phăn xây dựng và củng cố căn cứ địa kháng chiến; liên minh với bạn xây dựng, bảo vệ khu giải phóng và thủ đô kháng chiến của bạn tại Sầm Nưa; đồng thời, tận tình chi viện cho cách mạng Lào và Campuchia.
Những cống hiến to lớn của Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đã góp phần cùng cả nước bảo vệ, xây dựng CNXH; tích cực chi viện cho tiền tuyến miền Nam; làm tròn nghĩa vụ quốc tế, tô thắm truyền thống đoàn kết chiến đấu, quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Lào.
Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, trong thời kỳ cùng cả nước xây dựng CNXH (1975 – 1986), vượt qua khó khăn, thách thức do hậu quả chiến tranh để lại, Đảng bộ, quân và dân Thanh Hóa bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, từng bước đưa tỉnh thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Bằng ý chí, quyết tâm và sức lao động sáng tạo trên các công trường của hàng vạn người dân lao động, nhiều công trình có ý nghĩa kinh tế – xã hội lớn như sông Lý, Quảng Châu, sông Hoàng… đã ra đời. Bên cạnh đó, quân và dân Thanh Hóa đã chi viện đến mức cao nhất sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Đây cũng là giai đoạn mà Đảng bộ Thanh Hóa có nhiều trăn trở, thể nghiệm, cùng cả nước tìm tòi con đường đổi mới nhằm vượt qua cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp và sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch.
Video đang HOT
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là sau sự sụp đổ chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô (cũ), Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định con đường đi lên CNXH; đồng thời, tổ chức thực hiện, vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Cùng với việc xác lập vị trí của kinh tế hộ, tạo điều kiện cho nông dân phát huy mọi năng lực sản xuất, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo đổi mới HTX, kiên quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước, từng bước hình thành môi trường thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế cùng phát triển. Nhờ những cố gắng đó, kinh tế của tỉnh dần đi vào thế ổn định và có bước phát triển, văn hóa – xã hội có chuyển biến, quốc phòng – an ninh được củng cố.
Trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, phát huy thành quả của 10 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, khuyến khích Nhân dân phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều trang trại, gia trại đã ra đời, một số vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến như mía, sắn, cao su… được hình thành, góp phần tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hàng chục vạn hộ nông dân. Trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp tập trung từng bước được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Mục Sơn, Lễ Môn, Tây Bắc Ga. Nhiều dự án đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh như sản xuất ô tô, sửa chữa và đóng tàu biển, chế biến tinh bột sắn, chế biến đường, chế biến cao su, sản xuất xi măng… được thực hiện và có sản phẩm tham gia vào thị trường. Đến năm 2000, sau 15 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế phát triển khá, đặc biệt là sản xuất lương thực (đạt gần 1,3 triệu tấn); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; các khu công nghiệp từng bước hình thành và đi vào hoạt động. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.
Bước vào thế kỷ XXI, phát huy những thành quả đạt được, nhằm tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2001-2005 chủ trương: Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tăng tốc độ phát triển; phát huy nội lực, khai thác các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, đề ra mục tiêu tổng quát những năm 2015-2020 là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch và các dịch vụ có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2020, trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Để đạt được mục tiêu trên, trong những năm 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, tập trung vào 5 chương trình trọng tâm: Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, giảm nghèo nhanh và bền vững, phát triển du lịch, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; đồng thời, thực hiện 4 khâu đột phá: Phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành năng động của chính quyền các cấp, phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng và sự chủ động, sáng tạo cũng như sự nỗ lực của Nhân dân trong tỉnh, đến hết năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đạt được những kết quả tương đối toàn diện: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 12,5% và là một trong số những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện, 376 xã (chiếm 64,46%) đạt chuẩn nông thôn mới; văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển, trong đó, giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường.
Những thành tựu đạt được là hành trang, tạo nền tảng và tiền đề để Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với truyền thống của một tỉnh văn hiến, anh hùng.
Những người "trông nắng, trông mưa"
Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, phòng tránh, hạn chế thiệt hại bởi thiên tai, công tác dự báo khí tượng thủy văn có vai trò đặc biệt quan trọng.
Thế nhưng không phải ai cũng biết đến sự cống hiến thầm lặng của những người làm nghề "trông nắng, trông mưa". Chúng tôi đến Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) vào một ngày nắng như đổ lửa để hiểu hơn về những khó khăn, vất vả và sự hy sinh, cống hiến của họ.
Anh Đỗ Xuân Hinh kiểm tra số liệu quan trắc.
Nhọc nhằn nghề quan trắc
Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì nằm trên một gò cao ở xã Vân Hòa, không gian yên tĩnh và rộng rãi. Tiếp chúng tôi, Trạm trưởng Phùng Hữu Hưởng vui vẻ giới thiệu: Trạm hiện có 5 quan trắc viên được phân công trực theo ca. Thật trùng hợp là cả 5 cán bộ của trạm đều có quê hương ở các xã nằm dưới chân non thiêng Ba Vì.
Công việc khí tượng nông nghiệp chủ yếu do Trạm phó Đinh Công Hùng (sinh năm 1975) và "chị cả" Nguyễn Thị Loan (1966) đảm nhiệm. Hằng ngày họ nghiên cứu sự tăng trưởng của cây chè, cây cỏ vua - vốn phù hợp với thổ nhưỡng Ba Vì để đưa ra những đánh giá chính xác nhất phục vụ cho phát triển nông nghiệp địa phương. Đây cũng là hai người có thâm niên gắn bó với Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì lâu nhất. Còn nhiệm vụ của hai quan trắc viên Đỗ Xuân Hinh (sinh năm 1978) và Lê Thị Bích Thủy (1981) chủ yếu là quan sát máy móc, thiết bị quan trắc, ghi chép các số liệu về khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, hướng gió...
Trạm trưởng Phùng Hữu Hưởng chia sẻ: Nghe thì đơn giản nhưng để đưa ra được dự báo với xác xuất nhỏ nhất thì quan trắc viên viên cần phải có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, cảm nhận tốt về thời tiết và phải biết kết hợp giữa phương pháp dự báo thời tiết hiện đại và truyền thống. Hằng ngày, dù nắng hay mưa, kể cả giữa lúc có giông bão, các quan trắc viên của trạm vẫn phải miệt mài quan sát, cập nhật số liệu, ghi chép cẩn thận. Từ sáng sớm đến đêm, cứ 6 tiếng/lần họ phải ra thăm vườn khí tượng để kiểm tra từng mẫu đất, đong đo từng hạt mưa trong bể chứa... rồi tập hợp số liệu báo về trung tâm. Sau khi cập nhật số liệu quan trắc thực đo của các trạm khí tượng thủy văn trên cả nước, trong đó có trạm Ba Vì, các chuyên gia của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia sẽ tổng hợp, tính toán để từ đó đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, là cơ sở để mọi ngành, mọi người phòng tránh, giảm nguy cơ thiệt hại do thiên tai.
Tiếng là trẻ nhất trạm nhưng quan trắc viên Lê Thị Bích Thủy cũng đã suýt soát 40 tuổi và có thâm niên 20 năm trong nghề. Chị Thủy kể, để "bám trụ" được với công việc, chị phải rèn thói quen dậy từ sớm tinh mơ lo việc gia đình, chuẩn bị cho hai con đi học và cho chồng cũng là đồng nghiệp (làm việc tại Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cách nhà hơn 30 cây số). Xong việc "tề gia nội trợ" là bắt tay ngay vào công việc "đi ốp" (thuật ngữ chuyên môn của ngành Khí tượng thủy văn chỉ công việc vừa nhìn vào máy đo vừa ghi số liệu). Chị Thủy kể, với những người quan trắc viên, công việc cập nhật số liệu ngoài trời suốt mấy chục năm làm nghề khí tượng đã trở thành một phản xạ bản năng và gần như "mất cảm giác" với thời tiết, kể cả những lúc mưa to gió lớn, bão giật... Có những hôm vào ca trực đêm, quãng gần 1h giờ sáng chị bật dậy theo thói quen, cứ thế mở cửa ra vườn khí tượng mà không để ý trời đang mưa rất to do ảnh hưởng của bão...
Chị Thủy kiểm tra nhiệt độ của đất trong vườn khí tượng.
Lặng thầm cống hiến
Có lẽ câu chuyện cuộc đời mình mà Trạm trưởng Phùng Hữu Hưởng kể cho chúng tôi nghe có sức hút chẳng kém gì câu chuyện về anh cán bộ khí tượng thủy văn trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa nổi tiếng cách đây mấy chục năm. Mới ngoài 40 tuổi nhưng Phùng Hữu Hưởng đã kinh qua 11 trạm khí tượng thủy văn, từ biển đảo xa xôi đến những điểm cao hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Dường như tất cả những nơi xa xôi, khó khăn nhất của ngành Khí tượng thủy văn nước nhà đều đã in dấu chân anh.
Nếu nói rằng bất kỳ nhà văn nào mà gặp Phùng Hữu Hưởng cũng có thể viết được một cuốn tiểu thuyết về hình tượng người cán bộ khí tượng thủy văn chắc cũng chẳng ngoa. Sinh năm 1979, quê ở Ba Vì, cách đây 20 năm, khi mới ra trường Phùng Hữu Hưởng được phân công công tác tại Trạm Khí tượng Thủy văn Phan Rang. Sống và làm việc ở nơi "gió như phang, nắng như rang" đối với chàng trai trẻ quê xứ Đoài mây trắng này quả thật là một thử thách khắc nghiệt.
Thế nhưng đó mới chỉ là "màn khởi động", chưa thấm vào đâu so với những nỗi vất vả sau này Hưởng trải qua. Sau một thời gian công tác ở Phan Rang, anh được phân công ra đảo Trường Sa Lớn, một mình một trạm khí tượng thủy văn giữa trùng khơi. Ngày ấy thông tin liên lạc còn khó khăn, cả năm chỉ có khoảng dăm phút gọi điện về nhà nên trước đó hằng tháng Hưởng phải viết thư về gia đình, dặn dò rằng trước thời khắc giao thừa chừng một giờ thì sang nhà hàng xóm để chờ điện thoại anh gọi về. Cho đến tận bây giờ, nhớ lại những lúc bồi hồi áp tổ hợp điện thoại vào tai, nghe tiếng bố mẹ mà nước mắt chỉ chực trào ra, nghẹn ngào mãi mới nói được câu "con vẫn khỏe", anh vẫn còn rưng rưng...
Hết nhiệm kỳ ở hải đảo xa xôi, Phùng Hữu Hưởng trở về đất liền, nhưng rồi công việc của người "đo gió, đếm mây" lại đòi hỏi anh phải lên đường. Lần này anh nhận nhiệm vụ đến huyện Bắc Mê heo hút, cực kỳ khó khăn của tỉnh Hà Giang. Bắc Mê ngày đó mới xây dựng lại huyện lỵ mới nên một mình Hưởng quản lý cả hai cơ ngơi. Trạm khí tượng thủy văn mới xây dựng nằm trên đỉnh núi cheo leo, cách trạm cũ 7km nhưng đường đi quanh co, một bên là núi cao, một bên là vực sâu hun hút bên dòng sông Gâm... Có những ngày lạnh thấu xương, những hôm sương mù bao phủ, đứng cạnh nhau mà không nhìn rõ mặt, vậy mà đều đặn mỗi ngày Hưởng phải đi lại, quản lý cả hai trạm...
Cứ thế rong ruổi, kinh qua công tác ở nhiều trạm khí tượng thủy văn trên khắp các vùng miền đất nước, mãi đến khi sắp bước sang tuổi trung niên Phùng Hữu Hưởng mới được điều chuyển về làm Trạm trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì - cách nhà anh hơn 20 cây số. Khỏi phải nói bố mẹ anh mừng như thế nào. Ngay trong năm đầu tiên Hưởng chuyển công tác về "gần nhà", gia đình đã sắp xếp để anh làm quen rồi lập gia đình với một cô gái nết na ở cùng thôn. Đến bây giờ thì Phùng Hữu Hưởng đã có một gia đình hạnh phúc với ba đứa con ngoan ngoãn, kháu khỉnh.
Câu chuyện về những người "trông nắng, trông mưa" ở Trạm Khí tượng thủy văn Ba Vì gơi nhắc đến những ca từ trong bài hát Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: "Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội/ Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao/ Hãy sống như biển trào, để thấy bờ bến rộng/ Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông...". Dù mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng nhưng tất cả vẫn toát lên khí chất, bản lĩnh của những người đã, đang lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp khí tượng thủy văn, cho đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ Chiều 16/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Đồng chí Phạm Minh Chính trao quyết định và chúc mừng đồng chí Huỳnh Tấn Việt. Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương...