Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Các luật sư đã đưa ra phân tích ở góc độ pháp lý về việc đăng tải hình ảnh người bị tố thực hiện hành vi ấu dâm.
Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận bức xúc. (Ảnh minh họa)
Thời gian gần đây, vấn đề xâm hại tình dục với trẻ em khiến bức xúc dư luận khi liên tục xuất hiện các vụ việc trẻ em bị xâm hại.
Trên mạng xã hội sau đó lan truyền hình ảnh một số người kèm theo “cáo buộc” thực hiện hành vi dâm ô với bé gái.
Sau sự việc trên, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề, có nên chia sẻ lên mạng tên tuổi, hình ảnh người bị tố cáo có hành vi ấu dâm và việc chia sẻ có vi phạm pháp luật.
Hậu quả đăng ảnh “kết tội” người chưa có tội khó lường
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho rằng: Tội phạm xâm hại tình dục rất đáng bị lên án và cần phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, để khởi tố, kết tội một người cần phải thông qua điều tra, xét xử.
“Không ai bị coi là tội phạm nếu chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh.
Video đang HOT
Theo luật sư Tuấn Anh, theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, một người khi chưa bị tòa án kết tội thì họ vẫn có đầy đủ các quyền công dân. Tức là có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
“Luật dân sự quy định nhiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc chia sẻ tới cộng đồng mạng hình ảnh người chỉ đang bị nghi ngờ có hành vi ấu dâm kèm theo thông tin cho rằng, người này phạm tội ấu dâm nhằm tạo sức ép dư luận là trái pháp luật, điều này làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị đăng ảnh – người vẫn chưa bị kết tội và vẫn còn đầy đủ các quyền công dân”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, hậu quả đối với một con người bị ảnh hưởng bởi tin đồn, bị xúc phạm nhân phẩm trên mạng là rất khó lường.
“Nếu người bị đăng ảnh không phạm tội thì sao? Một người không phạm tội mà bị dư luận coi là phạm tội, đăng tải hình ảnh thông tin cá nhân rộng khắp gắn liền với tội danh mình không phạm phải có thể bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề dẫn đến những suy nghĩ không tích cực, sang chấn tinh thần, thậm chí tìm cách tự tử….
Những người thân, gia đình của họ cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng về danh dự, cuộc sống…”, luật sư Tuấn Anh nhìn nhận.
“Cáo buộc” sai có thể bị xử lý
Theo luật sư Tuấn Anh, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc đăng tải hoặc chia thông tin, hình ảnh công khai của ai đó và ấn định họ với một tội danh nào đó là phải hết sức thận trọng. Việc chia sẻ những thông tin thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng có thể khiến bản thân người chia sẻ “gặp rắc rối”.
“Trong trường hợp người bị đăng ảnh kèm theo thông tin thực hiện hành vi dâm ô nhưng sau đó được cơ quan tố tụng xác định vô tội thì những người trước đó đăng tải hoặc chia sẻ thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vu khống” hoặc “làm nhục người khác”", luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) nêu ý kiến: Việc sử dụng mạng xã hội như Facebook hay trang web để bày tỏ ý kiến cá nhân hoặc bình luận trên mạng xã hội là quyền của mỗi con người.
Tuy nhiên, khi quyết định chia sẻ tới cộng đồng thông tin gì đó, đặc biệt là những thông tin có thể gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người khác như”cáo buộc” người khác phạm tội thì người dân cần xem xét kỹ thông tin có đủ tin cậy hay không. Bởi thực tế rất nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội để trục lợi hoặc thực hiện ý đồ xấu.
“Ví dụ, trên mạng xã hội Facebook, có người chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ cầm 1 chiếc điện thoại rời khỏi cửa hàng điện thoại kèm theo thông tin, người này trộm cắp điện thoại.
Một người chỉ xem đoạn clip trên không thể xác định người phụ nữ đó có trộm cắp hay không.
Tôi đặt giả thiết, người phụ nữ chỉ lấy lại chiếc điện thoại của cô ấy nhưng bị người chia sẻ clip cố tình đưa thông tin trộm cắp để bôi nhọ danh dự hoặc câu like.
Nếu đoạn clip trên được cơ quan điều tra công bố hoặc xác nhận là 1 vụ trộm, như vậy mới đáng tin cậy để chia sẻ”, luật sư Thơm nêu ví dụ.
Theo luật sư Thơm, mạng xã hội hiện rất phát triển, chỉ một chia sẻ hoặc một bình luận công khai có thể thu hút hàng triệu người xem và chia sẻ thêm.Việc chia sẻ thông tin sai sự thật đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hành vi sai trái.
“Bộ luật Dân sự quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường… Những trường hợp nghiêm trọng, tùy vào từng trường hợp cụ thê, người tung tin đôn có thê bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, việc cộng đồng mạng chia sẻ thông tin, hình ảnh người bị tố cáo phạm tội xâm hại tình dục nhằm tạo sức ép buộc cơ quan bảo vệ pháp luật phải điều tra là hành động xâm phạm quyền công dân được hiến pháp bảo vệ.Việc làm này không phải là nguyên nhân thúc đẩy vụ án được giải quyết nhanh hơn bởi để kết tội một người, cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải tuân thủ đầy đủ trình tự tố tụng đã được pháp luật quy định từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… nhằm tránh bỏ lọt tội, tránh oan sai
Theo Xuân Lực (Dân Việt)
Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm: Bạn nghĩ sao?
Mạng xã hội đang vượt mặt nhiều tờ báo từ chính thống đến lá cải để trở thành kênh truyền tin nhanh và rộng nhất hiện nay.
Bất cứ thông tin gì của xã hội người ta cũng sẵn sàng "bưng" lên trang cá nhân của mình để chia sẻ và bình luận. Không rõ từ lúc nào trang nhật ký cá nhân đã trở thành trang nói chuyện thiên hạ. Khi xã hội càng nhiều chuyện, người chơi Facebook càng sục sôi.
Từ khóa đang nóng trên mạng lúc này là "ấu dâm", vì thế Facebook những ngày qua người người, nhà nhà đều bình luận về vấn đề này. Cùng với đó, hình ảnh của ba người đàn ông bị coi là nghi phạm của ba vụ ấu dâm gây chấn động dư luận được truyền từ trang này qua trang khác theo cấp số nhân.
Không chỉ đăng ảnh ba nghi phạm, người dùng Facebook còn muốn chứng tỏ khả năng tìm kiếm thông tin của mình bằng cách trưng ra trọn bộ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh vợ con, nơi làm việc của họ. Chỉ trong phút chốc, ba nhân vật này đã được cả triệu người biết đến, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Cái mác thiên hạ cộp cho họ là "kẻ ấu dâm" - một tội danh vô cùng nặng nề, ô nhục trong khi cả ba chưa ai bị truy tố chính thức, thậm chí có người chưa bị coi là nghi phạm.
Nhiều người quá nóng ruột vì cơ quan chức năng vào cuộc chậm chạp. Xuất phát từ lòng căm phẫn, cộng thêm ý muốn nhanh chóng cảnh báo xã hội đối tượng nguy hiểm cần tránh xa nên đám đông tỏ ra khá mạnh tay và nhiệt tình khi đăng tải.
Giữa làn sóng khí thế ấy, một vài cánh tay đơn lẻ giơ lên. Họ kêu gọi đám đông bình tĩnh trước khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Việc đăng ảnh của ba nghi phạm khi chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng chỉ tội họ có thể xem là hành vi vu khống, bôi nhọ nhân phẩm người khác, người đăng có thể bị kiện và phải gánh lấy tội trạng. Việc này cần dừng lại ngay cho đến khi mọi việc được làm rõ.
Đặt giả thuyết một trong ba vụ án này thủ phạm là người khác, một trong ba vụ không phải là án ấu dâm mà có những tình tiết chưa được làm rõ thì cái tiếng ác đã gieo ra làm sao lấy lại được?
Cuộc đời của những người bị bêu tên, trưng ảnh kia có thể bị thay đổi hoàn toàn, bị xáo trộn và hủy hoại vì chính sự góp sức thiếu suy xét của đám đông. Chưa kể người liên đới, cha mẹ, anh em, vợ và nhất là những đứa trẻ-con của họ sẽ tổn thương đến mức độ nào?
Bên nào cũng có cái lý của mình và đa chiều chính là bản chất của xã hội. Có nên công khai hình ảnh của các nghi phạm ấu dâm lên mạng hay không không chỉ là câu hỏi về cách hành xử, đạo đức, lòng nhân mà còn là vấn đề pháp lý rất cụ thể trong đời sống.
Việc dựa vào trang cá nhân để nói về người khác không còn là chuyện nhỏ nữa bởi tác động xã hội của nó đã ngoài tầm kiểm soát. Mũi tên bắn ra không thể thu hồi, cái phải tính tới là trách nhiệm của người giương cung. Mũi tên có thể cứu người, cũng có thể giết người, phải làm sao để có một đường tên chuẩn xác?
Theo P.Dung (Pháp luật TP.HCM)
Vụ nữ sinh lớp 12 bị đánh hội đồng: 'Có dấu hiệu hình sự' "Hành vi dùng mũ cối, mũ bảo hiểm đánh một nữ sinh khiến em này nhập viện trong tình trạng đa chấn thương là hành vi nghiêm trọng. Vụ việc có dấu hiệu hình sự vì đã xâm phạm đến sức khỏe người khác". Như tin tức đã đưa, trên mạng xã hội vừa đăng tải 1 đoạn clip ghi lại hình ảnh...