Đăng ảnh em bé ị đùn để kể khổ nghề nghiệp, cô giáo mầm non khiến dân mạng tranh cãi gay gắt
Đăng những dòng tin nhắn chát với đồng nghiệp kể những pha khó đỡ trong nghề nuôi dạy trẻ đồng thời lý giải nguyên nhân vì sao đành bỏ nghề, cô giáo mầm non này tưởng được đồng tình, nào ngờ, đồng cảm thì ít mà “gạch đá” lại phải nhận về rào rào từ các bậc phụ huynh.
Giáo viên mầm non là công việc không chỉ vất vả về đầu óc khi phải giỏi đủ hát, múa, vẽ, nhảy… mà còn vất vả về cả chân tay khi thường xuyên phải trông nom, chăm bẵm các bé còn non nớt. Có bé lớn một chút thì biết gọi khi đi vệ sinh, biết tự xúc cơm ăn, còn bé nào bé hơn thì tiểu, đại tiện tại chỗ, một bước dính lấy cô, hai bước bắt cô bồng… Đó là còn chưa kể những em bé mới được bố mẹ cho đi lớp, còn nơn nớt, dễ ốm nên cứ khóc đến lặng cả người…
Vất vả, khó khăn là vậy nhưng nghề giáo viên mầm non giờ đây đã được các phụ huynh thấu hiểu, đồng cảm hơn. Tuy nhiên, mới đây, những dòng tâm sự về nghề nghiệp của một cô giáo mầm non đã bỏ nghề vì không chịu được áp lực đã khiến cộng đồng mạng xôn xao những suy nghĩ trái chiều.
Nguyên văn bài viết, cô gái này trải lòng: “ Bọn em học sinh viên mầm non ra đây các mom. Em bị áp lực nên bỏ dạy làm nghề khác. Còn mấy bạn của em theo nghề. Mới đi dạy 3 ngày đầu thôi.
Thật sự không biết mình làm mẹ thương con như thế nào chứ chẳng ai thương giáo viên cả ạ. Người ta bảo ghét giáo viên thì chịu thôi. Em yêu trẻ con lắm nhưng cũng không trụ lại được. Khổ lắm không sung sướng gì đâu ạ. Nhiều lúc khóc không dám khóc đâu.
Tưởng cái nghề ngon lành. Thật sự mấy con sâu làm rầu nồi canh quá. Em thề với các mẹ 1 bí mật là từ thế hệ mầm non này trở đi sẽ không được thông minh như mình trước đây đâu. Vì các giáo viên thả học sinh, không dạy dỗ nhiều như trước đâu.
Các bé lên tiểu học thì em không biết chứ ở mầm non thì hoa bé ngoan, cắm cờ, cháu Bác Hồ vậy thôi chứ kiến thức rỗng tuếch. Ai làm ra như vậy? Vì bây giờ camera sát mặt giáo viên. Nạt thì quy ra đánh vào tâm lý, đánh thì bạo hành trẻ nhỏ, không ăn mà ép ăn là hành hung trẻ nhỏ, không ngủ bắt ngủ là uy hiếp tối về trẻ giật mình. Cái gì cũng là do giáo viên.
Nên giờ ở đâu cũng vậy cả. Có trẻ còn không phân biệt được màu sắc hay bảng chữ cái cơ. Nói thật không bênh, ngày xưa em đi học bị giáo viên phạt quỳ, đánh thước, úp mặt vào tường, hù dọa đầy đó mà em vẫn nên người. Ai chả muốn con mình ngoan.
Mà nói thật cái nghề làm dâu trăm họ này em chạy trước thôi. Nhục nhã lắm. Có khi theo nghề mà dính scandal nào cái là khỏi lấy chồng luôn”.
Đính kèm bài viết là những bức ảnh chụp màn hình đoạn nhắn tin qua lại giữa các cô giáo mầm non về việc trông nom trẻ. Đáng nói, ngoài những lời than thở, thậm chí có cô còn chụp luôn cảnh một bé trai đang đi vệ sinh nặng ở trên giường đăng lên kèm theo nhiều lời lẽ ngán ngẩm, chán nản.
Những dòng than thở của các cô giáo mầm non khiến dân mạng ngao ngán.
Thậm chí còn chụp cả bức ảnh của bé trai đi vệ sinh ngay trên giường (không che phần nhạy cảm) để chia sẻ, kể khổ với nhau.
Video đang HOT
Ngay sau khi những dòng tâm sự “gan ruột” của cô gái trẻ tự nhận là học giáo viên mầm non ra được đăng tải đã dấy lên những tranh luận trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Người thì cho rằng cô gái này nói đúng, chỉ có điều hơi thực tế và thật thà mà thôi. Số khác lại cho rằng, đã có tâm với nghề, chấp nhận gắn bó với nghề thì nên cố gắng thay vì than thở, chê bôi.
Thành viên Thảo Trang bình luận: “ Chuẩn, em làm nghề khổ lắm. Cháu ị đùn như thế này còn đỡ, em còn gặp quả học sinh cho ngồi bồn cầu móc hết phân ra bôi quanh phòng vệ sinh, còn bô hất hết phân bôi ra hành lang làm em đi lau dọn phòng gần chết. Em thấy thảm hại vô cùng”.
Bạn Vân Anh đồng quan điểm: “Có 1 đứa thôi mà nó hư cũng bực lắm chứ các cô đây trông bao nhiêu đứa thì chả mệt, mà các phụ huynh bây giờ thì quá nhạy cảm”.
Rất nhiều người đồng cảm với nỗi vất vả của nghề giáo viên mầm non, tuy nhiên số khác lại chỉ trích rất gay gắt tâm sự của cô gái trên vì cho rằng, cô gái này “không yêu trẻ và không có tâm với nghề”. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, số đông khác lại cho rằng, cô gái này đã sai khi vừa “không tâm huyết với nghề lại vừa chụp ảnh trẻ con rõ bộ phận nhạy cảm khi không được phép”, thành viên Trang Thi Nhu Tran bức xúc: “ Ừ thế em nghỉ là đúng rồi đó em. Chẳng ai cần thứ giáo viên vừa không yêu nghề vừa không yêu trẻ như em. Chưa làm mẹ nên không hiểu nỗi xót con, cũng chưa chịu khổ bao giờ nên làm 3 ngày kêu bỏ việc. Chụp cả ảnh trẻ nhỏ nằm khi bé ị đùn ra thế kia để lấy làm trò buôn chuyện miệt thị mà không bế bé lên mà lau rửa ngay cho bé. Em nghỉ là đúng lắm, sau này ra đời làm việc gì thì làm, đừng làm cái nghề hại đến con cái người khác. Mà em có làm nghề gì thì kiểu lười như hủi của em cũng chẳng nên cơm cháo gì đâu”.
Bạn Kim Tuyến nhận xét: “ Đúng là làm nghề này thực sự rất cực. Nhưng chỉ khổ những giai đoạn đầu với những bé mới đi học thôi. Giờ các cô mầm non theo bé từ 3 đến lớp 5 tuổi luôn. Khi trẻ quen và vào nề nếp rồi thì không còn tè ị lung tung nữa đâu bạn ạ. Theo nghề nào mình cũng cần phải có cái tâm. Quét rác hay làm bác sĩ cũng đều vất vả hết. Ai không theo được thì bỏ nhưng đừng đem ảnh các con ra làm trò cười để nói với nhau như vậy. Bạn nên che mặt bé đi nếu mà để phụ huynh thấy sẽ không hay đâu”.
Bạn Thu Cận cũng lên tiếng: “Nghề này không sung sướng gì thì đúng. Nhưng đừng bảo kiến thức rỗng tuếch, đã học hành gì mà có kiến thức, bảo không có tính tự giác thì còn được. Bố mẹ ở nhà nên rèn con giờ giấc đi ngủ và vệ sinh cá nhân. Hoặc không đi vệ sinh tự giác được thì phải biết gọi người lớn. Như vậy đỡ vất vả cho cả các con, cho phụ huynh và giáo viên.
Em này không yêu trẻ cũng không yêu nghề, không chịu được áp lực công việc, sợ khổ thì chuyển việc là đúng kẻo có ngày tăng xông lại xuống tay với trẻ. Sau này có con thì nhớ rèn cho con trước khi mang đi gửi trẻ”.
Bạn Trần Nga cũng đồng quan điểm: “ Vậy em nên bỏ nghề vì nó không hợp. Cô giáo tương lai mà nói chuyện thêm từ đệm thô tục, như vậy thì dạy dỗ trẻ con đang tuổi tập nói thể nào. Nghề nào cũng có cái khổ của nghề ấy. Nên trước khi chọn nghề theo học thì nên lường trước để tránh bỡ ngỡ. Các cực khổ của cô giáo mầm non phụ huynh biết không? Xin thưa là biết hết. Các cô lúc gặp phụ huynh than thở vô vàn lần luôn và phụ huynh cũng hiểu chứ không phải không. Đọc tâm sự của em mà tôi không đồng cảm nổi”.
Dù bản thân đã nói lời tạm biệt với nghề giáo viên mầm non, nhưng chính cách kể chuyện có phần không khéo léo và hơi vô cảm ấy của cô gái này đã khiến rất nhiều người bất bình. Mặc dù ai cũng biết, nghề giáo viên mầm non là một nghề vất vả và chẳng hề đơn giản, nhưng thiết nghĩ, một khi đã chọn rồi chúng ta hãy sống hết lòng vì nó, dẫu có nhọc nhằn, vất vả đến thế nào cuối cùng cũng được thấu hiểu, đền đáp mà thôi!
Theo Trí thức trẻ
Buồn vui nghề dạy trẻ
Có nhiều người nghĩ rằng, đi dạy mầm non chủ yếu là dạy trẻ múa hát. Thực ra không phải vậy. Có rất nhiều kỹ năng giáo viên mầm non phải có. Có rất nhiều kiên nhẫn, hy sinh. Vậy nên, không yêu nghề, mến trẻ thì không thể làm được nghề này.
Người ta bảo "thầy già, con hát trẻ". Có nghĩa là làm nghề biểu diễn muốn cuốn hút, hấp dẫn được khán giả, thì diễn viên phải trẻ, còn dạy học, muốn dạy hay thì giáo viên phải già dặn, giàu kinh nghiệm. Ngành dạy mầm non thật khó, cô giáo phải trẻ thì học sinh mới yêu, mà lại phải dày dạn kinh nghiệm thì mới quản nổi lớp vài ba chục cháu. Cô nào rồi cũng đến lúc phải già đi, thế mà học sinh thì lại không thích học cô giáo già!
Cô Thuận, giáo viên mầm non 51 tuổi chia sẻ, đầu năm, học trò đến lớp cô cứ khóc lăn lóc: "Con không thích học lớp cô giáo già đâu, con thích học lớp cô Hà thôi". Ccô Hà là cô giáo lớp bên cạnh, còn trẻ. Chị buồn, mời đồng nghiệp đến ăn cơm, tâm sự: "Mình già thật rồi".
Chị em xúm vào an ủi, nói chúng em sẽ giải thích cho học trò: "Cô già nhưng tâm hồn cô trẻ". Nhưng mà học sinh mầm non chỉ thích những gì chúng trông thấy. Vậy làm sao chúng biết tâm hồn cô trẻ để khỏi thích cô Hà?
Cô giáo dạy trẻ mầm non luôn cần nhiều kỹ năng. Ảnh minh họa
Vậy nên hàng ngày các cô đều phải cố gắng ăn mặc thật đẹp, trang trí lớp thật rực rỡ, làm nhiều đồ dùng, trổ hết tài nghệ ra để thu hút sự chú ý của học sinh - mà giữ được sự chú ý của hơn ba mươi trẻ mẫu giáo trong một tiết học 30 đến 35 phút là cả một nghệ thuật. Nghiệp vụ không vững thì đi dạy mầm non đúng là một cực hình.
Quản lí được chừng ấy trẻ không phải là chuyện dễ dàng. Lớp có trẻ ngoan, trẻ bướng, trẻ nhút nhát, trẻ táo bạo, ngỗ nghịch... Có khi cô đang giảng, đang hát, đọc thơ, kể chuyện, trẻ ở dưới đã cào vào mặt nhau, hay đẩy nhau ngã u đầu, cô không kịp trở tay. Phụ huynh đương nhiên là oán trách cô thiếu trách nhiệm, cô cũng không dám thanh minh, chỉ biết xin lỗi phụ huynh. Đành chấp nhận thôi, đi dạy mầm non ai cũng biết là làm dâu trăm họ rồi.
Áp lực của cô giáo mầm non không chỉ đến từ phụ huynh. Trước hết, đó là áp lực từ chính công việc dạy học. Một lớp 30 đến 35 cháu, chỉ có hai cô, mà khi thiếu giáo viên có khi chỉ có một cô đứng lớp. Từ chuyện cho trẻ ăn, ngủ, chơi, vệ sinh, học tập, tất cả đều một tay cô lo lắng. Cô không chỉ có lòng tận tâm là đủ. Cô phải có phương pháp, kỹ năng điều khiển được trẻ, để trẻ nghe lời.
Chỉ giờ ngủ trưa thôi, làm sao để cháu nằm ngay ngắn, yên tĩnh, không nói chuyện, ngủ ngoan là cả một kỹ năng nghề nghiệp mà cô phải nắm được. Cô phải am hiểu tâm lí của từng học trò: trẻ nào nghịch ngợm, trẻ nào nhút nhát, trẻ nào ưa nịnh, trẻ nào thích dỗ dành... Các con mỗi đứa một tính cách, cô phải làm sao điều khiển được hết, rèn thành nền nếp. Đó là năng lực nghề nghiệp, không phải ai cũng làm được.
Có trẻ tiếp thu nhanh, có trẻ tiếp thu chậm, điều đó là đương nhiên. Dạy thế nào để các con đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của mỗi lứa tuổi không phải là chuyện đơn giản. Có trẻ không thể phân biệt được các màu, màu nào cũng gọi là màu cam. Có trẻ dạy mãi không thuộc được một bài hát, một bài thơ nào. Vất vả lắm.
Nói cô giáo mầm non đa tài là chuẩn xác. Cô Ngọc, giáo viên mầm non ở Quỳnh Nhai, Sơn La chia sẻ, ngày trước, cứ tưởng đi dạy mầm non là chỉ múa hát. Nhưng thực ra, nghề này đòi hỏi ở giáo viên rất nhiều kỹ năng. Cô phải múa giỏi, hát hay, giọng nói truyền cảm, cuốn hút. Cô phải có năng khiếu hội họa để dạy các cháu môn tạo hình, phải thành thạo tất cả các môn học. Cô phải khéo tay, tỉ mỉ, kiên nhẫn để làm đồ dùng học tập cho các con. Cô phải thông thạo vi tính, phải biết trình chiếu, tìm tư liệu, cho trẻ chơi trò chơi trên máy vi tính.
Cô giáo mầm non cũng còn phải đa tài nữa. Ảnh minh họa
Cô giáo thì phải soạn bài, đương nhiên rồi. Nhưng cả ngày cô bận rộn cùng các con, nên chỉ soạn bài khi các cháu ăn trưa xong, cô đã lau lớp dọn dẹp xong xuôi, các con đã ngủ ngoan rồi, cô mới có được chút yên tĩnh để soạn bài. Còn không, thì cô bắt buộc phải soạn bài, làm đồ dùng dạy học vào buổi tối - mà dạy mầm non, việc làm đồ dùng dạy học là bắt buộc, dù có những đồ chơi có thể mua ngoài thị trường.
Vậy nên, thời gian giành cho nghề nghiệp của giáo viên mầm non là quá nhiều. Sáng cô phải đến sớm đón cháu, chiều sau khi phụ huynh đón con hết cô mới được về - có những phụ huynh do đặc thù công việc, đón con trễ đến cả giờ, cô cũng phải kiên nhẫn chờ đợi, không dám gửi cháu cho ai, sợ trẻ bị lạc.
Có lẽ khó nhất với cô giáo mầm non, đó là lúc nào cũng phải tươi cười niềm nở, ân cần khi đón trẻ. Nhiều khi người có bệnh, mệt mỏi, nhà có chuyện buồn, con ốm, tiền hết, vợ chồng xích mích... có khi vừa mới khóc xong, mặt còn méo xệch, đến giờ đón trẻ cũng phải tươi cười, sợ phụ huynh không hiểu, lại phản ánh là cô không yêu trẻ, đón cháu mà mặt nặng mày nhẹ.
Làm thế nào để không cáu gắt, mắng mỏ, thậm chí đánh trẻ, khi tâm lý ức chế, bực bội vì chuyện riêng, chuyện trường lớp, chuyện trẻ bướng, trẻ hư... là cực kỳ khó. Vượt lên khỏi những xúc cảm cá nhân để sống với nghề, khó lắm, nhưng cô giáo mầm non phải làm được để đảm bảo yêu cầu của nghề mình đã chọn.
Đi dạy mầm non áp lực nặng nề, nhưng cái được của nghề, đó là các cô luôn được tiếp xúc với những tâm hồn trẻ thơ trong trẻo. Có trẻ học hết năm rồi, nói với cô: con không muốn lên lớp, chỉ muốn học mãi lớp này thôi. Cuối năm, mỗi lần nghe đại diện trẻ lên nói lời hứa với các cô, lời tạm biệt trường mầm non, chia tay đồ chơi, hàng ghế, nghe các con hát bài Tạm biệt búp bê thân yêu là nổi da gà, rơi nước mắt. Những giây phút xúc động ấy làm cho các cô quên hết những vất vả, chỉ còn cảm thấy niềm hạnh phúc tràn ngập trong lòng.
Có những trẻ già giặn, chỉ mới bốn năm tuổi mà biết lo toan, nhà có chuyện gì buồn cũng kể với cô giáo, nhất là chuyện cha mẹ cãi nhau. Khi ấy, cô lại là người bạn tâm tình, an ủi để cho trẻ nhẹ lòng. Có những trẻ gia đình nghèo quá, ăn mặc mong manh mùa đông lạnh, cô lại phải tìm cách chia sẻ để trẻ được mặc ấm đến trường.
Dù vất vả nhưng hạnh phúc của các cô là mỗi ngày được tiếp xúc với tâm hồn trong sáng của các em
Cô Ngọc ấn tượng nhất là những năm dạy ở điểm trường lẻ, cách xa thị trấn. Dù phải đi bộ cả năm, sáu cây số mới đến trường, nhưng đó là những năm dạy học rất vui. Trường có nhiều trẻ người Mông, các con rất mạnh mẽ, tự lập, mạnh dạn, không biết sợ thứ gì, bảo múa là múa, bảo hát là hát, tự ăn uống, tự đi về không cần cha mẹ đưa đón. Có lần chúng còn bắt cả vắt mang vào lớp trêu cô, có những học trò mạnh mẽ như vậy, đôi khi cô giáo cũng hết hồn.
Hồi ấy, cô vừa nhận lớp, liền bỏ cả tháng lương ra mua sách phát cho các con. Có trẻ vừa được phát sách xong là đã xé rồi. Phụ huynh không chịu trả tiền mua sách cho cô. Họ lý luận: Cô giáo bảo con tôi đi học, chứ tôi có tự cho con đi học đâu. Kết quả là tháng ấy cô phải về nhà ăn cơm của mẹ. May mà chưa có gia đình riêng, không thì chẳng biết phải xoay sở thế nào.
Có lẽ lúc vui nhất trong nghề là khi xem các con diễn văn nghệ, nhìn thành quả, công sức của mình trên sân khấu, lòng cô tràn ngập niềm vui, niềm tự hào, hãnh diện vì cái công nấu gạo thành cơm. Các con khỏe mạnh, đẹp đẽ, ngoan ngoãn, đáng yêu, trưởng thành, đều do tay cô vun đắp. Cũng bõ công những ngày vất vả, tận tụy với nghề.
Nguyện vọng của các cô giáo mầm non cũng giản dị, làm sao để lương tăng lên một chút, cho xứng với những vất vả của nghề. Làm sao để đừng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, khiến cho mỗi cô phải đứng một lớp, thay vì hai cô như thường lệ. Làm sao để áp lực thi đua, họp hành, làm đồ dùng, soạn giáo án nhẹ bớt đi, để các cô còn có thời gian chăm lo cho gia đình. Làm sao để các trường mầm non tăng cường quản lý bằng phần mềm, đặc biệt là phần mềm tính khẩu phần ăn cho trẻ, để phần công việc của các cô nhẹ gánh đi một chút. Làm sao để phụ huynh, rộng hơn là toàn xã hội thông cảm hơn với những áp lực nghề nghiệp mà các cô đang phải chịu đựng...!
Người chọn nghề, nhưng nghề cũng chọn người. Những cô giáo xinh tươi, đa tài, tận tụy với nghề, luôn có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, trong bất cứ ngôi trường mầm non nào. Có nhiều vất vả khó nhọc, những chịu đựng, những hy sinh, nhưng vượt lên tất cả là lòng yêu nghề, mến trẻ để các cô có thể sống trọn vẹn với nghề vun đắp những mầm xanh cho đời.
HƯNG LỢI
Theo thegioitiepthi
YouTuber chúng tôi kiệt sức rồi Từ game thủ tài ba đến vlogger làm đẹp nổi tiếng đều đang gặp phải sức ép trong việc sáng tạo nội dung cho nền tảng này. Lần đầu tiên vlogger nổi tiếng Lucy Moon phải gặp bác sĩ trị liệu xin lời khuyên giải tỏa áp lực công việc cũng là lúc cô nằm trong top các YouTuber nổi tiếng nhất. Lượng...