Dân vùng biển, phải bám biển mà sống
“Ngư dân chúng tôi sống ở vùng biển, phải bám biển mà sống chứ không thể rời biển được” – Đó là khẳng định của ngư dân Đà Nẵng với PV Dân trí khi vừa từ những chuyến biển xa trở về.
Trong ngôi nhà ở con hẻm nhỏ thuộc tổ 20B (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), ngư dân Trần Văn Mười (37 tuổi) vừa trở về sau 3 tháng ròng rã lênh đênh trên vùng biển Hoàng Sa cùng 45 bạn hành nghề câu mực. Khuôn mặt anh già dặn hơn cái tuổi 37 bởi như lời anh nói: “Gần 2/3 cuộc đời đã qua, mình gắn bó với nghề của ông nội và bố để lại”.
Anh Trần Văn Mười, chủ chiếc tàu câu mực công suất gần 950CV, là tàu câu mực công suất lớn nhất Đà Nẵng hiện nay
Anh Mười cho biết, sau khi gia đình và các bạn ăn tết xong, giữa tháng Giêng là anh dong tàu ra khơi. Sau gần 3 tháng bám biển, đến ngày 1/5 vừa qua tàu của anh mới trở về. “Chuyến biển vừa qua cả tàu câu được 41 tấn mực khô nhưng giá thấp quá nên cũng không kiếm được bao nhiêu”, anh Mười tâm sự.
Con tàu câu mực gần 950CV, theo lời anh Mười, là tàu câu mực có công suất máy lớn nhất Đà Nẵng hiện nay. Mỗi năm anh thực hiện 3 chuyến đi biển, mỗi chuyến kéo dài 3 tháng, trong đó có 2 chuyến câu mực ở vùng biển Hoàng Sa và 1 chuyến câu ở ngư trường Trường Sa. Nếu được mùa, được giá thì bạn tàu cũng kiếm được mà chủ tàu cũng dư dả chút ít. Nhưng nếu gặp rủi ro thì coi như mất trắng.
Kết quả sau những chuyến tàu ra khơi xa
Theo tính toán của anh Mười, mỗi chuyến biển tổng phí tổn khoảng 700 triệu đồng, trong đó gần 500 triệu tiền nhiên liệu, còn lại là gạo, nước, gas và thực phẩm khác. Nếu vì lý do nào đó đang đánh bắt giữa chừng mà phải bỏ dở chạy vào bờ thì coi như chuyến biển đó mất trắng; nên bằng mọi giá “đã bước lên tàu rồi là xác định 3 tháng sau mới trở về nhà, dù ở nhà có chuyện gì chăng nữa”, anh Mười ngậm ngùi nói.
Làm biển khổ trăm bề, nhưng theo anh Mười thì nghề câu mực của anh đã được ông nội rồi bố anh để lại, giờ không theo nghề thì không biết làm nghề gì khác. Bởi vậy, sống chết cũng phải bám biển.
Sau khi bán cá, ngư dân lại chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi mới
Video đang HOT
Theo như lời anh Mười, chuyến biển vừa qua cả tàu anh câu được 41 tấn mực, giá mực hiện nay khoảng 60 ngàn đồng/kg, tổng thu nhập gần 2,5 tỉ đồng, chia ra cho 45 bạn tàu sau khi đã trích từ 15-20% phí tổn cho chủ tàu, mỗi bạn cũng được trên 30 triệu đồng. “Nhìn thấy số tiền thu nhập của bạn thấy lớn nhưng so ra cũng không là bao vì cả chừng đó con người phải ở trên biển ròng rã 3 tháng trời”, anh Mười nói.
Năm 2012, anh Mười vay mượn số tiền 3,8 tỉ đồng để đóng con tàu công suất lớn này. Nhiều người nói anh “bị khùng” bởi với số tiền đó gửi ngân hàng mỗi tháng cũng kiếm được mấy chục triệu sống khỏe re. Nhưng với suy nghĩ của con nhà biển, anh quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là đóng tàu lớn để làm chủ biển cả. Theo suy nghĩ của anh: “Không phải chỉ cho gia đình mình mà cả mấy chục lao động khác sống chết với gia đình mấy chục năm nay. Vậy là ước mơ của tôi đã thỏa mãn, giờ tôi chỉ trông cho trời yên biển lặng, trông cho gặp được nhiều mực để câu cho sướng”.
Nhấp chén trà với khách, anh Mười tâm sự: Biển ngày càng cạn kiệt nhưng hiện Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ ngư dâm bám biển dài ngày nên cũng đỡ phần nào. Mặc khác, hiện nay máy móc, thiết bị cũng hiện đại và sự hỗ trợ của lực lượng chức năng nên ngư dân cũng yên tâm bám biển. Nếu không chắc ngư dân bỏ nghề hết”.
Còn với lão ngư Mai Đăng Nhiều (52 tuổi, trú tổ 33, phường An Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng), ông cũng đã có 3/4 cuộc đời với nghề biển. Sau nhiều năm bám biển, hiện ông đã mua được tàu công suất lớn với 455 CV để đánh bắt dài ngày trên biển với nghề câu cá ngừ đại dương và chụp mực khơi. Cũng vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về, ông đang lo sửa sang lại ngư lưới cụ, tàu và nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục dong tàu ra khơi.
Ông tâm sự: “Với nghề biển, không ai có thể nói mình trở thành tỉ phú cả nhưng mấy đời nay ông cha vẫn sống tốt với nghề thì nay cũng vậy, hiện nay dù có khó khăn nhưng nghề biển vẫn sống tốt. Cả mấy đời ông cha ta sống với nghề biển, dân biển mà không bám biển thì không biết làm gì, nhờ biển mà mình có tất cả”.
Lão ngư Mai Đăng Nhiều đã có 3/4 cuộc đời với biển. Ông cho rằng dân vùng biển phải bám biển mà sống
Trao đổi với PV Dân trí về việc hỗ trợ ngư dân hiện nay từ Hội Nghề cá Đà Nẵng, ông Nguyễn Lại – Chánh Văn phòng kiêm Tổng thư ký hội – cho biết, Hội hiện nay là cầu nối giữa ngư dân với Nhà nước và ngược lại. Hội là nơi để những chủ trương chính sách của Nhà nước đến với ngư dân một cách nhanh nhất. Hội cũng là nơi ngư dân tin cậy, gửi gắm những nguyện vọng chính đáng của mình.
Về tình hình hiện nay, ông Lại cho biết Hội đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân thực hiện khai thác hải sản trên biển theo đúng chủ trương của Nhà nước, qua đó ngư dân cũng là một lực lượng quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Công Bính
Theo Dantri
Bộn bề khó khăn, ngư dân vẫn quyết vươn khơi, bám biển
Mặc dù những chuyến ra khơi gần đây luôn bị tàu Trung Quốc xua đuổi, cản trở, trong khi đó giá cá lại liên tục bị rớt giá nhưng các ngư dân Đà Nẵng vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển.
Vừa trở về sau chuyến đánh bắt ngoài vùng biển Hoàng Sa, anh Đoàn Ngọc Minh Thành (sinh năm 1975), thuyền trưởng thuyền ĐNA - 90369 cho biết, tàu anh đánh lưới vây chủ yếu là cá thu, cá ngừ với 13 lao động. Ngư trường đánh bắt chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa. Chuyến ra khơi vừa rồi, tàu xuất bến ngày 18/3 và vừa cập cảng cách đây mấy ngày.
Nếu như các năm trước, từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, tàu đi được 3- 4 chuyến, mỗi thuyền viên thu nhập được 30-40 triệu đồng nhưng năm nay chưa có đồng nào hết. Nguyên nhân là do cá đánh không được bao nhiêu mà giá lại thấp hơn so với các năm. Nếu như không có Nhà nước hỗ trợ dầu thì tàu đã phá sản lâu rồi.
Ngư dân đang vá lại lưới chuẩn bị vươn khơi
Anh Thành cũng cho biết, trong chuyến đánh bắt vừa rồi, tàu anh liên tục bị tàu Trung Quốc chặn đường, xua đuổi không cho tàu đi ra. "Đảo thì đảo của mình chứ không phải của họ mà cứ không ưng là họ xua đuổi", anh Thành bức xúc.
Cũng theo anh Thành, tàu của anh chưa từng bị tàu Trung Quốc tấn công nhưng tàu của bạn bè thì bị nhiều. Chúng thu I-com định vị, cắt đường ống lặn, đồ làm nghề của các tàu. Mỗi lần bị như thế các tàu đều báo cho nhau để biết đường mà tránh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng anh Thành cho biết, tàu anh vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Anh Thành trên chiếc tàu của mình sau chuyến đánh bắt ngoài Hoàng Sa trở về
Nhìn ra phía con tàu đang neo đậu trên sông Hàn, anh Nguyễn Vũ, máy trường tàu ĐNA-90242 cho biết, tàu anh vừa cập bờ cách đây 4 ngày sau chuyến đánh bắt ngoài Hoàng Sa trở về. Chuyến vừa rồi tàu anh lỗ trắng vì không có cá trong khi đó đời sống của các ngư dân trên tàu hầu như đều khó khăn.
Anh Vũ cho biết, dù tình hình khó khăn nhưng các ngư dân vẫn quyết tâm bám biển
Theo anh Vũ, năm trước tàu anh cũng từng bị tàu Trung Quốc tấn công nhưng năm nay thì chưa bởi bố anh là ông Nguyễn Hiền (chủ tàu) là người có kinh nghiệm 40 năm bám biển nên biết cách xử lý, né tránh tàu Trung Quốc. Tuy tình hình hiện nay đang khó khăn nhưng các ngư dân trên tàu vẫn quyến bám biển, có người còn xung phong ra tận "điểm nóng" nữa.
Nói về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, cả anh Vũ và anh Thành đều cho biết, dù chúng có làm gì đi nữa thì các ngư dân vẫn không sợ. "Sợ thì làm sao mà đi được. Chúng tôi đều đăng ký cả rồi. Chỉ còn chờ lệnh là đi thôi", anh Vũ nói.
Sản lượng cá ít, cá lại rớt giá, thời điểm nay năm ngoái mỗi kilogam cá ngừ tàu bán ra được 35.000 đồng; nhưng năm nay, cũng loại cá này cao nhất chỉ được 17.000 - 18.000 đồng/kg. Lại thêm các tàu Trung Quốc ngang nhiên xua đuổi khi ngư dân Việt Nam đang đánh bắt ngay trên ngư trường truyền thống của mình. Ông Hồ Ngọc Thạnh, chủ tàu ĐNA - 90316, thường trú tại Quận Thanh Khê (Đà Nẵng) kể: "Có lúc tàu mình đang thả lưới vây thì họ tới cản phá, xua đuổi. Mà nghề của mình là nghề lưới vây, thả lưới sâu và rộng, nếu không kịp thu lưới thì họ phá lưới. Cả dàn lưới và các ngư cụ đến 600 - 700 triệu đồng mà bị phá hư là coi như mất tài sản mà chuyến biển đó coi như bỏ luôn".
"Dù trong tình huống nào, chúng tôi vẫn quyết bám biển . Miếng cơm manh áo của ngư dân mình mà", anh Hải nói.
Bộn bề khó khăn, thế nhưng các tàu cá ở Đà Nẵng vẫn kiên trì bám biển vươn khơi, càng quyết bám biển bám ngư trường truyền thống trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay. Vừa trở về sau chuyến đi biển hơn nửa tháng nay, anh Nguyễn Đình Hải (con ông Nguyễn Đình Chơi), thuyền trưởng tàu ĐNA - 90215 cho biết chủ tàu và những người đi bạn vẫn sẵn sàng tiếp tục vươn khơi ở vùng "điểm nóng" Hoàng Sa. Thuyền trưởng tàu cá 280 CV với hàng chục người "đi bạn" (ngư dân theo đánh cá thuê cho chủ tàu) nói: "Dù trong tình huống nào, chúng tôi vẫn quyết bám biển . Biển của mình, ngư trường của mình càng những lúc này càng phải quyết giữ chứ. Miếng cơm manh áo của ngư dân mình mà".
Trao đổi với PV Dân trí, ngư dân Từ Văn Ry (37 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng, chủ tàu cá ĐNA 90289 có công suất 380 CV) cho biết, cũng vừa từ vùng biển Hoàng Sa về. Dù được cá nhưng giá bán lại quá thấp nên các bạn và mình cũng bị lỗ nặng. Anh cho biết, chuyến biển vừa qua anh mình đánh được 14 tấn cá các loại nhưng bán chỉ được gần 130 triệu, trừ phí tổn còn lại chia cho mỗi bạn được vài triệu đồng. So ra với chuyến biển kéo dài gần 1 tháng mà thu nhập như thế thì quá ít.
"Nghề biển ngày càng khó khăn đủ thứ, được mùa cá thì mất giá, giá nhiêu liệu, thực phẩm cũng tăng liên tục nên ngư dân cũng khó khăn. Tuy nhiên, ngư dân mà không bám biển thì cũng không biết làm gì để sống, nên dù có khó khăn đến mấy thì chúng tôi cũng phải bám ngư trường, vừa đánh bắt vừa bảo vệ vùng biển chủ quyền của mình", anh Ry tâm sự.
Theo anh Ry, ngư dân muốn vươn khơi bám biển dài ngày thì phải đầu tư tàu có công suất lớn, trang bị kỹ thuật hiện đại thì mới giữ được bạn tàu, giữ được nghề của cha ông để lại. Đó cũng là kinh tế của gia đình mỗi ngư dân. Thu nhập từ biển ổn định thì chắc chắn ngư dân sẽ gắn bó lâu dài với biển của mình.
"Nghề biển ngày càng khó khăn đủ thứ. Tuy nhiên, ngư dân mà không bám biển thì cũng không biết làm gì để sống", anh Ry nói.
Ông Nguyễn Lại - Chánh Văn phòng kiêm Tổng thư ký hội - cho biết, Hội hiện nay là cầu nối giữa ngư dân với Nhà nước và ngược lại. Hội là nơi để những chủ trương chính sách của Nhà nước đến với ngư dân một cách nhanh nhất. Hội cũng là nơi ngư dân tin cậy, gửi gắm những nguyện vọng chính đáng của mình.
Về tình hình hiện nay, ông Lại cho biết Hội đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân thực hiện khai thác hải sản trên biển theo đúng chủ trương của Nhà nước, qua đó ngư dân cũng là một lực lượng quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
K.Hồng - K.Hiền - C.Bính
Theo dantri
Nhật có thể sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ cuối tháng 6.2014 đến đầu tháng 7.20714 nhằm xúc tiến tăng cường hợp tác song phương trong việc đảm bảo an ninh hàng hải tại biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: Reuters Ông Kishida sẽ hội kiến Phó thủ tướng kiêm Bộ...