Đàn voi rừng kéo về rẫy phá vườn, tìm nước uống, dân sợ chết khiếp
Gần đây, đàn voi rừng thường xuyên kéo về xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) phá hoa màu, nhà cửa của nhiều người dân. Đàn voi ngày càng dạn, có khi 18 giờ đã ra và 8 giờ sáng hôm sau mới về lại rừng khiến người dân rất lo lắng.
Hàng rào điện tử xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) sẽ làm nối tiếp thêm 20km qua xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Ảnh: H. Giang
Theo các hộ dân ở một số ấp của xã Thanh Sơn, từ năm 2018, đàn voi rừng bắt đầu xuất hiện trong rẫy của người dân. Khi ấy, đàn voi chỉ ra 1-2 lần/tuần, sau đó tăng dần lên. Từ đầu năm 2020 đến nay, đàn voi xuất hiện mỗi đêm, ngoài phá phách hoa màu, những căn nhà lá còn bị voi vào lục đồ đạc để tìm nông sản và nước uống.
Thấp thỏm sợ voi phá phách
Hơn 2 tháng nay, cứ gần 18 giờ là người dân ở ấp 5, xã Thanh Sơn đều vội vã trở về nhà, không dám nán lại trong rẫy để làm việc tiếp vì lo đàn voi ra không kịp lánh, sẽ gặp nguy hiểm. Tuy chưa xảy ra vụ nào voi làm người dân nơi này bị thương, nhưng hoa màu bị thiệt hại rất lớn.
Trước đây, thường 22-23 giờ voi mới ra và 4-5 giờ sáng sẽ trở về rừng, song hiện nay voi thường ra khá sớm. Mỗi lần đàn voi ào ào kéo qua, người dân sợ “chết khiếp”, chỉ còn cách rút vào trong nhà khóa chặt cửa.
Bà Huỳnh Thị Cúc ở tổ 7, ấp 5, xã Thanh Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3,5ha xoài đang thời kỳ cho trái. Năm 2019, voi rừng ra ăn, phá hết hơn 10 tấn xoài và quất đổ nhiều cây xoài. Từ đầu năm đến nay, voi xuất hiện hằng đêm làm thiệt hại gần 4 tấn xoài và 400m đường ống tưới tiết kiệm trong vườn xoài. Tôi đã phải thay lại đường ống mới, nhưng lại bị voi về đạp hỏng tiếp”.
Theo bà Cúc, mỗi lần voi kéo về đạp nát đường ống bà phải thay ống mới lại mất gần 10 triệu đồng. Ngoài ra, hàng chục cây xoài đang trĩu trái bị đạp đổ. Bên cạnh đó, nỗi bất an lớn nhất của bà Cúc là trong nhà có 4 cháu nhỏ và mẹ già, chỉ sợ một ngày nào đó voi xuất hiện, giận dữ truy đuổi người.
Bà Lưu Thị Khá, ấp 5, xã Thanh Sơn kể: “Tôi 80 tuổi, sống ở đây gần 60 năm, nhưng chưa khi nào thấy voi rừng về dạn dĩ như vậy. Chúng đi theo tốp 3-4 con, căn nhà lá của tôi đã bị voi vào lục lọi đồ ăn và húc đổ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Hiện tôi phải chuyển qua sống tạm nhà cháu. Tôi già rồi không sao, nhưng lo nhất là các cháu nhỏ, chỉ sợ voi về vào ban ngày, ba mẹ chúng đi làm xa thì trở tay không kịp”.
Voi về phá phách hằng ngày nên nhiều hộ dân ở xã Thanh Sơn đành bỏ ruộng hoang vì trồng rau màu, trồng bắp cũng khó thu hoạch.
Mong sớm có hàng rào điện tử
Theo UBND xã Thanh Sơn, hơn 2 năm nay xã thường xuyên kiến nghị huyện, tỉnh sớm xây dựng hàng rào điện tử ngăn voi kéo vào rẫy, nhà người dân. Tuy nhiên, đến nay hàng rào vẫn chưa được xây dựng, xã rất lo lắng cho an nguy của nhiều người dân tại khu vực này.
Vườn xoài của bà Huỳnh Thị Cúc, ấp 5, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) bị voi về ăn trái, quật đổ cây. Ảnh: H. Giang
Phó Chủ tịch UBND H.Định Quán Nguyễn Tấn Tài cho hay: “Năm 2018, đàn voi rừng gây thiệt hại cho khoảng 85 hộ dân ở xã Thanh Sơn và huyện đã tiến hành hỗ trợ gần 800 triệu đồng cho các hộ. Hiện nay, huyện đang thống kê thiệt hại năm 2019 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân”.
Ông Tài còn cho biết thêm, dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh giai đoạn 2014-2020 đã được phê duyệt tiếp hạng mục làm hàng rào điện tử ở khu vực xã Thanh Sơn. Do đó, huyện đề xuất tỉnh sớm tiến hành thi công để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Liên quan đến dự án Khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ngô Văn Vinh nói: “UBND tỉnh dự tính bố trí gần 30 tỷ đồng để triển khai tiếp 20km hàng rào điện tử ở khu vực xã Thanh Sơn nhằm hạn chế xung đột giữa voi và người. Dự án đang trong quá trình hoàn thành thủ tục đầu tư và chọn lọc nhà thầu, dự kiến cuối năm 2020 sẽ tiến hành thi công, khả năng đến giữa hoặc cuối năm 2021 hoàn thành”.
Có được hàng rào điện tử ngăn voi ra xung đột với người ở xã Thanh Sơn là niềm mong mỏi của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Mới đây, trong đợt giám sát về công tác bảo vệ, quản lý rừng tại hai huyện Định Quán, Tân Phú, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã nhấn mạnh: “Voi rừng đang đe dọa an nguy của hàng trăm hộ dân tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) nên Chi cục Kiểm lâm tỉnh là chủ đầu tư dự án phải liên hệ với các sở, ngành nhanh hoàn thành thủ tục, để khẩn trương thi công hàng rào điện tử. Vì dự án kéo dài thì tài sản của người dân sẽ bị thiệt hại nhiều hơn và tính mạng cũng cận kề với nguy hiểm”.
Mục tiêu hoàn thành 20km hệ thống hàng rào điện tử nối tiếp hàng rào điện tử ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Năm 2020, nguồn vốn bố trí là hơn 10 tỷ đồng, kinh phí còn lại sẽ được bố trí năm 2021. Thời gian thực hiện dự án tối đa là 3 năm kể từ khi bố trí vốn thực hiện.
Theo Hương Giang (Báo Đồng Nai)
Hai vợ chồng về từ Ý 'lọt kiểm dịch' qua sân bay Tân Sơn Nhất?
Hai vợ chồng đi du lịch từ Milan (Ý) sau khi kiểm dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất về sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM), người dân phát hiện báo chính quyền địa phương đưa đi cách ly.
Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt hành khách sau khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: Độc Lập
Cách ly 2 vợ chồng có đi qua Milan, Ý
Chiều 10.3, đại diện Trung tâm Y tế Q.Tân Phú cho biết đã đưa cặp vợ chồng sinh sống tại chung cư Khang Gia Tân Hương (phường Tân Quý) vào khu cách ly tập trung của quận do lịch trình của 2 người này có đi qua Milan (Ý) dù đã được kiểm dịch ở sân bay.
Người thứ 34 dương tính với covid-19 là một phụ nữ từng đến Mỹ, Hàn Quốc
Qua xác minh, cơ quan chức năng cho biết trước khi nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, hai vợ chồng này xuất phát từ Milan, quá cảnh tại Dubai (các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất).
Theo quy định, những người về từ vùng dịch buộc phải cách ly 14 ngày nhưng không hiểu vì sao 2 vợ chồng này vẫn lọt qua khâu kiểm dịch của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM để về chung cư vào tối 9.3.
Ngoài việc cách ly tập trung 2 vợ chồng, Trung tâm Y tế Q.Tân Phú cũng yêu cầu những người tiếp xúc với 2 người này tự cách ly tại nơi ở.
Nhân viên y tế kiểm tra tại tầng hầm chung cư Ảnh: C.T.V.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương, thông tin người dân ở chung cư biết được vợ chồng này đi thăm bà con ở Ý từ trước. Đến sáng 10.3, vợ chồng này xuất hiện ở chung cư nên người dân khá bất ngờ và thông báo ngay cho lực lượng chức năng.
Đến 10 giờ cùng ngày, Trung tâm y tế Q.Tân Phú và công an phường Tân Quý đã đến chung cư đưa 2 người này đi cách ly tập trung. Ngay sau đó, nhân viên y tế đã phun thuốc khử trung khu vực tầng hầm, thang máy, hành lang và vành đai quanh chung cư.
Dù sức khỏe 2 vợ chồng bình thường nhưng người dân khá lo lắng bởi diễn biến dịch bệnh vẫn khá phức tạp và nghi ngờ khâu kiểm dịch y tế ở sân bay đã bỏ lọt người về từ quốc gia có dịch bệnh.
Ban quản lý chung cư Khang Gia Tân Hương phun thuốc khử trùng sau khi 2 vợ chồng trở về từ TP Milan (Ý) sinh sống ở chung cư Ảnh: C.T.V.
Khuyến cáo 2 người Trung Quốc tự cách ly
Cũng tại Q.Tân Phú, người dân ở chung cư Oriental (phường Tân Thành) cũng trải qua một ngày bất an khi phát hiện 2 người Trung Quốc sinh sống trong chung cư. Hai người này khai báo quê quán ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), trước khi qua Việt Nam đã có 14 ngày cư trú tại Campuchia. Sau khi kiểm tra sức khỏe cho kết quả bình thường, nhân viên y tế khuyến cáo 2 người này tự cách ly trong phòng 14 ngày, ban quản lý hỗ trợ mua các đồ dùng cần thiết trong thời gian trên.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế xem xét tình huống người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam qua nước trung gian để có biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Những hành khách này đều có thời gian rời khỏi Trung Quốc 14 ngày nên không thuộc diện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM không thể kiểm tra những người này có được cách ly đúng quy định tại các nước trung gian, hoặc có tiếp xúc với hành khách khác vừa rời khỏi Trung Quốc, Hàn Quốc...
Theo thanhnien.vn
Ngày cuối năm ở nơi làm móng, khám răng cho con vật khổng lồ Jun nặng hơn 1 tấn, còn Gold được gần 8 tạ nhưng cả hai chú đều là trẻ con. Do vậy trước và trong Tết Canh Tý này, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk vẫn cắt cử nhân viên túc trực chăm sóc, huấn luyện, thuê voi bảo mẫu mẫu về dạy cho hai chú. "Từ rừng già chú đến với người..."...