Dân Việt phỏng vấn độc quyền đại diện WHO tại Việt Nam về virus Corona
“Dường như 2019-nCoV lây chủ yếu khi có tiếp xúc gần giữa người với người, thông qua đường thở – những dịch bắn (tạo ra khi có người ho hoặc hắt xì hơi hoặc trong quá trình chăm sóc y tế) và những bề mặt bị nhiễm virus (người bị mắc bệnh cùng dùng chung cốc với người khác).
Đây là lý do vì sao chúng tôi khuyến nghị cần phải giữ vệ sinh tay và đường hô hấp…”, người đứng đầu Văn phòng WHO tại Việt Nam- TS TS. Kidong Park cho biết khi trả lời phỏng vấn báo điện tử Dân Việt.
LTS: Với số ca nhiễm và tử vong mới do virus corona được tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thông báo, tính đến sáng nay 7/2, toàn thế giới có ít nhất 635 ca tử vong và 30.850 ca nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/2 cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định dịch bệnh tại Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm sau khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong ngày 5/2.
Để bạn đọc có thêm những thông tin chính xác, hữu ích, phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn độc quyền TS. Kidong Park (ảnh), Trưởng Đại diện, Văn phòng WHO tại Việt Nam.
Khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cảnh giác
PV: Thưa ông, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bùng phát dịch do chủng mới của virus Corona bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc là Sự kiện Y tế Công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC). Việc này có ý nghĩa trên thực tế như thế nào?
Ngày 31 Tháng 12 năm 2019, Chính phủ Trung Quốc báo cáo về một loạt trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Một loại virus Corona mới được phát hiện và đặt tên là 2019-nCoV. Kể từ đó, đã có thêm các trường hợp bệnh được báo cáo từ các địa phương khác ở Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác. Ngày 30 tháng 1 năm 2020, Tổng Giám Đốc WHO đã tuyên bố việc bùng phát dịch 2019-nCoV đã đủ điều kiện để công bố một Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).
Như định nghĩa trong Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) (2005), PHEIC là một sự kiện nghiêm trọng, bất thường tạo ra nguy cơ về y tế công cộng cho các quốc gia khác do lây lan toàn cầu và có khả năng cần ứng phó ở cấp độ quốc tế và có điều phối.
Việc tuyên bố PHEIC không phản ánh tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc hoặc việc Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh. Mặc dù hiện nay số ca mắc bệnh ở các quốc gia khác còn tương đối nhỏ tuy nhiên chúng ta thấy con số ngày đang gia tăng và có bằng chứng về việc lây bệnh từ người sang người. Tuyên bố PHEIC là do khả năng lây lan toàn cầu và tác động của dịch bệnh lên các quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển.
PV: WHO sẽ có các biện pháp khẩn cấp nào? Các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc phải làm gì để ngăn chặn virus Corona lây lan, thưa ông?
Video đang HOT
Tuyên bố PHEIC đưa ra thông điệp rõ ràng cho tất cả các quốc gia cần phải chuẩn bị cho trường hợp bệnh lây đến nước mình và cả cho trường hợp bệnh tiếp tục lan truyền trong cộng đồng. WHO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nguồn lực hạn chế để chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra.
Đối với các quốc gia đã có hệ thống ứng phó tình huống khẩn cấp – trong đó có Việt Nam – WHO khuyến nghị tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị kiểm soát 2019-nCoV bao gồm phát hiện sớm, cách ly và quản lý ca bệnh thông qua các biện pháp phòng chống lây nhiễm phù hợp, tăng cường giám sát và chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch với công đồng quốc tế theo quy định của Điều lệ y tế Quốc tế (2005).
Đối với Trung Quốc, WHO khuyến nghị Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn bùng phát dịch; áp dụng các biện pháp kiểm dịch tại sân bay và cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các hành khách có biểu hiện lâm sàng để khám và điều trị trong khi vẫn hạn chế ảnh hưởng đến thông thương quốc tế; chia sẻ thông tin về các ca mắc bệnh; và hợp tác với WHO và các đối tác tiến hành điều tra để hiểu rõ các yếu tố dịch tễ và quá trình tiến triển của dịch bệnh song song với các biện pháp kiểm soát dịch.
Hiểu biết của chúng ta về virus Corona sẽ thay đổi liên tục
PV: Thưa ông, hiện nay nhiều người dân Việt Nam rất quan tâm đến những thông tin như: Người bị nhiễm 2019-nCoV có nghiêm trọng không? Các triệu chứng của bệnh là gì? Bệnh lây nhiễm như thế nào?, xin ông chia sẻ thêm về những thông tin cần thiết này.
Thông tin hiện nay cho thấy nhiều trường hợp có các biểu hiện từ nhẹ như các triệu chứng giống cúm cho đến các trường hợp nặng. Người bệnh có thể có nhiều loại triệu chứng. Đa số có biểu hiện nhẹ, một vài trường hợp tiến triển nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Báo cáo từ Trung Quốc cho thấy khoảng 2% người bị bệnh tử vong. Tuy nhiên khó có được tỷ lệ chính xác do mẫu sỗ (tỷ lệ mắc) chưa tính được hết.
Dựa trên những thông tin hiện có và kinh nghiệm với các virus corona khác (như MERS và SARS), dường như 2019-nCoV lây chủ yếu khi có tiếp xúc gần giữa người với người, thông qua đường thở – những dịch bắn (tạo ra khi có người ho hoặc hắt xì hơi hoặc trong quá trình chăm sóc y tế) và những bề mặt bị nhiễm virus (người bị mắc bệnh cùng dùng chung cốc với người khác). Đây là lý do vì sao chúng tôi khuyến nghị cần phải giữ vệ sinh tay và đường hô hấp. Tuy nhiên cần phải điều tra và phân tích các số liệu dịch tế nhiều hơn nữa mới có thể hiểu hết được cách thức lây truyền.
Đây là một bệnh mới và hiểu biết của chúng ta sẽ thay đổi liên tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thông tin về các ca bệnh hiện nay và các ca mắc mới để có hiểu biết đầy đủ về mức độ nghiêm trọng và hình thức lây lan của bệnh.
PV: Với thông tin hạn chế mà chúng ta có về loại virus Corona chủng mới này, làm thế nào để giảm được nguy cơ mắc bệnh, thưa ông?
Mặc dù còn nhiều điều chúng ta chưa biết về virus này tuy nhiên chúng ta đã biết có thể bảo vệ bản thân bằng những biện pháp đơn giản như rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch cồn rửa tay. Mọi người có thể dễ dàng giúp ngăn truyền virus bằng cách che miệng và mũi bằng khan hoặc ống tay áo hoặc gập khuỷu tay che khi ho hoặc hắt xì hơi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo danviet.vn
Virus Corona: Thế giới cùng trực chiến với Trung Quốc
Mọi thành viên Liên Hiệp Quốc phải tuân thủ hướng dẫn của WHO và có biện pháp hỗ trợ phòng, chống và kiểm soát dịch.
Trong cuộc họp báo sáng 31-1 ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố sự bùng phát virus Corona (2019-nCoV) từ Trung Quốc (TQ) là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) sau nhiều lần trì hoãn. Động thái này của WHO diễn ra khi tính đến hết ngày 31-1, TQ có 213 người chết và gần 10.000 ca nhiễm, tờ South China Morning Post dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia TQ.
Bản thân WHO dù tuyên bố PHEIC nhưng vẫn khen ngợi nỗ lực chống dịch của TQ, trong đó có việc nước này nhanh chóng nhận dạng virus và "cởi mở trong chia sẻ thông tin với WHO và các nước khác".Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, khẳng định tuyên bố này không có nghĩa WHO không tin tưởng TQ, mà là khả năng virus này lan đến các nước có hệ thống y tế yếu kém hơn.
Thông qua tuyên bố, WHO sẽ đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho các nước trong việc chống dịch bệnh, kể cả tránh các hoạt động thương mại và du lịch không cần thiết nhằm ngăn chặn, kéo giảm tình trạng lây nhiễm xuyên biên giới.
Hiểu tuyên bố PHEIC của WHO như thế nào?
PHEIC là một tuyên bố chính thức của WHO về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang quy mô toàn thế giới. Tuyên bố này chỉ dành cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động. Mọi thành viên Liên Hiệp Quốc đều bắt buộc phải tuân thủ PHEIC và có biện pháp hỗ trợ trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch.
Dù vậy, việc WHO tuyên bố PHEIC không đồng nghĩa với việc các nước khác bắt buộc phải ban hành hạn chế du lịch hay đóng cửa biên giới với TQ. Đài CNN cho biết những biện pháp này không có tác dụng trong ngăn chặn đại dịch lan truyền nhưng lại khiến nền kinh tế của nước bị hạn chế thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, theo CNN, "TQ hiện cần mọi sự hỗ trợ tài chính để chống lại virus Corona". Trong đợt bùng phát đầu tiên hồi năm 2014 của dịch Ebola ở Tây Phi, các nước trung tâm ổ dịch như Guinea, Liberia và Sierra Leone thiệt hại gần 2 tỉ USD do bị nhiều nước khác đóng cửa biên giới.
Hai trẻ em Trung Quốc mang khẩu trang và đội đồ bảo hộ làm từ chai tái chế đang làm thủ tục ở sân bay quốc tế Bắc Kinh hôm 30-1. Ảnh: AFP
Việc tuyên bố PHEIC cũng tăng thêm mức độ cấp bách cho bất kỳ đề nghị hỗ trợ kinh phí nào của WHO. Hiện các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất - TQ, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam - vẫn đủ khả năng tự chi trả cho cuộc chiến chống lại virus Corona. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Congo là trường hợp điển hình việc một nước không đủ khả năng đối phó đại dịch quy mô lớn. Nước này đã phải viện đến một lượng lớn kinh phí từ cộng đồng quốc tế hỗ trợ để đẩy lùi dịch Ebola.
Với những ích lợi trên, động thái tuyên bố PHEIC của WHO nhận được nhiều sự ủng hộ. Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu (Thụy Sĩ), ông Antoine Flahault, cho rằng sở dĩ WHO tuyên bố PHEIC "vì tình trạng lây lan virus Corona từ người sang người diễn ra cả ở bên ngoài TQ, được coi là chuỗi truyền bệnh kéo dài". Để đi đến tuyên bố này, WHO đã có sự cân nhắc và đánh giá về phương diện chính trị. Ông cũng cho rằng nên nhìn nhận PHEIC là một tín hiệu cho thấy căn bệnh này đã vượt ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia và đã đến lúc cả thế giới phải vào cuộc.
Trong khi đó, theo chuyên gia Imogen Page-Jarrett thuộc tập đoàn tư vấn rủi ro Economist Intelligence Unit chi nhánh TQ, so với tác động của việc WHO tuyên bố PHEIC thì còn nhiều điều tồi tệ hơn như dịch bệnh lan rộng thêm, số người thương vong tăng cao hơn, cũng như số phận ngặt nghèo của những người còn kẹt lại ở Vũ Hán. Do đó, tuyên bố PHEIC sẽ thúc đẩy các quốc gia xung quanh có những động thái mạnh mẽ hơn nữa nhằm đem lại kết quả khả quan hơn.
16 triệu USD đã được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản TQ phân bổ để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh do virus Corona gây ra. Tiền sẽ được hỗ trợ cho các cấp chính quyền các địa phương để mua thuốc và các tài nguyên khác nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch.
Phản ứng của Bắc Kinh
Phát biểu sau khi WHO ban hành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan này và các nước khác để duy trì an ninh sức khỏe công cộng khu vực và toàn cầu.
"Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ TQ đã và đang triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa nghiêm ngặt và toàn diện nhất, với tinh thần trách nhiệm cao vì sức khỏe của người dân. Chúng tôi tự tin vào khả năng chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này" - bà Hoa khẳng định.
Ở trung tâm vùng dịch Vũ Hán, các nhân viên y tế ở đây đang phải chạy đua với thời gian trong nỗ lực điều trị các bệnh nhân ở đây. Tân Hoa Xã khẳng định suốt tuần qua, việc đi ngủ lúc 2 giờ và thức dậy lúc 4 giờ sáng đã trở thành thói quen hằng ngày của nhiều bác sĩ các bệnh viện trong TP.
"Chúng tôi đã cử những nhân viên tốt nhất từ các bộ phận y tế khác nhau. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Trong đó có nhiều người từng tham gia các chiến dịch lớn, chẳng hạn như cuộc chiến chống SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và cuộc chiến chống lại dịch Ebola (sốt xuất huyết) ở châu Phi cũng như các nhiệm vụ cứu hộ động đất" - Hiệu trưởng ĐH Y Không quân Zhou Xianzhi cho biết.
Hiện các công nhân xây dựng cũng đang gấp rút hoàn thành hai bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh. Hai cơ sở này dự tính sẽ đi vào hoạt động lần lượt vào ngày 3-2 và 5-2 tới. Các bệnh viện này bao gồm 1.600 giường bệnh, nhiều hơn 300 giường so với thiết kế trước đó do số bệnh nhân địa phương tăng lên. Khuôn viên bệnh viện cũng có thể mở rộng tới 60.000 m2 và đủ không gian làm việc cho hơn 2.000 nhân viên y tế.
Ngoài Đức, Nhật và Việt Nam, tình trạng nhiễm từ người qua người đã xuất hiện thêm ở Mỹ và Thái Lan. Ấn Độ, Philippines, Anh, Nga đã có ca nhiễm. Nga khuyến cáo người dân mang khẩu trang, hạn chế bắt tay, ôm, hôn trong thời điểm có dịch. Nga cũng đóng cửa biên giới với TQ và ngưng cấp visa cho du khách TQ.
Nhật, Singapore cấm người từng đến Vũ Hán trong hai tuần qua nhập cảnh. Bộ Y tế Iran đề nghị chính phủ nước này không cho công dân TQ nhập cảnh.
TQ đưa máy bay sang Thái Lan, Malaysia đưa công dân Vũ Hán về nước. Các công dân này rời Vũ Hán trước khi TP này có lệnh phong tỏa và không thể trở về khi các hãng hàng không hủy lịch bay sang TQ.
VĨ CƯỜNG
Theo plo.vn
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates xuất 100 triệu USD chống virus Corona Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates tuyên bố sẽ quyên góp 100 triệu đô la Mỹ cho cuộc chiến ngăn chặn sự bùng phát của dịch virus Corona. Quỹ từ thiện của tỷ phú Bill Gates sẽ quyên góp 100 triệu cho cuộc chiến chống dịch nCoV (Ảnh: New York Times) "Số tiền quyên góp sẽ giúp tăng cường...