Dân vây đại lý mua bán cà phê
Ngày 11-4, hơn 100 người dân bao vây xung quanh đại lý mua bán cà phê Lan Diệu (thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) để đòi nợ.
Người dân tập trung tại đại lý Lan Diệu.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Công an xã Thuận An cho biết: Khi người dân tụ tập đông người tại đại lý Lan Diệu, chúng tôi đã có mặt để giải tán đám đông, khuyên bà con không nên bức xúc, tránh tình trạng từ chỗ bị hại thành bị can. Hiện, chúng tôi vẫn chưa nhận được lá đơn nào từ phía người dân về việc ký gửi cà phê.
Buổi sáng, có 3 hộ dân ở thôn Thuận Sơn điện đến báo mất hơn 3 tấn cà phê ký gửi, tôi đã hướng dẫn họ làm đơn gửi lên công an xã xem xét.
Chiều 12-4, ông Lộ Văn Quận – trú tại thôn Thuận Thành đến UBND xã Thuận An trình bày với công an.
Video đang HOT
Ông Quận nói: “Sau mùa cà phê, tôi ký gửi tại đại lý Lan Diệu 5 tấn cà phê, nay nghe tin vỡ nợ tôi bức xúc lắm. Gia đình tôi đã thế chấp bìa đỏ vườn cà phê 4 ha vay ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện 200 triệu đồng, giờ có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ. Tôi có 5 con đang đi học, mọi chi phí gia đình, mua phân bón… đều phụ thuộc vào từng đó cà phê”.
Quá hoảng hốt trước thông tin đại lý Lan Diệu vỡ nợ, ông Trần Can – trú tại thôn Thuận Thành chạy đến UBND xã Thuận An báo cho công an xã biết, sẽ lên đại lý xiết nợ cái bàn vì không còn gì để lấy. Hiện tại trong kho trống trơn, chỉ có toàn bao vỏ cà phê chứ không có cà phê. Công an xã đã hướng dẫn ông Can làm đơn, tránh manh động.
Trước đó, nhiều người dân huyện Đắk Mil xôn xao trước thông tin DNTN Trúc Huyền và HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An (xã Đức Minh) vỡ nợ.
Theo Chi cục thuế huyện Đắk Mil, DNTN Trúc Huyền nợ thuế chưa trả 3 tỷ đồng, HTX Minh An nợ 500 triệu đồng và đại lý Lan Diệu nợ khoảng 20 triệu đồng.
Được biết, HTX Minh An đang nợ hơn 90 tấn cà phê của 115 hộ dân và hai tổ chức tín dụng. Hiện số tiền các doanh nghiệp này nợ người dân bao nhiêu vẫn chưa xác định được.
Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục thuế Đắk Mil cho biết: “Đến nay, mới có hiện tượng người dân đòi nợ doanh nghiệp chứ chưa thể khẳng định doanh nghiệp phá sản”.
Theo Tiền Phong
Đồng loạt truy quét gỗ lậu tại Đắk Nông
Hơn 200 cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an cùng hàng trăm kiểm lâm viên đã về huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) làm nhiệm vụ. Để đảm bảo bí mật, lực lượng trinh sát của bộ đã đến nắm tình hình từ trước đó.
Một xe chở gỗ được đoàn kiểm tra liên ngành đưa về điểm tập kết để xử lý - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Chiều 7-4, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Lê Diễn - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - xác nhận có đoàn công tác của Bộ Công an vào truy quét các xưởng cưa trong những ngày qua. "Họ chỉ thông báo vào làm việc và đến nay chưa có thêm báo cáo, thông tin nào" - ông Diễn cho biết thêm.
Hơn một tuần qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an cùng lực lượng kiểm lâm đã được huy động trong đợt truy quét bất ngờ vào các xưởng cưa đang hoạt động trên địa bàn huyện Đắk Mil. Theo nhiều người dân ở huyện Đắk Mil, lực lượng cảnh sát cơ động có trang bị công cụ hỗ trợ hoạt động tuần tra liên tục trong những ngày qua tại khắp các xã, thị trấn Đắk Mil và lối ra vào các cửa khẩu qua khu vực biên giới giáp với Campuchia.
Sáng 7-4, có mặt tại thị trấn Đắk Mil, chúng tôi ghi nhận còi xe cảnh sát cơ động liên tục vang lên để hộ tống các xe chở gỗ được lực lượng chuyên ngành đưa về khu vực thị trấn Đắk Mil tập kết.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, có trên 200 cảnh sát cơ động được huy động từ các đơn vị đóng tại tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương và TP.HCM cùng hàng trăm kiểm lâm đã về huyện Đắk Mil làm nhiệm vụ trong đợt truy quét này. Để đảm bảo bí mật, lực lượng trinh sát của Bộ Công an đã đến nắm tình hình từ trước đó.
Sáng 7-4, tại khu vực xưởng cưa của một doanh nghiệp đóng tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil), hàng chục cảnh sát và kiểm lâm đã túc trực để bảo vệ hiện trường. Hàng trăm mét khối gỗ đã được đóng dấu búa kiểm lâm nằm ngổn ngang. Một công nhân được giao nhiệm vụ trông coi xưởng này cho biết toàn bộ số gỗ không có nguồn gốc đã được lực lượng chức năng kiểm kê và dùng xe chở đi, chủ xưởng này tên Đức hiện đang ở TP.HCM.
Công nhân này cho biết: "Từ lúc làm gỗ đến nay, chúng tôi chưa thấy lần nào cảnh sát vào làm việc nhiều như lúc này. Khoảng 15g ngày 28-3, 10 công nhân đang xẻ gỗ trong xưởng thì thấy hai xe chở theo cảnh sát cơ động vây ráp các lối ra của xưởng. Chỉ vài phút sau toàn bộ xưởng đã bị niêm phong".
Tại xưởng cưa TL nằm ngay cạnh quốc lộ 14, đoạn qua xã Thuận An nhiều ngày qua cũng trong tình cảnh bị phong tỏa. Trong xưởng cưa rộng khoảng 1ha này, một lượng lớn gỗ đã được xẻ thành hộp nằm ngổn ngang, lực lượng công an và kiểm lâm đang kiểm kê để phục vụ công tác điều tra. Phía trước cổng ra vào, một chiếc lều tạm được dựng lên, hàng chục cảnh sát cơ động bảo vệ hiện trường.
Được biết toàn huyện Đắk Mil có 12 doanh nghiệp chế biến gỗ lớn, gỗ chủ yếu lấy từ khu vực biên giới rồi về xẻ, trong đó có một lượng lớn gỗ nhóm 1. Khi nghe lực lượng công an vào truy quét, một số chủ xưởng đã tìm cách đốt và chôn gỗ xuống đất để tẩu tán nhưng do có trinh sát từ trước nên toàn bộ số gỗ này bị moi lên.
Theo Tuổi Trẻ