Dân ùn ùn xét nghiệm COVID-19 để có ‘giấy thông hành’ ra vào Bến Tre
Ngày 7-7, tỉnh Bến Tre bắt đầu áp dụng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 đối với người đi vào tỉnh.
Để có “ giấy thông hành”, người dân phải chen chúc để xét nghiệm, khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao.
Người dân chen chúc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở chân cầu Rạch Miễu (Bến Tre) sáng 7-7 – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Theo ghi nhận, tại chân cầu Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre đã lập 3 chốt kiểm tra tại đây để kiểm tra người đi vào tỉnh có đủ điều kiện hay không. Một chốt trên quốc lộ 60 hướng vào TP Bến Tre, hai chốt còn lại nằm tại đường dân sinh quẹo về hướng xã Phú Túc và quẹo về xã Tân Thạch.
Do nhiều người đi vào tỉnh Bến Tre trong ngày đầu kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, tỉnh Bến Tre đã cho lập 2 điểm test nhanh và cấp “giấy thông hành” cho người có nhu cầu. Hai điểm test nhanh COVID-19 trong buổi sáng cùng ngày tiếp nhận hàng ngàn trường hợp, trong đó có cả người đi ôtô và xe máy.
Anh Nguyễn Văn Thìn (quê Tiền Giang) cho biết khoảng 1 tuần qua anh cùng nhóm bạn nhận công trình xây dựng ở Bến Tre. Công trình đang dang dở nên buộc lòng anh phải qua lại cầu Rạch Miễu để đi làm.
“Sáng nay khi qua cầu Rạch Miễu thì bắt buộc phải có giấy xét nghiệm. Bây giờ đi làm mỗi ngày lương 200.000 đồng, trong khi xét nghiệm mất 300.000 đồng nhưng cũng chỉ có hiệu lực 3 ngày. Kiểu này chắc tạm nghỉ làm chứ tính ra đâu có còn lại được nhiêu tiền”, anh Thìn lo lắng.
Trong số hàng trăm người tập trung chờ xét nghiệm, phần lớn là những người buôn bán trái cây, làm thợ hồ, thợ thủ công với thu nhập bình quân 200.000 đồng mỗi ngày nên chi phí xét nghiệm để có được tờ “giấy thông hành” là quá lớn đối với họ.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, dù có lực lượng chức năng điều tiết nhưng tại những điểm xét nghiệm này rất đông người tụ tập theo nhóm, chen chúc nhau để chờ tới lượt.
Ông Bảy Nho (quê Tiền Giang) có mặt tại điểm xét nghiệm tư nhân gần cầu Rạch Miễu cho biết sau khoảng hơn 30 phút chen chúc thì cuối cùng ông cũng có tờ xét nghiệm âm tính với COVID-19 làm “giấy thông hành” qua lại giữa hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre buôn bán trong mấy ngày tới.
“Chen chúc làm kiểu này rồi không bệnh cũng thành có bệnh. Hy vọng cơ quan chức năng sắp xếp lại để người dân đứng giãn cách chứ kiểu này rủi có một ca dương tính là cả ngàn người bị dính chùm”, ông Bảy Nho nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , ông Ngô Văn Tán – giám đốc Sở Y tế Bến Tre – cho biết trong ngày đầu triển khai kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, tỉnh đã nhận được thông tin có tình trạng chen chúc tại các điểm xét nghiệm.
“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay trong ngày, đồng thời sẽ tăng cường thêm lực lượng nhắc nhở người dân giữ khoảng cách khi xét nghiệm và tại các chốt kiểm tra”, ông Tán nói.
Lác đác vài khu vực có giăng dây, ghế ngồi cho người xét nghiệm nhưng hầu hết người dân không giữ khoảng cách – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Rào chắn được thiết lập trên quốc lộ 60, kể từ ngày 7-7 người dân vào tỉnh Bến Tre phải trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Do chốt kiểm tra được thiết lập trên trục đường chính nên tình trạng ùn ứ đã xảy ra – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Lực lượng chức năng đang kiểm tra những người đi xe máy vào địa phận tỉnh Bến Tre – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một tài xế xe container được đo thân nhiệt tại cửa ngõ vào Bến Tre – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tại một điểm test nhanh COVID-19 ở gần cầu Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre, người dân chen chúc nhau để nhận kết quả – Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Giấy xét nghiệm PCR âm tính giá trị trong bao nhiêu ngày?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin về thời gian giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính có giá trị để mọi người di chuyển giữa vùng này vùng khác.
Hiện không chỉ TP.HCM mà nhiều tỉnh thành khác cũng yêu cầu người ra vào địa bàn phải đảm bảo giấy xét nghiệm âm tính. Nếu không có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính thì phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát dịch và tự chi trả chi phí. Vậy giấy xét nghiệm này giá trị trong bao lâu?
TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác, phòng chống dịch nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hoá, không để ách tắc. Như vậy dù muốn hay không thì tài xế chở hàng hóa ra vào địa bàn. Từ thực tế này, TP.HCM áp dụng quy định: những trường hợp ra vào địa bàn phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, thành phố thống nhất với các tỉnh lân cận về việc lưu thông hàng hóa với 2 phương án: Đổi lái xe hoặc lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Trước quy định này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định.
"Theo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế, các trường hợp ra, vào TP.HCM phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (không phân biệt xét nghiệm khẳng định hay test nhanh), được thực hiện trước khi đi hoặc đến thành phố trong 3 ngày. Một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh đang thực hiện theo quy định này.
Để thực hiện tốt việc này đề nghị đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin để những người đã xét nghiệm được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR ra vào những nơi, địa điểm yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính", Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chỉ nên coi kết quả xét nghiệm âm tính là "giấy thông hành" tạm thời vì đây chỉ là chứng nhận về một người không nhiễm SARS-CoV-2 tại thời điểm xét nghiệm, chưa thể khẳng định chắc chắn người đó không mang mầm bệnh.
"Có thể kết quả xét nghiệm âm tính là không mắc bệnh tại thời điểm đó vì nếu mắc 1-2 ngày đầu thì xét nghiệm cũng không ra bệnh, hoặc trong xét nghiệm cũng có sai sót bởi không xét nghiệm nào đạt chính xác tuyệt đối 100% ", ông Trần Đắc Phu cho biết.
Cũng vì lý do vừa nêu, các chuyên gia y tế lưu ý, dù kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính hoặc đã tiêm vaccine COVID-19 thì mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo quy định 5K để không bị lây nhiễm.
Người dân Đắk Lắk kéo nhau đi xét nghiệm COVID-19 lấy 'giấy thông hành' Người dân Đắk Lắk kéo nhau đi xét nghiệm COVID-19 lấy giấy thông hành để đi làm tại các tỉnh, thành phố khác. Ngày 5/7, bãi giữ xe rộng chừng 40m2 của Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) dần được lấp đầy bởi dòng người kéo nhau tới làm giấy xét nghiệm COVID-19. Khu vực này cũng được bố trí...