Đan Trường lại gây tranh cãi vì hát dân ca
Phần trình diễn ca khúc mang âm hưởng dân ca “ Tình đất đỏ miền đông” của Đan Trường lại khiến ngay cả giới chuyên môn cũng tranh cãi.
Tình đất đỏ miền Đông vốn là ca khúc mang âm hưởng dân ca nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Long Ẩn và từng được rất nhiều thế hệ ca sỹ gạo cội dòng nhạc cách mạng thể hiện thành công. Xuất hiện trên sóng chương trình truyền hình được nhiều khán giả “hàn lâm” mong đợi, ca sỹ Đan Trường không xử lý ca khúc này theo cách truyền thống.
Đan Trường hát Tình đất đỏ miền Đông trên chương trình Giai điệu tự hào
Thay vì hát bằng giọng Bắc chuẩn, Đan Trường thể hiện ca khúc ca ngợi con người Nam Bộ bằng chính chất giọng và phong cách Nam Bộ. Mở đầu ca khúc, nam ca sỹ thể hiện nhẹ nhàng phần trữ tình và đến cuối anh nâng giọng khá hào hùng trong đoạn hành khúc.
Phần trình diễn của Đan Trường đã phân luồng bình luận của người xem và khách mời ngay tại trường quay.
Nhà báo Chu Minh Vũ, thuộc hội đồng bình luận trẻ, không đánh giá cao phần trình diễn của Đan Trường. “Điểm sáng nhất là Đan Trường hát bằng giọng hát của người Nam Bộ. Tuy vậy, tôi không thích phần âm nhạc của bài hát này, cảm giác bị chậm và đoạn dùng đàn tranh không cần thiết,” nhà báo chia sẻ.
Anh nói thêm: “Tôi muốn những bài hát sôi nổi, tươi vui, đầy hy vọng. Bài hát chậm như thế này khiến ca khúc chỉ như bức tranh rất nhẹ, thoảng qua. Hãy trả Đan Trường về nhạc trẻ, về thế hệ của chúng tôi thì bài hát sẽ gây xúc động cho tôi hơn rất nhiều.”
Nhà báo Chu Minh Vũ khẳng định bản phối mới của Đan Trường có phần chậm
Video đang HOT
Trong khi đó, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu lại có ý kiến đối lập. Trước khi nhận xét về bản phối của ca sỹ Đan Trường, bà kể về những kỷ niệm gắn liền với ca khúc này: “Do nghề nghiệp, tôi đi lại ở vùng miền Đông nhiều những năm 79, 80. Bản phối cũ đầu tiên được hát bởi nghệ sỹ Lê Hành chậm hơn bản này rất nhiều. Bản hát đó diễn tả một miền Đông sau chiến tranh tan hoang, toàn bộ những cánh rừng của miền Đông không còn cây nữa mà chỉ còn đất trơ. Bài hát này nói lên tình cảm của những con người đến đây sau khi trải qua chiến tranh.”
Bà so sánh phần trình diễn của Đan Trường và những bản phối cũ: “Trong khi bản hát cũ có gì đó trầm buồn thì bản hát này đã nhanh và tươi vui hơn nhiều. Tôi rất thích bản phối này của Đan Trường ở điểm Đan Trường có lợi thế là anh hát dân ca rất hay. Khi giao cho anh hát ca khúc có âm hưởng dân ca như thế này thì chắc chắn ca khúc sẽ được thể hiện thành công.”
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu đánh giá cao phần trình diễn của Đan Trường
Đây không phải lần đầu tiên Đan Trường gây tranh cãi với một ca khúc mang âm hưởng dân ca. Còn nhớ trong chương trình Bài hát yêu thích tháng số tháng 10 vừa qua, MC Trác Thúy Miêu không đánh giá cao phần trình diễn Anh Ba Khíacủa Đan Trường, khiến dư luận dậy sóng tranh cãi. Tuy vậy, phần trình diễn của Đan Trường này được 95% trong tổng số 400 khán giả trường quay cùng các khách mời bình luận chuyên môn đánh giá cao.
Trước khi Đan Trường trình bày Tình đất đỏ miền Đông, Lê Cát Trọng Lý và Hiền Thục đã có phần trình diễn mở màn chương trình rất ấn tượng ca khúc Nhạc rừng.
Xuất hiện trên sân khấu cùng cây guitar mộc, Lê Cát Trọng Lý và Hiền Thục đã thể hiện ca khúc này vừa quen vừa lạ bằng phong cách aucoustic. Giọng ca nhẹ bẫng, trong sáng, nét mặt hồn nhiên, xinh xắn của hai ca sĩ đã vẽ lên một bức tranh lụa tươi mới, rõ nét về nét đẹp thiên nhiên và nét đẹp của tâm hồn người lính.
Lê Cát Trọng Lý và Hiền Thục hát Nhạc rừng
Ca sĩ Anh Bằng thuộc hội đồng khách mời bình luận ví von anh cảm tưởng bản phối này như một giấc mơ, còn nhạc sĩ Giáng Sol lại nhận định: “Ca khúc đầy tính khí nhạc, ca từ trong sáng và nhiều tính tượng hình. Phối khí của ca khúc dù đơn giản với một cây guitar thôi nhưng đã đủ hay và tinh tế rồi. Phần biểu diễn của hai ca sĩ cũng rất hay, mang cho ta cảm giác nhẹ bẫng, bình yên tuy nhiên giá mà Hiền Thục hát giản dị hơn một chút, bớt nũng nịu đi một chút thì có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nữa”.
Phần trình diễn Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn của NSND Thu Hiền gây ấn tượng với hình ảnh bà đứng giữa đầm sen và thể hiện ca khúc bằng tình cảm chân thành khiến nhiều người xúc động. 40 năm sau ngày đầu tiên biểu diễn ca khúc này, những nét đẹp trong ca từ giai điệu vẫn được nghệ sỹ thể hiện khá hoàn hảo qua chất giọng đằm thắm.
NSND Thu Hiền hát Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn
Cuối cùng, phần trình diễn Vàm Cỏ Đôngcủa ca sĩ Quốc Thiên được ít người đánh giá cao nhất. Khách mời Trần Thị Trung Chiến thì góp ý với ca sĩ Quốc Thiên: “Ca sĩ hát về Vàm Cỏ Đông mà lại mặc áo gụ, khoác một cái tay nải và đầu thì chít khăn rìu thì rõ ràng là chưa phù hợp với bài hát. Nông dân miền Đông Nam bộ không bao giờ khoác cái tay nải như vậy”.
Theo Khampha.vn
Những bóng hồng của làng nhạc cách mạng một thời
Chiến tranh đã đi qua nhưng tên tuổi của những nghệ sĩ đình đám một thời như Vũ Dậu, Thanh Hoa, Tân Nhân...vẫn còn ghi dấu trong tâm hồn nhiều thế hệ Việt.
NSƯT Tân Nhân Nghệ sĩ Tân Nhân tham gia cách mạng từ năm 1945, khi mớitròn 13 tuổi. Đến năm 1949, bà tham gia Đoàn Văn công Quân đội Mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào. Năm 1954 bà trở thanh nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương rồi sau đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghệ sĩ Tân Nhân nổi tiếng với các ca khúc Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp - Đằng Giao), Tình quê hương (Trọng Bằng)... Bà mất vào ngày 14 /2/2008 tại TP.HCM, thọ 76 tuổi.
NSND Thanh Huyền Nghệ sĩ Thanh Huyền sinh năm 1942 tại Hà Nội, bà là ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng trong giai đoạn thập niên 1960 đến 1980. Với giọng hát kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển, nữ nghệ sĩ đã chinh phục khán giả một thời bằng nhiều ca khúc nổi tiếng: Đường cày đảm đang (An Chung), Lời ca dâng Bác (Trọng Loan), Khi thành phố lên đèn, Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý)....Cho đến giờ, nhiều người yêu nhạc coi bà như một tượng đài không thể thay thế trong làng nhạc Việt. Thanh Huyền là nữ nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1984. Chồng bà, cố nghệ sĩ nhân dân Thanh An cũng là một đạo diễn tên tuổi của làng điện ảnh Việt.
NSND Tường Vi Sinh năm 1938 tại Tam Kì, Quảng Nam, nghệ sĩ Tường Vy từng có thời gian làm y tá tại Viện quân y trước khi bước chân vào con đường âm nhạc. Sau khi tham gia vào đoàn ca múa Tổng cục chính trị, bà đã theo đoàn văn công đi biểu diễn trên khắp các chiến trường khác nhau. Những ca khúc để đời của Tường Vy có thể kể tới Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam)...Giọng nữ cao, sáng của bà là của hiếm không những ở thời đại đó, mà cho tới tận thời điểm hiện tại. Trong cuộc sống riêng, bà đã chia tay chồng là nhạc sĩ Trần Chương. Con trai và con dâu bà cũng đều đang theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật.
NSƯT Vũ Dậu Nghệ sĩ Vũ Dậu sinh năm 1945 tại Hà Nội. Bà nổi bật trong làng nhạc đỏ không chỉ vì giọng hát đẹp mà còn nhan sắc hiếm có. Tuy hội đụ yếu tố để làm nghệ thuật, nghệ sĩ Vũ Dậu từng khá nhút nhát. Sau một thời gian dài đi hát, đến năm 1972, bà mới dám đứng lên hát đơn ca và liên tiếp thành công với những nhạc phẩm như Cô gái mở đường, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Những ánh sao đêm, Đêm nay anh ở đâu, Đôi dép Bác Hồ...Vũ Dậu cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên hát nhạc nhẹ tại miền Bắc. Năm 1989, bà từ giã sân khấu. Hiện tại, hai người con của bà - nhạc sĩ Ngọc Châu và nữ ca sĩ Khánh Linh - cũng đều là những tên tuổi trong làng nhạc Việt.
NSND Thanh Hoa Giọng hát cao vút, ngọt ngào của nghệ sĩ Thanh Hoa đã góp phần làm những ca khúc Tàu anh qua núi, Tình yêu trên dòng sông Quan họ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Bác Hồ một tình yêu bao la...trở thành bất tử trong làng nhạc đỏ. Năng khiếu âm nhạc của bà được bộc lộ rất sớm, từ năm 9 tuổi Thanh Hoa đã đoạt giải nhất giọng hát Hoạ mi của thị xã Hà Đông. Sau đó, bà theo học Nhạc viện và trở thành ca sĩ của Đài phát thanh Giải phóng. Tuy vô cùng thành công trong sự nghiệp ca hát song cuộc đời Thanh Hoa gặp nhiều giai truân. Người chồng đầu tiên của bà - nhạc sĩ Phan Lạc Hoa - tự tử năm 1982 với nhiều bí ẩn. Cũng chính bởi sự ra đi của ông, Thanh Hoa đã phải sống trong nhiều nghi ngờ của dư luận. Vài năm sau, Thanh Hoa kết hôn với nghệ sĩ xiếc Tôn Thất Lợi và có cuộc sống một cuộc sống bình yên cho tới nay.
NSND Thu Hiền Hơn 50 năm gắn bó với lĩnh vực ca hát, NSND Thu Hiền có lẽ là một trong những cái tên được nhiều thế hệ khán giả Việt biết đến và ngưỡng mộ nhất. Năm 1967, khi mới chỉ 15 tuổi, Thu Hiền đã vào biểu diễn phục vụ động viên tinh thần chiến đấu chống Mỹ của quân và dân tuyến lửa miền Trung. Những năm 1975, bà cũng chính là người cùng đoàn văn công cách mạng vào giải phóng Quảng Trị và thành phố Huế. Thu Hiền từng thể hiện thành công một loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian nổi tiếng: Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp - thơ Đằng Giao), Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý)...Không chỉ sở hữu giọng hát ngọt ngào, trữ tình, bà còn được yêu quý bởi hình ảnh đẹp, mộc mạc và gần gũi với công chúng.
Theo Trithuc