Dân Trung Quốc tiếp tục đổ nhiều tiền cho ‘các sản phẩm phù phiếm’
5 năm qua, đồng hồ xa xỉ, nữ trang, thời trang cao cấp, rượu vang thượng hạng, phi cơ riêng… bán chạy tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ – những nước có một lượng lớn người đặc biệt say mê các sản phẩm này.
Vì nhu cầu truyền thống và văn hóa, người Trung Quốc và Ấn Độ xem nữ trang và vàng như những vật lưu trữ giá trị – Ảnh: Reuters
South China Morning Post hôm nay 23.4 dẫn nguồn từ báo cáo của Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch thuộc Bank of America (Mỹ) cho hay tăng trưởng trong “thị trường vốn phù phiếm” của Trung Quốc là 15,6% mỗi năm và dẫn đầu thế giới suốt 5 năm qua. Số liệu trên được tổng hợp từ ghi nhận ở cả Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan.
“Chi tiêu cho các sản phẩm phù phiếm” là số tiền mà người tiêu dùng trả cho các sản phẩm làm gia tăng hình thức và uy tín cá nhân. Các mặt hàng như đồng hồ xa xỉ, nữ trang, thời trang cao cấp, rượu vang thượng hạng, phi cơ riêng hoặc mỹ phẩm, điện thoại thông minh… thuộc nhóm này.
“Chúng tôi nhận thấy rằng người Hoa, người Ấn Độ và người Hàn Quốc là “fan” của các sản phẩm xa xỉ phù phiếm trong suốt 5 năm qua”, Ajay Singh Kapur, chuyên gia thuộc Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch ở Hồng Kông viết trong báo cáo.
Đơn cử, thị trường trang phục và giày dép xa xỉ tại Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ từ 16,8-18,4% mỗi năm trong suốt giai đoạn từ năm 2009-2014. Trong khi đó, tăng trưởng ở thị trường này trên toàn cầu chỉ ở mức 4,8%.
Ông Kapur nói thêm rằng tại Trung Quốc và Ấn Độ, việc mua sắm nữ trang không sang trọng tăng nhanh. Đó là vì nhu cầu văn hóa và truyền thống dành cho mặt hàng nữ trang và vàng như một thứ lưu giữ có giá trị. Ngược lại, ở các nước khác như Mỹ, Úc và Hàn Quốc, doanh số bán rượu đắt tiền đang tăng trưởng chóng mặt.
Chi tiêu cho các mặt hàng này trên toàn cầu tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,5 nghìn tỉ USD dù thị trường các “vốn phù phiếm” thế giới vẫn chưa sôi nổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp.
Riêng tại Trung Quốc, tăng trưởng chi tiêu cho khoản này vẫn được dự đoán là sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới đến năm 2018 với trung bình 8,2% mỗi năm. Trong năm 2014, thị trường các mặt hàng này ở Trung Quốc có giá trị lên tới 661 tỉ USD, chỉ đứng sau Tây Âu là 748 tỉ USD và Mỹ với 663 tỉ USD.
Video đang HOT
Ông Kapur cho biết lý do của việc tăng tiêu thụ các sản phẩm xa xỉ trên toàn cầu: “Những người trẻ tại nhiều nước hiện độc thân trong thời gian dài và trì hoãn việc mua căn nhà đầu tiên của họ. Trong trường hợp này, họ sẽ có thu nhập nhiều hơn sử dụng cho việc mua các sản phẩm thuộc “vốn phù phiếm”.
Mặt khác, tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ hay châu Mỹ Latinh có dân số già, phần lớn tài sản nằm trong tay những người lớn tuổi. “Những người thuộc độ tuổi này cũng lại có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm và đồ trang sức xa xỉ để hưởng thụ tuổi già”, ông Kapur nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Bỏ tiền ra mua Apple Watch Edition để có được mác 'sang chảnh'?
Apple chào bán Apple Watch Edition với giá dao động trong khoảng từ 10.000 đến 17.000 USD, cao hơn nhiều so với giá thấp nhất dành cho Apple Watch Sport là 349 USD. Nhưng liệu ai cũng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn như vậy cho một chiếc đồng hồ đeo trên tay?
Mang lại một trải nghiệm "sang trọng"
Cho biết trên Psychology Today, nhà nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Kit Yarrow đến từ Đại học California (Mỹ) cho rằng, để đảm bảo thị trường vững chắc cho Watch Edition, Apple đang cẩn thận trong việc sử dụng các từ và cụm từ tạo ra tâm lý về các sản phẩm cao cấp.
Sẽ "chỉ có một số lượng hạn chế" Apple Watch Edition được phát hành
Ví dụ, khi ra mắt Apple Watch, CEO Tim Cook của Apple đã mô tả sản phẩm này là một dạng "tùy biến", "đặc biệt" và quan trọng nhất là "chỉ có một số lượng hạn chế".
Tất nhiên, có hay không sự thật dành cho những lời quảng bá này thì chỉ có thời gian mới kiểm chứng, nhưng chỉ biết rằng Apple đã sử dụng chúng để lôi kéo tình cảm của người tiêu dùng. Theo Yarrow, Apple có xu hướng kích thích cảm xúc của người tiêu dùng.
Cảm giác "mình đặc biệt"
Theo các nghiên cứu về tâm lý người dùng, suy nghĩ cho rằng đeo trên người và sử dụng những thứ cao cấp sẽ khiến con người chúng ta cảm thấy mình đặc biệt hơn so với những người khác.
Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện với 160 nam giới và nữ giới cho thấy, phần lớn cho rằng muốn sở hữu một trang phục từ các nhãn hiệu xa xỉ thay vì một sản phẩm thương hiệu bình dân, không có gì là sang trọng.
Đeo Apple Watch Edition sẽ khiến người dùng có cảm giác "đặc biệt" trước đám đông
Nói cách khác, sử dụng một món đắt tiền như Apple Watch Edition sẽ khiến mỗi người có cảm giác mình đang nổi bật hơn so với những người ở xung quanh chỉ sử dụng một chiếc đồng hồ cơ bản như Apple Watch Sport hoặc Apple Watch với giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Lựa chọn của những người thành công
Mặc dù mọi người có xu hướng cảm thấy lố bịch đối với những người bỏ một số tiền lớn để mua những món hàng xa xỉ, thì các nghiên cứu cho thấy nhiều người chấp nhận mua mặt hàng xa xỉ với nhiều lý do khác nhau.
Thay vì một cảm giác lố bịch, kiêu ngạo, một số người có cảm nhận vè những món hàng xa xỉ như Apple Watch Edition là lựa chọn phù hợp sau những thành công trong cuộc sống của họ.
Những mặt hàng xa xỉ như Apple Watch Edition giúp con người phấn đấu để tiến tới thành công
Trợ lý giáo sư marketing Brent McFerran đến từ Đại học Simon Fraser cho rằng, hầu hết mọi người sẵn sàng bỏ tiền ra mua các mặt hàng xa xỉ vì họ cảm thấy mình xứng đáng để có được chúng sau những thành công trong cuộc sống, đó là món quà tuyệt vời dành cho họ.
Phung phí tiền vào mặt hàng xa xỉ như Apple Watch Edition là cách dễ dàng nhất để con người chúng ta phấn đấu tiến đến sự thành công, thay vì chỉ là một sản phẩm "rẻ tiền" mà ai cũng có thể mua.
Apple Watch đang "cháy hàng"
Apple bắt đầu nhận đơn đặt hàng Apple Watch tại Mỹ, Anh, Trung Quốc, Úc, Pháp, Đức, Hồng Kông và Nhật Bản vào hôm 10.4 vừa qua, nhưng nhanh chóng đẩy lùi ngày giao hàng trong khoảng 1 giờ sau khi ra mắt. Tiến độ giao hàng phiên bản rẻ nhất Apple Watch Sport bắt đầu từ 24.4 - 8.5, nhưng sau đó đã đẩy lùi từ 13.5 - 27.5. Ở thời điểm hiện tại, đơn đặt hàng Apple không có ngày giao hàng cụ thể, mà chỉ hứa hẹn trong vòng 4 - 6 tuần sau khi tiếp nhận đơn hàng.
Riêng với phiên bản Apple Watch Edition, khách hàng quan tâm chỉ có thể mua sản phẩm vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8. Thậm chí, ngay trong ngày đầu tiên, phiên bản đắt nhất có giá 17.000 USD đã "cháy hàng" tại Trung Quốc.
Kiến Văn
Theo Thanhnien
Tại sao hàng loạt nhãn hàng xa xỉ 'rủ nhau' giảm giá? Chanel và Dior đã giảm giá. Các nhãn hiệu hàng xa xỉ khác cũng đang xem xét kế hoạch giảm giá để nâng doanh số trước thực tế ngày càng có nhiều người châu Á chọn mua hàng hiệu ở nước ngoài. Một ngày sau khi Chanel thông báo hạ giá sản phẩm, hàng dài người xếp hàng chờ mua tại cửa hàng...