Dân Triều Tiên nhảy múa ở Bàn Môn Điếm phản đối Hàn Quốc
Triều Tiên kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới lần II, thoát khỏi sự đô hộ của Nhật Bản bằng một buổi tuần hành quy mô lớn cùng cờ hoa rực rỡ ở Bàn Môn Điếm; hoạt động này cũng được cho nhằm bày tỏ sự phản đối Hàn Quốc.
Người dân Triều Tiên mừng 70 năm kết thúc thế chiến II – Ảnh minh họa: AFP
AP cho biết buổi mít tinh, tuần hành với những màn nhảy múa hoành tráng, ồn ào và sự tham gia rất đông của dân chúng diễn ra gần như suốt cả ngày 15.8 ngay tại khu vực biên giới với Hàn Quốc, nơi hơn 10 ngày trước đã xảy ra vụ nổ mìn làm 2 sĩ quan Hàn Quốc bị thương nặng.
Vụ nổ mìn kéo theo cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai bên. Seoul chỉ trích Bình Nhưỡng đặt mìn để sát hại binh lính miền Nam; còn Triều Tiên thì phủ nhận.
Làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm trong khu phi quân sự (DMZ) chia cắt 2 miền Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên tạm ngưng hồi năm 1953.
Những người tham gia buổi mít tinh đã “giương cao nắm đấm” phản đối chiến tranh, phản đối đế quốc xâm lược và cả Hàn Quốc với các hoạt động tuyên truyền qua biên giới mà Bình Nhưỡng gọi đó là chiến tranh tâm lý “đầy tính gây hấn”. Lần đầu tiên sau 11 năm, Hàn Quốc sử dụng loa phóng thanh tuyên truyền ở khu vực biên giới chỉ trích việc đặt mìn của Triều Tiên từ hôm 10.8, theo Yonhap.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 15.8, Triều Tiên tuyên bố sẽ tấn công vào hệ thống loa phóng thanh của Hàn Quốc từ bên kia biên giới. Bình Nhưỡng cáo buộc những loa phát thanh này phát đi những thông tin kích động nhằm chống phá Triều Tiên.
Đáp lại lời tuyên bố này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khẳng định Seoul sẽ có hành động cứng rắn để đáp trả nếu những hoạt động khiêu khích của Triều Tiên đe dọa an ninh, tính mạng của người dân Hàn Quốc, hãng tin Yonhap cho hay. Nữ Tổng thống Hàn Quốc cũng khuyên Bình Nhưỡng hãy “thức tỉnh”, từ bỏ suy nghĩ thù địch để cùng ngồi lại đàm phán vì sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc diễu hành ở Bình Nhưỡng kêu gọi “thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của đại tướng Kim Jong-un” (khẩu hiệu ghi trong biểu ngữ) – Ảnh: Reuters
Lễ kỷ niệm 70 năm bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự cai trị của Nhật Bản, tổ chức ở Bình Nhưỡng ngày 15.8 – Ảnh: Reuters
Minh Quang
Theo Thanhnien
Người dân Triều Tiên đồng loạt điều chỉnh đồng hồ
Đúng 0 giờ sáng nay 15.8, người dân Triều Tiên đã đồng loạt điều chỉnh đồng hồ chậm lại 30 phút so với trước sau khi chính quyền nước này chính thức tuyên bố áp dụng múi giờ Bình Nhưỡng.
Người dân Triều Tiên bắt đầu múi giờ Bình Nhưỡng từ sáng 15.8.2015 - Ảnh minh họa: AFP
Đón nhận sự kiện được cho là trọng đại này là một loạt tiếng còi tàu, xe vang lên khắp Triều Tiên trong đêm cùng với sự reo mừng của hàng triệu người dân như đón chào năm mới, một sự kiện trọng đại trong lịch sử Triều Tiên, theo Yonhap.
Hãng thông tấn KCNA cho biết Triều Tiên đã thay đổi lịch sử bằng múi giờ Bình Nhưỡng cũng nhằm đánh dấu chấm dứt mọi tàn dư của Nhật trên đất nước trong ngày lịch sử 15.8, ngày kết thúc Thế chiến II và bán đảo Triều Tiên được tự do, thoát khỏi sự nô lệ của quân đội Nhật.
Trong thời gian đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945, Nhật chuyển múi giờ của cả 2 miền theo múi giờ của Nhật là 9 giờ (theo múi giờ chuẩn GMT). Bây giờ Triều Tiên quay về múi giờ trước đó của mình, tức 8 giờ 30 so với GMT trong khi Hàn Quốc vẫn giữ múi giờ với Nhật là 9 giờ.
Việc Bình Nhưỡng thay đổi múi giờ một cách đơn phương và không tham vấn với Hàn Quốc làm nước này khó chịu và phản ứng. Seoul gọi việc thay đổi đó là khoét sâu mẫu thuẫn giữa 2 miền và gây khó khăn cho việc thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, Yonhap trích phát biểu từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Yonhap cho biết khu công nghiệp Kaesong với hơn 100 nhà sản xuất Hàn Quốc đặt trên đất của Triều Tiên sẽ gặp rắc rối với việc điều chỉnh giờ mới.
Hãng tin này trích phát biểu của các quan chức Hàn Quốc cho biết sẽ có tranh cãi ở khu vực biên giới. Nhiều người không biết áp dụng theo giờ nào ở khu vực này, giờ Bình Nhưỡng hay Seoul. Ngoài ra, còn có những khó khăn trong thủ tục hành chính ở khu công nghiệp này khi giờ giấc thay đổi.
Việc thay đổi múi giờ không có gì lạ. Nhiều nước như Ấn Độ, Iran và Myanmar từng thay đổi múi giờ của mình trước hoặc sau 30 phút so với những nước khác cùng tọa độ. Trong khi Trung Quốc rộng lớn kéo dài 5.000 cây số từ đông sang tây chỉ áp dụng một múi giờ Bắc Kinh, tức múi giờ thứ 8, giờ GMT.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Triều Tiên bác cáo buộc đứng sau vụ nổ mìn ở Bàn Môn Điếm CHDCND Triều Tiên ngày 14.8 lên tiếng bác bỏ cáo buộc nước này đứng đằng sau vụ nổ mìn ngày 4.8 trên phần đất Hàn Quốc trong khu phi quân sự (DMZ) giữa hai nước, theo hãng tin Yonhap. Một binh sĩ Triều Tiên quan sát các hoạt động ở phía nam Bàn Môn Điếm trong khu phi quân sự giữa hai miền...