Dân Thủ Thiêm: Bồi thường 1m2 đất chỉ bằng 3 tô phở, sống thế nào?
Tại buổi Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 9.5, nhiều hộ dân Thủ Thiêm cho rằng nhà họ ngoài ranh giới quy hoạch theo Quyết định 367 của Thủ tướng nhưng chính quyền quận 2 lại cưỡng chế là trái quy định.
Nhiều nội dung quan trọng như: câu chuyện khiếu kiện kéo dài hàng chục năm của người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa oan, đền bù thấp, sống đời cơ cực cả chục năm nay, “ nóng” vụ thất lạc bản đồ… đã khiến buổi tiếp xúc cử tri thu hút cả ngàn người đến chật cả hội trường Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận 2.
Hàng nghìn cử tri đã đến dự chật kín cả hội trường Đoàn ĐBQH tiếp xúc với cử tri Quận 2, TP.HCM chiều 9.5. Ảnh: Hồ Văn.
Bà Bích Ngọc (KP1, phường Bình An) phản ánh: “Nhà tôi cũng bị cưỡng chiếm, không phải cưỡng chế vì lấy nhà tôi không đúng pháp luật vì nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch. Yêu cầu 162ha tái định cư đâu rồi? Sau khi giải tỏa chúng tôi, các ông lập khu dân cư phía Bắc, xây dựng phân lô bán nền, ai được lợi ở đây? Trong khi dân chúng tôi phải ly tán, sống khổ cực không nhà. Khu tái định cư Bình Trưng Đông gần 20 năm qua có nhà nhưng chưa có giấy quyền sử dụng đất”.
Bà Ngọc cũng truy hỏi các vị quy hoạch kiến trúc làm tráo đổi bản đồ quy hoạch khác so với ban đầu rồi bảo mất là sao? “Khi cho chúng tôi xem bản đồ điều chỉnh thì mất luôn 3 khu phố ngoài ranh. Thu đất ngoài ranh là trái với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 4.6.1996″, bà Ngọc nói.
Cử tri bức xúc vì bị cưỡng chế giải tỏa trái luật, bồi thường thấp. Ảnh: Hồ Văn.
Đồng tình quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tám truy cả bà Nguyễn Thi Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM: “Bà Tâm có nói nhiều lần là quận 2 làm đúng, đúng là thế nào? Thu đất ngoài ranh là trái với Quyết định 367 mà Thủ tướng ký. Còn điều chỉnh quy hoạch đưa vào ranh năm 2005 mà TP ký thay thế Quyết định của Thủ tướng là trái luật, trái thẩm quyền”. Bà Tám cho rằng chính việc này là để hợp thức hoá việc thu hồi đất ngoài ranh, làm lợi cho nhóm lợi ích nào đó.
Ông Ngô Hùng Phong ở KP3, phường An Khánh cũng phản ánh đến Đoàn ĐBQH khu tái định cư không có mà cứ cưỡng chế họ bắt đi. “Bồi thường 1m2 đất chỉ đủ mua được 3 tô phở thì dân sống thế nào? Chúng tôi yêu cầu được nhận tái định cư”, ông bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Dung (phường Thạnh An) phản ánh, nhà bà có chủ quyền, nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng chính quyền Quận 2 vẫn bất chấp pháp luật cưỡng chế thu hồi nhà tôi.
Video đang HOT
“Tại sao nhà tôi có chủ quyền mà đập nhà tôi, đưa tôi vào khu nhà tạm cư như cái chuồng heo mà còn thu tiền phí quản lý? Đất nhà tôi giờ bán trên 200 tỷ đồng, ai “ăn” vậy? Yêu cầu TP trả lại nhà cho tôi. Chị Quyết Tâm (bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM – PV) xem mà cứu chúng tôi, còn nếu không giải quyết được cho dân thì từ chức đi, đừng để cho dân khổ như vậy”, bà Dung bức xúc.
Cử tri Nguyễn Thị Dung nói thẳng: “Chị Nguyễn Thị Quyết Tâm nếu không giải quyết được cho dân thì từ chức đi”. Ảnh: Hồ Văn.
Tổng cộng có 10 nhóm với hơn 50 câu hỏi đã được cử tri gởi đến Đoàn ĐBQH trước khi vào cuộc họp. Đến 16h cử tri vẫn đang đặt câu hỏi với Đoàn ĐBQH…
Theo Danviet
Người dân Thủ Thiêm: 'Đền 18 triệu, rao bán 350 triệu/m2'
Chiều nay, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP đã tiếp xúc cử tri quận 2.
Từ 13h chiều, tại hội trường Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận 2 đã rất "nóng" khi hàng trăm cử tri quận 2 mang theo bản đồ khu đô thị Thủ Thiêm kiến nghị lên tổ đại biểu Quốc hội.
"Chúng tôi không chống đối chính quyền"
Cử tri Nguyễn Thế Vinh (82 tuổi, ngụ phường Bình An, quận 2) cho biết, năm 2014, việc cưỡng chế, giải tỏa mặt bằng bị tạm ngưng, gia đình ông cùng chục hộ dân khác thuộc phường Bình An cố gắng bám trụ lại đây, để giữ đất.
"Đất nhà tôi nằm ngoài quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm, nên gia đình không đi đâu cả. Gia đình tôi đề nghị chính quyền cho xem bản đồ 1/5.000 có dấu mộc đỏ để chứng minh tính pháp lý. Chúng tôi không chống đối chính quyền, không lì lợm giữ đất để kiếm thêm tiền đền bù", ông Vinh nói.
Người dân trình bày với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM.
Cùng phản ánh vấn đề trên, bà Hồ Thị Mai (quận 2) bức xúc cho biết, nhà ở và cửa hàng kinh doanh nằm ngoài khu quy hoạch KĐT Thủ Thiêm nhưng đã bị thu hồi từ năm 2012. Bà mong mỏi chính quyền sớm làm rõ và giải quyết dứt điểm khiếu nại kéo dài đã nhiều năm.
Có mặt tại buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trấn an cử tri Thủ Thiêm. Bà cho biết tổ đại biểu Quốc hội sẽ làm việc hết trách nhiệm, lắng nghe các kiến nghị của các cử tri.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội TP đang tổng hợp, lên kế hoạch giám sát và trình Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cử tri quận 2 mang theo bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm đến gặp tổ đại biểu Quốc hội.
Thường trực UBND TP, lãnh đạo các sở, ngành được mời dự để trả lời thắc mắc cử tri các nội dung liên quan.
Đoàn giám sát sẽ được tổ chức thành nhiều nhóm, đi theo những nội dung như kiểm tra tính pháp lý của dự án từ quyết định 367 của Thủ tướng dẫn đến các văn bản pháp lý để UBND TP.HCM triển khai những nội dung liên quan đến việc giải tỏa đền bù, mời gọi đầu tư, phân khu chức năng...
Các chuyên gia độc lập sẽ được mời để đánh giá, giám sát dự án và làm rõ trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại. Từ nội dung giám sát, đoàn sẽ đề xuất cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm.
Báo cáo tại buổi tiếp xúc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó chủ tịch UBND quận 2 cho biết, các kiến nghị liên quan đến giải tỏa mặt bằng, khu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện UBND quận đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2.
"Từ năm 2016 đến nay, quận 2 cũng đã tạm dừng vấn đề cưỡng chế đất của người dân để làm khu đô thị Thủ Thiêm. Chúng tôi khẳng định, hiện không có bất cứ động thái cưỡng chế nào", ông Khiết cho hay.
Đền 18 triệu, rao bán 350 triệu/m2
Về vấn đề mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, bà Tuyết cho rằng, việc Bộ Xây dựng dựa vào QĐ 6565 của UBND TP do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua ký thay thế QĐ 367 của Chính phủ. Điều này cho thấy, quyết định của TP không có giá trị. Từ bản đồ 1/5000 mới ra Quyết định 367, từ đó mới ra bản đồ tỷ lệ 1.2.000.
Bà Tuyết đặt câu hỏi, việc làm quy hoạch Thủ Thiêm dựa vào QĐ 6565 liệu có đúng?
Về giá đền bù, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết phản ánh: "Tôi đã gọi lên công ty Đại Quang Minh (chủ dự án khu đô thị Sala - P.V) để hỏi tìm mua nhà ở gần nơi ở cũ, thì được thông báo giá đất trên đúng con đường này là 350 triệu/m2 và đã bán hết. Nếu cần thì năm sau công ty sẽ báo lại nhưng lên tới giá 23 tỷ/1 căn.
Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết phát biểu.
Tôi nghĩ rằng nhà nước đền bù cho chúng tôi 18 triệu/m2 mà công ty bán ra thị trường giá 350 triệu/m2. Tôi nghĩ như vậy là bóc lột dân quá, đa số người dân là nghèo, thiểu số mới là giàu".
Từ đó, cử tri này đề nghị, nếu công ty Sala bán ra 350 triệu/m2 thì phải đền bù cho người dân ít nhất 50 triệu/m2, vì đây là đền bù theo thỏa thuận...
Theo Văn Bình - Văn Châu (Vietnamnet)
Bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm thất lạc: Có ai đó muốn "thủ tiêu" ? Mấy ngày nay, báo chí cũng như cộng đồng mạng đặt nghi vấn trước việc "tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 bị thất lạc" là có dụng ý. Dư luận đã liên tiếp đặt những câu hỏi: Ai làm mất? Với mục đích gì? Phóng viên Dân Việt qua nhiều đầu mối đã truy tìm...