Dân Thủ đô nhịn tắm, ăn cháo vì mất nước
Hai ngày không tắm, phải nấu cháo ăn, xin nước giếng khoan để dùng… là tình cảnh của hàng nghìn hộ dân quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông (Hà Nội) do mất nước đã gần 10 ngày nay.
Theo phản ánh của người dân, hơn một tuần nay, cuộc sống của họ bị xáo trộn do thiếu nước sinh hoạt. Nhiều gia đình phải nấu cháo ăn vì nấu cơm tốn rất nhiều nước, tắm giặt cũng hết sức hạn chế, trong thời tiết oi nóng mà có người hai ngày không được tắm.
Không có nước sinh hoạt, nước giếng khoan là nguồn nước sinh hoạt duy nhất. Những nhà không có giếng khoan phải dùng mọi thứ như chậu, xoong, nồi… mang sang nhà hàng xóm đứng xếp hàng xin nước. Nếu mua nước ở ngoài, người dân phải mua với giá rất đắt, 120 nghìn đồng nửa khối nước sạch mà nhiều lúc không có nước để mua.
Quá bức xúc nhiều hộ dân đã liên tục gọi điện đến số điện thoại ghi trong hóa đơn tiền nước nhưng không ai nhấc máy.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, số nhà 48, ngõ 229, Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Mất nước đã 7 ngày nay, cả gia đình 7 người sống khổ sở vì thời tiết nóng bức lại thiếu nước.Nhiều hôm phải nấu cháo ăn vì nấu cơm rất tốn nước, ông nhà tôi đã 2 ngày nay chưa tắm, bức xúc lắm… Cứ sáng ra là mọi người trong nhà mang xô, chậu, xoong, nồi… đi xin nước giếng khoan, một ngày phải đi xin 2,3 lần”.
Vừa lấy nước giếng khoan cho hàng xóm, bác Phạm Văn Khanh, số nhà 38, tổ 3 ngõ 229, Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc nói: “Nhà tôi ngày nào cũng có 10 hộ gia đình, 2 khu sinh viên đến đây lấy nước, tuy là nước giếng khoan nhưng có nước sinh hoạt là quý lắm rồi, nhà tôi phải ăn nước giếng khoan vì đi mua nước rất đắt có khi họ còn không có nước bán cho mình”.
Anh Quách Minh Phượng, quê ở Thanh Hóa thuê trọ ở khu vực đường Kim Giang cho biết, 4 ngày nay phòng anh bị mất nước sinh hoạt. “Mất nước nhiều ngày liền, cuộc sống của tôi bị đảo lộn. Hằng ngày, tôi phải sang nhà bạn ở khu vực Cầu Giấy tắm nhờ”, anh Phượng kể.
Trao đổi với phóng viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cho biết, từ 16h đến 21h ngày 17/5, nhà máy cấp nước ở Hòa Bình mất điện. Do vậy, nhà nước phải giảm áp suất trong ống nên một số khu vực đầu nguồn có nước, khu vực ở xa không có nước.
“Đến sáng ngày 18/5, nước sạch đã được cung cấp trở lại cho người dân”, ông Tốn nói.
Theo ông Tốn, đường ống cung cấp nước cho người dân thủ đô vẫn hoạt động bình thường, không xảy ra sự cố. Công suất của nhà máy cấp nước cho người dân thủ đô khoảng 220.000m3/ngày đêm, nhưng vào những ngày cao điểm nắng nóng nhu cầu sử dụng của người dân nội đô lên 260.000 m3/ngày đêm. Do vậy, những hộ dân ở quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông đã bị thiếu nước.
“Hiện tại nhà máy đã chạy hết công suất, do vậy khi nhu cầu của người dân tăng cao, áp lực trong ống nước sẽ giảm và có thể một số hộ dân sẽ bị thiếu nước. Chúng tôi mong muốn người dân hãy sử dụng tiết kiệm nước”, ông Tốn chia sẻ.
Một số hình ảnh người dân xin nước giếng khoan về sinh hoạt:
Đã gần 10 ngày nay, gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội bị mất nước nên hàng ngày bà cùng mọi người trong gia đinh phải đin xin nước giếng khoan về ăn.
Từ khi bị mất nước, cuộc sống, sinh hoạt gia đình bà bị đảo lộn. Ngày phải đi xin nước 2,3 lần mới đủ dùng cho 7 người sinh hoạt.
Video đang HOT
Tại nhà ông Phạm Văn Khanh cách đó không xa nhà bà, mọi người phải xếp hàng lấy nước
Bất kể lúc nào, dù trời nóng gắt nhưng cô con dâu của bà Huyền phải đi lấy nước dự trữ cho cả gia đình sinh hoạt
Mọi vật dụng trong gia đình được huy động tối đa để đựng nước
Do nhà tắm, sinh hoạt của cả nhà trên tầng 2 lên phải xách từng xô nước nhỏ lên, đổ vào một chậu lớn hơn
Chồng bà, ông Nguyễn Văn Tân đã 2 ngày nay không tắm, ông chia sẻ: “Quần áo tôi hôi hám, người đầy mồ hôi, tôi đang sửa cái máy lọc nước nhưng chưa được, gia đình đông người nên tôi phải nhường nước cho các cháu”.
Nếu ai trong gia đình tắm thì chỉ được dùng một chậu nước nhỏ
Hàng ngày, từ sáng đến tối, mười hộ gia đình cùng hai dãy sinh viên đến nhà ông Khanh đến xin nước giếng khoan để dùng.
Máy bơm nước nhà ông lúc nào cũng chạy hết công suất, ông bảo: “Nếu mất điện nữa thì cả khu này không nhà nào có nước dùng.”
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cùng ngõ với nhà ông Khanh đang chỉ cho chúng tôi thấy những bình nước dự trữ đã hết nước từ lâu
Bên trong đã rỉ sắt, không một giọt nước nào
Trong bể ngầm dự trữ nhà ông cũng hết sạch, chỉ còn trơ trụi chiếc máy bơm. Trời nóng gay gắt, ông bức xúc nói: Ngày nào tôi cũng gọi điện đến các cơ quan xem họ trả lời chúng tôi như thế nào nhưng không ai quan tâm, tiền nước hàng tháng họ vẫn đến thu đều.
Một số nhà đành phải dùng nước giếng khoan như thế này để sinh hoạt
Đến trưa nay, 18/5 đã gần 10 ngày mất nước. Hàng ngàn hộ dân vẫn phải khổ sở vì không có nước sinh hoạt, cách duy nhất là dùng nước giếng khoan để sinh hoạt trong những ngày đầu hè oi bức
Theo Khampha
Dân Thủ đô "sống dở chết dở" vì mất nước dài hạn
'Mất nước cả nửa tháng, gọi cho bộ phận cấp nước thì bảo mai sẽ có, không biết bao nhiêu ngày mai nữa mới có nước. Gia đình tôi phải xin nước từ giếng khoan hoặc "đi" nhờ nhà hàng xóm, nhưng xin mãi cũng ngại..." - anh Thảo bức xúc.
Sống khổ vì thiếu nước
Bà Phạm Thị Dậu (Ngõ 29 Khương Hạ) đã sống gần nửa tháng nay trong cảnh thiếu nước trầm trọng. Cách đây gần chục hôm, nước đã bắt đầu ít. Có hôm phải bơm 4 - 5 tiếng đồng hồ mới bơm đầy một bể nước có thể tích chưa đến 1m3. Còn bây giờ, nước đã mất hẳn khiến nhà bà Dậu sống trong cảnh "sống dở chết dở".
Nhiều hộ dân ở Thanh Xuân (Hà Nội) phải lao đao vì không có nước sinh hoạt.
"Nhiều nhà có bể chìm để chứa nước thì còn nước sinh hoạt chứ như nhà tôi chỉ có bể nổi nên rất nhanh hết nước. Vì thế mỗi khi nấu ăn tôi phải đi xin nước từ các nhà hàng xóm". - bà Dậu chia sẻ.
Cũng theo người dân ở đây, đã gần nửa tháng nay ở khu vực Khương Đình và Khương Hạ tình trạng mất nước sạch xảy ra thường xuyên khiến người dân không có nước để sinh hoạt. Nhiều gia đình chủ động dùng máy bơm lấy nước từ giếng khoan để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, đó là những gia đình ít người, còn đối với những gia đình kinh doanh cho thuê phòng trọ thì tình hình bi đát hơn rất nhiều vì lượng nước từ giếng khoan không đủ và bẩn.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Thượng Đình) cho biết: Mấy ngày mất nước, tôi bán hàng mà cũng dở khóc dở cười vì người dân chỉ dám mua những loại thực phẩm rửa mà ít tốn nước nhất như các loại củ quả, còn lại những loại rau phải rửa nhiều nước họ không dám mua"
Bi hài hơn, gia đình anh Nguyễn Văn Thảo (Ngõ 135 Khương Hạ) mấy ngày hôm nay còn không dám đi vệ sinh vì không có nước mà...xả. Vì thế, nếu nhu cầu chưa quá "cấp bách" thì gia đình anh Thảo đành nhịn. Nếu không thì cả nhà lại sang hàng xóm "đi" nhờ.
"Mất nước cả nửa tháng, gọi cho bộ phận cấp nước thì bảo mai sẽ có, không biết bao nhiêu ngày mai nữa mới có nước. Gia đình tôi phải xin nước từ giếng khoan hoặc "đi" nhờ nhà hàng xóm, nhưng xin mãi cũng ngại..." - anh Thảo bức xúc.
Không chỉ khu vực Thanh Xuân, nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội cũng thường trực với nguy cơ mất nước dài hạn bất cứ lúc nào.
Chị Huỳnh Thu (ngõ 378 Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết: "Nhà Hà Nội, ngay gần Hồ Tây, nhưng suốt ngày nơm nớp lo không có nước dùng. Cứ nghe sắp mất nước là tôi phải về nhà lo trữ nước. Khổ nỗi, nhà chật, dụng cụ trữ nước không nhiều, nhà lại cuối nguồn. Trong ngõ có nhà phải tìm cách chuyển đi vì không chịu nổi cảnh này"
Theo thông tin từ Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội, ngõ từ 378 đến 530 Thụy Khuê (Ba Đình) nằm trong số các khu vực được dự báo có nguy cơ thiếu nước cục bộ do cốt địa hình cao. Chung cảnh "nơm nớp khát nước" là khu vực Đầm Trấu và ngoài đê Nguyễn Khoái, mặt đê đường Hồng Hà - phường Chương Dương, phường Phúc Tân, khu vực số 909-921 Đê La Thành, 297-303 Đê La Thành, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khu vực Thanh Trì và Đền Lừ...
Thấp thỏm sợ vỡ đường ống
Trước những lo lắng trên của người dân, dịp hè 2014, đại diện Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội cho biết, để đối phó với tình trạng thiếu nguồn nước sạch, Công ty đã khoan bổ sung thay thế một số giếng suy thoái, đồng thời hoàn thành nhiều dự án cấp nước.
Ngoài ra, Công ty kiến nghị thành phố cho triển khai ngay dự án bổ sung 30.000m3/ngày đêm cho Nhà máy nước Bắc Thăng Long để phục hồi đủ công suất 50.000m3/ngày đêm, quy hoạch giếng khai thác tại các nhà máy hiện đan xen trong khu dân cư và chỉ đạo ngành điện không cắt điện trong thời gian phục vụ cấp nước hè.
Nếu hệ thống dẫn nước ổn định, nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu của khoảng 70.000 khách hàng. Dù vậy, điều cả các đơn vị kinh doanh nước sạch sông Đà và người dùng lo ngại nhất chính là việc vỡ đường ống cấp nước. Đường ống này đưa vào sử dụng 6 năm, nhưng riêng hơn 2 năm qua đã vỡ đường ống nước tới 6 lần.
Ngoài việc tăng được kỹ năng xử lý điểm vỡ, đến nay chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty CP Vinaconex vẫn không tìm ra được nguyên nhân của tình trạng này. Biện pháp giải quyết triệt để được biết đến lúc này là xây dựng đường ống mới thì chưa thể hiện thực hóa.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, lãnh đạo Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cho biết, trong điều kiện vận hành bình thường, do lượng nước dồi dào, Công ty Viwaco (kinh doanh nước sạch của Nhà máy nước sạch Sông Đà) còn có dư để bán lại cho Công ty nước sạch Hà Nội với lưu lượng từ 40.000 - 45.000m3/ngày đêm.
Nhưng khi xảy ra sự cố, nếu mất nước kéo dài, phía Công ty nước sạch Hà Nội sẽ "ứng cứu", trên cơ sở đề nghị của Công ty nước sạch Sông Đà và sự điều phối của UBND TP. Hà Nội. Phương án duy nhất là chở nước bằng xe xi-téc để cung cấp miễn phí cho người dân./.
Theo Pháp luật VN
Hà Nội: Nhiều khu vực nguy cơ nước yếu, mất nước Nếu tiếp tục xảy ra sự cố đường ống cấp nước sông Đà thì tình hình cấp nước hè 2014 sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, do đặc điểm địa hình nên một số khu vực sẽ nằm trong nguy cơ nước yếu, mất nước - Sở Xây dựng Hà Nội nhận định. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê...