Dân tháo dải phân cách mở lối đi trên Quốc lộ 1A
Hệ thống dải phân cách, tấm chống lóa, biển báo hiệu… đặt trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An bị người dân tự ý tháo dỡ để làm lối đi, gây mất an toàn giao thông.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mới hoàn thành đưa vào sử dụng cách đây hơn hai tháng. Tuyến đường gần 20.000 tỷ đồng này có hệ thống dải phân cách, biển báo, đèn hiệu kiên cố và hiện đại, giúp các phương tiện lưu thông an toàn, thuận tiện.
Tuy nhiên, dọc tuyến đường, đặc biệt là những nơi tập trung đông dân cư hay những khu vực có nhiều nhà hàng, quán xá, gara ôtô…, một số người dân đã tự ý tháo dỡ hệ thống dải phân cách giữa đường làm lối đi tự phát.
Tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), nhiều tấm bê tông phân cách nặng cả tấn bị lôi khỏi làn đường vứt vương vãi trước cửa nhà dân.
Tình trạng cố ý phá dỡ dải phân cách, tấm chống lóa trên tuyến quốc lộ 1A xảy ra ở nhiều huyện như Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hậu Lộc… nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Quảng Xương với hàng chục điểm hư hại hoặc thay đổi so với thiết kế ban đầu. Tại xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, chỉ trong khoảng chiều dài hơn một km đã có ít nhất hai điểm bị tháo phân cách với tổng chiều dài khoảng 30 m.
Sau khi “dọn sạch” dải phân cách, người dân lấy mâm nhôm hay các mảnh sắt thép cắt tròn, họ cho tô màu rồi đem buộc ra đường. Theo lý giải của một chủ nhà hàng ven đường Cống Trúc, xã Quảng Ninh, hệ thống dải phân cách đã “cản trở” khách vào mua hàng, gây thất thu cho việc làm ăn kinh doanh nên họ tháo dỡ nhằm “tạo điều kiện” cho khách hàng muốn dừng chân.
Một nhóm học sinh ở huyện Quảng Xương sau giờ tan học đang cố băng qua đường ở một điểm mà dải phân cách mới bị phá bỏ. Các phương tiện cơ giới mỗi khi qua đây đều phải giảm tốc đột ngột và bấm còi inh ỏi.
Video đang HOT
Hàng loạt tấm kim loại chống lóa phía trên dải phân cách cứng cũng bị tháo dỡ vô tội vạ. Toàn tuyến có đến hàng trăm tấm chống lóa đã “bốc hơi” chỉ trong một thời gian ngắn. Người dân vô tư trèo qua đường, thậm chí mang vác hàng hóa cắt ngang dòng phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao. Có những điểm để tiện cho việc “xé rào”, người dân không chỉ tháo lan can sắt mà còn dựng các bao tải đất hay xếp gạch đá thành bậc để vượt qua dải phân cách thuận tiện hơn.
Tại một điểm khác, sau khi tháo ốc vít cố định các tấm kim loại, người dân lấy dây vải, dây nhựa buộc gá tạm bợ, khi nào có nhu cầu sang đường, họ lại tháo ra. “Đây là hành vi thiếu ý thức của một nhóm người vì lợi ích nhóm cục bộ. Họ không chỉ phá hoại tài sản công mà còn vô ý gây thêm những rủi ro cho người và phương tiện tham gia giao thông”, ông Nguyễn Thanh Sơn, một người dân bức xúc nói. Ngoài ra, nhiều biển báo giao thông trên tuyến đường này cũng bị người dân tháo trộm đem về sử dụng.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý đường bộ II.1 (Bộ Giao thông Vận tải), từ Km330 đến Km368 đoạn qua hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia (Thanh Hóa) người dân đã tự ý tháo dỡ, mở 34 điểm qua lại trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn thảm khốc, nghiêm trọng. Chi cục Quản lý đường bộ II.1 đã có văn bản đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hoá và các đơn vị liên quan chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tự ý tháo dỡ tấm chống chói và cục bê tông phân cách, đồng thời nghiêm khắc xử lý những hành vi phá hoại kết cấu hạ tầng an toàn giao thông, phá hoại tài sản nhà nước.
Tại tỉnh Nghệ An, tình trạng phá hoại dải phân cách xảy ra nhiều nhất tại huyện Diễn Châu. Đoạn đường gần 20 km có đến hàng chục tấm rào chắn bị tháo dỡ. Ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) cho biết, tình trạng tháo dỡ rào chắn này diễn ta từ trước Tết Nguyên đán. Không biết ai là thủ phạm nhưng theo ông Hùng, nguyên nhân rào chắn bị tháo đỡ là do có nhiều đoạn phân cách kéo dài cả cây số dẫn tới bất cập trong sinh hoạt của người dân hai bên đường.
Tại xã Diễn Yên, có điểm mất gần chục mét tấm chống lóa. Anh Phạm Song Toàn (45 tuổi, một người dân xã Diễn Yên) cho biết, điểm này trước đây vốn giao nhau với đường dân sinh đi ra cách đồng của làng, từ khi nâng cấp quốc lộ, lối đi này bị ngăn lại khiến người dân từ bên này đường muốn ra cách đồng bên kia đường cày cấy phải đi vòng khá xa. “Mong muốn của người dân là được đi tắt cho nhanh chứ không có ý phá hoại”, ông Toàn nói.
Một tấm kim loại bị đập phá hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, việc tự ý tháo dỡ rào chắn trên quốc lộ 1A dù bất kể lý do gì đều rất nghiêm trọng, dẫn tới mất an toàn và tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ông Kỳ cho hay, những điểm người dân phản ánh bất tiện sinh hoạt, sản xuất, Sở đã gửi báo cáo tới Ủy ban an toàn giao thông, Bộ giao thông Vận tải xem xét. Công an tỉnh Nghệ An cho hay, đang điều tra tình trạng phá hủy dải phân cách trên tuyến đường 1A. Song, nhà chức trách chưa bắt quả tang trường hợp nào.
Lê Hoàng – Văn Hải
Theo VNE
Hàng loạt lan can quốc lộ 1A bị "bốc hơi", tàn phá
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An được hoàn thành và đưa vào sử dụng, chỉ một thời gian ngắn hàng loạt tấm lan can sắt phân luồng giao thông bị "bốc hơi".
Lan can phân luồng giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An bị "biến mất".
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Nghệ An chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng chỉ chưa đầy 1 tháng. Tuy nhiên hàng loạt tấm lan can bằng sắt giúp phân luồng giao thông sau khi được lắp đặt đã biến mất hàng loạt tại những điểm đông dân cư.
Hệ thống dải phân cách được lắp đặt gồm hàng rào bằng bê tông, phía trên được gắn lan can bằng sắt có tác dụng phân luồng trên tuyến quốc lộ, ngăn không cho người và phương tiện giao thông di chuyển cắt ngang trên tuyến. Sau khi được lắp đặt hệ thống dải phân cách đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông một các rõ rệt. Đặc biệt trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.
Chỉ sau chưa đầy 1 tháng chính thức được khánh thành hàng loạt tấm lan can bằng sắt đã "bốc hơi", phá hư hỏng.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, dọc chiều dài toàn tuyến tình trạng trên diễn ra rất nhiều. Đặc biệt tại đoạn qua địa bàn các xã Diễn Yên, Diễn Hồng, Diễn Kỷ thuộc huyện Diễn Châu. Những tấm lan can sắt bị tháo dỡ từ những điểm chỉ 1 - 2 tấm rồi đến hàng chục, thậm chí đến thời điểm hiện tại toàn tuyến có đến gần cả trăm tấm lan can đã "bốc hơi" chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi được lắp đặt.
Tại những điểm này, người dân vô tư di chuyển qua đường, thậm chí mang vác hàng hóa cắt ngang dòng phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao vô cùng nguy hiểm. Có những điểm để tiện cho việc "vượt rào", người dân không chỉ tháo tấm lan can bằng sắt mà còn dựng các bao tải đất kê thành bậc để vượt qua phần dải phân cách bằng bê tông.
Đến nhiều tấm lan can sắt biến mất không lý do.
"Chỉ nhanh hơn có một, hai phút mà họ cứ trèo qua trèo lại như vậy đó. Khi thấy có người đứng trên lan can định xuống đường thì lái xe hốt hoảng bóp còi inh ỏi. Tôi thấy nguy hiểm quá, nhưng nhắc nhở thì người ta lại cười thậm chí còn tưởng mình gàn nên mới nói họ như vậy", ông Nguyễn Văn Hóa một người dân ở xã Diễn Kỷ chia sẻ khi hàng ngày chứng kiến cảnh người dân "đùa" với chính tính mạng của mình để qua đường.
Tại địa phận xã Diễn Kỷ, lan can bằng sắt bị xâm hại vô tội vạ, tháo dỡ đến hàng chục điểm. Hàng chục tấm lan can cũng đã biến mất không giấu tích, người dân thì vô tư "vượt rào" băng đường khiến giao thông qua đây trở nên phức tạp, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Khu vực nhiều nhất vẫn là địa bàn qua huyện Diễn Châu bị tháo gỡ như thế này.
Ở địa phận xã Diễn Yên cũng tình trạng trên cũng diễn ra một cách phổ biến, những điểm bị xâm hại xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Chủ yếu tại nhưng nơi tập trung dân cư, hàng quán, nhu cầu đi lại của người dân nhiều.
Chiều 1/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Kỳ - GĐ Sở GTVT Nghệ An cho biết: "Sau khi sự việc trên xảy ra, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo của tỉnh gửi tới các địa phương nơi có quốc lộ 1A đi qua. Đồng thời gửi cơ quan cảnh sát điều tra và mời công an vào cuộc điều tra những tổ chức, cá nhân nào vi phạm tháo gỡ kết cấu hạ tầng cơ sở giao thông. Đề nghị nhân dân tố giác những trường hợp tháo gỡ kết cấu hạ tầng giao thông làm ảnh hưởng đến tai nạn giao thông. Nếu bắt được trường hợp nào vi phạm thì sẽ đề nghị công an khởi tố. Mặt khác chúng tôi cũng gửi ra Bộ GTVT nghiên cứu các điểm giao cắt làm sao cho phù hợp với đi lại của nhân dân nhưng cũng phải tránh điểm đen về tai nạn giao thông".
Tấm lan can mới bị tháo dỡ được đặt ngay tại dải phân cách.
Xếp bao cát làm bậc thang cho dễ trèo.
Thậm chí có những điểm sau khi tháo dỡ lan can sắt, người dân còn viết dòng chữ biện minh: "Mở đường cho dân đi cày cấy".
Nguyễn Phê - Nguyễn Tình
Theo Dantri
Hà Nội đồng loạt dỡ dải phân làn cưỡng bức Lý giải việc tháo dỡ phân làn cưỡng bức sau hơn ba năm thực hiện với kinh phí 24 tỷ đồng, lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cho rằng ý thức người tham giao giao thông đã cải thiện. Chi gần 24 tỷ đồng thí điểm phân làn trên 12 tuyến phố nhằm tránh ùn tắc và giảm tai nạn giao thông...