Dân quá bức xúc với nạn kẹt xe
Ông Đinh La Thăng – ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM – đánh giá như vậy ở cuộc họp bàn về giảm ùn tắc giao thông tại Sở Giao thông vận tải ngày 13-12.
Nhiều lãnh đạo TP.HCM gồm: Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cùng nhiều đơn vị, sở ngành liên quan tham dự cuộc họp bàn này.
Tuyến đường Hoàng Văn Thụ, tại khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình, TP.HCM) thường xuyên ùn tắc giao thông (ảnh chụp chiều 13-12)
Tất cả đều thống nhất như đánh giá của bí thư Thành ủy: “Ùn tắc giao thông tại TP.HCM đang trở thành vấn nạn, những gì giải quyết được sớm, chưa cần nhiều tiền thì phải làm ngay. Vì người dân đã quá bức xúc…”.
“Tôi làm xong, các anh phải đi làm việc khác”
Ông Đinh La Thăng thể hiện sự quyết liệt khi đốc thúc tiến độ nhiều dự án và không chấp nhận sự phân bua nào từ phía đơn vị quản lý.
Với dự án bến xe Miền Đông mới được xây dựng tại quận 9, ông Thăng yêu cầu lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) phải hoàn thành trong năm 2017, theo đúng cam kết với Thành ủy.
Dù phó tổng giám đốc SAMCO Lê Văn Pha phân bua là vướng đền bù giải tỏa, thủ tục, ít nhất năm 2018 mới hoàn thành nhưng bí thư Thành ủy nói thẳng: “Nếu năm 2017 không xong thì các anh thuê tôi chỉ huy, sẽ xong tất. Nhưng khi tôi làm xong thì các anh phải đi làm việc khác. Các anh có dám cam kết không?”.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Pha cho biết sẽ cố gắng tối đa để hoàn thành việc xây dựng bến xe Miền Đông mới (Q.9 (TP.HCM), Bình Dương) trong năm 2017 và dự kiến trong năm 2018 mới di dời bến xe Miền Đông ở Q.Bình Thạnh.
Tương tự, ông Đinh La Thăng yêu cầu tất cả các trạm thu phí tại TP.HCM phải lắp đặt ngay hệ thống thu phí tự động trước Tết Nguyên đán năm 2017.
Theo ông, đây là việc không tốn tiền nhưng sẽ làm giảm mạnh ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, nhất là vào dịp lễ tết.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị với ông Mai Tuấn Anh – tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) – cho xe máy được chạy vào đoạn 4km đường nối đường vành đai 2 đến nút giao An Phú (quận 2) của cao tốc TP.HCM – Long Thành, giao quyền quản lý đoạn đường này cho TP.HCM.
Ông Mai Tuấn Anh đồng ý cả hai đề nghị này, đồng thời kiến nghị sớm khởi công nút giao An Phú, bởi đây đang là nơi cao điểm ùn tắc.
Đề nghị này được các lãnh đạo TP.HCM tại cuộc họp chấp thuận và UBND TP sẽ bàn với các sở ngành để nhanh chóng thực hiện.
Tăng giờ bay ban đêm
Tại cuộc họp, các lãnh đạo TP.HCM cho rằng một trong những lý do gây ùn tắc giao thông là từ sự trì trệ, chậm đổi mới, điều tiết trong chính sách và dịch vụ.
Điển hình nhất là chuyện ùn tắc “cả trên trời lẫn dưới đất” tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bí thư Thành ủy nói thẳng với ông Đỗ Tất Bình – phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: “Các anh không thể áp đặt, bắt TP chạy theo các doanh nghiệp hàng không được”.
Video đang HOT
Theo ông Thăng, muốn giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất thì phải điều tiết giá vé, tăng số khách bay vào giờ thấp điểm, chuyển sân bay căn cứ (nơi đỗ máy bay khi không hoạt động) ra Cam Ranh, Cần Thơ để máy bay không dồn vào Tân Sơn Nhất nữa. “Các anh có làm được không?” – ông Đinh La Thăng hỏi ông Đỗ Tất Bình.
Tuy nhiên ông Đỗ Tất Bình vẫn nại ra nhiều lý do, trong đó có việc hành khách chưa quen bay giờ trễ, các hãng hàng không chưa sẵn sàng.
Ông Đinh La Thăng cho rằng cả các hãng hàng không lẫn Tổng công ty Cảng hàng không phải mạnh dạn điều tiết theo quy luật kinh tế.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam “không thể đếm chuyến ăn tiền” mà phải điều tiết giá thu trên mỗi chuyến bay tùy vào giờ cao hay thấp điểm.
Về việc các hãng hàng không phải thực hiện chuyển đổi căn cứ ra Cam Ranh, Cần Thơ, theo ông Thăng, đây là chuyện bắt buộc, bởi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ lâu trong khi sân bay Long Thành thì nhanh nhất năm 2023 mới hoàn thành.
Ông Đinh La Thăng cũng đề nghị nghiên cứu và triển khai quyết liệt việc điều tiết giờ học, giờ làm để giãn mật độ xe cộ vào giờ cao điểm.
Với đường cao tốc, quốc lộ, bí thư Thành ủy đề nghị điều tiết thu phí theo hướng tăng vào giờ cao điểm và hạ vào giờ thấp điểm.
Đề nghị này được ông Mai Tuấn Anh ủng hộ. Ông Mai Tuấn Anh cho rằng việc điều tiết này còn làm thay đổi cả thói quen lưu thông của người dân và sẽ giúp ích rất lớn cho việc giảm ùn tắc trên cao tốc, quốc lộ, nhất là vào mùa lễ tết.
Chỉ rõ trách nhiệm
Tại cuộc họp, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang đặt câu hỏi: “Để giảm ùn tắc giao thông, các cấp các ngành đã vào cuộc hết chưa?”.
Thay câu trả lời, ông Tất Thành Cang chỉ ra hình ảnh tương phản khi nhiều cơ quan loay hoay tìm nơi làm bãi đậu taxi cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì SAMCO đang quản lý nhiều mảnh đất xung quanh sân bay nhưng sử dụng chưa đúng chức năng.
Ông Tất Thành Cang yêu cầu rà soát lại toàn bộ đất Nhà nước cho thuê sử dụng không đúng mục đích. Có nhiều doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước rồi cho thuê lại mà bến xe Thành Bưởi là một điển hình.
“Giờ không nói chung chung nữa, phải có giải pháp, nhưng cá nhân, tổ chức không điều hành, cơ quan nhà nước không thực hiện, quận ủy không vào cuộc thì không được” – ông Tất Thành Cang nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng khẳng định để giảm ùn tắc giao thông thì ngành giao thông là chủ lực nhưng tất cả các đơn vị của TP, kể cả của trung ương đóng trên địa bàn đều phải có trách nhiệm.
Ông Khoa dẫn ra việc có các quận huyện đăng ký 159 tuyến đường kiểu mẫu nhưng nơi làm nơi không.
“Ban An toàn giao thông TP phải đánh giá xem các tuyến đường chuyển biến hay không, trách nhiệm của chủ tịch quận huyện đó thế nào, chứ bây giờ hứa rồi không làm đâu có được” – ông Lê Văn Khoa dứt khoát.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh: phải nghiêm túc nhìn nhận tình hình, 8 năm liên tục TP.HCM giảm tỉ lệ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nhưng năm 2016 lại tăng trở lại.
Ông Thăng yêu cầu rà soát toàn bộ quy hoạch, các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề hạ tầng đô thị…
Phân công rõ chức năng nhiệm vụ cho từng cơ quan ở TP, chủ động dự báo các điểm ùn tắc, nguy cơ ùn tắc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan…
“Trong các bức xúc của nhân dân thì ùn tắc giao thông là số 1. Hàng triệu người đang gánh chịu. Phải làm ngay những việc để người dân thấy được quyết tâm của TP” – ông Đinh La Thăng nói.
Hạ tầng giao thông không đáp ứng phát triển
Báo cáo với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ông Bùi Xuân Cường – giám đốc Sở Giao thông vận tải – cho biết hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện nay có năng lực khai thác thấp, không đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội, không đáp ứng được lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, nhất là khu vực trung tâm TP và các cửa ngõ TP.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải cũng cho rằng công tác quản lý tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, công tác ứng dụng công nghệ về quản lý điều hành giao thông thông minh chưa được đầu tư đúng mức.
Ngoài ra, dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng yêu cầu, quy hoạch và phát triển đô thị chưa đồng bộ do tập trung quá cao ở khu vực trung tâm, các khu đô thị, các trung tâm thương mại mới được xây dựng chưa gắn liền với phát triển giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông khi đưa vào khai thác.
Tiến độ di dời các cảng biển, bến xe khách liên tỉnh, trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm TP còn kéo dài…
(Theo Tuổi Trẻ)
Đà Nẵng căng thẳng với kẹt xe
Trước vấn nạn kẹt xe ngày càng gia tăng, chính quyền Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo lộ trình; triển khai bãi đỗ xe ngầm và thu phí đậu đỗ xe dưới lòng đường.
Tình trạng kẹt xe đã xảy ra lâu nay tại nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng trong giờ cao điểm.
Đường một chiều Phan Chu Trinh (quận Hải Châu), 16h45 ngày 8/12, các phường tiện di chuyển khó khăn khi bắt đầu vào giờ cao điểm.
Các nguyên nhân dẫn đến kẹt xe ở Đà Nẵng được chỉ ra là: Dân số tăng; nhiều tòa nhà cao tầng, công sở ở khu vực trung tâm; nhiều đèn đỏ do nhiều đoạn giao cắt; quá ít chỗ đậu đỗ ôtô...
Ôtô đậu đỗ kéo dài bên lề đường là một trong những nguyên nhân dẫn đến kẹt xe.
"Trên các tuyến phố nhỏ xe đậu đỗ tràn ngập", Chủ tịch thành phố Huynh Đức Thơ phát biểu tại phiên họp HĐND TP mới đây và cho biết Đà Nẵng đã trình Chính phủ phương án thu phí đậu đỗ ôtô dưới lòng lề đường. Các xe càng đậu đỗ gần khu vực trung tâm thì phí càng cao.
Trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, thành phố đã phân thành 3 làn đường mỗi chiều, tuy nhiên làn đường phía trong của xe thô sơ và xe máy tại nhiều đoạn lại được kẻ vạch cho phép đậu đỗ ôtô. Giải pháp tình thế này khiến xe máy và xe thô sơ dồn hết sang làn đường thứ 2, gây ách tắc.
Chủ tịch Đà Nẵng thừa nhận thành phố đang đối mặt thách thức rất lớn về hạ tầng giao thông.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh bị kẹt nặng nhất đoạn từ cầu Rồng về nút giao đường Phan Chu Trinh.
Thành phố đã lắp đặt camera công cộng, bố trí lực lượng CSGT túc trực tại các ngã tư trong giờ cao điểm để đảm bảo trật tự giao thông.
Theo chính quyền Đà Nẵng, tình trạng kẹt xe như hiện nay có phần nguyên nhân do làm nút giao thông ở cầu sông quay sông Hàn chặn đi một dòng xe, khiến tăng lưu lượng xe ở cầu Rồng.
"Bình thường, không làm nút giao thông này, cũng bắt đầu căng thẳng rồi", Chủ tịch Đà Nẵng nói.
Vừa qua Đà Nẵng đã áp dụng đậu xe ôtô theo ngày chẵn, lẽ để giảm tình trạng kẹt xe. Theo đó, số nhà chẵn sẽ cấm đỗ xe vào ngày chẵn, số nhà lẻ cấm đỗ xe ngày lẻ.
Thành phố cũng đã bàn đến lộ trình cắt giảm xe máy cá nhân, tuy nhiên theo Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ "nếu không có phương tiện công cộng thay thế thì lộ trình này rất khó thực hiện".
"Dù đã có những kịch bản dự báo hay bài học nhãn tiền của Sài Gòn, Hà Nội, nhưng Đà Nẵng đã kẹt xe. Vấn nạn kẹt xe thực sự là nguy cơ và thử thách với Đà Nẵng, khi dân số tăng lên 2 triệu hay 2,5 triệu người", ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Cầu Sài Gòn kẹt cứng sau cú tông của 2 xe khách Ôtô bị nổ lốp trên cầu Sài Gòn, quận Bình Thạnh, đang chờ cứu hộ thì bị xe khách đâm vào đuôi khiến giao thông qua khu vực kẹt cứng hơn một km. Xe 30 chỗ sau khi húc đuôi xe khách bị nạn. Ảnh: Sơn Hòa Sáng 5/12, xe khách 30 chỗ chạy trên Xa lộ Hà Nội, hướng từ quận 2...