Dân phòng đánh người bán hàng rong: Họ đã đánh vào lòng tin của nhân dân
Đó là lời khẳng định của rất nhiều người dân chứng kiến vụ việc anh Tình bị dân phòng và TTQLĐT đánh, còng tay như tội phạm hình sự vào chiều ngày 6/12.
Hành vi của tổ công tác đối với anh Tình diễn ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân.
Người dân cho biết, lúc tổ công tác đến chợ tự phát trước chung cư Văn Thánh cũ là gần khoảng 17h. Lúc này, những người bán hàng rong đang bán hàng cho khách khá nhiều. Do là chợ tự phát, lại thường xuyên bị tổ công tác đến để dọn dẹp trật tự nên những người bán hàng rong rất sợ bị bắt, lập biên bản và tịch thu phương tiện kiếm sống.
Lúc đó, khi nhác thấy tổ công tác, mọi người nhốn nháo bỏ chạy. Do đứng đầu đường, anh Tình không kịp đẩy xe đi chỗ khác. Lúc này, thấy anh Tình vi phạm lấn chiếm lòng lề đường nên mấy đội viên bảo vệ dân phố và mấy nhân viên của Đội QLTTĐT liền chặn lại. Sau khi bị lập biên bản về hành vi vi phạm trên, anh Tình bị tịch thu chiếc xe đẩy cùng số hoa củ quả trị giá khoảng chừng 1 triệu đồng.
Sợ không còn phương tiện làm ăn, anh Tình năn nỉ xin tha nhưng trước thái độ kiên quyết của tổ công tác này, anh Tình còn bị yêu cầu về UBND phường để xử lý. Cãi nhau một hồi, cho rằng hành vi của anh Tình là chống đối, nhiều người đã xông vào khống chế, dùng còng số 8 để còng tay anh lại rồi ép lên xe máy, sau đó là xe ôtô để áp tải về phường nhưng không được.
Sau khi không đưa anh Tình về được, một bảo vệ dân phố có mặt rổ xông vào chặt 2 cái vào cổ anh Tình làm anh này choáng váng, nằm xuống đất. Tiếp sau đó là 1 trận đòn hội đồng được trút xuống rồi nhóm người của tổ công tác này mới bỏ đi.
Vẫn còn rất bức xúc, cô X có nhà gần chợ bày tỏ với đại ý rằng những người nghèo khổ thì họ mới buôn thúng bán bưng. Biết là sẽ bị phạt nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ cũng đành chấp nhận chứ không thể bỏ được cái nghề này.
Việc các lực lượng chức năng xử phạt hành vi lấn chiếm lòng lề đường, bà con ủng hộ nhưng việc lực lượng thực thi công vụ dùng nắm đấm, còng số 8 để trấn áp một người vi phạm lỗi này là không thể chấp nhận được.
Một trong số những người ký tên lên đơn trường trình của em rễ anh Tình khẳng định vì quá bức xúc mà chị cùng chục người khác đã ký tên lên đơn để trình lên công an phường giải quyết vụ việc cho anh Tình – dù anh Tình với chị chỉ là người dưng.
Video đang HOT
“Chúng tôi băng khoăn mãi một câu hỏi trong vụ việc này là liệu bảo vệ dân phố có được phép trang bị còng số 8 hay không? Các lực lượng đi dọn dẹp trật tự lòng đường, vỉa hè liệu có được phép dùng roi điện để trấn áp những người vi phạm lỗi hành chính hay không? Chỉ mong các cơ quan chức năng giải thích cho bà con rõ” – một người dân thắc mắc.
Một bác hưu trí khi tiếp xúc với PV đã bày tỏ: “Lực lượng thực thi công vụ, xét cho cùng cũng vì lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, luật pháp quy định lỗi hành chính thì xử phạt bằng tiền hay bằng các hình thức khác chứ không có chuyện dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm lỗi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường được.
Làm vậy, thay vì được sự ủng hộ của người dân khi thực thi công vụ thì mai sau, lực lượng này sẽ không được người dân xem là đang đại diện cho mình để thực hiện quyền lực được nhân dân giao cho nữa mà họ sẽ xem là một lực lượng lạm quyền. Điều này nguy hiểm hơn cả những hành vi mà họ đã thực hiện với anh Tình”.
Theo xahoi
Nỗi buồn lo ngày cuối năm của người bán hàng rong bị dân phòng đánh
Bị lực lượng trật tự đô thị đánh đến mức phải nhập viện, giờ đây ước mơ duy nhất của người bán hàng rong là mau chóng khỏe lại để đi làm kiếm tiền nuôi con và mong sao được trả lại chiếc xe ba gác - "cần câu cơm" của cả gia đình.
Bị đánh khi dừng xe mua gạo về nấu cơm tối cho vợ con
Anh Trần Xuân Tình, người bán hàng rong bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng... đánh trọng thương trên đường D1 thuộc P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM đã xuất viện vì không có tiền điều trị. Anh được người thân đưa về lại căn nhà trọ nhỏ chưa đầy 15m2 ở ấp Đông Chiêu, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để dưỡng thương.
Tiếp chúng tôi, anh Tình vẫn còn hằn nguyên sự mệt mỏi, đau đớn. Trên cơ thể, những vết tím bầm chưa tan hết. Anh Tình kể lại sự việc xảy ra vào chiều 6/12. Lúc đó, anh cùng "đồng nghiệp" Trịnh Văn Đông sau một ngày lang thang bán hàng rong, trên đường về nhà trọ, khi đến địa điểm trên thì dừng xe ba gác để mua gạo về nấu cơm tối.
Khi anh đang mua gạo thì nghe tiếng hô: "Dân phòng đến. Dân phòng đến". Người bạn đi cùng và một số bà con tiểu thương đang buôn bán tại khu chợ tự phát trước chung cư 30/4 bỏ chạy tán loạn. Chiếc ba gác của anh Tình không đề máy nổ được nên anh Tình không chạy kịp, bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng "tóm gọn".
Anh Tình đang nằm dưỡng thương tại phòng trọ
Anh Tình cố giải thích là anh không bán buôn lấn chiếm lòng lề đường, chỉ dừng xe mua gạo về nấu cơm ăn nhưng lực lượng chức năng không nghe, quyết còng tay anh và đưa chiếc xe chở hàng của anh lên xe chuyên dụng chở về phường. Anh Tình phản ứng liền bị đánh choáng váng mặt mày.
"Lúc ấy đông người quá, tôi hoảng loạn cực độ chỉ nghe thấy những tiếng đẹt, đẹt như tiếng điện nên ra sức van xin. Sau đó bất tỉnh lúc nào không hay", anh Tình nói.
Anh Trịnh Văn Đông cho biết, khi thấy anh Tình "mắc kẹt", anh tưởng mọi chuyện rồi sẽ qua. Không ngờ thấy càng lúc càng to chuyện. Thấy anh Tình bị đánh nhiều quá, anh Đông la lên để cảnh báo: "Anh ấy bị bệnh tim, đừng đánh anh ấy" nhưng lực lượng dân phòng vẫn bóp cổ, còng tay, đánh vào mặt, túm tóc, dùng chích điện nhiều lần đến khi anh Tình nằm bất động mới thôi.
Trong căn nhà trọ nhỏ của anh Tình, một người bạn bán trái cây khác là Võ Văn Dũng tiếp lời: "Tôi từ quận 2 chạy sang, thấy Tình nằm bất tỉnh bên lề đường. Người dân bức xúc, la ó nhiều lắm nhưng các cán bộ thì nhìn vô cảm. Trước sự hỗ trợ của người dân, Tình mới được taxi đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu".
Anh Dũng, anh Đông bất bình cho biết, mấy dân phòng tham gia đánh anh Tình nhưng khi đưa anh Tình đến bệnh viện lại nói rằng họ thấy anh Tình nằm bất động ngoài đường nên thương tình đưa vào bệnh viện giúp. Sau đó, họ nhanh chóng quay đi.
Bị đánh thừa sống thiếu chết nhưng khi vào bệnh viện, anh Tình nằng nặc đòi về vì không tiền chữa trị. Bạn bè khuyên bảo, cho anh mượn 200 ngàn đồng mua thuốc. Ngay sau đó anh xin xuất viện để về phòng trọ dưỡng thương.
Anh Tình bị đánh bất tỉnh nhưng lại bị "vu" là say rượu, ngủ
Chỉ mong trả lại "cần câu cơm"
Anh Tình trở về dưỡng thương trong căn nhà trọ. Chỉ có những người bạn bán hàng rong thỉnh thoảng ghé thăm, sẻ chia. Vợ anh, chị Lê Thị Hoài Thương biết chồng bị đánh thương tích nhưng chị không dám ở nhà chăm sóc vì sợ bị đuổi việc, tiền đâu nuôi con. Gia cảnh đã khổ, nay chồng không làm việc được nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đang oằn lên đôi vai chị.
Anh Tình cho biết, vợ chồng anh dắt díu vào miền Nam lập nghiệp. Đã 8 năm trôi qua, anh chỉ mới được một lần về quê ở xã Định Tăng, huyện Yên Định, Thanh Hóa thăm gia đình. Ngày vợ chồng vào TPHCM, anh làm phu hồ, chạy xe ba gác. Nhưng từ khi loại phương tiện giao thông này bị cấm lưu hành, năm 2011, anh chuyển sang bán rau củ quả dạo. Không đủ tiền để thuê nhà trọ tại TPHCM, vợ chồng anh phải thuê một căn phòng nhỏ ở tận Bình Dương. Hàng ngày, anh Tình phải dậy từ sáng sớm, vượt hơn chục km để lên chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lấy hàng bán dạo. Mỗi ngày, chắt chiu lắm anh cũng lời được 150.000 - 200.000 đồng. Hôm nào bị cán bộ trật tự đô thị phạt là coi như đi làm không công. Để không bị phạt, có khi anh Tình phải thuê chỗ đứng bán 20.000 đồng/ngày nhưng cũng vẫn bị làm khó.
Biết việc bán hàng rong là vi phạm trật tự đô thị, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, anh Tình cũng như những người bạn buôn bán nghèo như anh vẫn phải cố bám vỉa hè!
Từ hôm anh Tình bị đánh đến nay, chưa thấy đại diện lực lượng chức năng đến thăm hỏi anh
Từ ngày xảy ra chuyện đến nay, nhóm dân phòng đưa anh vào bệnh viện rồi bặt tin luôn, không một lời thăm hỏi, động viên.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, lại cho rằng khi đang bị đánh thì anh Tình nằm ngủ luôn chứ không phải anh Tình bất tỉnh. Ông Quý còn cho rằng anh Tình say rượu nên không kiểm soát được hành vi.
Trong khi đó, người đàn ông bán hàng rong lúc này chỉ mong chóng khỏe, được trả lại chiếc xe ba gác để tiếp tục mưu sinh. "Tết đến nơi rồi mà giờ thế này thì chắc vợ con chết đói. Số trái cây bị thu chừng 1 triệu đồng chắc giờ hư hỏng hết rồi. Tôi chỉ mong chính quyền trả lại chiếc ba gác để tôi tiếp tục mưu sinh. Cái xe ba gác là cần câu cơm của cả gia đình, không có xe, lấy gì mà sống", anh Tình thở dài.
Công Quang
Theo Dantri
Truy đuổi xe vi phạm, một dân phòng tử nạn Hai thanh niên nẹt pô xe, khiêu khích công an ở đường Nguyễn Huệ. Trung úy Phan Hữu Trí lấy xe chở theo anh Lê Hoàng Long truy đuổi. Anh Long thiệt mạng vì truy đuổi xe vi phạm. (Ảnh minh họa) Ngày 21/10, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết trong quá trình truy đuổi xe máy có dấu hiệu vi phạm...