Dân phản đối dự án “tận thu” hơn 45 triệu m3 cát để xuất khẩu
Cho rằng việc hút cát biển là nguyên nhân khiến nhà cửa bị sụt lún, hở hàm ếch… người dân nhiều lần kéo ghe thuyền đến bao vây các sà lan, xáng cạp yêu cầu dừng việc hút cát này.
Người dân xã Đại Lãnh bức xúc vì nhà sạt lở
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (gọi tắt là Công ty Phúc Sơn) được các ngành chức năng cấp phép hút cát ở khu vực biển gần xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Mới đây vào đầu tháng 8, khi thấy 6 sà lan, 3 đầu kéo của Công ty thực hiện hút cát, hàng chục người dân xã Đại Lãnh đi hơn 20 chiếc ghe thuyền kéo đến bao vây các tàu hút cát, ném gạch đá để bày tỏ phản đối.
Hậu quả là làm vỡ 4 tấm kính chắn gió của sà lan và sau đó người dân kéo đến UBND xã Đại Lãnh tiếp tục phản đối. Người dân “tố” rằng, từ ngày triển khai hút cát, nhà cửa bị hở móng, sụt lún, cuộc sống của họ đảo lộn, khốn khó vì nghề mưu sinh bấy lâu là thả chà bắt tôm hùm con bị xóa sổ…
“Khu vực mà Dự án triển khai là khu hứng sóng biển, cá tôm nhiều nhưng không thể neo đậu trú tránh bão. Ở đây lại cách xa cảng Đại Lãnh, không nằm trong vịnh Vân Phong, tàu thuyền ít đi lại ở đây. Không hiểu sao lại nạo vét ở đây?”, ông Hà Sang (thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh) băn khoăn.
Trước đó, vào tháng 6/2014, Bộ Xây dựng đồng ý theo kiến nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa việc xuất khẩu trên 23,3 triệu m3 cát tận thu từ Dự án nạo vét luồng tại vịnh Vân Phong, thực hiện từ tháng 6/2014- 6/2017. Phạm vi dự án kéo dài trên 12km dọc bờ biển thuộc địa bàn xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), diện tích trên 827ha, cách bờ 150m… Công ty Phúc Sơn sau đó khai thác được 400.000m3 cát (triển khai từ tháng 6-10/2014) thì phải dừng lại do thời tiết xấu. Đầu tháng 8/2015, khi Công ty tiếp tục việc khai thác cát thì bị người dân phản ứng quyết liệt.
Video đang HOT
Trả lời báo chí, ông Phan Văn Vị, đại diện Công ty Phúc Sơn, số cát tận thu này xuất khẩu sang Singapore. Tổng khối lượng cát khai thác đạt 45,592 triệu m3, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2023. Doanh thu dự kiến khoảng 2.754 tỷ đồng, trong đó chi phí khai thác 2033 tỷ đồng, thu ngân sách 567,5 tỷ đồng. Dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ông Vị cho rằng nói việc nạo vét ảnh hưởng đến xã Đại Lãnh là không có cơ sở vì vị trí khai thác cách xa xã Đại Lãnh 8-9km và Công ty làm đúng theo trình tự, theo dõi mức độ sạt lở ở nơi khai thác cát.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đề nghị UBND tỉnh giao các ngành chức năng phối hợp với chủ đầu tư xem xét lại mục tiêu, hiệu quả thực hiện dự án, các thủ tục thực hiện dự án, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động môi trường xem có gây sạt lở hay không, có ảnh hưởng đến người dân trong vùng dự án hay không.
Phong Điền – Viết Hảo
Theo Dantri
Chợ Đầm tròn Nha Trang thoát "án tử"
Sau một thời gian căng thẳng, các tiểu thương và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tìm được tiếng nói chung khi quyết định giữ lại chợ Đầm tròn Nha Trang để quảng bá du lị
Sau một thời gian căng thẳng, các tiểu thương và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tìm được tiếng nói chung khi quyết định giữ lại chợ Đầm tròn Nha Trang để quảng bá du lịch.
Chợ Đầm tròn Nha Trang vừa chính thức thoát "án tử" khi UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định giữ lại để quảng bá du lịch cho thành phố biển Nha Trang.
Cụ thể, gần đây nhất, tại cuộc họp ngày 5/8 giữa UBND tỉnh Khánh Hòa, các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ đầu tư và BQL chợ Đầm tròn, các ý kiến đều nhất trí với phương án đề xuất mà Chủ đầu tư đưa ra là sẽ giữ lại chợ Đầm tròn nhưng chỉ để làm nơi quảng bá du lịch.
Như vậy, UBND tỉnh Khánh Hoà và các tiểu thương đã tìm được tiếng nói chung sau một thời gian dài căng thẳng, các tiểu thương cũng đồng ý sẽ chuyển sang chợ Đầm Nha Trang mới để kinh doanh trong khi chợ cũ được giữ lại làm nơi trưng bày, giới thiệu tiềm năng kinh tế, du lịch của TP Nha Trang. TP Nha Trang sẽ có một khu chợ Đầm Nha Trang rất hiện đại ngay sát điểm trưng bày, quảng bá tiềm năng kinh tế, du lịch của TP Nha Trang (chợ Đầm tròn cũ).
Trao đổi về quyết định trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho hay: "Chúng tôi nhất trí giữ lại chợ Đầm tròn để phục vụ cho công tác quảng bá du lịch và sự phát triển chung của TP Nha Trang chứ không sắp xếp kinh doanh trở lại tại chợ tròn để đảm bảo sự công bằng và tránh mâu thuẫn nảy sinh giữa các tiểu thương cũ và mới ở trong và ngoài chợ Đầm tròn".
Phía đại diện BQL Chợ Đầm tròn, ông Huỳnh Văn Đệ, Trưởng ban quản lý cũng nhất trí với phương án giữ này.
Chợ Đầm tròn Nha Trang được giữ lại để quảng bá du lịch.
Căn cứ vào ý kiến các bên tại cuộc họp, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã kết luận: "Giao Chủ đầu tư xây dựng cụ thể phương án giữ lại Chợ Đầm tròn để làm biểu tượng theo phương án đã trình bầy; Phối kết hợp với UBND TP Nha Trang và BQL chợ Đầm tròn khảo sát ý kiến đóng góp của tiểu thương về Phương án đã phê duyệt và phương án đề xuất để Tỉnh ra quyết định chỉ đạo chính thức thực hiện, sớm đưa tất cả tiểu thương vào chợ mới ổn định kinh doanh".
Ngày 6/8, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chính thức ra thông báo về quyết định này. Tại Thông báo số 440/TB-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 6/8 nêu rõ: "Sau khi phương án mẫu thiết kế giữ lại chợ Đầm tròn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, yêu cầu Chủ đầu tư tự bỏ kinh phí sửa chữa, tôn tạo, nhà nước không cấp bù hoặc hỗ trợ khoản kinh phía này".
Thông báo cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục ổn định kinh doanh cho các hộ tại Dự án chợ Đầm Nha Trang, chủ đầu tư phải chủ động báo cáo UBND TP Nhà Trang hoàn chỉnh kế hoạch sắp xếp, bố trí lô, sạp và phương án cho thuê, thông báo rộng rãi cho các hộ kinh doanh để sớm bố trí ổn định vào khu vực kinh doanh mới.
Chợ Đầm tròn Nha Trang được xây dựng những năm 1970 nay đã xuống cấp, nguy cơ cháy nổ cao và chỉ đảm bảo cho một phần nhu cầu kinh doanh của người dân sở tại.
Trước đó, tại nhiều cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh khánh Hòa đều nhận định, chợ Đầm tròn đã xuống cấp, lạc hậu và có nguy cơ cháy nổ cao nên cần có có một trung tâm thương mại hiện đại, xứng tầm ở một TP nổi tiếng về du lịch. Do vậy, ngày 28/8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty CP Sông Đà - Nha Trang thực hiện Dự án chợ Đầm Nha Trang để thay thế chợ cũ. Chợ mới nằm ngay phía sau chợ cũ, có sức chưa gần 1.500 sạp hàng, ki ốt. Sau khi đi vào hoạt động, toàn bộ các tiểu thương sẽ được bố trí nơi buôn bán ở chợ mới. Tuy nhiên, khi dự án được triển khai thì nhiều tiểu thương đang bán tại chợ Đầm cũ không đồng tình vì cho lo ngại có sự xáo trộn về kinh tế và quan trọng hơn là việc phá bỏ chợ Đầm cũ sẽ làm mất đi một "biểu tượng của TP Nha Trang"...
Trước tâm tư, nguyện vọng của bà con tiểu thương, UBND TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần họp với bà con để đưa ra những phương án tốt nhất. Khi những nguyện vọng về kinh tế của bà con chợ Đầm tròn được tỉnh và Chủ đầu tư tạo những điều kiện tốt nhất khi sang chợ mới thì nhiều bà con lại có ý giữ lại chợ Đầm tròn vì đây là một biểu tượng của TP Nha Trang.
Mai Ka
Theo_Kiến Thức
Nha Trang sẽ có bãi tắm đêm miễn phí Du khách tới TP Nha Trang (Khánh Hòa) sẽ được tắm biển đêm với sự giám sát của lực lượng cứu hộ đảm bảo an toàn mà không mất phí. Du khách tắm biển vào ban đêm trên đường Trần Phú, TP Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đồng ý tổ chức bãi tắm đêm không thu phí từ...