Đàn ông và núi
Đàn ông lên núi để có thể đứng núi này trông núi nọ. Đàn ông thường thích đứng núi này trông núi nọ và không nên trách đàn ông về điều đó.
Đàn ông thường không giấu giếm quan hệ của mình với núi. Đàn ông hay khoe: “Vừa ở trên núi về” hay “Lại sắp lên núi rồi”.
Nói chung, đàn ông thích núi. Chuyện lên núi rồi phải xuống đàn ông thường lờ tịt đi, coi như không có chuyện đó. Núi và đàn bà có gì giống nhau? Leo lên thì thích nhưng leo xuống thì mệt.
Núi được định nghĩa như một dạng địa hình lồi, có sườn dốc và độ cao, nằm trải dài trên một phạm vi nhất định. Theo Từ điển Britannica, phải cao hơn 610m so với mực nước biển mới được gọi là núi nhưng chỉ cần dạng địa hình lồi làm bằng đá và cao cao một chút là đã được đàn ông gọi là núi. Đàn ông vốn phóng khoáng, đàn ông thường không chấp những chuyện nhỏ nhặt.
Núi được coi là cái gì đó thanh cao. Như thể trên núi người ta chỉ nghĩ toàn những chuyện tốt đẹp.
Video đang HOT
Cũng như khi ở biển, trên núi không khí trong lành, đàn ông ăn khoẻ, ngủ khoẻ và nếu phải làm việc thì làm việc khoẻ.
Trên núi, đôi khi đàn ông ăn cả thịt thú rừng. Hồi lâu lắm rồi, muốn ăn thịt thú rừng, đàn ông phải tự săn bắt lấy. Bây giờ chỉ việc trao đổi với người trên núi, có mấy tờ giấy nhỏ nhỏ xanh xanh đỏ đỏ là có thịt thú rừng dọn ra, nấu nướng ngon lành. Nhẹ nhàng thì có thịt lợn rừng, gà rừng, chuột rừng, thịt nai… Nặng nề hơn và quốc cấm thì có thịt bò rừng, tê tê, kỳ đà…Hưởng những sản vật của núi, đôi khi đàn ông nên tự hỏi: ta dã làm gì cho núi? Con đường vào trái tim đàn ông đi qua dạ dày. Đàn ông thích núi một phần vì núi ngon. Trên núi có nhiều món ngon.
Đàn ông thích núi còn vì núi bổ. Núi cung cấp nhiều thứ giúp ích cho sức khoẻ đàn ông: tắc kè, cao hổ cốt, mật gấu, sừng tê giác, con bổ củi…
Đàn ông thích núi vì núi có thể có cái gì đó bí ẩn, núi có thể hiền lành như đá nhưng cũng có thể bùng cháy như…núi lửa.
Còn một lý do đàn ông không nói ra: đàn ông thích núi còn vì núi…gợi tình. Ở gần Hà Nội có Núi Đôi. Ông bạn của người viết bài này khi thành lập công ty nhất định đặt tên công ty là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Núi Đôi -như trong bài thơ của Vũ Cao: “Bảy năm về trước em mười bảy. Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng…Lối ta đi giữa hai sườn núi. Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi”.
Mãi về sau quần chúng nhân dân mới khám phá ra đặt tên như thế là vì ông bạn say mê một cô gái có bộ ngực rất đầy đặn. Ở Đà lạt có Núi Bà (Lang Biang), gọi là Núi Bà vì nhìn từ xa, hai chỏm núi như hai chỏm ngực khoẻ của người đàn bà nằm ngửa.
Núi – như Đà Lạt “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” – cho người này niềm vui, cho người kia sức khoẻ. Lên núi không được niềm vui thì được sức khoẻ. Lên núi nhiều khi được cả niềm vui lẫn sức khoẻ.
Đàn ông thỉnh thoảng phải lên núi để di dưỡng tính tình. Trên núi có thể có những cây thông. Nếu như cây tre tiêu biểu cho đồng quê Việt Nam thì cây thông tiêu biểu cho núi. Cây thông là niềm ước mơ thanh thản, là hy vọng thoát khỏi cuộc sống bằng phẳng đơn điệu để tìm đến những đỉnh cao xanh và đạt tới sự lâu dài.
Đàn ông lên núi để có thể đứng núi này trông núi nọ. Đàn ông thường thích đứng núi này trông núi nọ và không nên trách đàn ông về điều đó.
Lên núi đôi khi đàn ông nghe thấy tiếng sấm. Trong Kinh Dịch có một quẻ là Lôi phong tiểu quá – Sấm trên Núi. Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì chỉ nên làm quá trong việc nhỏ và đừng nên quá cương mà nên mềm mỏng một chút.
Lên núi đôi khi đàn ông thấy có chùa. Đàn ông đôi khi hào sảng kiểu: “Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu”.
Lên núi để mở rộng tầm mắt. Lên núi để nhìn về phía chân trời xa xa.
Lên núi nhiều khi phải leo rất mệt. Đàn ông thực thụ tự leo núi, leo núi trước tiên là để chiến thắng chính mình. Đàn ông thích cảm thấy mình là người chiến thắng. Leo lên đỉnh núi, đàn ông thấy mình là người chiến thắng.
Theo Guu