Đàn ông Hàn Quốc tiết kiệm hơn 20 năm chưa chắc đủ tiền kết hôn
Nhiều người trẻ Hàn Quốc trì hoãn chuyện kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục.
Yoon Hwan nói anh như “ở trên chín tầng mây” khi bạn gái nhận lời cầu hôn vào năm ngoái. Chàng trai 30 tuổi đã mường tượng ra một tương lai hạnh phúc bên người vợ hiền và những đứa con đáng yêu.
Nhưng tất cả cảm xúc tuyệt vời, háo hức đó dường như chỉ có trong tưởng tượng.
Trở về thực tại, Yoon thiếu tiền.
Đừng nói đến chuyện lo cho người khác, anh còn không chắc mình đủ sống.
Sau nhiều năm làm công ăn lương, Yoon có khoảng 10 triệu won (gần 200 triệu đồng) tiền tiết kiệm. Số tiền này chưa đủ để anh mua một căn hộ nhỏ tại Seoul – thứ cơ bản nhất nếu muốn lấy vợ, sinh con ở Hàn Quốc.
“Tôi sẽ kết hôn nếu có tiền”, anh chàng đang chuẩn bị làm bài kiểm tra để trở thành một kỹ sư điện tử nói.
Yoon chỉ là một trong hàng trăm nghìn thanh niên Hàn Quốc phải trì hoãn việc kết hôn vì không đủ khả năng tài chính.
Zing.vn trích dịch bài viết trên Yonhap về câu chuyện giới trẻ Hàn Quốc không thể kết hôn, sinh con trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng, giá nhà đạt mức kỷ lục.
“Khóa tình yêu” ở tháp Namsan, Hàn Quốc là điểm đến lãng mạn của các đôi yêu nhau. Ảnh: Korea.net.
Gánh nặng ‘đàn ông xây nhà’
Không thể mua được nhà là một trong những lý do chính khiến Yoon từ bỏ ý định kết hôn ở thời điểm hiện tại.
Tại xứ sở kim chi, người dân Hàn Quốc vẫn quan niệm rằng khi kết hôn, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người chồng có trách nhiệm mua nhà còn vợ sẽ là người sắm sửa các đồ đạc nội thất.
Tuy nhiên, khi kinh tế ngày càng khó khăn, thất nghiệp gia tăng và giá nhà cao đột biến trong những năm gần đây, nhiều đàn ông nói việc cưới xin khiến họ căng thẳng.
Nền kinh tế của Hàn Quốc đang bế tắc trong suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên – những người trong độ tuổi từ 15-29 – ở mức 10,8% vào tháng 3, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 4,3%, theo dữ liệu của chính phủ.
Đôi vợ chồng Hàn Quốc mệt mỏi, ngủ gật tại hôn lễ tập thể ở Seoul. Ảnh: Getty.
Nhiều người trẻ không thể có được việc làm tử tế trong nước đã phải đến Nhật Bản, Trung Quốc… tìm cơ hội.
Giá trung bình của các căn hộ ở Seoul đạt mức cao kỷ lục 829 triệu won (hơn 16,3 tỷ đồng) vào tháng 9 năm ngoái, tăng gấp đôi so với cuối năm 2008, theo dữ liệu của ngân hàng KB Kookmin.
Đây là lần đầu tiên giá nhà vượt mức 800 triệu won (khoảng 15,8 tỷ đồng) ở Hàn Quốc – nơi thu nhập bình quân đầu người hơn 35 triệu won (khoảng 700 triệu đồng).
Điều này có nghĩa là nếu một người có thu nhập trung bình muốn mua một căn hộ ở Seoul, người này phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập hàng năm của mình trong hơn 20 năm.
Với tình hình hiện tại, Yoon nói anh gần như hết hy vọng với chuyện nhà cửa, kết hôn, sinh con.
Hôn nhân là giấc mơ xa vời
Giới trẻ ngày càng lo lắng về tương lai ảm đạm dường như là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ kết hôn thấp kỷ lục ở Hàn Quốc.
Năm 2018, chỉ có 256.622 đôi đăng ký kết hôn, mức thấp nhất kể từ năm 1972.
“Tôi có bạn gái và muốn kết hôn, nhưng hôn nhân vẫn là giấc mơ xa vời vì tiền”, Kim Myoung-soo, 30 tuổi, làm nghề bán dầu nhớt công nghiệp, nói.
Thu nhập chưa đến 30 triệu won mỗi năm (590 triệu đồng), Kim lo rằng anh khó có thể mua nổi một căn hộ đủ sống ở thủ đô. Không chỉ vấn đề nhà cửa, nếu lấy vợ, Kim nói anh không có kế hoạch sinh con do chi phí giáo dục quá cao.
Ở Hàn Quốc, ngoài học ở trường, nhiều học sinh còn phải tham gia các lớp luyện thi tư thục – được gọi là “hagwon” – vào buổi tối, thường để học thêm tiếng Anh và Toán học, hai trong số những môn quan trọng nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Năm 2018, Hàn Quốc có 326.900 trẻ sơ sinh. Con số này thấp hơn nhiều so với 1 triệu trẻ sơ sinh vào năm 1970. Tổng tỷ suất sinh – số trẻ em trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời – cũng ở mức thấp kỷ lục 0,98.
Cơ quan thống kê dự báo rằng dân số của nước này có khả năng đạt đỉnh là 51,94 triệu vào năm 2028 trước khi giảm xuống còn 39,29 triệu vào năm 2067.
“Thế hệ Sampo” Hàn Quốc – những người trẻ từ bỏ chuyện hẹn hò, kết hôn và sinh con. Ảnh: Yonhap.
Xu hướng giới trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân đang gia tăng trong những năm gần đây.
Một thương nhân 45 tuổi mang họ Lee, đề nghị giấu tên, nói rằng anh không muốn kết hôn vì thấy sống một mình thoải mái hơn.
Cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện, cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ không hẹn hò vì không muốn mất tự do.
Có 5,62 triệu hộ gia đình độc thân vào năm 2017, chiếm 28,6% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc.
Sau 3 năm trì hoãn kế hoạch kết hôn, Kim vẫn hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện và anh có thể lấy vợ, sinh con trong tương lai không xa.
“Tôi mong mọi thứ sẽ thay đổi trong 3 năm tới”, Kim nói.
Theo Zing
Rich kid làm đạo diễn ở Mỹ khoe hạnh phúc bên bạn trai giàu có
Cẩm Tú - Anh Quang hẹn hò với nhau hơn 2 năm. Hiện tại, cả hai đều có công việc ổn định tại Mỹ và sẽ kết hôn vào tháng 12 ở Hà Nội.
Cẩm Tú cùng bạn trai tậu xe sang. Anh Quang, Cẩm Tú tậu chiếc xe của hãng Porsche có giá khoảng 150.000 USD.
Nguyễn Cẩm Tú (sinh năm 1992) được mọi người biết đến khi xuất hiện trên Rich kid of Vietnam. Cô theo học đạo diễn truyền hình tại Việt Nam và tiếp tục lấy bằng thạc sĩ ở Mỹ. Hiện tại, cô đang làm việc tại Thung lũng Silicon, Mỹ. Dù sinh ra trong gia đình khá giả, cô kể mình vẫn gặp không ít khó khăn khi du học, trong đó có việc phải sống xa người thân.
Trên trang cá nhân, cô thường xuyên khoe hình bên cạnh đồ hiệu, xe sang. Những bức ảnh này của Tú nhận được lượt tương tác cao từ cư dân mạng. Chia sẻ với Zing.vn về việc tiêu tiền vào hàng hiệu, 9X cho hay: "Trên cương vị người theo đuổi nghệ thuật, mình thấu hiểu đồ hiệu không chỉ là món đồ mang tính ứng dụng, mà nó còn là cái đẹp, là sự sáng tạo của các nhà thiết kế, người nghệ sĩ". Cô cho rằng mua sắm đồ đắt tiền không phải thước đo đánh giá một con người.
Bên cạnh cuộc sống sang chảnh, chuyện tình của Cẩm Tú với Anh Quang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Chàng trai sinh năm 1990 sở hữu gương mặt điển trai, giàu có cùng thành tích học tập đáng nể. Nhiều người ưu ái đặt cho anh biệt danh là "con nhà người ta".
Quang từng là học sinh chuyên toán THPT Amsterdam (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh nhận được học bỗng của National University of Singapore và tiếp tục học thạc sĩ tại Mỹ.
Nói về chuyện tình của hai người, Cẩm Tú chia sẻ: "Quang thả tim hàng loạt hình của mình trên mạng xã hội, mình vào xem ai lại rảnh thế. Vô tình thấy cái vỏ bọc hộ chiếu khá hay ho nên mình đã bình luận hỏi thăm và câu chuyện bắt đầu từ đó. Tụi mình nói chuyện, làm quen hơn 1 năm và chính thức hẹn hò vào tháng 1/2017"
Cặp đôi thường xuyên chụp hình check in ở những địa điểm sang chảnh tại Mỹ. "Đẹp đôi quá!", "Nhìn hai người có tướng phu thê",...là những bình luận được mọi người để lại dưới bức hình của họ.
Hiện tại, cặp đôi đang tất bật chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 12 tại Hà Nội. Từng chia sẻ sẽ về Việt Nam để phát triển sự nghiệp, cô tâm sự bản thân còn trẻ và chưa có thành tựu đáng kể trong sự nghiệp. "Làm đạo diễn đối với con gái rất vất vả. Thế nhưng, người ta thường nói nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Mẹ mình cũng là người trong ngành nên mình được tạo cảm hứng từ mẹ", Cẩm Tú nói.
Theo Zing
2 thập kỷ hạnh phúc của chàng trai lấy vợ hơn 34 tuổi Đôi vợ chồng người Anh gặp nhau khi chàng trai mới 17, còn người phụ nữ đã 51 tuổi, một đời chồng và hai con. Anh Jay Barham ở Essex gặp người vợ Linda vào năm 2000. Lúc đó không ai nghĩ mối quan hệ này kéo dài. Nhưng thực tế, đôi vợ chồng đã ở bên nhau hạnh phúc 19 năm qua...