Đàn ông có lúc thích một mình
Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa.
Khi chúng ta quyết định kết hôn là đồng nghĩa với việc tự nguyện chung sống với ai đó suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng, như thế không có nghĩa là lúc nào cũng phải bên nhau.
Nếu cả hai vợ chồng đều hiểu được nhu cầu cần có những giây phút ở một mình, chắc chắn họ sẽ không có cảm giác bị tổn thương khi người kia từ chối tiếp xúc. Một người đàn ông tâm sự: “Có khi về đến nhà sau những cuộc họp tranh luận căng thẳng ở cơ quan, tôi khao khát có được một khoảng thời gian và không gian riêng cho mình. Chỉ một chút thôi cũng đủ làm tiêu tan những căng thẳng trong ngày, sau đó chắc chắn tôi sẽ cư xử dịu dàng hơn với vợ”.
Các nhà tâm lý cho rằng, nhu cầu được có một khoảng thời gian cho riêng mình là nhu cầu có thật của đàn ông nói riêng và con người nói chung; nhất là khi họ trở về nhà sau một ngày vật lộn với bao nhiêu vụ việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu vừa về đến nhà, đàn ông đã phải làm ngay một việc gì đó hoặc phải nói chuyện ngay, họ sẽ mang cả tâm trạng bực dọc đó vào lời nói của mình, vô tình làm cho quan hệ vợ chồng xấu đi.
Ảnh minh họa.
Video đang HOT
Đàn ông có gia đình luôn chuyển động trong khát vọng chung sống với nhau và cả ý thích được tách ra một mình. Trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi một mình đó, người ta thường cảm thấy tinh thần sung mãn, sức mạnh tràn trề, giống như được hồi sinh từ những mệt mỏi để có thể tiếp tục cuộc chiến đấu mới. Nhà tâm lý học người Đức, Spielberg cho rằng: “Kết hôn là chúng ta đã lựa chọn cuộc sống chung với một người khác, nhưng nếu hiến dâng tất cả cho cái chung đó thì vô tình phủ định chính mình. Cho nên, nếu người vợ yêu cầu chồng lúc nào cũng phải cặp kè bên nhau thì chẳng những đã xâm hại đến quyền tự do của họ mà còn ngăn cản sự hoàn thiện cá nhân họ nữa”.
Có hai con đường hoàn thiện bản thân:
Một là, sống chung và chịu ảnh hưởng của người khác.
Hai là, tách ra và tự hoàn thiện chính mình.
Spielberg khuyên: “Trong một số thời khắc nào đó của cuộc đời, bạn nên có những giây phút tĩnh lặng, cắt hết mọi quan hệ với người khác. Ngay trong cuộc sống gia đình hàng ngày, nếu lúc nào vợ chồng cũng cặp kè bên nhau sẽ làm cho hai bên phủ nhận nhu cầu tâm lý của nhau. Tách rời nhau ra, họ có cơ hội thăm dò chính mình, phát hiện giá trị bản thân. Nếu bạn không có thời gian đó, bạn sẽ không bao giờ hiểu được chính bạn”.
Vợ chồng giáo sư tâm lý học Richars White đã thử dùng phương pháp tạo ra những khoảng thời gian ở một mình một cách độc đáo. Vì công việc của giáo sư phần lớn làm ở nhà và liên quan đến những lý luận trừu tượng nên ông có nhu cầu tư duy một mình. Ông quy định khi nào đang suy nghĩ một vấn đề không muốn bị vợ làm gián đoạn, ông sẽ đội lên đầu một chiếc mũ nồi đen. Đó là tín hiệu: “Tôi đang suy nghĩ, lúc này hãy để tôi yên”. Vợ giáo sư cũng phát tín hiệu muốn ở một mình bằng cách quàng cái khăn màu tím. Nhờ cách đó, hai ông bà không bao giờ làm phiền nhau, luôn tôn trọng nhau và đã sống với nhau rất dễ chịu.
Vợ chồng anh Hưng, sống ở khu bờ hồ Tây Hà Nội. Cả hai đều thích tập thể dục vào buổi sáng nhưng anh Hưng thích đạp xe quanh hồ, trong khi chị Quyên – vợ anh, lại thích đi bộ. Lúc đầu chị phản đối việc chồng đạp xe, để chị đi bộ một mình. Sau anh phải nói thật là đạp xe một mình có cái thú của nó. Có lúc anh dừng xe bên ghế đá, ngồi ngắm mặt trời lên. Có lúc thả hồn phiêu du cho xe từ từ lăn bánh. Cuộc thể dục trở thành liệu pháp thư giãn tâm hồn. Chị Quyên cũng tìm được mấy người bạn gái đi cùng, vừa thể dục vừa trò chuyện vui vẻ. Hai người trở về ăn sáng cùng nhau, có bao nhiêu chuyện để nói. Thế mới biết, tách nhau ra một lúc không thiệt hại gì mà còn khiến cho cả hai cùng hài lòng.
Theo các nghiên cứu tâm lý hôn nhân, khi người đàn ông cần khoảng thời gian tách rời vợ, ngay cả sự quan tâm săn sóc chân tình cũng không có tác dụng gì mà trái lại, có thể làm cho nhau khó chịu. Nếu bạn ngại nói: “Xin đừng quấy rầy tôi” vì sợ làm tổn thương người bạn đời thì có thể quy định một tín hiệu phi ngôn ngữ. Người vợ nhạy cảm là người chỉ cần lướt qua ánh mắt chồng đã biết lúc nào anh ta không muốn nói chuyện, lúc nào có nhu cầu chia sẻ, gần gũi. Đến mức ấy mới là vợ chồng thực sự hiểu nhau và rất dễ sống bên nhau. Ở một mình không nhất thiết là phải mỗi người một phòng. Thực ra, vợ chồng cùng trong căn phòng nhưng nếu tôn trọng nhau vẫn có thể không làm phiền nhau. Có những người đàn ông hay bỏ đi ra khỏi nhà, đến một nơi nào đó, chẳng phải họ giận vợ hay muốn đi tìm “của lạ” mà có khi chỉ vì nhu cầu muốn ở một mình một lúc. Nếu chúng ta hiểu đó là nhu cầu cần thiết và chính đáng của mỗi người, chúng ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi người kia từ chối thân mật. Sự “xa cách” trong khoảnh khắc như vậy không bao giờ làm tình yêu suy giảm mà giống như những liều thuốc “tăng lực” làm cho tình cảm mặn nồng hơn.
Tôi biết có những anh, vợ đi đâu một ngày là tranh thủ gọi điện rủ bạn đến nhà chơi. Họ thích ngồi uống cà phê, nghe nhạc, xem phim cùng bạn bè hoặc đọc cho nhau nghe bài thơ mới làm, những thứ mà vợ chưa chắc đã thích, nhất là thơ tình thì thế nào chẳng có “em – anh”, vợ nghe thấy lại khó chịu hoặc làm cụt hứng. Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa, nên giận dỗi, nghi ngờ, ghen tuông vô cớ.
Điều trớ trêu là, đôi khi vào thời điểm mà sự thân mật giữa hai người đạt đến đỉnh cao thì trong người đàn ông, tiếng gọi độc lập lại vang lên. Điều này có khi làm chị em bối rối, chẳng hiểu mình đã làm gì khiến người-đàn-ông-của-mình lảng tránh. Họ đâu biết rằng chính anh ta cũng không chủ ý làm vậy. Nếu người vợ hiểu điều đó và chủ động tạo ra khoảng cách cần thiết, đồng thời dành thời gian cho riêng mình để đi mua sắm, đi làm đẹp, trò chuyện với bạn gái mà không cần có chồng đi kèm. Thế là sợi dây tình cảm của chồng được co vào, dãn ra nhịp nhàng. Tự nhiên, họ thấy chồng tươi tỉnh hơn, gắn bó với vợ hơn và nói chung là anh ta trở nên đáng yêu hơn nhiều.
Theo VNE
Vợ "lâu năm"
Vợ "lâu năm" là cách nói vui của những người đàn ông, ám chỉ vợ mình "tuy chưa già nhưng không còn trẻ nữa". Vợ "lâu năm" hiểu chồng cặn kẽ đến từng chân tơ kẽ tóc, nên rất dễ "bắt bài" .
Anh bạn thân tôi đưa mắt về phía chị nhà đang thoăn thoắt đôi tay lấy hàng cho khách, bảo: "Bà vợ "lâu năm" của tôi có tật nói nhiều. Trong nhà, chồng con làm gì đều không qua mặt cô ấy, nhưng phải công nhận vợ tôi quán xuyến gia đình tài tình lắm. Vợ vén khéo, đảm đang, lèo lái con thuyền gia đình chạy đúng hướng, dù đôi khi sự chủ quan của vợ cũng làm tôi bực mình". Anh thẳng thừng tổng kết về người vợ của mình một cách hồn nhiên, chân thành, và không giấu nổi vẻ tự hào.
Sống với nhau gần 20 năm, cô ấy không còn giữ ý tứ với chồng, thậm chí trở nên xuề xòa, bỗ bã, cũng chỉ vì phải đối mặt trước những bộn bề lo toan của cuộc sống. Phụ nữ thường hay càm ràm, nói nhiều, có lẽ vì họ bận rộn việc nhà, chồng con, tiếp xúc với những điều dễ bực mình, nên "ưa" nói, mà đôi khi chẳng quan tâm tới việc mình nói chồng con có chịu lắng nghe, có tiếp thu hay không. Nói để dạy con, bảo chồng, nói để nhắc nhở, để nhớ, nên xét cho cùng cũng vì yêu chồng thương con, lo lắng cho cuộc sống gia đình, nên sự nói nhiêu ấy cũng cần được thông cảm.
Bạn tôi khéo léo hãm tật nói nhiều của vợ bằng cách này cách nọ, thay vì bực mình, đôi co. Có hôm anh nhậu về khuya. Biết lỗi, anh im lặng đóng cửa, rồi tìm cách... đánh bài chuồn, vào ngủ với con trai, cốt chỉ để trốn bị vợ "thuyết". Vợ anh nói nhiều, nhưng lại ít để bụng. Nói để giải tỏa sự bực bội, nói để mong chồng con rút kinh nghiệm, nói cho đã nư rồi thôi. Nghĩ vậy, nên anh chẳng chấp. Biết anh xởi lởi, tôi đùa: "Có khi nào anh thấy nhàm vì bà vợ của anh có phần "cũ kỹ" không?". Anh bảo: "Cũ" hay mới cũng chỉ vì chuyện cơm áo gạo tiền. Những lúc lo toan, bận bịu, trông cô ấy cứ "mòn" dần; lúc thư thái, rảnh rang, cô ấy cũng biết làm mới mình".
Thiên chức làm vợ, với biết bao niềm vui, nỗi buồn, sự "thâm niên" ấy khiến vợ anh sống thật, bày tỏ một cách rõ ràng nhất, mà đôi khi sự thật dễ gây nhàm chán, mếch lòng. Dù vậy, vợ "lâu năm" của anh luôn có một thế mạnh nhất định bởi những gì cô ấy tạo ra cho gia đình. Vợ chồng sống với nhau lâu bền, con cái lớn khôn, thành đạt, là tài sản, là thành quả của những năm tháng vất vả nuôi con, vượt qua sóng gió gia đình, cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc. Dân gian có câu "gừng càng già càng cay". Thật chính xác.
Theo Dantri
Vợ chồng "son" Bà Nhàn cứ than ngắn thở dài, tựa như lỡ mua đắt mớ cá mớ tôm đâu ngoài chợ, miệng luôn lẩm bẩm "có hai mụn con mà giờ nhìn đi nhìn lại chẳng có đứa nào bên mình thế này". Hai ông bà chẳng phải là cán bộ công chức gì, chỉ là dân làm nông, buôn bán bình thường như bao...