Dân Ném Thượng chém lợn trong nhà kín
Màn chém lợn trong lễ hội truyền thống làng Ném Thượng diễn ra trong khu vực được quây bạt kín đáo, sau nhiều sức ép phản đối liên tiếp những năm gần đây.
Sáng 13/2 (mùng 6 Tết Bính Thân), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) bắt đầu trong bầu không khí khá căng thẳng sau những tranh cãi gay gắt hai năm gần đây về màn chém lợn vấp phải một số ý kiến cho là phản cảm. Tâm điểm thu hút sự chú ý là hai “Ông Ỉn” được rước ra sân đình từ sáng sớm.
Trước giờ bắt đầu làm lễ, bé trai làng Ném Thượng tới chào “Ông Ỉn”, vật tế mà người dân nơi đây rất kính trọng.
Khác với những năm trước, năm nay ban tổ chức dựng thêm một nhà bạt quay kín làm nơi chuẩn bị cỗ ngọc tế thánh. Đây là nơi dự kiến thực hiện việc chém lợn, thay vì chém công khai ngoài sân đình.
Đúng 9h, hương áng được đốt lên để bắt đầu phần lễ. Lễ hội làng Ném Thượng được tổ chức dựa theo 5 bản sắc phong do các đời vua ban, giao cho dân làng trách nhiệm hằng năm hương khói, cúng tế Lý Đoàn Thượng – vị anh hùng có công giúp triều đình đánh giặc ngoại xâm.
Sau các thủ tục lễ tế, “Ông Ỉn” được đưa ra khỏi đình, theo đoàn rước đi một vòng quanh làng.
Video đang HOT
Đứng hai bên đường đợi diện kiến “Ông Ỉn” đi qua, nhiều người tỏ lòng thành kính bằng cách mừng tuổi con vật tế lễ.
Đứng đợi từ sớm, bà Nguyễn Thị Thao (76 tuổi, người làng Ném Thượng) tỏ vẻ vui mừng, vừa múa vừa cổ vũ khi đoàn rước đi qua. Bà Thao cho biết, lễ hội của làng luôn là dịp vui đặc biệt từ khi bà còn nhỏ. “Tôi nghe nói năm nay có thể sẽ không chém lợn công khai. Là người dân Ném Thượng, tôi thấy hơi buồn, nhưng thôi dù sao làng vẫn giữ được lễ là cũng vui rồi”, bà Thao cho biết.
Trong lúc đoàn rước đi quanh làng, ban tổ chức cũng gấp rút chuẩn bị hàng rào để ngăn không cho người dân tiếp cận khu vực làm cỗ ngọc tế thánh.
Lực lượng công an, bảo vệ cũng được huy động rất đông để giữ trật tự khi người dân đổ về đình làng để chứng kiến màn chém lợn.
Hơn 11h, hai “Ông Ỉn” được về đến đình làng. Sau thủ tục hoàn rước, xin đao, “Ông Ỉn” được đưa vào nhà làm cỗ ngọc. Ngoài những người có nhiệm vụ, không một ai được tiếp cận nhà bạt quây kín, nơi diễn ra màn chém lợn làm cỗ ngọc tế thánh.
Sau khoảng 10 phút, hai thủ đao bước ra khỏi nhà bạt kín báo hiệu với người dân đã hoàn thành màn chém lợn.
Nhiều người dân Ném Thượng tỏ ra khá buồn khi chứng kiến màn chém lợn tế thánh không diễn ra như truyền thống mọi năm. Trong khi đó, đại diện tổ chức Động vật châu Á cho biết, tổ chức đánh giá cao những thay đổi của Ném Thượng khi chuyển màn chém lợn vào trong nhà kín. “Tuy nhiên con lợn vẫn bị giết và chúng tôi sẽ tiếp tục có những kêu gọi thay đổi, chấm dứt việc giết lợn trong lễ hội này”, đại diện tổ chức Động vật châu Á cho biết.
Quý Đoàn
Theo VNE
Bộ trưởng thị sát nơi diễn ra lễ hội có tập tục "đập trâu"
Sáng nay (18.3), Đoàn công tác của Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL) do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác tổ chức quản lý lễ hội năm 2015 tại tỉnh Phú Thọ, trực tiếp đến đối thoại với người dân xã Hương Nha và Xuân Quang - đây là hai địa phương tổ chức lễ hội cầu trâu gây bức xúc dư luận vừa qua .
Phú Thọ là một trong những địa phương có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của vùng đất tổ cần được bảo vệ, gìn giữ và phát huy. Trong những năm vừa qua, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ và chung tay của người dân nên công tác tổ chức, quản lý lễ hội của Phú Thọ được đánh giá tốt. Tuy nhiên, trong mùa lễ hội năm nay, cùng với lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, lễ hội cầu trâu ở Phú Thọ có tục "đập trâu" đã nhận được nhiều ý kiến phản đối của dư luận trong và ngoài nước. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng không nên duy trì tục "đập trâu" hay "chém lợn" này vì nó gây ra sự phản cảm, không phù hợp với xã hội hiện nay cũng như chủ trương duy trì, bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống của nước ta
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lắng nghe, chia sẻ với các cụ cao niên xã Hương Nha và Xuân Quang
Xuất phát từ thực tiễn trên, trong chuyến công tác này Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh đã có buổi trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của nhân dân, đặc biệt là các cụ cao niên trong hai xã Hương Nha và Xuân Quang xung quanh việc tổ chức và duy trì lễ hội cầu trâu có tục "đập trâu" gây bức xúc dư luận vừa qua.
Có nhiều ý kiến các cụ cao niên kiến nghị tới Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Cụ Phạm Dương Quỳ ( 78 tuổi, một vị cao niên, đại diện cho người dân xã Hương Nha) nói: Nguyện vọng và mong muốn của người dân Hương Nha chúng tôi là mong muốn cấp trên cho tiếp tục duy trì, tổ chức lễ hội cầu trâu. Vì đây là một lễ hội truyền thống có từ ngàn xưa mà ông cha để lại. Người dân chúng tôi cũng rất ủng hộ quan điểm của Bộ khi cho rằng cần cải tiến và xóa bỏ tục "đập trâu", để cho phù hợp, tránh sự phản cảm cũng như phản ứng của người dân ở trong và ngoài nước, phù hợp với hiện tại. Cũng theo ý kiến của cụ Phạm Dương Quỳ thì hiện nay, xã hội ngày càng phát triển và có nhiều thay đổi, con người ngày càng được trân trọng hơn và thiên nhiên, động vật cũng được quan tâm, bảo vệ hơn.
Cụ Đỗ Văn Chí (79 tuổi, đại diện cho những người dân xã Xuân Quang) chia sẻ, lễ hội cầu trâu có từ lâu đời, nhưng do chiến tranh nên đã bị gián đoạn. Đến năm 2000, theo ý kiến nguyện vọng của nhân dân trong toàn xã và hội người cao tuổi đề nghị với cấp trên cho dựng lại lễ hội cầu trâu. Năm 2001, lễ hội cầu trâu đã được phục dựng trở lại. Lễ hội cầu trâu là lễ mật, được tổ chức vào 12 giờ đêm, tổ chức trong nội bộ làng. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công ơn đánh giặc, giữ làng, giữ nước của các bậc tiền nhân khi xưa. Theo lời cụ Chí thì người dân Xuân Quang quê cụ có mong muốn và nguyện vọng tiếp tục duy trì lễ hội này, tuy nhiên cũng sẽ tiến hành nghiên cứu, xem xét để thay đổi hình thức, không đập trâu nữa. Người dân Xuân Quang hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là sẽ không duy trì tục dùng gậy, dùng búa đập trâu như lễ hội vừa qua.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh mong rằng sang năm tại sân đình này sẽ không còn tái diễn tục đập trâu nữa
Ông Chu Ngọc Anh,Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, những năm vừa qua, Phú Thọ cũng là một trong số những địa phương làm tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Tuy nhiên, trước những ý kiến phản đối, không đồng tình của đông đảo dư luận trong cả nước thời gian về tục đập trâu trong lễ hội của địa phương cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, văn hóa và con người đất tổ. Lãnh đạo địa phương qua trao đổi và làm việc với người dân cũng đã nhất trí loại bỏ, không duy trì tục đập trâu trong lễ hội này trong những năm tới.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rất vui mừng, phấn khởi khi thấy được sự đồng tình, ủng hộ của người dân với quan điểm, chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, như chúng ta đã biết, trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, thì tục đập trâu của Xuân Quang, Phú Thọ không còn là chuyện của địa phương nữa, nó đã vượt ra khỏi phạm vi của địa phương, nhanh chóng lan tỏa. Những hình ảnh phản cảm, mang tính bạo lực về tục đập trâu của Phú Thọ được đăng tải trên internet và phản ánh trên báo chí thời gian qua đã thực sự được phát tán rộng rãi. Nhiều người dân ở các địa phương khác không hiểu rõ về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của lễ hội này, của tập tục này, mà họ chỉ nhìn thấy, biết đến những hình ảnh phản cảm, bạo lực được trưng bày trên mạng. Do đó, theo Bộ trưởng, đây cũng là một khía cạnh mà chúng ta cần lưu ý trong công tác tổ chức.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, văn hóa, hay lễ hội đó là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta cũng rất quan tâm và có nhiều chính sách về vấn đề này. Trong đó có việc duy trì, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội truyền thống. Nhưng, bảo tồn và duy trì cần trên cơ sở chọn lọc, những gì phù hợp thì giữ lại, không phù hợp thì dứt khoát thay đổi, loại bỏ, "Chém lợn và đập trâu" là những tập tục, nhưng nay không còn phù hợp nữa thì ta nên bỏ thôi. Cần xem xét, nghiên cứu và lựa chọn phương thức tiến hành mới sao cho phù hợp hơn, văn hóa và nhân văn hơn, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa trong thời mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới hiện nay.
Người dân xã Hương Nha và Xuân Quang trình bày với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về lễ hội cầu trâu
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết, trong chuyến thị sát kiểm tra công tác lễ hội tại Bắc Ninh vừa qua, Lãnh đạo tỉnh cũng đã thống nhất và cam kết sẽ không để tái diễn cảnh "chém lợn" trước sân đình như báo chí vừa qua phản ánh. Và hôm nay, tại nơi diễn ra tục "đập trâu" chúng ta đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này, từ nay trở đi, tôi mong rằng sẽ không còn "đâm trâu", không còn "chém lợn" nữa.
Với sự vào cuộc quyết liệt của tư lệnh ngành văn hóa và quyết tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhân dân tin tưởng rằng trong thời gian diễn ra lễ hội năm nay và năm tiếp theo những tập tục không còn phù hợp với hiện tại ở các lễ hội sẽ không còn tái diễn như thời gian qua.
Sỹ Liêm
Theo Dantri
Lễ hội chém lợn: "Hãy để chúng tôi tự quyết" Người chủ trì cuộc họp về lễ hội chém lợn Ném Thượng liên tục ngắt lời các cụ cao niên, bởi quá nhiều cụ bày tỏ ý kiến phản đối việc chấm dứt nghi thức chém lợn và đổi tên lễ hội Hơn 1 tuần nay, người dân làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Tp.Bắc Ninh) sôi sục trước thông tin lễ hội của...