Dân Mỹ phản ứng với kết quả ’siêu thứ ba’: Dọn nhà qua Canada ở
Làn sóng dọn nhà qua Canada ở, tránh gặp Donald Trump đang rầm rộ ở Mỹ sau kết quả bầu cử sơ bộ ở một loạt bang trong ngày &’siêu thứ ba’, ít nhất là… trên mạng.
Trước đà thắng lợi của ông Donald Trump qua các cuộc bầu cử sơ bộ, trên mạng ầm ĩ chuyện “dời nhà sang Canada ở” – Ảnh: Reuters
Khi kết quả “siêu thứ ba” bắt đầu được công bố với thắng lợi vang dội của ứng viên Donald Trump (đảng Cộng hòa) và Hillary Clinton (Dân chủ), trên Google lập tức rầm rộ làn sóng… dọn nhà lánh nạn.
Lãnh đạo phụ trách số liệu của Google, ông Simon Rogers đã lên Twitter thông báo mức tăng đến 350% chỉ trong vòng 4 giờ của cụm từ tìm kiếm xuất phát từ Mỹ: “làm cách nào tôi có thể chuyển sang Canada sinh sống”.
Nhưng đó chưa phải là mức tăng cao nhất. Đỉnh điểm của làn sóng này đến 20 phút sau thông báo của Rogers.
Còn hướng dẫn của ông Norm Kelly, ủy viên Hội thành phố Toronto (Canada) trên Twitter với đường dẫn trỏ tới Cục di trú Canada nhanh chóng nhận được 32.000 cú hồi âm.
Cùng lúc, đường dẫn “Nộp đơn di trú ở Canada” đã được đưa lên Twitter hơn 29.000 lần trong vòng 24 giờ, theo BBC.
Nhưng không phải ai cũng cảm ơn ông Kelly cùng những người hữu ích tương tự. Hẳn là vì có quá nhiều cú click vào một đường dẫn mà trang web của chính phủ Canada (trong đó có hướng dẫn nộp đơn di trú kể trên) phải chạy dòng cảnh báo: “Trang web có thể chạy rất chậm. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề. Cảm ơn sự kiên nhẫn của bạn”.
Những tuyên bố gây sốc, những chính sách kỳ quặc và những lời bài xích khó chịu từ ứng viên cứ tưởng như đùa hóa thành sáng giá nhất của đảng Cộng hòa – ông Donald Trump – thời gian qua đã khiến nhiều người nói tới chuyện sẽ rời Mỹ nếu ông này được bầu làm tổng thống.
Video đang HOT
Cụm từ tìm kiếm “làm cách nào tôi có thể chuyển sang Canada sinh sống” tăng đột biến – Ảnh: Google Trends
Nhưng làn sóng ồ ạt dời nhà sang Canada… trên mạng hay ít ra là đe dọa điều đó hoặc tìm hiểu quy trình đó giữa những kỳ bầu cử tổng thống thật ra là… truyền thống lâu đời của người Mỹ.
“Làn sóng dời nhà sang Canada” tăng vọt nhất là sau khi ông George W. Bush được bầu làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 vào năm 2004. Lúc đó, Cục di trú Canada cho biết lượt truy cập vào trang web đã tăng đến 6 lần.
Nhưng thiên hạ có dời nhà thật sau các động thái ảo? Diễn viên điện ảnh Alec Baldwin có lẽ là người Mỹ “dời nhà” ầm ĩ nhất. Ở cái thời mạng xã hội còn chưa kịp ra đời, hộp thư điện tử của ông này muốn nổ tung giữa chiến dịch ồn ã của ông hồi năm 2000, bảo rằng Bush mà được bầu làm tổng thống, ông sẽ rời khỏi Mỹ. Trong khi ông Bush được bầu làm tổng thống thật, không chỉ một mà đến 2 lần, Baldwin vẫn chẳng đi đâu cả!
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Ngày thống trị của bà Clinton và ông Trump
Thắng lợi của bà Hillary Clinton không quá bất ngờ trong khi tỉ phú Donald Trump tiếp tục đẩy các chính trị gia Cộng hòa vào "cơn hoảng loạn".
Cục diện đường đua vào Nhà Trắng 2016 đang dần thành hình ? - Ảnh: Reuters
"Siêu thứ ba" 1.3 (giờ địa phương) là ngày quan trọng nhất trong mùa bầu cử sơ bộ chọn ứng viên đại diện cho đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng 2016.
Trong ngày này tại 12 tiểu bang và một vùng lãnh thổ đồng loạt diễn ra bỏ phiếu với đa số bang chứng kiến cuộc bầu chọn cho lưỡng đảng và một số ít chỉ tổ chức riêng cho Dân chủ hoặc Cộng hòa. Đúng như dự đoán, đây là một ngày hoành tráng cho cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỉ phú Donald Trump.
"Cuộc khủng hoảng" của đảng Cộng hòa
Có lẽ đã lâu lắm rồi kỳ bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống Mỹ mới khiến dư luận quốc tế quan tâm đến như vậy. Tất cả là vì sự xuất hiện của Donald Trump. Từ vị trí bị xem là một "anh hề chính trị" với những tuyên bố mang đậm màu sắc dân túy và cực kỳ gây tranh cãi, thậm chí làm mích lòng cả nhiều đồng minh Mỹ, ông vẫn cứ băng băng vượt qua các đối thủ với tốc độ vũ bão.
Theo CNN, kết quả thăm dò cho thấy ông Trump nhận được sự ủng hộ từ mọi nhóm cử tri của đảng Cộng hòa, từ đàn ông đến phụ nữ, từ cao tuổi đến nhóm vừa tốt nghiệp phổ thông. Đặc điểm chung của họ là tỏ ra vô cùng giận dữ với chính quyền liên bang hiện nay. Người Cộng hòa không ưa Tổng thống Barack Obama đã đành, họ cũng chỉ trích các chính trị gia của đảng mình dù kiểm soát được quốc hội nhưng vẫn "tỏ ra yếu ớt trước Nhà Trắng và góp phần gây bế tắc chính trị".
Đó là lý do cử tri bị lôi cuốn bởi phong cách mạnh bạo và những tuyên bố "khác lạ" của ông Trump. Thăm dò của ABC News cho thấy hơn 50% cử tri Cộng hòa năm nay cho biết đã "chán ngán" những chính trị gia có kinh nghiệm và muốn chọn người mới.
Trong mắt các chính khách hàng đầu của đảng Cộng hòa, để Trump đứng ra đại diện đảng tranh cử và thậm chí nếu ông bước vào Nhà Trắng sẽ là một cơn "ác mộng" thật sự.
Theo Reuters, đến nay vị tỉ phú vẫn chưa đưa ra ý tưởng chính sách nào rõ ràng mà nếu có thì toàn đi ngược lại những nguyên tắc chính sách kinh tế của đảng Cộng hòa như hủy bỏ các thỏa thuận thương mại của Mỹ, đánh thuế lên hàng nhập khẩu, tăng thuế đối với giới giàu có... Về ngắn hạn, đảng Cộng hòa lo là nếu Trump bước vào cuộc đua chính thức thì ông sẽ bị "thảm sát" bởi ứng viên Dân chủ.
Các phát ngôn khiêu khích và phong cách "khó ưa" của vị tỉ phú có thể sẽ gây phản cảm cho cử tri trung lập và họ sẽ dồn phiếu cho phía kia. Kết quả thăm dò của CNN cho thấy các ứng viên Dân chủ sẽ dễ dàng vượt qua tỉ phú Trump nếu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong thời điểm này.
Ngay trong ngày 2.3, Trump tiếp tục khiến chính giới Cộng hòa "nổi điên" khi ông đáp lại những chỉ trích của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan bằng một lời đe dọa: "Tôi chắc mình sẽ rất hợp với Ryan khi bước vào Nhà Trắng. Nhưng nếu không thì ông ta sẽ phải trả giá", theo Reuters.
Lo lắng là vậy nhưng những chính trị gia "thứ thiệt" của Cộng hòa dường như bất lực trong việc ngăn cản Trump. Một trong những lý do là họ quá chia rẽ. Đến nay vẫn còn tới 5 ứng viên giành giật vị trí đại diện đảng, so với 2 của Dân chủ và vẫn có những gương mặt uy tín như Thống đốc bang New Jersey Chris Christie tuyên bố ủng hộ Trump.
Ngày 2.3, CNN dẫn lời thượng nghị sĩ Ted Cruz "thống thiết" kêu gọi mọi thành phần trong đảng ủng hộ mình vì ông "là người duy nhất có thể cản chân Trump". Đó là lý do thượng nghị sĩ Jeff Flake phải thừa nhận "ai cũng đang hoảng loạn", còn một số chuyên gia thậm chí nhận định đảng Cộng hòa "đang trong cơn khủng hoảng hiện sinh".
Dù sao thì kết quả đến nay cho thấy cử tri đã thể hiện rõ ý chí của mình. Câu hỏi ở đây là liệu phe Cộng hòa, và có thể là cả nước Mỹ, đã sẵn sàng cho "kỷ nguyên Donald Trump" hay chưa.
Bà Clinton vững bước
Trái với sự gay cấn ở phía Cộng hòa, đường đua của đảng Dân chủ yên ả hơn hẳn với ưu thế vượt trội của ứng viên Hillary Clinton.
Sau ngày "Siêu thứ ba", bà càng tỏ ra quá mạnh so với thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Kể cả ở những bang phải nhường bước ông Sanders, cựu ngoại trưởng cũng chỉ thua với tỷ lệ sít sao. Sự tự tin được thể hiện rõ khi trong phát biểu hôm qua, bà Clinton đã bắt đầu dành thời gian chĩa mũi dùi vào đối thủ tiềm năng của đảng Cộng hòa.
"Thay vì xây tường ngăn biên giới, chúng ta sẽ tiến đến phá bỏ mọi biên giới lẫn rào cản và xây dựng những bậc thang của cơ hội và quyền lợi hợp pháp để mọi người Mỹ có thể sống hết khả năng của họ", Reuters dẫn lời bà Clinton tuyên bố.
Sau khi kiểm phiếu kết thúc vào chiều 2.3, bà Hillary Clinton chiến thắng tại 7 bang cộng thêm vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa, còn ông Bernie Sanders giành 4 bang.
Như vậy, bà Clinton đến nay đã có tổng cộng 1.005 suất cử đại biểu ủng hộ tham dự đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (25 - 28.7.2016), ông Sanders có 373 suất.
Người nào giành được ít nhất 2.383 trên tổng số 4.764 phiếu của các đại biểu sẽ đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống ngày 8.11.2016.
Về phía Cộng hòa, ông Donald Trump cũng thắng ở 7 bang, thượng nghị sĩ Ted Cruz lấy 3 bang và duy nhất bang Minnesota lọt vào tay thượng nghị sĩ Marco Rubio. Như vậy, ông Trump đã có 274 suất cử đại biểu tham dự đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa (18 - 21.7.2016), còn ông Cruz có 149 suất. Tổng số đại biểu là 2.472 và người chiến thắng cuối cùng phải giành được ít nhất 1.237 phiếu.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Cựu giám đốc CIA: Quân đội Mỹ có thể kháng lệnh Donald Trump Cựu giám đốc CIA cho rằng có khả năng quân đội Mỹ sẽ không làm theo mệnh lệnh của Donald Trump nếu tỷ phú này được bầu làm tổng thống Mỹ. Cựu giám đốc CIA Michael Hayden. Ảnh: AFP Cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden tin rằng quân đội nước này sẽ không tuân theo những mệnh...