Dân Mông Dương ‘nín thở’ chờ di dời
Nhiều hộ dân ở tổ 2, khu 1, P. Mông Dương, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh có nhà bị nứt cho rằng đây là hậu quả việc nổ mìn khai thác của mỏ than Mông Dương, yêu cầu Công ty than Mông Dương phải bồi thường.
Anh Nguyễn Huy Thưởng bên bức tường bị sập trong phòng ngủ.ẢNH: VNK
Sống gần khai trường của Công ty Mông Dương và một bãi thải khổng lồ, nhiều ngôi nhà của gần 30 hộ dân tổ 2 có móng bị lún, trần bị rạn, tường bị nứt, có thể thò tay qua vết nứt được. Một trong các hộ ấy là nhà anh Nguyễn Huy Thưởng, 35 tuổi.
Anh Thưởng cho biết, hơn một tháng nay phải ở nhờ nhà anh họ vì căn nhà 2 tầng của gia đình anh xuất hiện nhiều vết rạn nứt, một mảng tường lớn còn đổ sập vào giường ngủ sau một vụ nổ mìn trong mỏ chiều ngày 2.4, rất may không trúng vào ai. Anh Thưởng còn phải dùng gỗ chống lên trần cho khỏi sập và viết cảnh báo trên tường để người thân tránh xa.
Một người dân tổ 2 khác là ông Trần Văn Tuyến (60 tuổi) thì sống trong căn nhà ở khu tập thể xây dựng từ thời Pháp thuộc và chằng chịt vết rạn nứt, tường bếp nghiêng hẳn ra ngoài. Mỗi lần trong mỏ nổ mìn, cánh cửa lại rung lên bần bật, mọi người phải chạy ra ngoài. Ông Tuyến cho biết, gia đình sợ nhất là khi trời đổ mưa, những ngôi nhà trên cao nếu bị sập sẽ trôi luôn xuống dưới, chôn vùi các nhà khác. “Chúng tôi đang tiến thoái lưỡng nan, muốn chuyển đi thì không có tiền, mà ở thì nơm nớp lo sợ”, ông Tuyến than thở.
Tương tự hộ anh Thưởng, ông Tuyến, nhà chị Bùi Cẩm Thủy (33 tuổi) phải bỏ không một phòng ngủ vì móng nhà bị biến dạng, tường nứt lộ khe hơn 5 cm, có thể thò tay qua được. “Nhà tôi mới xây dựng năm 2011, khá kiên cố nhưng đã bị nứt, lộ cả dây điện ngầm, cánh cửa sổ không kéo vào được. Hai đứa con không dám ngủ trong phòng”, chị Thủy nói.
Video đang HOT
Hầu hết các hộ dân ở tổ 2 đều là công nhân của chính mỏ than Mông Dương nên tình trạng nứt nhà đã được phản ánh nhiều lần tới lãnh đạo mỏ và chính quyền địa phương. Theo anh Thưởng, gia đình anh là một trong 17 hộ dân của tổ 2 thuộc diện phải di dời trước mùa mưa bão năm 2016. Tuy nhiên, có nhiều hộ bị nứt nhà nhưng chưa được di dời như gia đình ông Tuyến, chị Thủy…
Ngoài chuyện nổ mìn khiến nhà bị nứt, những hộ dân tổ 2 còn cho biết phải sống trong cảnh ô nhiễm khi gió thổi bụi than mù trời, nhất là vào mùa hè oi nóng và mùa đông khô hanh. Thay vì quét sơn, vôi ve, các hộ dân đều ốp gạch hoa quanh tường để tiện việc lau chùi.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Bền, Phó giám đốc Công ty Mông Dương, việc một số nhà dân bị rạn, nứt không hẳn là do ảnh hưởng của mìn nổ, mà có thể còn do xây dựng lâu năm, xây dựng không có thiết kế, hoặc cơi nới, chắp vá.
Ông Bền cho biết, khu vực khai thác của công ty cách khu dân cư hơn 200 m, trong khi theo quy định thì công ty được phép nổ mìn trong bán kính 80m. Khi nổ mìn, doanh nghiệp này cũng thông báo với địa phương và người dân biết, nhưng từ ngày 13.4 đến nay, công ty cũng đã dừng nổ mìn theo yêu cầu của tỉnh Quảng Ninh.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc trên, ông Đinh Ngọc Chiến, Chánh văn phòng HĐND, UBND TP.Cẩm Phả, TP cho biết đã làm việc với Công ty Mông Dương về việc hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân, tổng số tiền dự kiến khoảng 30 tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang kiểm kê tài sản và lên phương án bồi thường cho 17 hộ dân di dời.
Vũ Ngọc Khánh
Theo Thanhnien
Cuộc tháo chạy trong đêm
Trời Mông Dương hôm qua đã bắt đầu hửng nắng nhưng người dân ở đây vẫn buồn rầu, lo lắng vì không biết cuộc sống sẽ ra sao khi nhà cửa mất sạch, trong khi một núi bùn đất từ bãi thải vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Người dân Mông Dương trở về nhà cứu đồ đạc sau trận lũ
Một tuần đã trôi qua, nhưng nỗi kinh hoàng về trận lũ bùn ập xuống đêm 26.7, vẫn còn nguyên trong tâm trí bà Trần Thị Lan, 54 tuổi, ở tổ 1, khu 4, P.Mông Dương, TP.Cẩm Phả. Bà Lan kể gần 20 giờ, cả nhà bà gồm 8 người đang ăn cơm thì nghe những tiếng ục, ục liên tiếp, rồi nước, bùn đất ập vào lưng nhà. Mâm cơm bị vùi ngay tức khắc, người cũng bị bùn đất ngập ngang thắt lưng. Cả nhà bà dắt nhau tháo chạy, nhìn lên thì thấy bùn đất từ Công ty than Cọc Sáu đang cuồn cuộn đổ xuống, các gia đình khác cũng túa ra đường, mạnh ai nấy chạy.
Ngồi bó gối nơi góc căn phòng, chị Nguyễn Thị Hợi (32 tuổi) buồn bã nói: "Nhà tôi 4 người nếu không có bà con hàng xóm cứu ra chắc hôm nay cúng tuần đầu rồi". Theo lời chị Hợi, nhà chị cạnh con đập 790 ngăn giữa khu dân cư và bãi thải, tối 26.7 chị bỗng thấy một tiếng động lạ, định chạy ra ngoài xem thì không thể đẩy nổi cánh cửa chính, ngó qua cửa sổ thì bùn đất đã chặn hết đường ra. Hàng chục thanh niên trong xóm phải phá cửa mới đưa được 4 người nhà chị sang tầng 2 nhà hàng xóm tá túc. Đêm kinh hoàng đã qua đi, nhưng cả chị Hợi lẫn hàng ngàn người dân ở đây vẫn lo sợ quả núi bùn đất lơ lửng trên đầu kia có thể ập xuống cả khu Mông Dương này bất cứ lúc nào.
300 người dân Mông Dương vẫn phải tá túc ở trạm y tế - Ảnh: Linh Linh
Tá túc tại nhà văn hóa phường, cụ Nguyễn Văn Hải (82 tuổi, ở tổ 2, khu 4, P.Mông Dương) ứa nước mắt nói: "Đời ông sống đến chừng này chưa thấy trận mưa nào kinh thế, nhà ông mất hết, mất sạch rồi, công lao, sức lực tích cóp cả một đời". Đang dở câu chuyện có tiếng người gọi với lên "ông Hải ơi xuống nhận hàng cứu trợ", ông chào tôi, gửi đứa cháu cho chị phụ nữ ngồi bên rồi lặng lẽ đi xuống dưới. Tôi biết ông đã ở tận cùng nỗi đau khi đến cuối đời mà ngôi nhà cũng không còn để ở.
Chúng tôi quay lại Trạm y tế P.Mông Dương vào sáng 1.8, mưa đã tạnh và trời đã hửng nắng. Một xe tải nhỏ ghé đuôi vào phía trước thềm của trạm, một tốp các chị ào xuống mở cửa thùng xe, từng chiếc túi đựng những hộp xốp được xách xuống. Hỏi một chị đang đếm từng chiếc hộp và ghi chép vào sổ tôi mới biết đây là cơm do bếp ăn của Công ty than Khe Chàm nấu phát miễn phí cho bà con trong nhiều ngày nay.
Theo chân một chị phát cơm, tôi lên tầng 2, nơi có 5 phòng cho bà con tá túc. Cơm được chuyển đến tay từng người. Thức ăn là lạc rang, thịt kho và canh cải. Chị Trần Thị Thu (34 tuổi) vừa mở hộp cơm, vừa nói: "Các chị cấp dưỡng Công ty than Khe Chàm chu đáo lắm, hôm nào cũng thay món để bà con dễ ăn, ăn no đấy nhưng nhớ nhà lắm". Ngồi gần cửa ra vào, một phụ nữ vừa dỗ con ăn cơm, nhưng thằng bé chừng 5 tuổi cứ lắc đầu đòi về nhà. Người mẹ nói khẽ: "Nhà ngập mất rồi còn đâu mà về", chú bé khóc òa lên: "Ngập con cũng về, con nhớ nhà mình lắm mẹ ơi"...
Rời trạm y tế chúng tôi trở lại con ngõ nhỏ nơi xảy ra trận lũ bùn. Ngay đầu ngõ bùn đã ngập ngang đầu gối. Nhìn vào phía trong, những căn nhà đều đang chìm sâu trong bùn đất, ngoài đường ngõ bao tải cát được xếp chồng lên rất cao để ngăn bùn đất tràn xuống dưới. Một anh công an ngăn chúng tôi vào bên trong với lý do, chỉ bước thêm chút nữa là bùn sẽ ngập ngang ngực rồi. "Chúng tôi phải lập chốt tại đây để ngăn người dân vì tiếc của có thể trở lại nhà rất nguy hiểm", anh công an nói.
Phạm Hải Sâm
Theo Thanhnien
Mưa lớn, đường phố Cẩm Phả bị ngập sâu Cơn mưa lớn kéo dài từ sáng sớm ngày 22.4 đã khiến một số tuyến đường ở TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh bị ngập sâu, có điểm ngập sâu 1m, khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng. QL18A qua cây xăng Quang Hanh bị ngập - Ảnh: Đức Hoàng Một đoạn dài trên QL18A qua địa bàn phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả bị ngập...